11:41 AM 03/11/2023  | 

Dưỡng liêm là nuôi dưỡng sự thanh liêm, trong sạch. Tiền dưỡng liêm là một loại phụ cấp thêm ngoài lương bổng để nuôi lòng liêm khiết của quan lại do triều đình nhà Nguyễn đặt ra. Tuy theo từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể mà dưới mỗi triều vua có mức độ tiền dưỡng liêm khác nhau.

Vấn đề dưỡng liêm lần đầu tiên được đề cập dưới triều Nguyễn vào năm Gia Long thứ 7 (1808)   do các quan viên Bắc thành tâu xin “tăng lương cho quan lại để dưỡng liêm” (1). Nhưng phải đến năm Gia Long thứ 17 (1818) lệ cấp tiền dưỡng liêm mới được đặt ra và chỉ dành cho quan lại đứng đầu cấp phủ, huyện như Tri phủ, Tri huyện. Vua Gia Long cho rằng:… phủ, huyện ở gần nhân dân, chức nhỏ nhưng việc nhiều, ngoài bổng chính ra, cấp thêm tiền gạo dưỡng liêm, để tỏ đặc cách(2).

Lệ dưỡng liêm của các phủ, huyện thì chiểu theo bổng chính.(3)Vì vậy, những năm cuối triều Gia Long chế độ tiền dưỡng liêm được ban cấp theo quy định: người thực thụ Tri phủ cho thêm khoản dưỡng liêm tiền là 25 quan, gạo 25 phương. Thực thụ Tri huyện cho thêm khoản dưỡng liêm tiền 20 quan, gạo 20 phương, đều chia làm 4 kỳ trong năm mà lĩnh nhận.(4)

Sang triều vua Minh Mệnh, chế độ dưỡng liêm vẫn được duy trì đối với các quan viên đầu cấp phủ, huyện và mở rộng ra đối với quan đầu cấp ở các châu mới thành lập. Đại Nam thực lục ghi chép: Chuẩn định lệ dưỡng liêm cho các Tri châu mới đặt, cũng như đối với các Tri huyện.(5) Và tiền, gạo dưỡng liêm đều theo bổng của phẩm trật mà cấp.

Bên cạnh đó cũng có một số thay đổi trong việc cấp tiền gạo dưỡng liêm. Năm Minh Mệnh thứ 19 (1838): định lại lệ dưỡng liêm cho các phủ, huyện, châu ở

các địa phương. Theo lệ trước, ngoài lương chính ra còn gấp thêm tiền gạo dưỡng liêm cho đủ số, nay chuẩn cho phàm các phủ, huyện, châu, nơi nào nhiều việc nhất thì Tri phủ, đồng Tri phủ, Tri huyện, Tri châu, đều chiểu theo lệ cũ cấp cả. Nơi nhiều việc thì chiểu cấp cho 8 phần 10, như Tri phủ tiền dưỡng liêm cả năm là 30 quan, gạo 30 phương nay rút đi chỉ cấp tiền là 24 quan, gạo là 24 phương. Đồng Tri phủ trước tiền gạo dưỡng liêm tiền 25 quan, gạo là 25 phương, nay rút chỉ cấp tiền 20 quan, gạo 20 phương. Tri châu, Tri huyện trước tiền gạo dưỡng liêm tiền 22 quan, gạo 22 phương, nay rút đi chỉ cấp tiền là 17 quan 6 tiền, gạo 17 phương 18 đấu. Ngoài ra nơi nào nhiều việc vừa thì cấp cho 6 phần, nơi ít thì cấp cho 5 phần, thế mới có sự phân biệt.(6)

Kỷ Hợi, Minh Mệnh năm thứ 20 (1839), nhà vua lại cho đổi định lại lệ tiền dưỡng liêm cho phủ, huyện, châu các hạt: Phàm Tri phủ, đồng Tri phủ, Tri châu, Tri huyện, bất cứ là thự hàm hay thực thụ, đều chiếu theo hạng mà cấp cho tiền và gạo (tính thành tiền). Về khoản dưỡng liêm: Hạng rất cần thiết: Tri phủ 60 quan, đồng Tri phủ 50 quan, Tri châu, Tri huyện đều 40 quan. Hạng cần thiết: Tri phủ 50 quan, đồng Tri phủ 40 quan, Tri châu, Tri huyện đều 40 quan. Hạng cần thiết vừa: Tri phủ 40 quan, đồng Tri phủ 30 quan, Tri châu Tri huyện đều 30 quan. Hạng ít cần thiết: Tri phủ 30 quan, đồng Tri phủ 25 quan, Tri châu Tri huyện đều 20 quan. Hoặc nếu có viên nào bị giáng phạt, chỉ chiết trừ tiền lương về phẩm trật, còn tiền dưỡng liêm vẫn cho lĩnh vào cuối kỳ 3 tháng.(7)

Bản phụng thượng dụ của Nguyễn Tư Giản ngày 6 tháng 9 năm Tự Đức thứ 8 (1855) về việc cấp tiền dưỡng liêm thêm cho Tổng đốc, Bố chính, Tuần phủ, Án sát các tỉnh. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn.

Đến triều vua Tự Đức đã có một số thay đổi, mở rộng thêm đối tượng được hưởng tiền dưỡng liêm. Vào năm Tự Đức thứ 8 (1855), mùa thu, tháng 9, Vua có dụ rằng: Quan lại trị dân, lấy liêm, thiện làm đầu, bậc quân tử, lấy việc không tham làm quý. Nếu bảo là cơm, áo đủ thì biết vinh, nhục, đó là thường tình của kẻ tiểu nhân, chứ không phải là bàn đến tính hạnh của bậc sĩ phu và quân tử. Duy người làm tôi thờ vua, cố nhiên vẫn là trước nghĩ đến làm việc, rồi sau mới nghĩ đến hưởng lộc nhưng triều đình nuôi sĩ phu, tất phải đặt ra mực lương cho hậu để  bắt phải giữ lòng liêm. Cho nên Kinh Thư (thiên Hồng Phạm) có câu nói rằng: “Phàm người làm quan, phải cho lộc nhiều, rồi sau mới có thể bắt làm điều thiện được”. Vậy nên tại Kinh, từ chánh nhất phẩm trở xuống, đều tăng ân bổng; cùng các phủ, huyện ở ngoài, lệ được tiền dưỡng liêm; đốc, phủ, bố, án hằng năm cũng cấp tiền dưỡng liêm, đều có thứ bậc khác nhau, để tỏ sự khuyên người giữ lòng thanh liêm(8)

Lại theo tài liệu Châu bản, bản phụng Thượng dụ của Nguyễn Tư Giản ngày 6 tháng 9 năm Tự Đức thứ 8 (1855) ghi: Nay căn cứ Đình thần tuân theo đề nghị về ân bổng của quan viên, cùng tâu xin các điều. Trẫm xem xét kỹ thêm và đã rõ tất cả. Khoản ân bổng truyền từ quan Chánh nhất phẩm trở xuống đều tăng thêm để xem sự thanh liêm. Các viên phủ huyện tại các tỉnh theo lệ cũng được tiền dưỡng liêm. Như vậy nếu không tăng bổng cũng có thêm thu nhập. Duy có Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chính, Án sát đều có chức trách 1 phương mà đã không có tiền dưỡng liêm lại cũng không có ân bổng, so với các viên phủ huyện không công bằng sao? Nay truyền hàng năm cấp thêm 80 quan tiền dưỡng liêm cho các viên Tổng đốc các tỉnh, 75 quan cho các viên Tuần phủ, 70 quan cho các Bố chính và 65 quan cho các viên Án sát để tỏ sự khuyến liêm.(9)

Qua chính sử và tài liệu Châu bản ghi chép lại chúng ta thấy, dưới triều vua Tự Đức ngoài các viên Tri phủ, Tri huyện, Tri châu được hưởng tiền dưỡng liêm ra thì các viên Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chính, Án sát cũng được hưởng chế độ này theo cấp bậc và phẩm trất khác nhau.

Lệ cấp tiền dưỡng liêm được duy trì đến năm Tân Dậu, Tự Đức thứ 14 (1861) thì tạm dừng. Đại Nam thực lục có ghi: Vua cho là tiêu dùng về việc quân tốn nhiều. Chuẩn cho tạm đình tiền ân bổng quan văn võ ngũ phẩm trở lên ở Kinh và tiền dưỡng liêm của quan phủ huyện, châu ở các tỉnh ngoài, đợi khi nào xong việc đánh giặc sẽ lại cấp cho.(10) Nhưng về sau, do thời cuộc thay đổi tiền dưỡng liêm cũng từ đấy trở đi không được cấp phát nữa.

Có thể nói, chế độ tiền dưỡng liêm dưới triều Nguyễn tuy chỉ duy trì được đến những năm đầu triều vua Tự Đức nhưng đây là một biện pháp hữu hiệu góp phần ổn định đời sống của quan lại cùng gia quyến, khiến họ không bị chi phối bởi cơm áo gạo tiền mà xao lãng nhiệm vụ, đi lầm vào con đường tham ô, ăn hối lộ.

Chú thích:

1.Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 1, tr 666.

2.Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 1, tr 877.

3.Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 4, tr 759.

4.Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ, Nxb Thuận Hóa 1993, tập 5.

5.Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập .

6.Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ, Nxb Thuận Hóa 1993, tập 5.

7.Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 5, tr 682.

8.Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 7, tr 479.

9.Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức.

10.Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 7, tr 870.

Lê Thông