Hội thảo đã thu hút được sự tham gia đông đảo của các vị đại biểu là những người yêu Hà Nội và dành tình cảm đặc biệt với cầu Long Biên.
Là cơ quan lưu trữ nhiều tài liệu đặc sắc về cây cầu đã hơn 120 năm tuổi, Trung tâm Lữu trữ quốc gia I đã tổ chức Triển lãm “Cầu Long Biên – Chứng nhân lịch sử” (khai mạc 14/12/2022). Triển lãm kể về sự ra đời và quá trình cây cầu gắn bó với bao thăng trầm lịch sử của đất nước đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, đặc biệt là nhà nghiên cứu quy hoạch, kiến trúc xây dựng,...
Cùng chung tình yêu đặc biệt với cây cầu thế kỷ, ngày 25/10, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và Công ty Tư vấn đầu tư và Phát triển Cầu Long Biên đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Đổi mới sáng tạo trong quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị cầu Long Biên” tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
Đến tham dự Hội thảo có Ông Nguyễn Dy Niên – nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Ông Nguyễn Hồng Quân – nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng cùng các nhà quản lý, nhà khoa học và các cơ quan báo chí đến đưa tin.
Đại diện cho các đơn vị đồng tổ chức có Đại sứ Nguyễn Phú Bình – Chủ tịch Hội liên hiệp với người Việt Nam ở nước ngoài, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, nguyên đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản; Ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng; KTS. Nguyễn Nga – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bảo tàng cầu Long Biên; Bà Trần Thị Mai Hương – Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia về giải pháp bảo tồn tôn tạo cầu Long Biên trong bối cảnh hiện nay để vừa gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, một điểm nhấn trong cấu trúc không gian đô thị và là một công trình mang tính biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, vừa góp phần vào sự phát triển của Thủ đô.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đều thống nhất quan điểm cho rằng cần đưa cầu Long Biên trở thành Di sản, chuyện tu bổ cầu Long Biên không nằm ngoài Quy hoạch sông Hồng và Thủ đô, sự cần thiết của việc bảo tồn, phát huy, cần có cơ chế chính sách. Ban Tổ chức Hội thảo cho biết sẽ có văn bản kiến nghị để việc tu bổ và phát huy giá trị của cầu Long Biên sớm được thực thi.
Ông Nguyễn Dy Niên – Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đề xuất sau Hội thảo cần có cơ chế chính sách đặc thù để phục hổi và hy vọng mỗi người trong chúng ta sẽ có đóng góp riêng góp phần khôi phục, cải tạo cây cầu.
Ông Nguyễn Hồng Quân – Nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng đề xuất việc khôi phục, cải tạo cầu cần phải tuân thủ nguyên trạng theo luật Di sản và cần xác định lộ trình hợp lý.
KTS. Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam phát biểu đề dẫn tại Hội thảo. Ông hy vọng những nhà hoạch định chính sách sẽ có những quyết định đúng đắn để bảo tồn cây cầu Long Biên như là một tài sản vô giá của Việt Nam và nhân loại.
GS. TS. NGND. Nguyễn Lân Dũng đưa ra kiến nghị: “Với tư cách người dân, tôi mong muốn được phục hồi cầu Long Biên thật sớm. Với tư cách là Đại diện Hội Sinh học, tôi nhận thấy vùng bãi bồi dưới cầu Long Biên có cấu tượng đặc biệt thích hợp trồng rau an toàn”.
Ông Phạm Sanh Châu - Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ kiêm Nepal và Bhutan đề cập đến cơ hội đệ trình UNESCO hồ sơ công nhận cầu Long Biên là Di sản Công nghiệp đầu tiên của Việt Nam.
Bà Trần Thị Mai Hương - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I bày tỏ vinh dự và tự hào khi Trung tâm Lưu trữ quốc gia I được lựa chọn là địa điểm tổ chức cuộc Hội thảo này. Bà cho biết Trung tâm là nơi lưu trữ nhiều tài liệu đặc sắc, trong đó có tài liệu của hơn 200 công trình, đặc biệt là tài liệu về cầu Long Biên. Về việc tu bổ cây cầu, bà mong muốn cần có cơ chế đặc biệt để việc tu bổ sớm thành hiện thực.
Hồng Nhung - Trường Giang - Đô Kim