11:52 AM 23/08/2024  | 

Đây là những tài liệu khách quan, những tư liệu, báo cáo chính thức lúc bấy giờ, phản ánh trực tiếp về sự kiện. Tài liệu còn ở dạng sơ lược nhưng cũng cung cấp thêm những thông tin hữu ích, khách quan xung quanh cuộc kháng chiến.

Cuộc kháng chiến của quan quân triều Nguyễn và nhân dân Quảng Nam chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của liên quân Pháp – Tây Ban Nha những năm 1858 - 1860 đã được nghiên cứu tương đối kỹ ở nhiều góc độ. Tại bài viết này chúng tôi giới thiệu thêm một số tư liệu về cuộc kháng chiến đặc biệt này ở thời điểm bắt đầu. Phần nhiều tư liệu giới thiệu được khai thác từ Châu bản triều Nguyễn, lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia I, Hà Nội.

Các tài liệu chính sử triều Nguyễn chép khá ngắn về thời điểm bắt đầu chiến sự tại Đà Nẵng. Ví như Đại Nam Thực lục cho biết: “Chiến thuyền của Tây dương vào cửa biển Đà Nẵng (thuộc tỉnh Quảng Nam) bắn phá các pháo đài các đồn bảo. Việc ấy đến tai vua, vua sai Tổng đốc Nam - Ngãi là Trần Hoằng gọi biền binh mãn ban (2.070) của tỉnh ấy để phòng sai phái. Lại sai quyền Chưởng dinh Hổ oai là Đào Trí đi nhanh đến cùng với Án sát là Lê Văn Phổ để giữ thành, Bố chính là Thân Văn Nhiếp, hội đồng với Trần Hoằng đánh dẹp và chống giữ”[1].

Thực ra, tình hình thực tế được quân Nguyễn từ của Hải Vân đã cấp báo thường xuyên. Thử xem một số báo cáo sau để nhận thấy vai trò quan trọng của Hải Vân trong việc cấp báo tình hình từ cửa biển Đà Nẵng.

 Châu bản ngày 9 tháng 1 năm Tự Đức thứ 10 (3.2.1857), Bộ Binh tâu rằng hôm nay tiếp tin từ Phạm Điền, đóng dài ngày ở ải Hải Vân trình rằng giờ Thân ngày mồng 8 nghe thấy 5 tiếng pháo bắn ở vùng tấn Đà Nẵng. Lúc đó sương mù ở biển mênh mang nên khó nhận ở thành đài bắn ra hay là thuyền Tây bắn ra. Năm ngày sau, ngày 14 tháng 1 năm Tự Đức thứ 10 (8.2.1857), Bộ Binh cho biết nhận được báo cáo ở ải Hải Vân cho biết hai chiếc tàu Tây đều đã chạy đi.

Châu bản ngày 3 tháng 8 năm Tự Đức 10 (20.9.1857), Bộ Binh tâu rằng nhận được báo cáo ở cửa ải Hải Vân, trình rằng: Có 3 chiếc thuyền Đa Sách đến bỏ neo ở Vũng Trà Sơn. Xin đem nguyên tờ bẩm trình lên. Vua Tự Đức phê: “Lập tức tư cho tỉnh ấy phải có sự đề phòng trước, tùy theo mà giải quyết công việc. Chớ để sai lầm như lần trước mà phải chịu tội”.

 

(Một số trang Châu bản triều Nguyễn báo cáo về cuộc tấn công của Liên quân Pháp – Tây Ban Nha tại Đà Nẵng. Tư liệu LTC)

 

Các Châu bản sau đây nói về thời điểm liên quân Pháp – Tây Ban Nha kéo quân vào Đà Nẵng, chính thức nổ súng xâm lược Việt Nam:

Châu bản ngày 24 tháng 7 năm Tự Đức 11 (Dương lịch là ngày 1.9.1858): Bộ Binh tâu rằng nhận được tờ bẩm của Phạm Điền (người phụ trách phòng giữ tại cửa ải Hải Vân lúc này) gửi về bằng ngựa trình rằng: Giờ Dậu ngày 23 (tức ngày 31.8.1858) thấy 12 chiếc thuyền nhiều buồm và tàu chạy máy vào vịnh Trà Sơn nhưng không bắn súng.

        Nhận thông tin này, vua Tự Đức lập tức phê vào báo cáo: “Phi tư ngay cho bọn Trần Hoằng điều động thêm binh lính ban hạ ra sức phòng giữ và đem ngay tình hình tâu về”.

Cũng trong ngày 24 tháng 07 (1.9.1858), bộ Binh có tâu trình sau: Đã sức cho các thành, pháo đài, đồn canh phong nghiêm cẩn và xin phái 2 tên thông ngôn đến thẳng đó hỏi rõ đầu đuôi rồi tiếp tục đệ trình. Bộ thần xét thấy sáng sớm nay viên trú phòng tại ải Hải Vân nói thấy có thuyền buồm cùng các tàu máy gồm 12 chiếc. Nay tập tấu đó chỉ nói có tàu máy mà không đề cấp tới các thuyền nhiều buồm và cờ hiệu như thế nào nên khó nhận định là tàu nước nào. Việc trình bày chưa được rõ ràng, ngoài ra việc sẽ phái chọn 2 tên thông ngôn cùng việc trình bày chưa rõ, sẽ do bộ thần tư hỏi lại.

Tuy nhiên, tình hình lúc này đã rất gấp, ngay thời điểm đó tại Đà Nẵng, liên quân Pháp – Tây Ban Nha đã khai hỏa tấn công vào hệ thống phòng thủ tại đây, trước tiên là các căn cứ khu vực Sơn Trà và pháo đài An Hải: “Ngày hôm nay thấy các nhiều thuyền buồm và tàu chạy máy vào vịnh Trà Sơn, ngày hôm qua giờ Tỵ đã bắn pháo liên tiếp vào các đồn 1, 2, 3, 4 và pháo đài An Hải. Các đồn và pháo đài cũng bắn trả lại khói bụi mịt mờ. Cũng giờ đó lại thấy thêm 1 chiếc tàu chạy máy đến vịnh đó”. Châu bản ngày 24 tháng 7 năm Tự Đức 11 (1.9.1858).

Ngày hôm sau, Liên quân tiếp tục tấn công Điện Hải. Bộ Binh tâu: Nay nhận được bẩm báo của Phạm Điền đóng giữ tại cửa ải Hải Vân nói rằng: Giờ Thìn ngày hôm nay thấy 6 chiếc tàu đến trước đây tiến gần đến pháo đài Điện Hải và bắn liên tiếp vào trong pháo đài. Bên trong pháo đài cũng bắn trả, khói lửa mù mịt. Châu điểm. Châu bản ngày 25 tháng 07 năm Tự Đức 11 (2.9.1858).

Ngày 27.7 năm Tự Đức 11 (4.9.1858), Bộ Binh trình 2 báo cáo:

- Bộ Binh phúc trình nhận được báo cáo của Lê Đình Lý tâu rằng: đã phái 200 binh lính của các đồn cùng chọn ra 4 viên suất đội giao cho Nguyễn Ân nhận chỉ huy đem đến phòng ngự tại cửa ải Hải Vân. Lại phái 300 binh lính của 5 vệ cùng phái chọn 6 viên suất đội giao cho Nguyễn Thăng phụ trách đem đến phòng giữ tại Đà Nẵng.

- Nay nhận được tư văn của tỉnh thần Quảng Nam là bọn Thân Văn Nhiếp trình rằng: Ngày 24 nhận được phi tư của Trần Hoằng nói bọn giặc Tây bắn phá các thành, pháo đài, đồn luỹ, binh lính tan tác. Các viên đó đã sức đem các thuyền chiếu theo các đường sông có thể thông với tỉnh thành để đánh chìm thuyền xuống, cho chặt tre gỗ chặn lấp và lệnh cho các tổng lý tuyển hương dũng để chi viện, vậy xin ban sắc nhanh chóng phái vệ 1 và 2 binh lính tại Kinh đến trấn giữ tỉnh đó và tư cho các tỉnh trở vào nam chuẩn bị phòng bị trước.

Trên đây là những báo cáo thể hiện sự phản ứng liên tục của quan quân triều Nguyễn ngay thời điểm Pháp – Tây Ban Nha tấn công vào Đà Nẵng. Tất nhiên là liên tiếp sau đó, tình hình chiến sự tại đây có nhiều chuyển biến phức tạp. Qua dẫn các thông tin trên có thể nhận thấy tư liệu Châu bản triều Nguyễn phản ánh về cuộc chiến kháng chiến của quan quân triều Nguyễn và nhân dân Quảng Nam chống lại liên quân Pháp – Tây Ban Nha khá phong phú. Một số thông tin cụ thể, khách quan, đáng tin cậy và có thể bổ sung thêm thông tin khi nghiên cứu về sự kiện lịch sử đặc biệt này. 

 

[1] Quốc sử quán triều Nguyễn (2004): Đại Nam thực lục, Tập 7, sđd,  tr. 567

Lê Tiến Công