02:21 PM 10/04/2025  | 

 Thương cảng Sài Gòn vào khoảng những năm 1920-1930, nguồn: ANOM

 

Là cảng đầu tiên của Pháp được trao quyền tự chủ về hành chính và tài chính, Cảng Sài Gòn trở thành công sở theo Sắc lệnh ngày 02/01/1914.

Cũng theo Sắc lệnh này - được sửa đổi bổ sung bằng Sắc lệnh ngày 23/01/1927, việc quản lý cảng được giao cho Hội đồng quản trị gồm 18 thành viên, đặt dưới quyền của Chủ tịch Phòng Thương mại Sài Gòn.

Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện cho Hội đồng trong mọi hoạt động quản lý cũng như trong các vụ kiện trước tòa án tư pháp hoặc hành chính.

Ngân sách

Hàng năm, Hội đồng quản trị lập ngân sách thường xuyên, ngân sách bất thường và báo cáo thu chi.

Các khoản thu ngân sách thường xuyên bao gồm:

1° Tiền thu từ các khoản thuế được phép để nộp vào ngân sách của cảng, đặc biệt là thuế sử dụng trang thiết bị áp dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu gạo, thóc, sản phẩm phái sinh cũng như các sản phẩm khác, phí bến bãi.v.v…

2° Tiền thu từ việc vận hành các thiết bị công cộng do Hội đồng trực tiếp quản lý hoặc cho thuê.

3° Tiền thu từ thuế cầu đường để thanh toán các chi phí dịch vụ do Hội đồng quản trị Thương cảng Sài Gòn tổ chức hoặc trợ cấp nhằm đảm bảo việc cứu hộ tàu bè và hàng hóa cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh, an ninh trên cảng.

4° Khoản đóng góp của Thuộc địa để chi trả cho nhân sự và đầu tư thiết bị.

5° Tiền thu từ các sản phẩm tự nhiên và công nghiệp thuộc Công sản.

Các khoản chi ngân sách thường xuyên bao gồm:

1° Chi trả cho nhân sự.

2° Bảo trì và sửa chữa thường xuyên; vận hành các công trình và thiết bị không nhượng.

3° Chi phí cho các công trình mới được thực hiện bằng kinh phí trích từ ngân sách thường xuyên.

4° Thanh toán các khoản vay.

5° Các khoản chi hàng năm và thường xuyên, đặc biệt là chi phí kiểm tra.

Các khoản thu ngân sách bất thường:

1° Khoản trợ cấp có thể được phân bổ cho Thương cảng thông qua ngân sách chung Đông Dương hoặc ngân sách địa phương, khoản đóng góp của các thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn, các công sở hoặc cơ sở tư nhân phục vụ việc nâng cấp, mở rộng cảng cũng như lối vào cảng.

2º Nguồn thu từ thuế cầu đường.

3° Số dư từ các năm tài chính trước.

4° Tiền thu từ các khoản vay được phép.

5° Tài sản hiến tặng và di tặng.

6° Các khoản thu đột xuất khác.

Các khoản chi ngân sách bất thường bao gồm:

1° Đại tu các công trình, trang thiết bị và dụng cụ được cấp.

2º Thi công các công trình mới dựa vào các khoản vay hoặc trợ cấp đặc biệt.

3° Mua sắm thiết bị và đồ nghề mới.

4° Các khoản chi khác…

Khoản vay

Ngày 07/10/1924, Thống đốc Nam Kỳ ban hành Nghị định cho phép Hội đồng quản trị Thương cảng Sài Gòn ký hợp đồng vay 2 triệu đồng bạc Đông Dương (sau gọi tắt là đồng bạc - ND), với lãi suất 8,15% có thể trả dần trong vòng 15 năm. Hợp đồng có khả năng thực hiện và ký toàn bộ hoặc từng phần.

Phần đầu tiên, số tiền lên tới 1 triệu đồng bạc, được chia thành 2 giai đoạn cho phép thi công những công trình sau:

Xây cầu bắc qua Kênh Tẻ tại nút giao tuyến đường số 15;

Xây 5 nhà kho, trong đó có 4 kho đóng và 1 kho mở trên bến Khánh Hội;

Cung cấp, lắp đặt 6 máy cẩu điện trên bến Khánh Hội;

Xây dựng cây cầu nhỏ bắc qua rạch Bến Nghé, đoạn kéo dài đại lộ Lord Kitchener (nay là đường Nguyễn Thái Học);

Trưng dụng đất để mở rộng Cảng và nâng cấp các tuyến đường bộ.

Quản lý hành chính

Các khoản chi được quyết toán và ủy quyền theo lệnh của Kỹ sư trưởng khu Công chính Nam Kỳ, người đại diện cho Chính quyền thuộc địa trước Hội đồng.

Thống đốc Nam Kỳ chịu trách nhiệm giám sát việc thực thi ngân sách của Thương cảng, tiến hành thẩm tra mọi vấn đề liên quan đến các khoản thu đã thực hiện để nộp vào ngân sách này. Thống đốc cũng được trao quyền giám hộ đối với Thương cảng và là người duy nhất có thẩm quyền thực thi hoặc hủy bỏ các nghị quyết của Hội đồng quản trị.

Chương trình trong tương lai

 Sơ đồ mở rộng cảng Sài Gòn - Chợ Lớn tại khu vực Nhà Bè vào những năm 1930, nguồn: TTLTQGI

 

Để đảm bảo sự phát triển của cảng Sài Gòn-Chợ Lớn, một mặt, Hội đồng quản trị chú trọng đến việc làm thế nào để đạt được hiệu suất cao nhất từ các công trình hiện có đồng thời thi công những công trình sau:

- Nâng cấp hệ thống cầu đường dẫn vào đất liền:

- Quy hoạch bến cảng Khánh Hội

- Thiết lập vùng quay tàu cho phép điều động tàu bè một cách dễ dàng, kể cả những con tàu dài 200 mét.

- Lập các chốt mới trên sông…

Kết nối bằng điện báo

Cảng Sài Gòn kết nối với phần còn lại của Đông Dương, Xiêm La và phía Nam Trung Quốc bằng các đường dây điện báo mặt đất.

Ba đường dây cáp dẫn tới Vũng Tàu, lần lượt kết nối Nam Kỳ với Singapore, Hồng Kông và Pontianak.

Kết nối bằng điện báo vô tuyến và điện thoại vô tuyến

Sài Gòn có một trạm Điện báo vô tuyến (T.S.F) rất quan trọng do Tổng Công ty T.S.F điều hành, với 5 đài cho phép thực hiện các kết nối sau:

- Bằng điện báo và điện thoại với Paris (và sau đó là với toàn bộ nước Pháp), London, Bruxelles, v.v...

- Bằng điện báo với: Madagascar (Tananarive), bờ biển Somali thuộc Pháp (Djibouti), Tân Calédonie (Nouméa), Tahiti (Papeete), Hoa Kỳ (San Francisco), Java (Batavia), quần đảo Philippine (Manila), Trung Quốc (Thượng Hải), Nhật Bản (Yokohama).

Trạm T.S.F thứ hai có công suất 25 kilowatt, đảm bảo kết nối trong phạm vi xứ Đông Dương và kết nối với Trung Quốc (Vân Nam Phủ), quần đảo Philippine (Cavite) và Java (Batavia).

Tàu thuyền trên biển có thể liên lạc bằng T.S.F với cảng Sài Gòn, thông qua đài điện báo vô tuyến lắp đặt tại Mỹ Tho, cách Sài Gòn 70 km. Các tàu thư báo đường dài có thể kết nối với đài Mỹ Tho ngay khi vào eo biển Malaysia.

 Cảng Sài Gòn. Bến cảng và hợp lưu của Rạch Bến Nghé với sông Sài Gòn năm 1930, nguồn: TTLTQGI

 

Kết luận

Cảng Sài Gòn là cửa ngõ tự nhiên của vùng nội địa rộng 300.000 km2, với dân số 7.000.000 người.

Tính đến năm 1923, diện tích trồng lúa ở Nam Kỳ liên tục gia tăng khoảng 30.000 ha/năm (năm 1883: 575.000 ha, năm 1893: 990.000 ha, năm 1903: 1.300.000 ha, năm 1913: 1.600.000 ha, năm 1923: 1.900.000 ha).

Theo số liệu thống kê, từ năm 1923, diện tích trồng lúa được ghi nhận như sau: năm 1924: 1.975.000 ha, 1925: 1.869.000 ha, 1926: 1.916.000 ha, 1927: 2.206.000 ha, 1928: 2.214.000 ha.

Trên thực tế, sản lượng gạo xuất khẩu còn tăng nhanh hơn cả diện tích trồng lúa (1874-1883: 333.000 tấn/năm, 1884-1893: 506.000 tấn, 1894-1903: 707.000 tấn, 1904-1913: 877.000 tấn, 1914-1923: 1.202.600 tấn), nghĩa là trong vòng 10 năm, trung bình mỗi năm tăng 22.000 tấn.

Trong vòng 6 năm, từ 1924-1929, trung bình mỗi năm tăng khoảng 1.381.840 tấn

Ngoài gạo của Nam Kỳ, trong tương lai còn có thêm gạo miền Tây Cao Miên sau khi tuyến đường sắt Pnom-Penh - Battambang được xây dựng và đi vào hoạt động do đó phá vỡ thế cô lập của một khu vực rộng lớn.

Ảnh 4. Cảng Sài Gòn. Rạch Bến Nghé năm 1930, nguồn: TTLTQGI

 

Nguồn: Hs 3534, tr. 85-88, phông Công ty Đường sắt Vân Nam - Đông Dương, bảo quản tại TTLTQGI

 

 

Hoàng Hằng - Nguyễn Hồng