09:32 AM 08/04/2022  | 

Gần đây, chuyện dỡ bỏ tòa nhà Pháp cổ có tuổi đời khoảng 100 tuổi ở 61 Trần Phú đang thu hút sự quan tâm của nhiều người dân thủ đô. Công trình được các chuyên gia đánh giá là một cấu trúc công nghiệp mang dấu ấn kiến trúc hiện đại đầu thế kỷ 20 hiếm hoi còn lại nguyên vẹn ở Hà Nội. Khi việc dỡ bỏ hay bảo tồn công trình vẫn đang tiếp tục nhận được nhiều ý kiến trái chiều, chúng ta cùng đến với câu chuyện về “tiểu sử” các công trình kiến trúc Pháp ở Hà Nội qua một cuốn sách hay.

Một số trang sách trong cuốn Kiến trúc Pháp – Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội

Đến nay, đã có rất nhiều cuốn sách về Hà Nội nhưng kể về “lai lịch” của những công trình kiến trúc Pháp cổ thì “Kiến trúc Pháp – Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội” là một cuốn sách hiếm.

Bên cạnh hình ảnh, bản vẽ cách đây trăm năm của những công trình nổi tiếng như Nhà hát Lớn, cầu Long Biên, Viện Viễn Đông Bác cổ, ga Hà Nội, cuốn sách còn hé mở thông tin về những biệt thự “bí ẩn” đối với đa số người dân hiện nay, như biệt thự số 6 Hoàng Diệu.

Ngoài ra, hình ảnh, bản vẽ cùng thông tin văn bản liên quan quá trình xây dựng một số công trình đến nay không còn hoặc không còn nguyên vẹn như các biệt thự tại Trạm Vô tuyến điện Bạch Mai, khu đấu xảo, chắc chắn sẽ để lại cho người xem nhiều cảm xúc.

Về tác giả cuốn sách, bên cạnh đội ngũ biên dịch của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã có nhiều kinh nghiệm trong biên soạn sách tư liệu lưu trữ, trong lựa chọn khai thác nguồn tài liệu quý hiện bảo quản tại Trung tâm, lần đầu tiên Trung tâm Lưu trữ quốc gia I phối hợp biên soạn sách với Nhà báo Phúc Tiến, người từng làm một cuốn sách tương tự về Sài Gòn, đặc biệt hơn nữa, như Nhà báo Phúc Tiến viết trong cuốn sách: “Tôi là người Sài Gòn và chỉ bắt đầu làm quen Hà Nội từ năm 1984. Thêm nữa, tôi là người “ngoại đạo” về kiến trúc, chỉ là khách lữ say mê lịch sử”“bị cuốn hút bởi vẻ đẹp kì lạ của một thành phố Việt Nam hơn 1.000 tuổi đời nhưng lại mang khí vị Pháp”. Điều đặc biệt này cũng mang đến cho cuốn sách những góc nhìn thú vị, mới mẻ.

Sách được bố cục gồm 5 phần: Các kiến trúc tại quận Ba Đình và Tây Hồ; Các kiến trúc tại quận Hoàn Kiếm; Các kiến trúc tại quận Hai Bà Trưng và Đống Đa; Các kiến trúc tại khu Phố Cổ và bờ sông Hồng; Những công trình không còn nguyên vẹn.

Kể từ thời điểm phát hành (14/1/2022) đến nay, cuốn sách đã nhận được “cơn mưa” lời khen cùng sự đón nhận và yêu quý của nhiều độc giả. Nhà Sử học Dương Trung Quốc cũng đã dành nhiều tình cảm yêu mến và có một bài viết rất hay về cuốn sách này (https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=236027878704922&id=100068931350433).

Nếu bạn là một người yêu Hà Nội, hay quan tâm tìm hiểu về những công trình kiến trúc Pháp cổ thì chắc chắn bạn nên sở hữu một cuốn “Kiến trúc Pháp – Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội”. Cuốn sách cũng sẽ là cẩm nang du lịch không thể thiếu khi bạn muốn khám phá thưởng thức nét đẹp của Thủ đô.

 

“Cuốn sách lần này được xuất bản với đẳng cấp như “album nghệ thuật” với khổ sách lớn hơn, dày xấp xỉ 300 trang, bìa cứng có cả bìa bao. Nét nổi trội so với các ấn phẩm trước (của Trung tâm - nv) là bên cạnh những bản vẽ thiết kế là những tấm ảnh tư liệu được sưu tầm và lựa chọn kỹ cùng lời thuyết minh bằng 3 thứ tiếng (Việt-Pháp-Anh) do một nhà báo có nhiều kinh nghiệm kết hợp cả 2 phẩm chất nghiêm túc về khoa học và uyển chuyển về chữ nghĩa”.

Nhà Sử học Dương Trung Quốc

 

“Cuốn sách rất có giá trị về mặt tư liệu với những ai quan tâm tới kiến trúc Pháp cổ ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung”.

Nhà báo Thiên Điểu

***

Hướng tới Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4, Ngày Sách và Bản quyền Thế giới 23/4, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I có chương trình tri ân đặc biệt dành cho độc giả yêu ấn phẩm lưu trữ.

Chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu những cuốn sách thuộc chương trình trên website và fanpage Trung tâm.

Nhanh tay rinh ngay những ấn phẩm lưu trữ hot nhân dịp đặc biệt này các bạn nhé.

Chi tiết liên hệ: phòng Hành chính (chị Oanh 0915 444 858).

Một số hình ảnh trong cuốn Kiến trúc Pháp – Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội

 

Hồng Nhung