Trong bài viết “Sự nghiệp của một nhà thực vật học vĩ đại chưa được đánh giá đúng: Balansa Benjamin” trên Tạp chí Thực vật và Nông nghiệp nhiệt đới số tháng 5-6 năm 1942, tác giả Auguste Chevalier có viết “Chúng tôi đã rất tò mò nghiên cứu thông tin về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thực vật học-nhà thám hiểm này. Các cuộc thám hiểm của ông được thực hiện ở nhiều vùng đất trên toàn cầu. Chúng tôi chỉ tìm được các dữ liệu lẻ tẻ và không đầy đủ về các nhiệm vụ ông đã thực hiện. Chẳng có một thư mục tổng thể nào về sự nghiệp của ông…”.
Năm 1885, khi đó Balansa cũng đã nhiều tuổi, được Bộ trưởng Học chính Pháp cử đến Bắc Kì để nghiên cứu hệ thực vật và nông sản nơi đây. Ngay sau khi đến nơi, ông đã đi khắp các tỉnh và thu được nhiều tư liệu phục vụ việc tìm hiểu về hệ thực vật rất phong phú ở xứ sở này. Nhiệm vụ được giao này hoàn toàn không được trả công trong năm đầu tiên. Sau đó, nhờ vào khoản trợ cấp của Chính quyền Bảo hộ, ông đã có thể tiếp tục công việc nghiên cứu của mình[1].
Balansa đến Hải Phòng vào tháng 3 năm 1886. Từ tháng 4 đến tháng 6, ông đã di chuyển trong khu vực đồng bằng châu thổ Sông Hồng đến vùng phụ cận của Hà Nội. Ông dạo quanh Vịnh Hạ Long và đi dọc Sông Đà. Ông đã bị cuốn hút bởi đỉnh núi Ba Vì có độ cao 1400 mét. Ông đã lên núi và khám phá thảm thực vật rất thú vị. Balansa đã liên hệ với một số nhà thực vật học đến Bắc Kì trước ông và khuyến khích họ sưu tầm cho Bảo tàng[2]. Tuy nhiên, Balansa là người sưu tầm chủ yếu.
Tháng 3 năm 1887, một trang trại thực nghiệm được lập tại Thủ Pháp (Sơn Tây). Trang trại này hoạt động đến tháng 11 năm 1889 dưới sự điều hành của Balansa điều hành. Sau gần 2 năm ở Bắc Kì, ngày 27 tháng 7 năm 1887, ông viết cho Roumeguère, một dược sỹ- nhà hoá học thuộc Hải quân như sau: “Thảm thực vật ở xứ sở này thực sự là vô tận. Tôi mới ở đây khám phá Ba Vì được hơn 1 năm và còn lâu mới khám phá hết được. Chưa có chuyến đi nào trước đây của tôi mà tôi có thể thấy một nơi phong phú như vậy. Bắc Kì chắc chắn là một xứ sở có thảm thực vật phong phú nhất thế giới. Đây là một xứ sở tuyệt đẹp”.
Cùng thời gian đó Paul Beau, Tổng Trú sứ Trung Bắc Kì lúc đó, đã cử Balansa đi Java (Indonesia) để mang giống cây cà phê và canh ki na về. Khi ông quay lại thì Paul Beau đã qua đời. Tuy nhiên, việc trồng thử nghiệm giống cây vẫn được tiến hành. Cây cà phê được trồng thử tại Hà Nội và đưa cho một vài chủ đồn điền người Pháp(colon) để thử nghiệm. Những cây cà phê giống này là điểm khởi đầu cho việc canh tác cà phê ở Bắc Kì và sau đó vài năm, anh em nhà Borel đã cho thấy kết của đáng kể của cây cà phê ở các đồn điền của mình.
Riêng cây giống canh ki na được trồng tại Núi Ba Vì, ở độ cao khoảng 500 mét ven sông Đà, một nơi thích hợp cho việc trồng thử - một thung lung nhỏ quyến rũ, nơi có người Mán sinh sống, nhiệt độ không lạnh cũng không nóng để gây hại đến cây trồng. Cây canh ki na không phải giống cây duy nhất ông trồng thử ở Ba Vì. Balansa còn cho rằng Bắc Kì là nơi thuận lợi để canh tác cà phê và cây chè.
Ngày 22 tháng 12 năm 1888, Balansa viết đơn xin về Pháp nghỉ phép 6 tháng để sắp xếp và phân loại các sưu tập thực vật ông đã thu lượm được ở Bắc Kì từ ngày 2 tháng 7 năm 1885[3].
(Đơn xin nghỉ phép của Balansa. Nguồn TTLTQG1)
Sau khi trở lại Bắc Kì, ngày 28 tháng 7 năm 1889, trong báo cáo của mình gửi Thống sứ Bắc Kì, Balansa có báo cáo về các công trình ông đã hoàn thành, gồm có:
- Bài viết “Canh tác ở Bắc Kì” (Cultures au Tonkin). Đây là bài viết đầu tiên viết về tất các cây trồng có ở Bắc Kì. Bài viết này được đăng lại trên nhiều báo và tạp chí.
- Catalog các loài thực vật hạt kínở Đông Dương thuộc Pháp (Catalogue des graminées de l’Indochine èaise).
- Một báo cáo về cây gai gửi Thống sứ Bắc Kì Parreau.
- Các bài viết về Bắc Kì.
- Catalog các mẫu cây thu lượm được ở Bắc Kì từ năm 1885 đến 1889, hơn 30.000 mẫu cây. Đây là các tư liệu quý giá để viết về hệ thực vật của Bắc Kì.
Tháng 9 năm 1891, ông lên đường đi Chợ Bờ, cách Hà Nội 90 km theo Sông Đà. Ông không ngừng sưu tầm các loại cỏ cây ở các ngọn đồi trên đường đi. Ngày 16 tháng 10, ông viết cho vợ mình: “Anh đã đến Van - Yen[4] hôm qua, sau 3 ngày leo núi. Anh mệt đến mức phải cáng đi. Đây là lần đầu tiên điều này xảy ra trong các chuyến đi của anh… anh sẽ định ngày về Pháp khi anh về tới Hà Nội”.
Tiếc thay, về đến Hà Nội, Balansa ốm liệt giường và qua đời vào ngày 18 tháng 11 năm 1891. Tất cả các kết quả thu được về thực vật học của ông được chuyển về Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Paris.
Sáu năm ở Bắc Kì, Balansa đã khắc hoạ kí ức về một nhà thám hiểm dũng cảm, một nhà khoa học giỏi giang, một con người đơn giản và cực kì giản dị.“Ông cụ hiền hoà này, duy nhất chỉ có ông, không nước mắt, không bao giờ do dự lo lắng, đi vòng quanh vùng rừng rú, được tất cả mọi người kính trọng. Người dân Bắc Kì gọi ông với cái tên “ông Tây” (vieillard occidental). Ông chỉ có một đam mê đó là: thực vật và tham vọng là làm cho nó có ích.” – như đánh giá của Gustave Dumoutier, Giám đốc Sở Học chính Bắc Kì thời kì Balansa ở Bắc Kì.
Đỗ Hoàng Anh