– Tạo điều kiện bảo tồn các di sản tư liệu bằng những kỹ thuật phù hợp nhất;
– Hỗ trợ tiếp cận các di sản tư liệu trên toàn cầu;
– Nâng cao nhận thức trên toàn thế giới về sự tồn tại và tầm quan trọng của Di sản tư liệu;
– Cảnh báo chung các chính phủ và công chúng trong việc bảo tồn và tiếp cận các Di sản tư liệu.
Di sản tư liệu là một thuật ngữ được sử dụng bởi MOW để chỉ những tài liệu, tư liệu có giá trị đặc biệt, có ảnh hưởng rộng lớn trên thế giới. Về hình thức, Di sản tư liệu có thể ở dạng văn bản như: bản thảo, sách, báo, áp phích, thư từ, tập tin máy tính…; các bản vẽ, bản đồ, bản nhạc, sơ đồ, đồ họa… được ghi lại bằng bút mực, bút chì, sơn, con số hoặc các chất liệu khác; tài liệu nghe nhìn như: đĩa âm thanh, băng từ, phim, ảnh… Vật mang tin có thể là giấy, nhựa, da, lá cây, vỏ cây, đá, vải, kim loại… thậm chí kể cả tư liệu ảo như trang web và các tài liệu số khác.
Chương trình Ký ức thế giới (MOW) được quản lý bởi một cấu trúc gồm ba cấp: quốc tế, khu vực và quốc gia.
– Ủy ban tư vấn quốc tế (International Advisory Committee viết tắt là IAC) là cơ quan cao nhất có trụ sở chính tại Paris (Pháp), chịu trách nhiệm tư vấn cho UNESCO về lập kế hoạch, thực hiện Chương trình và giám sát hoạt động của các Ủy ban cấp khu vực và quốc gia.
– Cấp khu vực bao gồm 5 Ủy ban khu vực là Châu Phi, Châu Âu và Bắc Mỹ, Châu Á và Thái Bình Dương, Mỹ Latinh và Caribe, Liên đoàn Ả rập.
– Hiện nay đã có khoảng gần 100 quốc gia thành lập Ủy ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới.
Hội nghị của Ủy ban tư vấn quốc tế theo chu kỳ nhóm họp hai năm một lần, có nghĩa rằng các đề cử sẽ đệ trình năm trước (năm chẵn) và được xét duyệt công nhận vào năm sau (năm lẻ). Như vậy các đề cử mới nhất thuộc chu kỳ 2014-2015. Giai đoạn này, Ủy ban đã tiếp nhận ban đầu 88 hồ sơ đệ trình của 61 quốc gia đến từ tất cả các châu lục. Sau một thời gian xem xét, sàng lọc bởi các chuyên gia lỗi lạc của Ủy ban tư vấn đến từ nhiều quốc gia và nhiều lĩnh vực khác nhau trên thế giới. Từ ngày 4 đến ngày 6 tháng 10 năm 2015, tại Abu Dhabi – Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, hội nghị toàn thể Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO đã công bố 47 đề cử mới của 40 quốc gia chính thức được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu thế giới. Phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova đã nói: “Đó là niềm tin sâu sắc của tôi rằng Chương trình Ký ức thế giới đã làm tốt công việc dẫn dắt của mình để bảo tồn các di sản tư liệu đem đến các lợi ích hiện tại và tương lai trong tinh thần hợp tác quốc tế và sự hiểu biết lẫn nhau, xây dựng hòa bình trong tâm thức của mọi người dân trên thế giới”. (Nguồn: www.unesco.org)
Sau đây là danh sách 47 đề cử mới được công nhận năm 2015:
1. Những “cuốn sách” cổ xưa nhất của châu Âu bằng giấy cói (papyrus) Derveni: đây là các cuộn giấy cói bị đốt cháy dở dang được tìm thấy trong ngôi mộ của một nhà quý tộc tại Derveni, Macedonia, phía bắc Hy Lạp năm 1962. Các tài liệu này ghi chép các luận thuyết triết học và các bài thơ ngụ ngôn Orphic về sự ra đời của các vị thần. Đây là những bằng chứng mới về tôn giáo và triết học của Hy Lạp khoảng năm 340 TCN, dưới thời trị vì của vua Philip II của Macedonia. Đây cũng là bản thảo cổ xưa nhất của Châu Âu.
Nước đề cử: Hy Lạp
2. Tài liệu lưu trữ của làng Skolt Sami vùng Suonjel Suenjel: Skolt Sami là ngôi làng của người Sami, một tộc người bản địa Finno-Ugric sống ở khu vực Bắc Cực phía Bắc các nước Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan và bán đảo Kola của Nga. Đây là các tài liệu lưu trữ duy nhất trong cộng đồng bản địa ở đây gồm các Sắc lệnh được ban hành bởi các hoàng đế Nga và Chính phủ Hoàng gia, trong đó khẳng định quyền lợi của cộng đồng dân làng Skolt Sami trong việc đánh bắt cá và chăn nuôi tuần lộc trên lãnh thổ của họ.
Nước đề cử: Phần Lan.
Tài liệu của làng Skolt Sami hiện bảo quản tại Lưu trữ quốc gia Phần Lan
3.Tài liệu đại diện cho sự khởi đầu và phát triển sớm của phong trào Cải cách được khởi xướng bởi Martin Luther: Martin Luther (1483-1546), một cựu tu sĩ và giáo sư thần học Augustinô. Ý định ban đầu của ông là cải cách Giáo hội Công giáo La Mã, nhưng những hành động của Luther đã dẫn đến một sự chia rẽ trong Giáo Hội và chia tách thành các nhánh Tin Lành và Công giáo. Những cải cách của ông đã dần phát triển thành hiện tượng xã hội và chính trị lớn ảnh hưởng không chỉ ở Châu Âu mà còn trên toàn thế giới.
Nước đề cử: Đức
4. Bút tích của Nhạc sĩ Johann Sebastian Bach trong bản Thánh ca “Mass in B minor”: đây là tác phẩm hợp xướng cuối cùng của Johann Sebastian Bach gồm 99 trang chưa kịp hoàn thành cho đến năm 1749, một năm trước khi ông qua đời. Ngay từ thế kỷ XIX tác phẩm này đã được ca ngợi là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất trong lịch sử âm nhạc. Ngày nay tác phẩm này cũng được biểu diễn và ghi âm nhiều nhất trong âm nhạc cổ điển.
Nước đề cử: Đức.
5. Bút tích của Nguyên soái Douglas Haig trong Nhật ký Thế chiến thứ nhất 1914-1919: Chiến tranh thế giới thứ nhất đã ảnh hưởng sâu sắc đến các quốc gia tham chiến trong suốt thế kỷ 20. Trong nhật ký của mình, Nguyên soái Douglas Haig, chỉ huy cao nhất của quân đội Anh đã đưa ra cái nhìn sâu sắc về các quyết định được thực hiện và mối liên hệ giữa ông và các tướng đồng minh khác. Đây là những thông tin tốc ký xác thực hiếm hoi của một vị chỉ huy cấp cao trực tiếp trong chiến tranh ghi chép về sự kiện này cho đến nay.
Nước đề cử: Anh.
6. Các giấy tờ của Churchill: đây là sưu tập hồ sơ lưu trữ cá nhân của Ngài Winston Churchill (1874-1965), Thủ tướng nước Anh trong Chiến tranh thế giới thứ 2. Bộ sưu tập bao gồm các tài liệu cá nhân và nhà nước về chính trị, văn học, thư từ, kể cả bản thảo viết tay có ghi chú và chú thích cho các bài phát biểu nổi tiếng của ông; các chương trình phát sóng, tài liệu về quan hệ của ông với các chính trị gia, nhà văn và các nhân vật hoạt động xã hội hàng đầu của thời đại; các giấy tờ về sự kiện từ cuộc chiến tranh của người Phi gốc Hà Lan tới Chiến tranh lạnh.
Nước đề cử: Anh.
7. Bức thư bằng vàng của vua Alaungphaya của Myanmar gửi tới vua George II của Vương quốc Anh năm 1756: đây là bức thư được làm bằng vàng nguyên chất và trang trí bằng 24 viên hồng ngọc có giá trị thẩm mĩ rất đặc sắc. Nội dung bức thư là một đề nghị thương mại từ vua Alaungphaya và lời chào bằng tiếng Anh gửi đến vua George II. Bức thư được bảo quản trong 1 chiếc ngà voi rỗng để vận chuyển đến nước Anh. Tuy nhiên sau hành trình gần 2 năm, năm 1758 nó đã đến được nước Anh nhưng chưa được hồi đáp. Hiện nay bức thư nằm trong bộ sưu tập thư viện của Wilhelm Leibniz Gottfried ở Hanover (Đức).
Nước đề cử: Đức, Anh và Myanmar
Bức thư bằng vàng nguyên chất và trang trí bằng 24 viên hồng ngọc
8. Thư mục Bodmeriana (1916-1971): với hơn 150.000 bản thảo, sách in, bản vẽ và các mảnh khảo cổ học tại Thư viện Bodmer là kết quả của gần một thế kỷ thu thập, nghiên cứu của Martin Bodmer, trong khoảng thời gian 1916 – 1971. Bộ sưu tập đặc biệt này là một trường hợp duy nhất trên thế giới giải thích khái niệm “Văn học thế giới” của Goethe bằng cách biên dịch những văn bản cổ có uy tín của các tên tuổi lớn trong văn học, tôn giáo, lịch sử, khoa học từ tất cả các nền văn minh lớn từ buổi bình minh của văn bản cho đến thế kỷ XX.
Nước đề cử: Thụy Sĩ.
9. Sách Henryków: là cuốn biên niên tiếng La tinh về lịch sử tu viện dòng Xitô ở Henryków -Lower Silesia từ 1227 đến 1310. Đây là nguồn tư liệu duy nhất về quá trình trao đổi văn hóa thời kỳ trung cổ có ảnh hưởng mạnh mẽ với hình dạng của thế giới trong tương lai. Đây cũng là cuốn sách xuất hiện sớm nhất ngôn ngữ Ba Lan cổ.
Nước đề cử: Ba Lan.
10. Tập tin và thư mục của giáo phái Đoàn kết anh em (Unity of the Brethren): đây là các tài liệu về một giáo phái Kitô bắt nguồn từ trước cải cách của linh mục và triết gia Jan Hus (1369-1415), người khởi xướng phong trào Hussite kêu gọi tự do tôn giáo và công bằng xã hội, chống lại những giáo lý cực đoan của nhà thờ Công giáo thế kỷ 15 tại Séc và Ba Lan. Các tài liệu này còn phản ánh các hoạt động của những người có ảnh hưởng lớn đến hệ thống văn hóa và giáo dục của châu Âu.
Nước đề cử: Ba Lan
11. Codex purpureus Rossanensis: là bản thảo kinh Phúc Âm của Thánh Matthew và Mark có niên đại Hy Lạp thế kỷ V-VI. Bản thảo này còn được biết đến trên toàn thế giới với sắc đỏ đặc biệt của nền giấy, mực viết bằng bạc và vàng phát sáng. Đây là một trong những bản viết tay cổ nhất minh họa cuộc đời và giáo lý của Chúa Kitô.
Nước đề cử: Italia
Bản thảo với sắc đỏ của nền giấy, mực viết bằng bạc và vàng phát sáng
Bản thảo với sắc đỏ của nền giấy, mực viết bằng bạc và vàng phát sáng
12. Bộ sưu tập niên giám của Barbanera: là bộ niên giám theo lịch mặt trăng từ năm 1762 đến năm 1962. Đây là bộ sưu tập đầy đủ nhất mang tính phổ quát về cách tính lịch thiên văn ở nhiều quốc gia trên thế giới cho đến khi ra đời các hình thức hiện đại hơn.
Nước đề cử: Italia
13. Mappa Mundi của Albi: là một trong những tập bản đồ cổ nhất thế giới còn bảo tồn được đến ngày nay. Chúng được tìm thấy trong bộ sưu tập các tài liệu có giá trị của Nhà thờ Sainte-Cécile tại thành phố Albi, miền Tây Nam nước Pháp. Các bản đồ này được vẽ trên giấy da dê hoặc da cừu khoảng giữa thế kỷ thứ 8, kích thước 27 x 22,5 cm, mô tả 25 quốc gia của 3 lục địa gồm các hòn đảo ở Địa Trung Hải, một phần của châu Phi, châu Á bao gồm cả Trung Đông. Đây được coi là các bản đồ không gian đầu tiên trên thế giới.
Nước đề cử: Pháp
14. Tài liệu lưu trữ của Louis Pasteur: Louis Pasteur (1822-1895), nhà hóa học, vi sinh vật học nổi tiếng người Pháp. Nhiều công trình khoa học của ông đã được công nhận và ứng dụng rộng rãi trên thế giới. Bộ sưu tập này là các tài liệu về các thí nghiệm và các công trình nghiên cứu khoa học lớn của ông do Thư viện quốc gia và Viện Khoa học Pháp công bố.
Nước đề cử: Pháp
15. Phim hoạt hình chuyển động của Émile Reynaud: Năm 1892, Charles-Émile Reynaud (1844-1918), một nhà phát minh người Pháp khai trương một loại hình giải trí mới tại Bảo tàng Grévin ở Paris. Đây là những hình ảnh hoạt hình chuyển động đầu tiên được trình chiếu làm tiền đề cho việc phát minh ra loại hình nghệ thuật điện ảnh sau này. Đây cũng là khởi đầu của loại phim dạng dải băng đục lỗ được sử dụng đến ngày nay.
Nước đề cử: Pháp và Séc
Poster quảng cáo show trình diễn đầu tiên của Reynaud
16. Bộ sưu tập dữ liệu ngôn ngữ đa dạng của thế giới tại Viện Lưu trữ Ngôn ngữ Hà Lan: gồm 64 bản tài liệu số âm thanh, hình ảnh và văn bản tài liệu của 102 ngôn ngữ. Đây là bộ sưu tập duy nhất các mẫu đa dạng về ngôn ngữ và văn hóa của thế giới được lưu trữ dưới dạng kỹ thuật số từ năm 2000 đến năm 2014.
Nước đề cử: Hà Lan
17. Thánh ca Utrecht: là một kiệt tác quan trọng của nghệ thuật Carolingian, đây là bản thảo có giá trị nhất ở Hà Lan, nổi tiếng với 166 hình ảnh minh họa sinh động đi kèm theo từng bài thánh ca. Các bản thánh ca này ra đời trong khoảng thời gian từ năm 1000-1640 ở Anh và có ảnh hưởng sâu sắc đến nghệ thuật Anglo-Saxon, tạo ra trào lưu gọi là “phong cách Utrecht”. Nó đã được sao chép ít nhất ba lần trong thời Trung Cổ. Sau đó 1 ấn bản đã được thực hiện năm 1875 và 1 bản vào năm 1984.
Nước đề cử: Hà Lan
18. Từ vựng ngôn ngữ bản địa từ các nước tân thế giới dịch sang tiếng Tây Ban Nha: đây là 12 tài liệu độc đáo gồm từ vựng và từ điển các ngôn ngữ bản địa khác nhau dịch sang tiếng Tây Ban Nha cuối thế kỷ thứ 18. Tài liệu này cung cấp những thông tin phong phú về 35 ngôn ngữ bản địa của nhiều dân tộc khác nhau tại châu Mỹ và châu Á, trong đó một số đã không còn tồn tại. Đây chính là các tài liệu gốc rất quý giá để nghiên cứu về lịch sử văn hóa và ngôn ngữ của các dân tộc này.
Nước đề cử: Tây Ban Nha
19. Bản thảo các bình luận về sách Khải huyền (Apocalypse) của Beatus của Liébana trong truyền thống Iberia: đây là các luận thuyết được biên soạn bởi một nhà sư, nhà thần học và địa lý học tên là Saint Beatus (khoảng năm 730 – 800 sau Công nguyên) của Liébana thuộc khu vực phía Bắc Tây Ban Nha. Beatus tập hợp các bài viết và bình luận về sách Khải Huyền (cuốn cuối cùng trong bộ Kinh Tân ước) như một cuốn sách dành cho nghiên cứu tu viện bao gồm cả chữ viết, tranh và con số. Bản thảo này được coi là đẹp nhất và độc đáo nhất của nền văn minh phương Tây thời Trung Cổ.
Nước đề cử: Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha
Bản đồ thế giới được vẽ lại năm 1050, một trong những minh chứng về luận thuyết của Beatus, hiện lưu giữ tại Tu viện Saint-Sever ở Aquitaine (Pháp)
20. Sobornoye Ulozheniye năm 1649: là một bộ luật được ban hành năm 1649 bởi đế chế Sa hoàng Alexis của Nga thay thế cho các bộ luật dưới thời Ivan IV thế kỷ 15. Đây là bộ luật chính thống điều chỉnh các mối quan hệ xã hội tại nước Nga trong suốt hơn 200 năm.
Nước đề cử: Liên bang Nga
21. Tài liệu liên quan đến những thành tựu nổi bật nhất của Roland Eötvös: Roland Eötvös (1848-1919) nhà vật lý học người Hungari. Ông được biết đến với những sáng chế về khối lượng hấp dẫn, quán tính, sức căng bề mặt và con lắc xoắn. Eötvös đã sử dụng một sự cân bằng xoắn cho các thí nghiệm của mình, cho phép nâng cao độ chính xác của phép đo lên đến 1/200.000.000. Các tài liệu này minh họa khái niệm ban đầu Eötvös đã được áp dụng thành công vào thực tế và đưa đến những ứng dụng mới sau này.
Nước đề cử: Hungari
22. Bản ghi âm đầu tiên của nhân loại của Édouard-Léon Scott de Martinville (khoảng năm 1853-1860): Édouard-Léon Scott de Martinville (1817-1879) là một thợ in người Pháp sống tại Paris đã phát minh ra thiết bị ghi âm thanh sớm nhất và được cấp bằng sáng chế tại Pháp năm 1857. Đây là sưu tập gồm 50 bản ghi âm và bản thảo có liên quan về việc thu âm giọng nói và âm thanh đầu tiên trên thế giới.
Nơi đề cử: Hiệp hội sưu tầm âm thanh (ARSC)
23. Aleppo Codex: Bản thảo Kinh Cựu ước cổ nhất của người Do Thái. Bản thảo đầu tiên được cho là viết từ thế kỷ thứ 10, sau nhiều năm lưu lạc năm 1958 được tìm thấy ở Israel bởi 1 người Do thái tên là Murad Faham. Hiện nay bản kinh này được lưu trữ tại Đại học Hebrew ở Jerusalem.
Nước đề cử: Israel
24. Tài liệu về Thần học của Isaac Newton: Isaac Newton (1643-1727) là một nhà vật lý, thiên văn học, triết học, toán học, thần học người Anh, được cho là một trong những nhà khoa học vĩ đại có ảnh hưởng nhất thế giới. Các tài liệu này cung cấp những thông tin đầy đủ hơn về quan điểm tôn giáo cũng như mối liên hệ của ông với xã hội và thế giới xung quanh thế kỷ 17-18. Tài liệu cũng cung cấp nhiều thông tin để nghiên cứu về lịch sử tri thức, khoa học và tôn giáo ở Châu Âu.
Nước đề cử: Israel
25. Al-Masaalik Wa Al-Mamaalik: một trong những cuốn sách địa lý quan trọng nhất từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ 10 của Kỷ nguyên Hồi giáo, trong đó mô tả các điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị của vùng đất Hồi giáo từ Ấn Độ đến châu Phi, có kèm theo một số bản đồ.
Nước đề cử: Iran và Đức
Sách Al-Masaalik Wa Al-Mamaalik hiện được bảo quản tại Bảo tàng quốc gia Iran
26. Kulliyyāt-i Sa’di: Sa’di là một nhà thơ, nhà văn lớn người Iran sinh năm 1210. Trong lĩnh vực thơ ca và văn học Ba Tư, Sa’di chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng, những sáng tác của ông là mẫu mực của kho tàng trí tuệ và kiến thức uyên bác. Đây là bản trích các tác phẩm của Sa’di gọi là Kulliyyāt gồm các câu chuyện ngụ ngôn, châm ngôn và những bài thơ nổi tiếng của ông.
Nước đề cử: Iran
27. Tōji Hyakugō Monjo: đây là bộ sưu tập tài liệu lưu trữ lớn chứa trong một trăm chiếc hộp được bảo quản tại đền Tōji ở Kyoto, Nhật Bản. Bộ sưu tập này bao gồm 24.147 hồ sơ có niên đại từ năm 763 đến 1711 liên quan đến các hoạt động chính trị và tôn giáo cũng như sự quản lý đất đai của ngôi đền.
Nước đề cử: Nhật Bản.
Một tài liệu về đất đai của ngôi đền Tōji
28. Trở về cảng Maizuru – Tài liệu liên quan đến việc giam giữ và hồi hương của người Nhật (1945-1956): Sau khi thất bại trong chiến tranh thế giới thứ 2 năm 1945, ước tính có khoảng 600.000 đến 800.000 binh lính và thường dân Nhật Bản đã bị giam giữ trong các trại cải tạo ở Liên Xô cũ. Bộ sưu tập gồm các tài liệu, thư từ, nhật ký liên quan đến việc giam giữ và hồi hương của những người Nhật sống sót từ các trại cải tạo trong thời gian từ năm 1945 đến năm 1956 do Bảo tàng Tưởng niệm những người hồi hương ở Maizuru lưu giữ.
Nước đề cử: Nhật Bản
29. Tài liệu lưu trữ “Tìm kiếm gia đình ly tán” phát sóng trực tiếp trên Chương trình đặc biệt của Đài Truyền hình KBS Hàn Quốc: gồm 20.522 hồ sơ được phát sóng trực tiếp bởi hệ thống phát thanh truyền hình Hàn Quốc trong chương trình đoàn tụ các gia đình bị ly tán từ ngày 30 tháng 6 đến ngày 14 tháng 11 năm 1983. Bộ sưu tập gồm 463 băng ghi hình của 453 giờ 45 phút chương trình phát sóng, tạp chí của nhà sản xuất, băng ghi âm và hình ảnh. Chương trình đã được truyền hình rộng rãi tại Hàn Quốc và nhiều nơi trên thế giới nói về vết thương sâu sắc trong mỗi cá nhân và gia đình do chiến tranh lạnh để lại.
Nước đề cử: Hàn Quốc.
30. Mộc bản khắc in về Nho giáo: gồm 64.226 tấm gỗ được chạm khắc thủ công để in 718 đề mục tác phẩm viết vào thời đại Joseon (1392-1910) của 305 dòng họ và các học viện Khổng giáo tại Hàn Quốc. Nội dung bao quát các lĩnh vực văn học, chính trị, kinh tế, triết học… được xây dựng trên nền tảng đạo đức Nho giáo.
Nước đề cử: Hàn Quốc.
Mộc bản hiện bảo quản tại Trung tâm Nghiên cứu Yeongga ji Hàn Quốc
31. Tài liệu về vụ thảm sát Nam Kinh: đây là các tài liệu ghi chép về vụ thảm sát do binh lính Nhật Bản gây ra với thường dân ở Nam Kinh (Trung Quốc) năm 1937-1938. Ngoài ra còn có các tài liệu liên quan đến việc điều tra sau chiến tranh và xét xử tội phạm chiến tranh của Toà án quân sự Trung Quốc năm 1945-1947 và của cơ quan tư pháp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1952-1956.
Nước đề cử: Trung Quốc
32. Tài liệu lưu trữ về Hội nghị Á-Phi (AAC): là tập hợp các tài liệu, hình ảnh và phim liên quan đến Hội nghị được tổ chức tại Bandung (Indonesia), từ ngày 18 đến ngày 24 tháng 4 năm 1955. Đây là Hội nghị quốc tế đầu tiên của các quốc gia Á-Phi, nhằm thúc đẩy hòa bình thế giới, tự do và hợp tác từ chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc. Hội nghị có sự tham dự của 29 quốc gia châu Á và châu Phi.
Nước đề cử: Indonesia
33. Cột đá khắc 4 ngôn ngữ Myazedi: Nằm ở thành phố lịch sử Bagan, cột đá Myazedi có 4 mặt, mỗi mặt khắc một thứ ngôn ngữ gồm Pyu, Mon, Myanmar và Pali. Đây được coi là văn bản cổ nhất của ngôn ngữ Myanmar ghi chép các vấn đề lịch sử, kinh tế, tôn giáo, văn hóa của đất nước Mi-an-ma thế kỷ 12.
Nước đề cử: Myanmar
34. Các bản thảo cổ nhất được bảo quản tại Lưu trữ quốc gia Georgia: đây là bộ sưu tập các tài liệu lịch sử chính để nghiên cứu các giai đoạn khác nhau của lịch sử Georgia (nay thuộc Gruzia), đồng thời cũng là những tài liệu cổ nhất về văn hóa Byzantine (Đế quốc Đông La Mã).
Nước đề cử: Gruzia
35. Tài liệu lưu trữ của các thương nhân Assyrian cổ đại của Kültepe: gồm 23.500 tấm đất sét ghi chép phương ngữ Assyria cổ, được tìm thấy trong các cuộc khai quật khảo cổ từ năm 1948 tại Kültepe (thuộc Thổ Nhĩ Kì). Tài liệu mô tả chi tiết cuộc sống xã hội, các giao dịch thương mại, các mối quan hệ cá nhân và gia đình của cư dân Assyrian giai đoạn thiên niên kỷ thứ 2 trước Công nguyên. Đây là những văn bản sớm nhất minh họa lịch sử Anatolia cổ đại.
Nước đề cử: Thổ Nhĩ Kì
36. Bức điện của Áo-Hung tuyên bố chiến tranh tại Serbia ngày 28 tháng 7 năm 1914: Bức điện được gửi từ Bộ trưởng Ngoại giao Áo-Hung Count Leopold von Berchtold lúc 11h10 và người nhận là Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Serbia Pashitch lúc 12h30 đánh dấu sự khởi đầu của cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất. Bức điện tín là một bằng chứng quan trọng của ngoại giao thế giới về cuộc chiến bi thảm nhất trong lịch sử loài người này.
Nước đề cử: Serbia
37. Bộ sưu tập của Moses và Frances Asch: là bộ sưu tập các tài liệu, âm thanh, hình ảnh của Folkways Records, một trong những hãng thu âm có ảnh hưởng nhất của thế kỷ XX. Folkways Records thành lập năm 1948, được dẫn dắt bởi Moses Asch (1905-1986) người có đóng góp rất lớn trong việc đưa âm nhạc dân gian vào dòng văn hóa chính thống Mỹ. Bộ sưu tập bao gồm các thư từ của ông, lời bài hát, bản vẽ và các tác phẩm trong chuỗi thu âm The Woody Guthrie Papers do Trung tâm Di sản văn hóa dân gian Viện Smithsonian lưu giữ. Đây được coi là bộ “Bách khoa toàn thư của âm thanh” trong thế kỷ XX.
Nước đề cử: Hoa Kỳ
38. Bản Tuyên ngôn nhân quyền (UDHR) năm 1948 của Mexico: đây là các tập tài liệu về lý lịch tư pháp được đệ trình và xét xử bởi tòa án liên bang Mexico trong thời gian từ 1869 đến 1935. Đây là bằng chứng cho sự ra đời của một tổ chức pháp lý kết hợp với hệ thống hiến pháp ở các nước khác nhau trên thế giới về bảo vệ quyền cá nhân. Phạm vi bảo hộ bao gồm quyền sở hữu, quyền tự do công khai, bình đẳng, quyền bảo mật và quyền sống của người dân Mexico và người nước ngoài.
Nước đề cử: Mexico
39. Tác phẩm của Fray Bernardino de Sahagun (1499-1590): Bernardino de Sahagun là một tu sĩ dòng Phanxicô, linh mục truyền giáo và nhà dân tộc học người tiên phong trong việc truyền đạo Công giáo tại thuộc địa của Tây Ban Nha mới (nay là Mexico). Sinh ra tại Sahagun Tây Ban Nha, ông đã đến Mexico năm 1529 và đã dành hơn 50 năm trong việc nghiên cứu tín ngưỡng, văn hóa và lịch sử Aztec. Các tác phẩm của ông là những nghiên cứu về dân tộc học lớn tại Mexico giữa thế kỷ 16.
Nước đề cử: Mexico và Italia
Tác phẩm của Bernardi hiện được bảo quản tại
Thư viện quốc gia về nhân chủng học và lịch sử tại Florentine (Ý)
40. Tranh vẽ và bản đồ về cuộc chiến của Liên minh 3 nước: đây là cuộc chiến giữa Liên minh 3 nước Brazil, Argentina và Uruguay chống lại nước Cộng hòa Paraguay. Cuộc chiến để lại dấu ấn rất sâu sắc trong lịch sử Nam Mỹ và là một trong những cuộc xung đột đẫm máu nhất và lâu dài nhất tại châu Mỹ thế kỷ XIX. Cuộc chiến đã xác định lại biên giới các quốc gia trong khu vực sông Plate gồm Paraguay, Brazil, Argentina và Uruguay.
Nước đề cử: Braxin và Uruguay
Tranh của họa sĩ Pedro Américo vẽ một trận chiến tại Paraguay
41. Tài liệu của giáo phái Salesian ở vùng Amazon Ecuador 1890-1930: là bộ sưu tập các ảnh chụp âm bản gốc phản ánh quá trình truyền giáo của các linh mục và nữ tu sĩ dòng phái Sa-lê-điêng vùng Amazon của Ecuador giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Nước đề cử: Ecuador
42. Tài liệu lưu trữ của Edmund Hillary: Edmund Hillary (1919-2008) nhà leo núi, thám hiểm người New Zealand. Năm 1953 ông là một trong những người đầu tiên chinh phục đỉnh Everest. Ông được bầu chọn trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 bởi Tạp chí Time. Bộ sưu tập độc đáo gồm thư từ, nhật ký, bản thảo sách, danh sách các vật tư thám hiểm, sổ lưu niệm, bài giảng, hình ảnh các cuộc phiêu lưu thám hiểm do Edmund Hillary ghi chép lưu lại qua các hoạt động của ông tại Ấn Độ, Nepal, Nam Cực và nhiều nơi khác.
Nước đề cử: New Zealand
43. Hồ sơ khế ước nhập cư: đây là tài liệu giao kèo của khoảng 456.000 người từ Ấn Độ, Trung Quốc, Madagascar, Đông Nam Á và một số nước châu Phi nhập cư thông qua Mauritius, một hòn đảo trên Ấn Độ Dương thuộc địa đầu tiên của Anh, sau đó được vận chuyển đến các đồn điền trên khắp thuộc địa Anh. Tài liệu mô tả sự thành công của cuộc “Thí nghiệm vĩ đại” thực hiện từ giữa thế kỷ 19 để huấn luyện hệ thống lao động mới sau khi bãi bỏ chế độ nô lệ. Hệ thống này sau đó được mô phỏng tại các thuộc địa của Anh, châu Âu và nhiều nước trên thế giới.
Nước đề cử: Mauritius
44. Các giấy tờ của Ủy ban Tây Ấn: Tây Ấn là vùng lòng chảo Caribe và Bắc Đại Tây Dương bao gồm nhiều hòn đảo và các quốc gia đảo. Đây là các giấy tờ điều tra được ủy quyền bởi các quốc gia độc lập để kiểm tra tác động của môi trường toàn cầu đối với điều kiện sống đang thay đổi nhanh chóng tại các hòn đảo nhỏ đang phát triển. Thành lập tháng Bảy năm 1989, Ủy ban Tây Ấn là một cơ quan độc lập của Cộng đồng Caribe (CARICOM), Ủy ban được giao nhiệm vụ tiến hành tham vấn với người dân Caribe về các vấn đề liên quan đến phát triển xã hội, văn hóa và kinh tế. Bộ sưu tập bao gồm các bản sao chép của hơn 350 văn bản đệ trình, các nghiên cứu, báo cáo đặc biệt và một số ấn phẩm.
Nước đề cử: Barbados
45. Hồ sơ xét xử hai nhà truyền thông tâm linh Nehanda và Kaguvi (Tháng 4 năm 1897): Nehanda và Kaguvi là những người truyền cảm hứng cho cuộc cách mạng chống lại chế độ thực dân ở Zimbabwe cuối thế kỷ 19. Dưới sự dẫn dắt và lãnh đạo của họ, người dân đã đoàn kết chống lại làn sóng thực dân còn gọi là Chiến tranh giải phóng những năm 1895-1896. Họ đã bị bắt giữ, truy tố và kết án tử hình vào năm 1897. Hồ sơ gồm các bản án, hồ sơ tội phạm, một số bản thảo và các thủ tục tố tụng của tòa án năm 1898-1899.
Nước đề cử: Zimbabwe
46. Sưu tập các tài liệu giấy tờ của trường William Ponty: William Ponty là ngôi trường được thành lập bởi Toàn quyền Pháp Jean-Baptiste Chaudié ở Saint-Louis – Sénégal ngày 24 tháng 11 năm 1903. Năm 1915 trường được đặt theo tên của viên Toàn quyền Pháp ở Tây Phi vừa qua đời là William Merlaud-Ponty. Năm 1933 trường trở thành một trung tâm giáo dục thực sự tại châu Phi. Bộ sưu tập gồm bản thảo viết tay của các sinh viên năm thứ 3 của trường với 28 chủ đề liên quan đến các khía cạnh văn hóa, khoa học, lịch sử, dân tộc học về xã hội của người da đen ở châu Phi.
Nước đề cử: Sénégal
47. Bộ sưu tập bưu thiếp cũ từ Tây Phi thuộc Pháp: bộ sưu tập gồm 1.515 tấm bưu thiếp cũ giai đoạn từ năm 1900 đến năm 1959, với các chủ đề đa dạng như chính trị, tôn giáo, nông nghiệp, kinh tế, giáo dục, thể thao, cơ sở hạ tầng… Những tấm bưu thiếp này cung cấp nhiều thông tin phong phú, là bức tranh sinh động giúp sáng tỏ thêm lịch sử châu Phi nói chung và đất nước Senegal nói riêng.
Nước đề cử: Sénégal
Một tấm bưu thiếp mô tả đời sống sinh hoạt của đất nước Sénégal
Nguyễn Thu Hoài (Theo Website Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước)