Đà Nẵng - căn cứ chiến lược của Pháp ở Trung Kỳ
Pháp sử dụng Đà Nẵng làm điểm trung chuyển gây sức ép cả về ngoại giao lẫn quân sự lên triều đình nhà Nguyễn. Sau khi chiếm được Đông Dương, Đà Nẵng trở thành căn cứ bàn đạp cho các hoạt động quân sự của Pháp ở Trung Kỳ nói chung và ở trung Đông Dương nói riêng.
Trong Thế chiến thứ Hai, Pháp lập ban chỉ huy Hải quân vào tháng 8/1943 ở Đà Nẵng - vị trí đầu tuyến hàng hải thương mại để tránh những rủi ro lớn khi tàu thương mại di chuyển trong vịnh Bắc Bộ. Do không kích diễn ra ác liệt ở vịnh Bắc Bộ trong tháng 7/1943, tàu buôn bị hạn chế chỉ đi theo tuyến Sài Gòn - Đà Nẵng, và từ Đà Nẵng, hàng hóa vận chuyển ra Bắc Kỳ bằng đường sắt hoặc đường sông trong khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng hoặc bằng ghe do Phủ Toàn quyền quản lý. Thông thương, liên lạc với nhượng địa Quảng Châu Loan được thực hiện bằng tàu hơi nước Jean Dupuis. Riêng phân đội thủy phi cơ đóng ở Đà Nẵng[i] được giao nhiệm vụ giám sát hàng hải và bảo vệ tàu thương mại từ tháng 9/1943. Đến tháng 3/1947, Pháp tiến hành mở rộng căn cứ Hải quân ở Đà Nẵng về phía tây, tây nam và đông nam nhằm gia tăng hỗ trợ hoạt động quân sự. Theo tài liệu lưu trữ của Công binh Pháp, năm 1948[ii], căn cứ hải quân ở thành phố Đà Nẵng gồm 7 hạng mục (theo tương ứng các số trên sơ đồ): 1-Ban tham mưu: nằm ở Quai Courbet (nay là đường Bạch Đằng); 2-Bệnh viện quân y: ở phố Gambetta và Jules Ferry; 3-Doanh trại: đối diện với bệnh viện quân y; 4-Kho thuốc súng;5-Khu dành cho lính khố đỏ đã có gia đình; 6-Khu thiết bị; 7-Khu thuộc địa.
Sơ đồ căn cứ quân sự Đà Nẵng năm 1948, Lưu trữ Bộ quốc phòng Pháp
Ngày 20/9/1949, Tham mưu trưởng quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, thiếu tá Domergue ban hành hướng dẫn quy định điều kiện tổ chức và hoạt động của các căn cứ quân sự trung chuyển. Theo đó, trong mục tiêu hỗ trợ cho lãnh thổ trung Trung Kỳ và Lào, căn cứ quân sự Đà Nẵng đảm bảo trung chuyển nhân sự, thiết bị cũng như quân viễn chinh đến từ đường biển khi được yêu cầu. Riêng vấn đề hỗ trợ Lào, căn cứ này có nhiệm vụ trung chuyển nhân lực, vật lực và khí tài đến căn cứ Đông Hà.
Kho vũ khí của căn cứ quân sự Đà Nẵng năm 1950, Lưu trữ Bộ quốc phòng Pháp
Khu quân sự của tiểu đoàn Vĩnh Yên A và B nhìn từ trên cao, năm 1950, Lưu trữ Bộ quốc phòng Pháp
Để đáp ứng các mục tiêu và nhiệm vụ đề ra, đến tháng 12/1953, căn cứ quân sự Đà Nẵng đã có tới 20 hạng mục (theo thứ tự bảng chữ cái trên sơ đồ): A: Quân y Trung úy Gateau; A':Khu xe; B: Doanh trại; C: Ban tham mưu; D: E.S.M Đà Nẵng; E: Kho thuốc súng; F: Doanh trại lính khố đỏ có gia đình và thao trường; G: Hạt Công binh bắc Đà Nẵng; H: Khu sản xuất gạch nén; I: Quân nhu; J: Nhà để máy bay của Mỹ; K: Doanh trại công binh; L: Khu thiết bị; M: Kho vũ khí Tiên Sa; N: Doanh trại nhân viên cung ứng; O: Khu thuộc địa; P: C.R.A; Q: Khu vực của Tiểu đoàn Vĩnh Yên A; R: Khu dành cho tiểu đoàn Vĩnh Yên B; S: Khu nghỉ của tiểu đoàn. Điều đáng chú ý, căn cứ này đã có thêm nhà để máy bay của Mỹ do nước này cam kết viện trợ về thiết bị cho Pháp ở Đông Dương.
Sơ đồ căn cứ quân sự Đà Nẵng năm 1952, Lưu trữ Bộ quốc phòng Pháp
Trong cuộc chiến của của Mỹ ở miền nam Việt Nam[iii]
Trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Mỹ đã chi khoản kinh phí rất lớn để biến Đà Nẵng thành căn cứ hỗn hợp khổng lồ, với căn cứ không quân quy mô lớn, cảng, kho bãi, cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc.
Việc xây dựng mở rộng căn cứ hỗn hợp ở Đà Nẵng được giao cho nhà thầu Raymond and Morrison - Knudsen (thường được lính Hải quân Mỹ gọi tắt là RMK) trong năm 1962. Ngày 21/3/1962, đoàn tiền trạm của nhà thầu RMK gồm 4 người Mỹ và 2 người Việt đến sân bay Đà Nẵng với nhiệm vụ tìm kiếm các mỏ đá, dựng trại và tiến hành khảo sát sơ bộ. Cuối tháng 3, mỏ đá đầu tiên được xác định nằm ở chân núi Khỉ, đây là đặc điểm địa lý nổi bật của bán đảo Tiên Sa ở đầu hướng biển của Đà Nẵng, ngăn cách với thành phố bởi dòng chảy của sông Đà Nẵng. Trại RMK đầu tiên được xây dựng gần chân núi Khỉ, cạnh trại Tiên Sa do Pháp xây dựng. Công trình đầu tiên xây dựng trạm ra-đa trên núi Khỉ, mở đường lên núi và 12 tòa nhà trên đó và đến tháng 7/1962, công trình này được mở rộng thêm 11 tòa nhà khác.
Trong năm 1962, các công trình xây dựng sân bay gần như hoàn tất. Các tòa nhà, doanh trại và phòng tắm, phòng ăn và phòng họp đều do nhà thầu Việt Nam xây dựng. Vào thời điểm đó, các đường lăn và bãi đỗ xe được trải nhựa, còn đường băng chỉ dài khoảng 2.400 m nên cần được cải tạo lại. Công binh Mỹ (Seabees)[iv] tại Việt Nam phân công Biệt đội Alpha của NMCB-9 tìm nơi cung cấp nguồn nước dồi dào cho đơn vị trực thăng thuộc thủy quân lục chiến Mỹ đóng sân bay Đà Nẵng. Đơn vị này có tên là "Shufly" và nhiệm vụ của Seabee cũng lấy cùng tên. Tháng 9 năm 1964, biệt đội Seabee gồm 16 người cất cánh từ Okinawa, Nhật Bản đã khoan thành công giếng sâu nhất ở miền Nam Việt Nam. Giếng sâu khoảng 123m (403 feet) và phải mất 41 ngày làm việc để đạt được mức độ sâu như vậy do cấu tạo địa chất và điều kiện thời tiết. Công việc phát quang phần mở rộng đường băng và các khu vực quá tải bắt đầu vào tháng 6 năm 1963, sử dụng hơn một nghìn nhân công bản xứ dưới sự giám sát của 30 nhân viên của nhà thầu RMK. Một tòa nhà văn phòng, nhà kho và cửa hàng đã được xây dựng và đưa vào sử dụng vào tháng 6 cùng với khu xây dựng ở phía tây của đường băng.
Từ năm 1965[v], căn cứ quân sự hỗn hợp của Mỹ ngụy trong kế hoạch xây dựng Đà Nẵng thành khu liên hợp quân sự lớn nhất miền Trung đi vào hoạt động. Có lúc, căn cứ này là nơi tập kết của hơn 6.000 quân với đủ các loại lính: thủy quân lục chiến, biệt kích, bộ binh cơ giới… Đi liền theo đó là một hệ thống dày đặc các đồn bốt, trạm gác, cơ sở thông tin, trại huấn luyện quân sự… với trang bị kỹ thuật và phương tiện chiến tranh hiện đại.
Khu vực cầu cảng Đà Nẵng năm 1965 nhìn từ trên cao, Lưu trữ Hải quân Mỹ.
NSA 1 đóng ở doanh trại Tiên Sa, năm 1965, Lưu trữ Hải quân Mỹ.
Các thùng dầu tại căn cứ Hải quân Mỹ năm 1966, Lưu trữ Hải quân Mỹ.
Ngày 15/10/1965, hoạt động hỗ trợ của Hải quân Mỹ ở Đà Nẵng (NAVSUPPACT Danang) chính thức hoạt động sau ba tháng chuẩn bị của hơn 900 lính Hải quân và chỉ 1 năm sau đó, con số này đã lên đến 2.825 sĩ quan và lính. NSA 1 cung cấp hỗ trợ hậu cần cho gần 180.000 lính Mỹ và đồng minh tại Khu vực Chiến thuật Quân đoàn I (từ nam Quảng Ngãi đến bắc khu vực phi quân sự).
Đài quan sát tại cảng Đà Nẵng sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, tháng 9/1969
Xe tăng từ tàu đổ bộ (LST) lên các xe tải của bến Tiên Sa, 1969
Một số hình ảnh quân giải phóng tấn công trại lính Mỹ Tiên Sa ngày 06.9.1969
Nguồn: Lưu trữ Hải quân Mỹ
Ngày 29/3/1973, những lính Mỹ cuối cùng rút khỏi miền Nam Việt Nam theo Hiệp định. Căn cứ quân sự hỗn hợp này được chuyển giao cho chính quyền ngụy
[i] . Phân đội thủy phi cơ này được thành lập tháng 10/1940, đóng tại Cát Lái và thực hiện tới 57 giờ bay thám sát vịnh Thái Lan trong tháng 1/1941
[ii] . Những thông tin liên quan đến căn cứ Hải quân Pháp ở Đà Nẵng đều được khai thác từ Lưu trữ Bộ quốc phòng Pháp và cuốn "Hải quân Pháp ở Đông Dương 1939-1955, Lưu trữ Hải quân Pháp, 1991, ", tập I, II và III.
[iii]. Theo "Lịch sử xây dựng các căn cứ quân sự ở Đông Nam Á" (Southeast Asia: Building the Bases. The History of Construction in Southeast Asia) của Richard Tregaskis, 1975
[iv]. Seabees: các đơn vị công binh Mỹ, biệt danh này bắt nguồn từ cách đọc CB: Construction Batallion
[v] . Năm 1961, Mỹ duyệt chi 4 triệu USD xây dựng một căn cứ không quân ở Đà Nẵng dựa trên căn cứ không quân có từ thời Pháp, năm 1962, một số hạng mục nhỏ được tiến hành với kinh phí khoảng 150 000 USD và đến năm 1963, Mỹ mới thực sự cho xây dựng căn cứ không quân ở đây.
Ngọc Nhàn