12:00 AM 10/02/2016  | 

Giới thiệu hai bản dụ của Vua Thiệu Trị lệnh cho Nội các về việc tăng cường nhân sự Quốc sử quán, để biên soạn các bộ sử đáng tin của đời thịnh trị, năm 1841. Hai bản dụ này là bằng chứng khẳng định sự quan tâm đến biên soạn chính sử của Vua Thiệu Trị, tuy thời gian trị vì của ông quá ngắn ngủi, nhưng ông đã cho biên soạn bộ Đại Nam liệt truyện (từ năm 1841), hoàn thành bộ Đại Nam Hội điển sự lệ vào tháng 6 năm Quý Mão (1843), tiếp tục soạn bộ Thực lục về liệt thánh khắc in từ năm 1844…

Từ khóa: Châu bản triều Nguyễn, Thiệu Trị, Nội các, Quốc sử quán, Viện Hàn lâm, Tổng tài, Phó tổng tài, Toản tu, Biên tu, Khảo hiệu, Đăng lục, Chính sử, Thực lục, Đại Nam liệt truyện…

Vua Thiệu Trị  tên thật là Nguyễn Phúc Tuyền, huý là Miên Tông và Dung. Sinh ngày 11 tháng 5 năm Đinh Mão (16.6.1807), Lên ngôi vào ngày 20 tháng Giêng năm Tân Sửu (11.2.1841) tại điện Thái Hoà. Mất ngày 27 tháng 9 năm Đinh Mùi (4.10.1847). Thời gian ngự trị 7 năm (1841-1847). Vua Thiệu Trị vốn người điềm đạm, siêng năng việc nước nhưng không đặt ra những việc mới. Mọi công việc nội trị và ngoại giao đều noi theo đời Vua Minh Mệnh, mong giữ gìn những thành quả đạt được, nối tiếp và hoàn thiện những công việc còn dở dang. Ông tiếp tục củng cố Quốc sử quán – cơ quan chuyên trách sưu tầm và biên soạn sử sách do Vua Minh Mệnh lập năm 1820.

Ngày 28 tháng 7 năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), để tuyển chọn quan chức cho Quốc sử quán, nhà Vua Thiệu Trị dụ Nội các rằng: “Nước nào cũng có sử chép, việc ấy đã có từ lâu. Sử, cốt chép lại chính sự để dạy bảo cho đời sau. Khoảng những năm Minh Mệnh [1820 – 1840], đã chọn sai các đại thần sửa làm bộ Thực lục của liệt thánh và của Hoàng tổ, Thế tổ Cao hoàng đế ta, cùng là tập Minh Mệnh chính yếu của Hoàng khảo, Thánh tổ Nhân hoàng đế ta, đều đã làm thành sách. Song, kể từ hơn 200 năm đến giờ, những công nghiệp của người trước như dựng nước, theo chí xưa, gây nên nghiệp vương, chăm lo nối nghiệp, những quy mô sáng tỏ to lớn, đã có thành hiệu. Trong ấy nào lễ nhạc, nào hình chính, tuỳ thời thêm bớt, đều có thể làm khuôn phép cho đời, tất phải khảo xét cho kĩ, đính chính tinh tường, cho nên cũng phải tốn nhiều năm tháng. Ta mới lên nối ngôi, rất nghĩ đến việc nối theo đức hay của người trước, để lại về sau lâu dài, phải nên kịp thời biên tập để thành bộ sử đáng tin của đời thịnh trị, mới có thể nối theo được chí của người trước mà thấy rõ đức sáng của tiền nhân. Nay chuẩn cho lấy Quốc sử quán làm nơi soạn sử. Về số nhân viên từ chánh, phó tổng tài cho đến các chức toản tu, biên tu, khảo hiệu, đằng lục, chuẩn giao cho đình thần hội đồng tuyển chọn sung vào để làm. Hết thảy các việc nên làm đều phải bàn luận cho kĩ, làm bản tâu lên, đợi Chỉ thi hành. Lại nữa, các nhân viên định lấy vào, không cứ là quan trong Kinh hay ngoài các tỉnh, người nào thực có tài năng về sử học, có thể làm nổi việc biên chép sử ấy, chuẩn cho được tiến cử, tâu xin sung vào để cho có chuyên trách”. (Nguồn: TTLTQGI, CBTN –  Thiệu Trị tập 9, tờ 78).

tin 23-1

Châu bản triều Nguyễn – Thiệu Trị tập 9, tờ 78

Ngày 12 tháng 11 năm Thiệu Trị 1 (1841), Vua Thiệu Trị ban dụ cho lấy Quốc sử quán làm nơi soạn sử. Về số nhân viên từ Chánh, Phó  Tổng tài, cho đến các chức Toản tu, Biên tu, Khảo hiệu, Đăng lục, chuẩn giao cho đình  thần hội đồng kén chọn sung vào để làm. Các nhân viên định lấy vào, không cứ là quan trong kinh hay ngoài các tỉnh, người nào thực có tài năng về sử học, có thể làm nổi việc biên chép sử ấy, chuẩn cho được tiến cử: “Sự hưng thịnh của một đời, tất phải có sử chép của đời ấy, cốt để thuật lại đức tốt của người trước mà lưu truyền lại cho đời sau. Nước nhà ta, vâng mệnh trời, mở vận nước, thánh thần truyền nối đã hơn 200 năm nay, các việc lễ, nhạc, hình, chính, tuỳ thời mà thêm bớt. Hoàng tổ, Thế tổ Cao hoàng đế ta, khai sáng cơ nghiệp trung hưng, chính mình làm cho trong nước thái bình, đất đai thống nhất, quy mô rộng xa. Hoàng khảo, Thánh tổ Nhân hoàng đế ta, gồm tài văn võ dọc ngang, sách lược rất rõ rệt, công liệt đáng nối theo, có thể chế chính đại công bằng, có tinh thần tác dụng co dãn, trong khoảng 21 năm, chính sự hay, pháp độ tốt, rành rành có thể ghi chép được. Năm Minh Mệnh 2 [1821] đã lập ra Sử quán, chọn sai các Nho thần để làm sách bộ thực lục của Liệt thánh và Hoàng tổ ta, bắt đầu từ Triệu tổ khi mới phát tích, đến các Liệt thánh gây nên cơ nghiệp ở cõi Nam, gọi là “Tiền biên”, từ trung hưng trở về sau, gọi là “Chính biên”. Các sử thần đã nhiều lần sửa chữa kỹ. Nhưng sử đáng tin của một đời thịnh trị còn phải khảo đính rất kỹ càng cho được thực chu đáo. Hoàng khảo, Thánh tổ Nhân hoàng đế ta, đức nhiều, công lớn, thấy chép ở các sách Minh Mệnh chính yếu, Tiễu bình phương lược, thì phép tắc quy mô lớn lao, tỏ rõ vằng vặc; mà cả đến khi đi, khi đứng, câu nói, việc làm đều được quan Tả sử ghi rõ. Điều mục còn nhiều, cũng nên kịp thời chép lại cả. Trẫm kính theo quy mô của đời trước, noi theo việc làm của người xưa, phải nghĩ việc tập hợp lại thành sách, để tỏ bảo cho đời sau. Đã có dụ cho Đình thần chọn cử các viên sung vào sở Thực lục cùng bàn rõ những điều khoản phải làm. Nay căn cứ tâu lên, đã giáng dụ cho làm theo rồi. Quan Giám tu Quốc sử quán hãy chờ sẽ chọn bổ. Trước đây nguyên xin chánh phó tổng tài mỗi chức đều một viên, nay truyền đặt thêm mỗi chức đều 2 viên. Cử Thái bảo Văn Minh điện Đại học sĩ là Trương Đăng Quế, Đông các Đại học sĩ là Vũ Xuân Cẩn từng phụng sung Tổng tài trong những năm Minh Mệnh; Thượng thư Bộ Công là Nguyễn Trung Mậu, Thự Thượng thư Bộ Lễ là Phan Bá Đạt từng dự tuyển. Nay truyền Trương Đăng Quế, Vũ Xuân Cẩn đều sung Khâm tu Tổng tài; Nguyễn Trung Mậu, Phan Bá Đạt đều sung Phó tổng tài. Bốn viên này có nhiệm vụ lo liệu chính ở bộ, mỗi người nhận gánh vác chức vụ của mình phải luôn qua lại, khi cần bàn bạc, đính chính phải làm cho chu thỏa. Còn các viên Toản tu trở xuống cho thôi làm công việc của bản nha, ngồi ngay ở Quốc sử quán biên soạn sách. Nếu vẫn giữ chức hàm bản nha mà chưa ổn, thì cho phụng sung Toản tu. Cho Thự Thị lang Bộ Công là Đỗ Quang bổ thụ Hàn lâm viện Trực học sĩ; Án sát Thái Nguyên có chỉ làm Thự Bố chánh Tô Trân thăng thụ Thái bộc Tự khanh; Án sát Nghệ An là Phạm Hồng Nghi thăng thụ Quang lộc Tự khanh; Lang trung Bộ Hình biện lý công việc của bộ là Vũ Phạm Khải bổ thụ Hồng lô Tự khanh, đều sung vào chức Toản tu. Trừ nguyên thụ hàm Viện ra, còn Thự Lang trung Bộ Hình Phạm Chi Hương bổ thụ Hàn lâm viện Thị độc học sĩ; Thự Binh khoa Chưởng ấn cấp sự trung Lưu Quỹ, Viên ngoại lang Bộ Lại sung chức Hành tẩu ở Viện Cơ mật Nguyễn Tường Vĩnh đều bổ thụ Thị giảng học sĩ Viện Hàn lâm;Thự Giám sát Ngự sử đạo An Hà Dương Duy Thanh, Thự Đốc học Nghệ An Nguyễn Thời Trị đều bổ thụ Thị độc Viện Hàn lâm; Thự Thị độc Viện Hàn lâm sung Nội các Hành tẩu Hoàng Trọng Từ truyền lập tức thực thụ nhưng không sung Nội các Hành tẩu phụng sung Khảo hiệu; Điển bạ Viện Hàn lâm tòng bộ thừa biện Đỗ Huy Diễm, Triệu Đăng Hữu, Nguyễn Huy Phan, Phạm Lân truyền thăng thụ Biên tu Viện Hàn Lâm; Chánh Bát phẩm Thư lại Lục bộ phụng sung Đằng lục, Thu chưởng  Lê Văn Huy, Nguyễn Công Thụy, Võ Văn Thành, Đặng Bá Quang  thăng thụ Kiểm thảo Viện Hàn lâm; Chánh Cửu phẩm thư lại Nguyễn Đăng Chấn, Lê Quang Hợp đều thăng thụ Điển bạ Viện Hàn lâm; Vị nhập lưu thư lại Trần Hữu Hiến, Hoàng Đức Trị, Nguyễn Đình Nhiễu đều bổ thụ cung phụng Viện Hàn lâm, lấy chính chức danh để cho có chuyên trách. Lần này đã được chọn cử ra, phàm các viên nhân làm việc này đều phải kính cẩn công việc đã giao, hết lòng khảo đính, làm thế nào cho nói không quá sự thực, mà việc có bằng chứng, càng làm cho công liệt của người trước được sáng thêm và để lại dạy dỗ cho người sau, làm bộ sử chép đáng tin của đời thịnh trị, mới không phụ lòng uỷ nhiệm của ta. Khâm thử”. (Nguồn: Trung tâm LTQGI, Châu bản triều Nguyễn –  Thiệu Trị tập 10, tờ 112).

b7-2

Châu bản triều Nguyễn –  Thiệu Trị tập 10, tờ 112

Như vậy, nội dung trên tờ 78, Thiệu Trị tập 9  và tờ 112 Thiệu Trị tập 10 thuộc Khối Châu bản triều Nguyễn hiện nay đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã khẳng định, Vua Thiệu Trị ngay khi mới nối ngôi, đã nghĩ đến việc nối theo những công việc Vua cha còn dang dở để kịp thời biên tập để thành bộ sử đáng tin của đời thịnh trị. Sử quán thời Thiệu Trị chủ yếu soạn tiếp bộ Đại Nam thực lục và khắc in từ năm 1844, đồng thời biên soạn bộ Đại Nam liệt truyện (bắt đầu soạn từ 1841). Nhà vua đã tăng cường nhân sự cho Quốc sử quán, truyền đặt thêm Tổng tài và Phó Tổng tài mỗi chức đều hai viên quan. Cử Văn minh điện đại học sĩ là Trương Đăng Quế, Đông các đại học sĩ là Vũ Xuân Cẩn cùng sung tổng tài, thượng thư Bộ Công là Nguyễn Trung Mậu, Thượng thư Bộ Lễ Phan Bá Đạt sung làm Phó Tổng tài, Thượng thư Bộ Công là Nguyễn Trung Mậu, Thượng thư Bộ Lễ Phan Bá Đạt sung làm Phó Tổng tài, cho Thự thị lang Bộ Công là Đỗ Quang Lâm làm Hàn lâm viện trực học sĩ, Án sát Thái Nguyên là Tô Trân làm Thái Bộc tự khanh, lang trung Bộ Binh là Vũ Phạm Khải làm Hồng Lô tự khanh đều sung chức toản tu, còn từ chức biên tu trở xuống đều cho đổi sang Viện Hàn Lâm. Dưới thời Thiệu Trị, Quốc sử quán được củng cố, mở rộng các chức danh, điều đó giúp cho công tác biên soạn lịch sử được tiến triển nhanh hơn./.

Tài liệu tham khảo:

  1. Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc, Nguyễn Phúc tộc thế phả, Nxb. Thuận Hóa- Huế 1995.
  2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục, tập 6, Nxb. Giáo dục, H.2205.
  3. Châu bản triều Nguyễn, Thiệu Trị tập 9, tờ 78
  4. Châu bản triều Nguyễn, Thiệu Trị tập 10, tờ 112

ThS. Đoàn Thị Thu Thủy