07:43 PM 20/10/2024  | 

Kinh thành Huế là thành trì của Kinh đô Huế, nằm ở phía bắc sông Hương với tổng thể kiến trúc được xây dựng trên một mặt bằng hơn 500 ha. Kinh thành là vòng tường ngoài cùng, lớn nhất trong ba vòng tường thành (Kinh thành, Hoàng thành, Tử Cấm thành) tại Kinh đô nhà Nguyễn.

Họa đồ việt hóa Kinh thành Huế trong Đại Nam nhất thống chí. Nguồn st.

 

Năm 1802, sau khi ban bố niên hiệu Gia Long, mở ra một triều đại mới, vị vua đầu triều Nguyễn tiếp tục chọn Phú Xuân làm Kinh đô cho một nước Việt Nam thống nhất.

Vua Gia Long từng dụ rằng: “Vương giả dựng nước đặt Kinh đô, tất lấy thành trì làm chắc” (1). Và với quan điểm thiên hạ đã định, muốn mở rộng đô thành để làm nơi bốn phương chầu hội. Vì thế, việc xây thành cho Kinh đô (Kinh thành) là ưu tiên hàng đầu. Năm 1803, vua Gia Long đích thân cùng các quan trong Giám Thành vệ khảo sát thực địa và quyết định đồ án xây dựng Kinh thành Huế.

Để việc xây dựng Kinh thành được thuận lợi nhất, trước đó nhà vua đã phái quân lính mở đường sá, làm đất cát, sai Phạm Văn Nhân, Lê Chất và Nguyễn Văn Khiêm trông coi công việc. Mở rộng Kinh thành ảnh hưởng đến đất ở và đất canh tác của nhân dân 8 làng nên vua Gia Long đã thực hiện chính sách: Dân cư tám xã Phú Xuân, Vạn Xuân, Diễn Phái, An Vân, An Hòa, An Mỹ, An Bảo, Thế Lại, có ruộng đất bị mở vào thì theo giá văn tự trả tiền lại, nhà cửa thì mỗi hộ cấp 3 quan, di chuyển mộ thì mỗi ngôi 2 quan, còn nhân dân thì được miễn dịch. Lại thấy rằng một xã Phú Xuân, ruộng đất gần hết, dời dân xã ấy sang xã Vạn Xuân, cấp ruộng công đất công cho ở (đất công 3 khoảnh, ruộng công hơn 30 mẫu), lại cho vay tiền 1.000 quan để giúp việc chuyển dời.(2)

Sau khi đền bù và giải phóng mặt bằng, đường sá đã mở xong. Ngày Quý Mùi, tháng 4 năm Gia Long thứ 4 (1805), bắt đầu xây đắp Kinh thành. (Suốt bốn mặt thành dài 2.487 trượng 4 thước 7 tấc, suốt bốn mặt hào dài 2.503 trượng, 4 thước 7 tấc; có 10 cửa, mặt trước là cửa Thể Nguyên, cửa Quảng Đức, cửa Chính Nam, cửa Đông Nam, bên tả là cửa Chính Đông, cửa Đông Bắc, bên hữu là cửa Chính Tây, cửa Tây Nam, phía sau là cửa Chính Bắc, cửa Tây Bắc; ở góc đông bắc đắp đài Thái Bình, thành (của đài) mở một cửa gọi là cửa Thái Bình, cửa đài gọi là cửa Trường Định; thân thành đài dài suốt 246 trượng 7 thước 4 tấc. Kỳ đài cao 4 trượng, 4 thước. Cửa Thể Nguyên sau đổi làm cửa Thể Nhân, cửa Thái Bình sau đổi làm cửa Trấn Bình).(3)

Nguồn nhân lực xây đắp Kinh thành gồm: biền binh lấy tại Kinh và ở Thanh Nghệ, Bắc Thành; quân và dân lấy ở Quảng Đức, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định sung làm việc.(4)

Để chuẩn bị đủ nguồn lực cho ngày khởi công xây dựng Kinh thành, triều đình đã gửi công văn đến các địa phương để chiêu mộ binh dân. Châu bản triều Nguyễn ghi chép:

Ngày 21 tháng 3 năm Gia Long thứ 4 (1805) Công Đồng truyền cho doanh Quảng Bình được rõ nay phụng chỉ xây đắp Kinh thành, vậy nên sức cho dân binh các loại 2388 người hạn đến ngày 20 tháng 4 có mặt tại Kinh, điểm danh khởi công.(5)

                                                         

Trang đầu bản truyền của Công Đồng ngày 21 tháng 3 năm Gia Long thứ 4 (1805) về việc lệnh cho quan doanh Quảng Bình điều dân binh về Kinh xây đắp Kinh thành.

Nguồn: TTLTQGI, Châu bản triều Nguyễn

 

Bản truyền của Công Đồng ngày 30 tháng 4 năm Gia Long thứ 4 (1805) truyền cho Công đường quan doanh Quảng Ngãi được rõ: nay đốc thúc 340 dân quân làm sưu dịch bồi đắp Kinh thành. Hạn đến ngày 10 tháng 5 có mặt tại Kinh ứng điểm khởi công.(6)

Ngày 21 tháng 5 năm Gia Long thứ 4 (1805) Công Đồng truyền cho Khâm sai Chưởng cơ làm Lưu thủ doanh Bình Định Huệ Ân hầu được rõ: nay phụng chỉ triệu về Kinh nên đem dân thuộc bản doanh về Kinh bồi đắp Kinh thành luôn thể.(7)

Việc xây dựng Kinh thành hết sức vất vả và nặng nhọc nên ngay từ ngày đầu bắt tay vào làm, vua Gia Long đã quy định chế độ tiền công không kể quân hay dân được thực thụ phần sưu, cho mỗi người mỗi tháng lĩnh 45 bát gạo to và 1 quan 5 mạch tiền, kể từ ngày đầu khởi công làm.(8)Bên cạnh đó giữ cho dân đỡ mệt, nhà vua hạ lệnh mỗi ngày buổi sáng làm đến giờ Ngọ thì nghỉ, buổi chiều làm đến giờ Dậu thì thôi, ai đau ốm thì cấp thuốc thang điều trị.(9)Không chỉ có vậy, vua thấy việc xây đắp Kinh thành nhân dân đến làm như con đến làm cho cha, nên lại gia ơn giảm 5 phần 10 tiền thuế thân và tiền đầu quan năm nay cho Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Ngoài ra còn giảm tiếp 5 phần 10  thuế biệt nạp sản vật cho cho Quảng Đức, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.(10)

Kinh thành ban đầu được đắp bằng đất nên chỉ từ tháng 4 đến tháng 8 đã xong, cho binh đinh làm việc về quê nghỉ ngơi, cấp cho lương đi đường hàng ngày. Khi đi đường có ai đau ốm thì cứ theo số ngày mà kế lãnh, không kể hạn đường. Lại thấy từ Nghệ An về Bắc đường sá xa cách, thưởng thêm cho binh đinh mỗi người 1 quan 5 tiền và từ đội trưởng trở lên 3 tháng lương tiền.(11)

Tháng 2, năm Gia Long thứ 17 (1818), nhà vua bắt đầu cho xây gạch Kinh thành. Đại Nam thực lục có ghi: “Xây gạch Kinh thành. Vua sai bọn Hoàng Công Lý, Trương Phước Đặng, Nguyễn Đức Sĩ, trông coi công việc. Làm 24 đài ở trên thành, phía trước là các đài Nam Minh, Nam Hưng, Nam Thắng, Nam Chính, Nam Xương, Nam Hanh, ở bên tả là các đài Đông Thái, Đông Trương, Đông Hoa (nay là Đông Gia), Đông Phụ, Đông Vĩnh, Đông Bình, phía sau là các đài Bắc Cung (nay là Bắc Định), Bắc Hòa, Bắc Thanh, Bắc Trung, Bắc Thuận, Bắc Điện, bên hữu là các đài Tây Thành, Tây Tuy, Tây Tĩnh, Tây Dực, Tây An, Tây Trinh” (12). Tháng 7, năm Gia Long thứ 17 (1818), mặt trước và mặt hữu Kinh thành xây xong. Tháng 3, năm Gia Long thứ 18 (1819), nhà vua tiếp tục cho xây mặt sau Kinh thành, đến tháng 5 năm ấy (1819) thì xong.

Vua Gia Long xây gạch Kinh thành hiện còn mặt phía tả chưa xong lâm bệnh nặng băng hà. Công việc còn lại này dành cho người kế nhiệm tiếp quản. Vua Minh Mệnh lên nối ngôi tiếp tục công việc còn dang dở của vua cha để lại.

Tháng 9, năm Minh Mệnh thứ nhất (1820), Kinh thành mưa lụt to, thành lở hơn 300 trượng. Nhà vua bảo bầy tôi rằng: “Trước Tiên đế có bảo trẫm: “Việc xây đắp Kinh thành không khỏi nhọc dân phí của, làm cho kẻ dưới ta oán. Ta cố đương lấy sự khó nhọc để rỗi cho con, nếu có chỗ nào chưa xong, thì nhân đấy mà làm xong đi”, Tiên đế băng, chỉ một việc ấy là kinh dinh chưa xong, nay lại lở sụt, đấy là trách nhiệm nối chí noi việc của trẫm”. Lập tức ra lệnh cho người giám sát tu sửa đắp lại(13).

Sau khi tu sửa lại thành trì bị sụt lở, mua xuân năm Nhâm Ngọ (1822), Vua ban dụ: “Kinh sư là nơi căn bản của nước. Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta khi võ công cả định thì bắt đầu dựng đô thành, dần dần xây đắp thêm mãi, cho nên uy thanh trấn áp mọi nơi, để lại cơ nghiệp muôn đời cho con cháu ta. Duy về mặt tả còn là thành đất chưa xây gạch đá. Trẫm kính noi nghiệp lớn, rất để tâm làm sáng tỏ công nghiệp tiền nhân. Nay nước nhà đương nhàn rỗi, chính là lúc nên sửa sang việc ấy để làm nơi căn bản vững nước, bảo dân. Vậy hạ lệnh theo đúng quy thức mà xây đắp” (14). Liền sai Đô thống chế Tiền dinh quân Thần sách là Nguyễn Văn Vân trông coi công việc xây đắp mặt tả Kinh thành dài 566 trượng 5 thước. Bên cạnh đó giao cho Chánh Đội trưởng Thị Nội Đoàn Văn Dương và Đội trưởng Phạn Văn Trường theo chỉ dụ chọn lấy 65 lính đi xây mặt tả Kinh thành. Vua phê chuẩn chi lương mỗi tháng 65 quan tiền 65 phương gạo(15).

 

Trang đầu bản tấu của Chánh đội trưởng Thị Nội Đoàn Văn Dương và Đội trưởng Phạm Văn Trường ngày 8 tháng 3 năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) về việc chọn binh lính xây đắp mặt tả Kinh thành.

Nguồn: TTLTQGI, Châu bản triều Nguyễn

 

Do khí hậu miền trung khắc nghiệt thường xuyên bị mưa bão, ngập lụt, đặc biệt là mùa đông năm 1822 mưa dầm làm ba mặt tường thành (tiền, hậu, hữu) bị sụt lở hết 2057 trượng. Tháng 3 năm 1823, vua Minh Mệnh bèn lệnh cho Trần Văn Năng, Nguyễn Văn Vân trông coi công việc tu sửa này(16). Việc tu sửa thành trì kéo dài đúng một năm mới xong. Vua dụ rằng: “Làm nhà tất phải làm tường vách, làm nước tất phải vững thành trì, đều là bất đắc dĩ mà làm thôi, chứ chẳng phải muốn làm mệt sức binh lính. Kinh sư là nơi căn bản, năm Gia Long bắt đầu xây dựng Kinh thành bằng gạch đá, phàm những tường ngọn, lầu canh pháo đài, quy chế đều đủ, mà công trình to lớn, chưa thể một lúc làm xong. Trẫm từ khi mới lên ngôi, sâu nghĩ cái nghĩa “cha đắp nền con làm nhà”, ba mặt thành lần lượt sửa xong, mà công lớn làm xong là ở lần này, cho nên đặc biệt khen thưởng hậu để đền cái công khó nhọc đã lâu của quan quân(17).

Tiếp đấy vị vua thứ hai của triều Nguyễn tiến hành cho xây dựng và hoàn thiện thêm các hạng mục: năm 1824, cho xây hai lầu cửa chính Đông và Đông Bắc với cầu cửa Chính bắc; năm 1829, xây lầu cửa các cửa chính Nam, Đông Nam, chính Tây, Tây Nam, Quảng Đức, Thể Nguyên; tháng 2 năm 1831, tu sửa lại kỳ đài ở Kinh thành (Trên đài đường rãnh nước, bốn bên xung quanh chỗ nào thấm nước nứt vỡ thì tu bổ lại, hai bên bậc cửa xây thêm lan can, mặt nền tầng trên thì lát gạch vuông) (18); tháng 3 năm 1831 xây gạch tầng thành thứ ba phía trong mặt trước của Kinh thành; tháng 4 năm 1831, xây đắp đợt thứ ba ở mặt trong phía tả của Kinh thành; năm Minh Mệnh thứ 13 (1832), xây bó phía mặt trong bên hữu  và mặt trong phía sau Kinh thành.

Tháng 5, năm Minh Mệnh thứ 13 (1832), công việc xây đắp Kinh thành đã hoàn tất. Vua bảo Nội các rằng: “Kinh sư là nơi khởi đầu giáo hoá mà Kinh thành lại càng quan trọng lắm. Hoàng khảo Thế  tổ Cao hoàng đế ta, sau khi bình định được cả nước, sửa sang gây dựng, quy mô rộng mở, ta kính nối nghiệp trước để chí noi theo. Ta nghĩ đi nghĩ lại mãi: có khó nhọc một lần mới được nhàn rỗi lâu, bèn để ý xếp đặt mưu tính lần lượt, đem hết thảy công trình xây dựng Kinh thành, đều sửa sang xây đắp lại cho thêm mới. Từ tiền công đến vật liệu trước sau đã chi đến hơn trăm nghìn vạn. Số tiền tiêu ấy thực không hạn lượng được. Nay toàn cục đã xong, công việc đã hoàn thành cả, thành trì bền vững, truyền lại hàng ức muôn năm, lòng Trẫm thực rất vui mừng. Vả lại công trình rất lớn, mà các quan văn, võ, quân lính đều biết sốt sắng làm việc công. Đã đành tôi con phục dịch dẫu không dám ngại khó nhọc, nhưng quân vương thì để tâm đến, có phần chỉ thương hơn mãi(19).

Vì vậy, vua Minh Mệnh lệnh ban thưởng cho bá quan văn, võ và binh lính để yên ủi công lao khó nhọc ấy. Các viên đổng lý về mặt hữu là Trần Văn Năng, Tống Phước Lương, Phan Văn Thuý, Nguyễn Văn Xuân, về mặt sau là Nguyễn Văn Trọng, Phạm Văn Lý, Đỗ Quý, Tôn Thất Bằng mỗi người được thưởng 2 tấm sa. Những chưởng cơ quản vệ kiêm coi 2 mặt về phía sau và phía hữu, cũng thưởng mỗi người 2 tấm sa. Và từ đổng lý đến suất đội, cộng hơn 130 người, đều thưởng kỷ lục 1 thứ, còn 9.500 biền binh, đều thưởng tiền lương 2 tháng. Lại sai những người phần việc dựng nhà rạp, bày yến tiệc 3 ngày ở phía đông ngoài thành, từ đổng lý đến suất đội chia làm 3 ban, theo ngày đến dự đông đủ. Đường quan bộ Binh lần lượt đi tuyên chỉ, ban yến và xem tuồng 3 ngày. Biền binh cũng ban cơm rượu, để được cùng vui(20).

Như vậy, công trình xây dựng Kinh thành Huế được khởi sự vào  tháng 4 năm 1805 với một lực lượng gồm ba vạn lính và dân phu lấy từ các dinh (tỉnh) thuộc miền Trung. Công việc kéo dài trong 27 năm (1805- 1832), có năm làm năm nghỉ, có năm tu bổ sửa chữa vì thiên tai lũ lụt phá hỏng, thường thực hiện trong mùa nắng. Lúc đông đảo nhất, lực lượng xây dựng tập trung trên tám vạn dân và lính. Có thể nói, đây là một công trình đồ sộ và quy mô nhất trong lịch sử Việt Nam cận đại.

Nguồn sử liệu và tài liệu Châu bản triều Nguyễn giúp chúng ta tìm hiểu được phần nào quá trình xây dựng Kinh thành Huế dưới thời các vua đầu triều Nguyễn. Hiện nay Kinh thành Huế là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.

 

Chú thích tài liệu tham khảo:

  1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 1, tr.885.
  2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 1, tr.504.
  3. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 1, tr.575.
  4. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 2, tr.575.
  5. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Gia Long.
  6. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Gia Long.
  7. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Gia Long.
  8. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Gia Long.
  9. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 1, tr.575.
  10. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 1, tr.578.
  11. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 1, tr.584.
  12. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 1, tr.879.
  13. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 2, tr.91.
  14. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 2, tr.182.
  15. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Minh Mệnh.
  16. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 2, tr.261.
  17. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 2, tr.321.
  18. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 3, tr.166.
  19. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 3, tr.374.
  20. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 3, tr.374.

 

 

 

 

 

Lê Thông