Các triều đại phong kiến Việt Nam từ thế kỷ XI – XVI đều có chính sách khuyến nông và quan tâm đến công tác trị thủy. Từ thời Lê Trung Hưng trở đi, tình hình kinh tế – chính trị – xã hội ở nước ta diễn biến phức tạp… việc đê điều trị thủy ở Bắc Thành hầu như bị lãng quên.
Năm 1803 khi mới lên ngôi, vua Gia Long đã bắt tay vào việc ổn định chính trị, kinh tế và rất quan tâm đến việc trị thủy. Sách Đại Nam thực lục cho biết sau khi các quan ở trấn Bắc Thành tâu lên vua Gia Long rằng: “Thế nước sông Nhị Hà rất mạnh, đê bên tả, bên hữu ven sông thuộc Sơn Tây, Kinh Bắc, Sơn Nam Thượng nhiều chỗ vỡ lở, xin thuê dân sửa đắp đê chống lụt mùa thu. Lại thủ đạo nhiều nơi ứ tắc, xin hạ lệnh cho trấn tùy thế khơi vét”, Vua Gia Long đã cho sửa và đắp đê, đến năm 1806 lệnh xuống cho đắp thêm 110 đoạn đê mới ở các nơi như Sơn Nam Thượng thuộc huyện Thanh Trì, Gia Lâm, Văn Giang, tổng cộng 1.500 trượng (1 trượng bằng 0,4m dài). Năm 1809, vua Gia Long đặt chức quan Đê chính Bắc Thành (chuyên coi về đê điều Bắc Bộ) và cử bộ Binh Thượng thư Trần Đăng Thường làm Tổng lý và quan tham chính bộ Công Nguyễn Khắc Thiệu làm tham lý. Cũng từ năm 1809, vua Gia Long quy định: Cứ tháng 10 âm lịch hàng năm, các quan, phủ, huyện, trấn phải lần lượt đến kiểm tra lại đê, đê nào nên sửa đắp thì sửa đắp, đều khởi công vào tháng giêng hoặc tháng 2 đến tháng 4 là phải xong. Sau khi lên ngôi được 1 năm, vua Gia Long đã có chuyến thị sát đê Hà Nội và chuẩn chi ngay 80.400 quan tiền tu sửa và đắp thêm 7 đoạn đê mới.
Việc đê điều, trị thủy vẫn tiếp tục là vấn đề quan trọng được các triều vua tiếp theo của nhà Nguyễn như: Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức… hết sức chú trọng. Năm 1828, theo đề nghị của các quan, vua Minh Mệnh đã quyết định tăng thêm nhân sự cho Nha môn Đê chính và cho rằng vấn đề đê điều, trị thủy được đặt lên hàng đầu để vỗ yên dân chúng. Dưới triều vua Minh Mệnh (1820-1840) hầu như năm nào cũng có cuộc trị thủy lớn ở Bắc Thành, thậm chí có những công trình quy mô đến mức triều đình huy động hàng vạn người. Nay xem đầu nguồn của các đường sông ở Bắc Thành, Hưng Hóa thì có sông Thao, sông Đà; ở Tuyên Quang thì có sông Lô, sông Đáy; hai huyện Tiên Phong, Bạch Hạc thuộc Sơn Tây thì bốn sông hợp lưu vào sông Nhị rồi sau đó chia chảy ra biển. Trong khoảng đó, nước lũ chảy rất mạnh và nhanh không thể ngăn được.
Điều đáng nói nữa là bên cạnh những điều lệ thưởng phạt từ triều Gia Long, vua Minh Mệnh còn bổ sung nhiều điều luật chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn, chẳng hạn sự việc Hiệp trấn Sơn Nam Ngô Huy Viễn bị cách chức, Tham hiệp trấn Vũ Tiến Huân bị đánh 100 trượng và phát đi làm lính cơ còn Trấn thủ (cũ) Lê Công Lý mặc dù chết nhưng vẫn bị thu lại bằng sắc, tất cả do ăn bớt tiền công quỹ khiến cho đê mới đắp đã bị vỡ hoặc bị sạt lở.
Châu bản tập 24, tờ 200, năm Minh Mệnh 8 (1827) là một ví dụ:
Tạm dịch:
Thần là Nguyễn Hữu Thận, chức Hiệp tổng trấn Bắc thành cúi đầu dập đầu trăm lạy, cúi xin soi xét việc: Giờ Tỵ ngày 12 tháng này có tiếp tin cấp báo của bộ Hộ đến, kính phụng khoản 1 trong Thượng dụ rằng, căn cứ việc Bắc thành tấu báo lên: “Ở các trấn thuộc hạt ấy, nước sông dâng cao, tràn qua đê phòng lũ, ngập rất nhiều, xâm hại cả vào nhà cửa, ruộng lúa, dân chúng đói khổ. Việc đê điều của thành ấy quan hệ đến dân sinh, không hề tính toán phí tổn, đã bỏ mười vạn tiền lương để gia cố, tu sửa. Khi mùa hè mưa nhiều, nước sông đã thấy ngày càng dâng cao, sao không một mặt tấu báo lên trên, một mặt sức cho quan lại, binh dân đắp đất phòng bị, đã không biết dự phòng công việc trước, đến lúc lâm thời gặp nạn nước hoành hành, lại không phân phái quan viên tức tốc trù tính, mà những viên được ủy thác chuyên trách thì lại không biết cân nhắc công việc. Đến cả khi tấu báo sự việc, cớ sao không tức tốc cho ngựa đưa tin, khiến cho tại vạ đến dân chúng nặng nề như vậy? Thế hỏi trạm dịch đặt ra để làm hư màu ư?” Những lời ấy đã rõ hết các khoản, thần ở dưới cúi lạy mà không khỏi run sợ. Vào tháng 5 nhuận của năm nay, nước sông cứ dâng dần lên, thần đã cho hội đồng quan coi đê điều là Nguyễn Đức Hội cùng với quan viên của các trấn sở xem xét các đoạn đê công, sức lệnh cho dân chúng ở các xã nằm ven đường nước lũ phải dự bị đất đắp để phòng hộ đê. Đến thượng tuần và trung tuần tháng 5, nước sông đã tạm rút lại dâng lên trở lại. Thần bèn cấp tốc sức cho quan viên các trấn chia ra giám sát đê điều, đoạn nào bị ngấm lở thì đốc bắt dân phu hộ lại. Xét thế khó duy trì thì lập tức báo cáo lại để tiện phái binh lính dốc sức mà hộ trì. Thế nhưng vào ngày 23 tháng này, bỗng nhiên nước sông dâng nhanh gấp bội khi thường. Căn cứ lời báo lên của các trấn Sơn Nam, Bắc Ninh, Sơn Tây, Nam Định thì các đoạn đê công có chỗ đã bị lở xói, ngấm hết cả. Nước sông dâng cao quá mặt đê, có chỗ đến một thước rưỡi, có chỗ một thước, có chỗ năm tấc không đều nhau. Quan viên các trấn ấy hiện đã đốc suất dân binh hộ trì. Thần lập tức hồi đồng quan chuyên quản binh lính là Trương Văn Minh, phân phái các viên Chánh, Phó thống quản cơ Mười đem binh lính nhanh chóng đi dốc sức hộ trì. Sau lại tiếp quan viên các trấn Sơn Tây, Sơn Nam, Nam Định liên tục báo về rằng nước sông lên dữ, nhiều đoạn đê công bị phá lở hết cả. Nước sông lại dâng cao quá, tràn cả qua mặt đê, ngập hết cả đồng ruộng, lúa mạ đều bị ngập chết hết, nhà cửa thì trôi nổi, dân chúng cũng chết đuối. Thần lập tức cho xuất tiền chi cho các viên Lang trung đi xem xét tình hình rồi ước lượng mà phát chẩn. Đến ngày mùng 2 tháng này mới đem việc tấu báo lên. Sau đó, vào ngày mùng 3 lại cho quan nha binh tào là Nguyễn Đăng Tuân, Chưởng cơ thống quản Trung quân, trấn định cơ 10 là Nguyễn Văn Quyền đến trấn Sơn Nam khám xét tình hình đói kém và cho phát chẩn. Xét lại lần nước lũ ngập này, thần chỉ biết theo lệ mà làm, không tấu báo lên trước, khi tấu báo lại không cho ngựa trạm chuyển tấu cho nhanh, thật có nhiều điều không hợp việc, cần chịu khiển trách nghiêm. Thần xin cam nhận vạn tội. Còn như quan hộ tào kiêm việc đê điều là Nguyễn Đức Hội, Thị lang Nguyễn Khoa Minh, quan phát tải vận chuyển là Cai tào thiêm sự Hoàng Quýnh, Lang trung Phan Văn Phong, đã giao phái đi phát chẩn. Duy có Nguyễn Đức Hội là còn ở nha quan lo việc. Ngày mùng 5 tháng này, Nguyễn Khoa Minh về lại nha quan, ngày 13 Nguyễn Đức Hội phụng lệnh đi trấn Sơn Tây khám xét và trù tính việc phòng hộ đê điều cùng với phát chẩn cứu đói. Nay nước sông đã rút, nhưng nước ngập vào trong đồng ruộng vẫn còn ách ở đó. Thần đã sức Nguyễn Đức Hội cùng với các trấn quan trấn Sơn Tây, Sơn Nam, Nam Định xem xét các đoạn đê công, đoạn nào bị lở sụt thì cho đắp lại, đoạn nào thủng hở thì cho bồi lại, để khi nước trong các ruộng rút thì thì tránh nước xâm nhập vào làm ngập lại. Các việc cần làm như thế nào, thần sẽ xử lý thỏa đáng và tấu lên đầy đủ. Cúi dám mạo muội tấu lên, hầu mong đội ơn trên soi xét. Lâm sớ không khỏi sợ hãi. Cẩn tấu.
Ngày 16 tháng 7 năm Minh Mệnh 8 (1827)
Châu phê: biết rồi. Khâm mệnh.
Theo chúng tôi thống kê, thời vua Gia Long, khối lượng và chiều dài đê được đắp là 119.999 trượng và trên 30 cửa cống ở các trấn Vĩnh Thuận, Thọ Xương thuộc phủ Hoài Đức và trấn Sơn Nam Thượng. Trong 20 năm trị vì (1820-1840) khối lượng và chiều dài đê thực hiện dưới thời Minh Mệnh nhiều hơn các triều đại trước, đặc biệt vào năm 1827 với 28 đại công trường mở ra cùng lúc ở 4 trấn: Sơn Tây, Sơn Nam, Bắc Ninh, Nam Định với tổng dự toán 175.500 quan tiền. Năm 1829, đê Bắc Thành có 238.660 trượng (hơn 954 km), trong đó đắp mới 36.129 trượng (144,5 km) chưa kể hơn 400 km đê theo dạng “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Cho đến thời Tự Đức thì chiều dài, khối lượng của hệ thống đê Bắc Thành được đắp mới dưới triều Nguyễn bằng tất cả các triều trước cộng lại, lại làm thêm hệ thống thoát lũ, phân lũ ở phần hạ lưu, trung du sông Hồng.
Những nỗ lực trong công tác trị của thủy triều Nguyễn không chỉ giúp người dân sản xuất, trồng trọt, bảo vệ mùa màng, an cư lạc nghiệp mà còn giúp triều đình có những thành công lớn trong việc trị quốc, an dân.
Tài liệu tham khảo
1. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Mục lục Châu bản triều Nguyễn.
2. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, tập 24, tờ 200, Minh Mệnh 8 (1827).
3. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, tập 30, tờ 20, Minh Mệnh 10 (1829).
4. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, tập 39, tờ 154, Tựu Đức 5 (1852).
5. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập II, Nxb Giáo dục.
Ths. Hoàng Nguyệt