“Cảng duy nhất có giá trị thực sự nằm ở phía Nam bán đảo Đông Dương chính là cảng Sài Gòn. Thứ nhất, cảng Sài Gòn được kết nối với sông Mekong và Biển Hồ thông qua hệ thống kênh rạch, phần lớn hàng hóa xuất khẩu của Cao Miên đều qua cảng, đây đồng thời là nơi tiếp nhận các sản phẩm của Nam Kỳ; thứ hai, do không có bãi ở cửa sông Đồng Nai và nhờ lưu lượng nước của con sông này vào tất cả các mùa mà các tàu thương mại và tàu chiến lớn nhất có thể neo đậu phía trước thành phố Sài Gòn”. Đó là nhận định của ông De Lanessan, người trở thành Toàn quyền Đông Dương vào năm 1891, trong cuốn sách “Cuộc bành trướng thuộc địa của Pháp” xuất bản năm 1886.
Nhận định này đã được kiểm chứng vào những năm sau 1886 bởi số lượng tàu bè cập cảng Sài Gòn ngày càng gia tăng.
Cảng và sông Sài Gòn chính thức thông thương với quốc tế theo Tuyên bố của Chuẩn đô đốc Page ngày 18/02/1860 - tròn một năm sau khi chiếm Sài Gòn.
Năm 1861, Cảng Sài Gòn tiếp nhận 251 tàu trọng tải 81.595 tấn.
Năm 1864, con số này tăng lên 295 chiếc với trọng tải 110.000 tấn.
Năm 1913: 735 tàu nhập cảnh với trọng tải 1.364.428 tấn và 708 tàu xuất cảnh trọng tải 1.344.444 tấn.
Năm 1924: 830 tàu nhập cảnh với trọng tải 1.679.479 tấn và 824 tàu xuất cảnh trọng tải 1.673.200 tấn.
Năm 1929, 860 tàu nhập cảnh trọng tải 2.106.637 tấn và 859 tàu xuất cảnh trọng tải 2.104.433 tấn.
Khả năng tiếp cận và chế độ dòng chảy của sông Sài Gòn - Hệ thống cọc tiêu
Bản đồ thành phố và cảng Sài Gòn do F. Vidalin lập năm 1864, nguồn: TVQG Pháp
Cảng Sài Gòn nằm trên con sông cùng tên, cách biển 45 dặm.
Việc cập bến cửa sông đặc biệt thuận lợi nhờ hai địa danh: một là Côn Đảo [Poulo Condore] với ngọn hải đăng có tầm chiếu sáng 30 dặm, giúp tàu thuyền đến từ phía Nam điều chỉnh vị trí trước khi tiến về phía cửa sông; hai là núi Tao Phùng [Massif du Cap Saint-Jacques], nằm ở lối vào cửa sông và có thể nhìn thấy từ khoảng cách rất xa. Trên khối núi này, một ngọn hải đăng có tầm chiếu sáng 30 dặm đã được xây dựng.
Cột mốc và một số cọc tiêu được chiếu sáng giúp cho việc tiếp cận sông trở nên dễ dàng.
Cột tín hiệu ở Thương cảng Sài Gòn do Gsell Emile chụp, nguồn: humazur.univ-cotedazur.fr
Con sông có chiều dài 45 dặm ngăn cách biển với Sài Gòn, chiều rộng giữa hai bờ không dưới 300 mét. Hệ thống kênh rạch có thể sử dụng ở khắp mọi nơi, rất rộng và có độ sâu từ 9-12 mét, ngoại trừ hai điểm là Rạch Lá [Banc de Corail] và Nhà Bè, nơi chỉ có độ sâu 7 mét. Hai điểm này đều đã được đặt cọc tiêu.
Hoạt động lưu thông trên sông tương đối thuận tiện. Những con tàu dài 180 mét, có độ mớn nước 9,3 mét có thể tới Sài Gòn mà không gặp trở ngại gì lớn.
Sông Sài Gòn chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều, mỗi ngày thủy triều lên xuống hai lần với mực nước không đồng đều. Nhờ dòng thủy triều, sông Sài Gòn không bị bùn lấp đầy và độ sâu được duy trì mà không cần nạo vét thường xuyên.
Công trình hàng hải, bến tàu, cầu tàu
Trên sông Sài Gòn, cảng biển trải dài tới phía dưới cảng chiến tranh (từ quảng trường Rigault de Genouilly [nay là quảng trường Mê Linh]). Đoạn sông Sài Gòn được đầu tư trang thiết bị làm bến tàu và làm nơi trung chuyển hàng hóa dài 6 km.
Những công trình chính hỗ trợ tàu thuyền cập bến bao gồm:
- Bến Khánh Hội dài 1.032 mét;
- Ba cầu tàu của Công ty Vận tải đường biển dài 380 mét do Công ty này xây dựng và dành riêng cho các tàu của Công ty;
- Cầu tàu Canton và Charner dành cho thuyền đò đường sông.
Bến neo đậu trên sông
I. - Hữu ngạn. Ở cuối bến cảng có 5 bến phao. Tàu thuyền neo đậu song song với bờ và cách đất liền khoảng 80 mét, có thể đồng thời bốc dỡ hàng hóa ở cả hai bên.
II. - Tả ngạn. Ở bờ này có 11 bến phao và 5 bến trên nền cọc, tất cả các tàu lớn nhất thường xuyên cập cảng đều có thể tiếp cận được. Giống như các bến ở hữu ngạn, những bến neo đậu này cho phép hoạt động ở cả hai bên.
Như vậy, cảng Sài Gòn có khả năng tiếp nhận từ 40-50 tàu trọng tải lớn.
Thiết bị
Hệ thống thiết bị của Cảng Sài Gòn-Chợ Lớn gồm có:
1° Thiết bị của Ban quản lý Cảng. - Cảng có 1 tàu kéo 600 mã lực, 2 tàu kéo 300 mã lực, 7 tàu kéo nhỏ 100 mã lực và 3 sà lúp hơi nước dùng để hỗ trợ tàu bè vận hành đồng thời đảm bảo an toàn trên cảng. Ngoài ra còn có máy khử trùng Clayton gắn trên chiếc sà lan đặc biệt, 2 máy bơm hút cạn lưu lượng 900 mét khối chạy bằng động cơ dầu. Toàn bộ thiết bị này được cung cấp cho các cá nhân khi có nhu cầu.
2° Sà lan, tàu kéo và sà lúp. Hội đồng quản trị cảng Sài Gòn đặt mua một số lượng lớn thiết bị: 114 sà lan thép với tổng trọng tải 15.000 tấn, 5 tàu kéo và 5 sà lúp phục vụ hoạt động vận chuyển gạo giữa các nhà máy xay xát ở Chợ Lớn và tàu chở hàng. Các phương tiện này được đưa vào sử dụng vào năm 1931, đảm bảo cho hàng hóa được đưa vào cảng thường xuyên hơn và hạn chế việc tàu dừng đỗ trên cảng.
3° Thiết bị nâng bao gồm: 2 máy cẩu cố định từ 6-15 tấn; 1 máy cẩu hơi nước 4 tấn; 6 máy cẩu điện 1,5 tấn, 1 máy cẩu nổi 50 tấn.
4° Kho hàng và kho tạm giữ. Cảng có 9 kho hàng được xây dựng trên bến Khánh Hội, với diện tích gần 30.000 m2. Những kho hàng này được dùng làm nơi chứa hàng nhập khẩu.
Trong tương lai, Hội đồng Quản trị dự kiến xây kho hải quan và tổng kho để cung cấp các dịch vụ chất lượng phục vụ hoạt động thương mại.
Mạng lưới đường sắt. Mặc dù ít được sử dụng do việc vận chuyển hàng hóa trong nước chủ yếu thông qua đường thủy song mạng lưới đường sắt của cảng sẽ phát huy tầm quan trọng ngay khi mạng lưới Nam Kỳ - Trung Quốc hoàn thành.
Xưởng đóng tàu
Văn phòng và nhà xưởng của Thủy xưởng Ba Son, nguồn: https://www.flickr.com
Các tàu thương mại thường xuyên cập cảng Sài Gòn có thể được sửa chữa tại Xưởng Đóng tàu Sài Gòn (sau này là Thủy xưởng Ba Son), hoặc tại các cơ sở công nghiệp khác.
1° Xưởng Đóng tàu Sài Gòn nằm trên sông Sài Gòn, được trang bị đặc biệt để sửa chữa tàu chiến, với hơn 800 công nhân.
Xưởng có 2 bể sửa tàu và 1 bến tàu nổi. Các bể sửa tàu này có thể được sử dụng vào mục đích thương mại trong một số điều kiện nhất định.
2° Hai phân xưởng tư nhân thuộc Công ty Vận tải đường sông và Công ty Forges, Ateliers và Chantiers Đông Dương.
Mỗi xưởng sử dụng từ 300-400 công nhân bản xứ, dưới sự chỉ đạo của các kỹ sư và thợ cả lắp ráp người Âu. Họ có khả năng thực hiện các công việc liên quan đến cơ khí xây dựng, đúc, làm khuôn, sửa chữa tàu lớn, đóng và sửa chữa sà lúp, tàu kéo, phà, thuyền máy, xây dựng nhà máy gạo, nhà máy rượu, v.v...
Phát triển công nghiệp
Ngoài các xưởng đóng tàu nêu trên và nhà máy chế biến gạo, thành phố Sài Gòn còn có một số cơ sở công nghiệp đang trên đà phát triển. Trong số đó, có thể kể đến 1 nhà máy bia, 1 nhà máy sản xuất gạch canxi silicat, 2 nhà máy rượu của Pháp, nhà máy hóa chất, 2 nhà máy sản xuất năng lượng điện, 2 nhà máy cưa, 2 nhà máy dầu, 2 nhà máy xà phòng, 2 nhà máy chế biến cao su. v.v...
Thực tế, các nhà máy này mới chỉ đóng góp một phần rất nhỏ vào hoạt động xuất khẩu của cảng Sài Gòn, tuy nhiên dự kiến trong tương lai, những nhà máy này không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng nội địa, mà còn có thể xuất khẩu các sản phẩm của mình.
Các Công ty Vận tải đường biển
Bến của Công ty Vận tải Hợp nhất, nguồn: TTLTQGI
Các Công ty Vận tải đường biển có trụ sở chính hoặc chi nhánh đặt tại Sài Gòn bao gồm:
Các Công ty Vận tải đường biển của Pháp
Đường dài và ven bờ
1°. Công ty Vận tải đường biển:
Tuyến Marseille - Hải Phòng
Tuyến Marseille - Yokohama
Tuyến Anvers - Hải Phòng
Tuyến Anvers - Dalny và Vladivostok
2°. Công ty Vận tải Hợp nhất:
Tuyến Anvers - Hải Phòng qua Le Havre và Marseille
Tuyến Bordeaux - Hải Phòng qua Marseille
3°. Công ty Hàng hải Đông Dương:
Tuyến Sài Gòn - Bangkok (Xiêm La)
Tuyến Sài Gòn - Hải Phòng (Bắc Kỳ) và Bờ biển Trung Kỳ
Tuyến Sài Gòn - Singapore
Tuyến Sài Gòn - Surabaya
4°. Công ty Bờ biển Trung Kỳ (Denis Frères)
Đường thủy nội địa
1°. Công ty Vận tải và Giao thông Sài Gòn:
Sài Gòn - Phnompenh (Battambang vào mùa nước nổi)
Sài Gòn và các tỉnh Nam Kỳ
Sài Gòn - Lào (vào mùa nước nổi)
2°. Các công ty Trung Quốc khác ở Chợ Lớn:
Chủ yếu đảm bảo dịch vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách đi Phnom-Penh (vận chuyển thịt bò, cá muối).
Tàu bè nước ngoài - Ngoài ra, Sài Gòn còn được kết nối với Hồng Kông, Singapore, Java và Philippines… thông qua các tàu nước ngoài định kỳ cập bến Sài Gòn.
Cuối cùng, một lượng lớn tàu bè nước ngoài không thuộc tuyến đường thủy nào cũng tới Sài Gòn để chuyên chở gạo.
(Đón xem bài 3: Chế độ hành chính và tài chính của cảng Sài Gòn)
Nguồn: Hs 3534, tr. 81-84, phông Công ty Đường sắt Vân Nam - Đông Dương, bảo quản tại TTLTQGI
Hoàng Hằng - Nguyễn Hồng