Ảnh 1
Hình ảnh bá quan quỳ chầu trước điện Thái Hòa
Nguồn: Phông Văn phòng Bảo Đại – Đà Lạt
Quan lịch được tiến vào Hoàng cung để phát cho Hoàng gia, đồng thời quan Lễ khoa đem lịch ban phát cho các quan ở Kinh thành Huế. Tại các nơi trong toàn quốc thì do địa phương quản theo lệ cấp phát lịch cho các quan viên sử dụng. Dân lịch phát xuống làng xã. Cuốn lịch đặc biệt dâng lên Vua gọi là Ngự lịch. Ngoài ra, còn cuốn Long phụng lịch để thờ tại Thái miếu, Thế miếu, Hưng miếu, Triệu miếu trong Đại nội và tại các lăng tẩm.
Lịch Hiệp kỷ được ban bố và sử dụng trong triều đình cũng như ở các địa phương mang tính chất pháp định. Tùy vào đối tượng sử dụng mà lịch Hiệp kỷ phân chia thành ba loại: Ngự lịch là lịch của Vua, Quan lịch là lịch của quan lại, Dân lịch là lịch của dân chúng. Việc phân biệt ba loại lịch nêu trên chủ yếu căn cứ vào hình thức bên ngoài, chất liệu in ấn và số lượng, còn nội dung bên trong không có nhiều sự khác biệt. Vì mỗi năm, Khâm thiên giám - Cơ quan nghiên cứu thiên văn, lịch pháp của triều Nguyễn chỉ có thể làm ra một bản lịch cho năm sau để ban hành trong toàn quốc.
Phan Kế Bính trong bài “xem ngày kén giờ” trích trong cuốn Việt Nam phong tục viết: “Mỗi năm ngày mồng một tháng Chạp, Hoàng đế ngự điện khai trào, các quan tòa Khâm thiên giám cung hiến Hiệp kỷ lịch, rồi khâm mạng Vua mà ban lịch đi khắp nơi. Lệ phát lịch, bao nhiêu văn võ quan lại cho đến tổng lý đều được. Từ quan tứ phẩm trở lên thì lịch có dấu ấn Kim bảo; còn ngũ phẩm trở xuống thì ấn dấu Giám. Còn dân gian thì mua lịch của Giám in ra mà dùng. Ban lịch trọng nhất là để cho thiên hạ biết chính xác tiết khí, tháng thiếu tháng đủ, ngày tốt ngày xấu để cho tuân hành được đều nhau” [1].
Về thời gian ban lịch vào “ngày mồng 1 tháng 12 làm lễ ban sóc. Những lịch thờ ở miếu điện, dâng lên Từ cung và lịch Vua dùng đều phải đưa lên. Lịch công thì do Bộ Hộ chiếu lệ ban cấp” [2]. Nghi lễ ban lịch ở các địa phương do “quan thành Gia Định và Bắc thành, sức cho quan các trấn mặc triều phục đến hành cung bái vọng làm lễ thụ lịch. Xong rồi đem những quyển lịch ở thành ra in theo lệ ban cấp chia công, chép ra làm phép thường. Lại chuẩn định: Các dinh trấn từ Bình Hòa trở ra, Thanh Hoa trở vào, lệ trước đều đến ngày mồng 1 tháng 12 ban lịch, quan bộ mới đưa giao lịch cho các trấn ấy” [3]. Sau này công việc ban lịch linh hoạt hơn, các dinh trấn được nhận lịch trước ngày mồng 1 tháng 12.
Nhập chú thích
Ảnh 2
Bản tấu của Bộ Hộ ngày 18 tháng Mười một năm Duy Tân thứ 2 (1908) ghi chép việc cấp lịch Hiệp kỷ năm Duy Tân thứ 3 (1909)
Nguồn: TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn
Thời Vua Duy Tân (1907-1916) trị vì, Khâm thiên giám làm riêng 1 quyển lịch có bìa bằng lụa đặc biệt gửi Hoàng phụ (tức Vua Thành Thái). Bản tấu của Bộ Hộ ngày 18 tháng Mười một năm Duy Tân thứ 2 (1908), về việc ban cấp lịch Hiệp kỷ năm Duy Tân thứ 3 (1909) viết: “Phụng biên gửi phát giao Tòa Khâm sứ chuyển đệ: Hoàng phụ, 1 quyển lịch bìa dùng thứ lụa 8 sợi tơ màu vàng, 10 quyển bảo lịch, 20 quyển quan lịch; 2 Nhị giai Tiết phi, Minh phi, mỗi người đều 3 quyển lịch, trong đó đều 1 quyển bảo lịch; 1 Tứ giai Khoan tần, 2 quyển lịch, trong đó 1 quyển bảo lịch; 1 Bát giai mỹ nhân, 1 quyển bảo lịch; 4 Hoàng tử, mỗi người 2 quyển lịch, trong đó 1 quyển bảo lịch; 6 Hoàng nữ, mỗi người 1 quyển bảo lịch; Phụng trực điện Long Ân, Quản vụ Thái giám Bùi Nhuận nhận chuyển đệ: 1 Nhị giai Khang phi, 4 quyển lịch, trong đó 1 quyển bảo lịch; 2 tam giai Khánh tần, Tuấn tấn, mỗi người 3 quyển lịch, trong đó 1 quyển bảo lịch; 1 thất giai quý nhân, 1 quyển bảo lịch; 2 bát giai mỹ nhân, mỗi người 1 quyển bảo lịch; 5 hoàng tử, mỗi người 2 quyển, trong đó 1 quyển bảo lịch; 8 hoàng nữ, mỗi người 1 quyển bảo lịch” [4].
Quan lịch là loại lịch ban cho quan lại trong triều đình và ở các địa phương, kể cả những vùng đất có quan hệ tông phiên với chính quyền triều Nguyễn lúc bấy giờ. Để ấn định số lượng công lịch ban cấp cho quan lại trong một năm, triều đình chủ yếu dựa vào phẩm trật cao thấp mà phát: “Phàm ban lịch thì quan chánh nhất phẩm 25 quyển, tòng nhất phẩm 23 quyển, chánh nhị phẩm 20 quyển, tòng nhị phẩm 18 quyển, chánh tam phẩm 12 quyển, tòng tam phẩm 10 quyển, tứ phẩm ấn quan 8 quyển (trên này trong có 1 quyển giấy nguyên giáp), tứ phẩm 5 quyển, ngũ phẩm 3 quyển, lục thất phẩm đều 2 quyển, bát cửu phẩm cùng vị nhập lưu đều 1 quyển” [5]. Đối với việc ban cấp công lịch hằng năm cho các địa phương, triều Nguyễn căn cứ vào quy mô của các tỉnh để phân hạng. Trong đó, “tỉnh lớn 70 quyển, tỉnh vừa 45 quyển, tỉnh nhỏ 30 quyển” [6]. Ở cấp phủ, huyện, triều đình quy định số lượng Quan lịch được nhận thống nhất trong cả nước với 5 quyển và 3 quyển tương ứng với mỗi đơn vị hành chính. Đặc biệt, việc ban lịch của vương triều Nguyễn còn được tiến hành đối với các quan viên, chức sắc đơn vị hành chính làng, xã hay các tổ chức trong quân đội: “phủ đều 5 quyển, huyện đều 3 quyển. Các quan mỗi đội cùng tổng, xã, thôn, phường ấp, tấn, bảo, đồn các xưởng thợ, phu miếu, các đàn, các hộ biệt nạp đều 1 quyển” [7].
Quan lớn nhận được nhiều lịch hơn quan nhỏ, với số lượng lịch quy định rõ ràng. Hằng năm mỗi khi đến kỳ tháng Bảy đã tư cho trong Kinh và các tỉnh xem xét phải cấp bao nhiêu lịch thì kê khai phúc trình về để bộ thần tập hợp thành bản sách, chờ được vâng ban cấp [8]. Ngày 15 tháng Mười một năm Tự Đức thứ 15 (1862), Bộ Hộ kê khai: “Các nha ở Kinh, gồm Ty vụ, Lục sự, Biên tu, Kiểm thảo, Ty giáo, Linh đài lang, Giám thừa, Y chánh, Miếu thừa, Điển sự, Tri bạ các viên hàm thất phẩm mỗi người được 2 quyển lịch. Các phủ nha, Ty vụ thuộc phủ các Bát phẩm, Cửu phẩm Thư lại Điển bạ, Đãi chiếu cung phụng, Y phó, Y sinh, Bút thiếp thức, học sinh Quốc tử giám, Vị nhập lưu thư lại, Lễ sinh hiệu và các người thừa biện, mỗi người được một quyển lịch. Thuộc lại ở các phủ hai người một quyển. Cung giám viện mỗi người một quyển. Các phủ, tỉnh, đạo ở ngoài, gồm Giáo thụ, Kinh lịch cùng Huấn đạo ngoài, mỗi người được 2 quyển. Bát Cửu phẩm cùng Vị nhập lưu Thư lại, Lễ sinh, Chiêm hậu, Lương y, tự thừa, điển ty, hậu bổ sai phái, mỗi người một quyển lịch. Tổng xã, thôn, phường cùng cửa quan, bến đò, đồn bảo, nha trạm, miếu phu, đàn phu, các hộ biệt nạp, mỗi người nhận 1 quyển lịch. Các vệ, cơ, đội, thự ngoài Kinh, mỗi đội thự cùng nhận 1 quyển lịch. Thiên hộ lệ theo Suất đội Vệ Cẩm y, Ca trưởng các Thự nhạc, mỗi người nhận 1 quyển lịch. Còn như, Thất phẩm Đội trưởng lệ cũ không có chia lịch. Ngoài Kinh, gồm Chánh phó ty tượng cùng tượng mục, mỗi người nhận 1 quyển lịch cùng mỗi Tượng cục nhận 1 quyển lịch. Quan tự ở Kinh, mỗi người nhận 1 quyển lịch. Trạm ở Kinh, Ngư hộ, Ty Hành nhân, mỗi người nhận 3 quyển lịch. Tể sinh 2 quyển lịch. Ấm tử được vào sổ Anh Danh, mỗi người 1 quyển lịch. Kinh tượng, Ty Pháp lục, Linh hựu quán, 2 ty Pháp lục và Đạo lục, Ty Tượng y, nhận 4 quyển lịch”[9].
Ảnh 3
Tháng 12 năm Minh Mệnh thứ 20 (1839), “đổi việc phát quan lịch cho Trấn Tây”
Nguồn: Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỉ, quyển 208, trang 1
Tháng 12 năm Minh Mệnh thứ 20 (1839), “đổi việc phát quan lịch cho Trấn Tây. Bộ Hộ tâu nói: cả hạt Trấn Tây đã lệ thuộc vào bản đồ sổ sách của triều đình, quan Phiên đều nhận quan chức của triều đình. Vậy việc ban cấp số quan lịch há nên nhất thiết nệ theo lệ còn là nước Phiên như năm trước (Lệ cũ: 1 quyển quan lịch, 100 quyển dân lịch). Xin nên coi như những lưu quan, liệu giảm [phần nào] mà phát: (Mỗi năm phát cho: Quận chúa 10 quyển, Huyện quân mỗi người 9 quyển, Chưởng vệ mỗi người 8 quyển, Vệ uý mỗi người 5 quyển, Quản cơ và Phủ huyện mỗi người 3 quyển, Suất đội và Chánh đội trưởng, Đội trưởng theo làm việc trong hạt mỗi người 1 quyển). Vua y lời tâu” [10].
Lịch Hiệp kỷ không những được ban phát đến quan dân trong nước mà còn được ban cấp cho cả thần dân các vùng đất phiên thuộc. Năm Giáp Thìn (1844), lần đầu tiên Vua Thiệu Trị ban lịch cho hai nước Hỏa Xá và Thủy Xá. Xưa gọi hai nước Thủy Xá và Hỏa Xá là Nam Bàn, là dòng dõi Chiêm Thành ở phía Tây núi Thạch Bi. Thời kỳ đầu, triều Nguyễn cho là địa giới giáp Phú Yên, nên 5 năm một lần sai người đến nước đó ban cho các phẩm vật[11]. Bản phụng thượng dụ của Nội các ngày mồng 3 tháng Mười hai năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) ghi chép sự kiện gia ân ban lịch Hiệp kỷ năm Ất Tỵ (1845) cho 2 nước Thuỷ Xá, Hoả Xá, mỗi nước 1 quyển quan lịch và 50 quyển dân lịch. Nhưng do Bộ Hộ phát giao cho tỉnh Phú Yên chuyển về ban cấp [12].
[1] Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, NXB Văn hóa Thông tin, H. 2005, tr. 403.
[2] Nội các triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ, tập 15, NXB Thuận Hóa, Huế. 1993, tr. 471.
[3] Nội các triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ, tập 15, NXB Thuận Hóa, Huế. 1993, tr. 473-472.
[4] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.
[5] Nội các triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ, tập 15, NXB Thuận Hóa, Huế. 1993, tr. 443.
[6] Nội các triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ, tập 15, NXB Thuận Hóa, Huế. 1993, tr. 443.
[7] Nội các triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ, tập 15, NXB Thuận Hóa, Huế. 1993, tr. 443.
[8] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.
[9] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.
[10] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, tập 5, Nxb. Giáo dục, HN 2007, tr.623.
[11] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, tập 6, NXB Giáo dục, H. 2007, tr. 94.
[12] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.
Thu Thủy