07:24 AM 26/05/2025  | 

Trong cuốn Xứ Bắc Kỳ năm 1900 (Le Tonkin en 1900), Robert Dubois đã dành nhiều trang để mô tả về các khu chợ truyền thống ở Bắc Kỳ đầu thế kỷ XX. Dưới góc nhìn của ông, chợ không chỉ là nơi mua bán, mà còn là một xã hội thu nhỏ luôn chuyển động và nhiều màu sắc. Nhằm góp thêm tư liệu cho việc nghiên cứu đời sống và văn hóa của người Việt trong thời kỳ thuộc địa, chúng tôi xin lược dịch và trân trọng giới thiệu tới bạn đọc những ghi chép của ông về các chợ ở Bắc Kỳ.

 Bà bán đồ mây tre đan, nguồn: Robert Dubois

 

Các khu chợ của người An Nam thường họp gần làng hoặc ngay trong làng, tại những địa điểm thuận tiện nhất. Những lán hàng bằng tre dựng trên bốn cột trụ, giúp bà con bán hàng tránh được mưa nắng.

Những kiểu chợ như vậy rất phổ biến trên toàn xứ Bắc Kỳ và họp theo phiên. Có chợ lớn, chợ nhỏ tương tự cách phân loại chợ phiên lớn, nhỏ ở Pháp.

Người bản xứ rất thích đi chợ. Những người nhà quê (nông dân) thường phải đi bộ rất xa, mang theo những gánh hàng cồng kềnh trên vai để tới chợ.

Việc buôn bán hầu hết là do phụ nữ đảm nhiệm. Họ vừa là người bán, vừa là người mua, họ mặc cả khéo léo không kém gì phụ nữ nông thôn Pháp, thậm chí có phần sắc sảo hơn.

Cảnh tượng chung của một phiên chợ An Nam là một đám đông chen chúc, không phải trong trang phục chỉnh tề như ở chợ phiên nước Pháp, mà là trong bộ dạng lấm lem, họ khoác lên mình bộ đồ lao động thường ngày.

Các bà, các chị bán hàng ngồi trên chiếu hoặc ngồi bệt xuống đất, chân gập lại, kiên nhẫn chờ khách hoặc mời chào khách mua hàng, đồng thời ra giá tùy vào việc đánh giá cảm tính về khách hàng khó hay dễ lừa.

. Bà bán cá đang đợi khách, nguồn: Robert Dubois

 

Những khu chợ này bày bán nhiều món hàng lạ lùng. Chẳng hạn, chỗ này người bán thịt để một con chó đang nằm thoi thóp trên bàn, sau đó sẻ thành từng miếng để bán; chỗ kia là những con chuột to đã được làm sạch, chế biến sẵn, đây là món khoái khẩu của người An Nam.

Trong chợ còn có một số hàng ăn nhỏ lẻ, gợi nhớ đến những người bán nước dừa hay bánh kẹp ở Pháp.

Tại đây, người An Nam ăn uống ngay bên cạnh các sạp vải, đồ gốm, đồ đồng, rau củ, trầu cau, v.v…

Các khu chợ bản xứ bán đủ loại hàng hóa.

Vì người An Nam không đi giày, nên không có thợ đánh giày, nhưng bù lại có thợ cắt tóc, thợ lấy ráy tai, thợ xoa bóp, v.v.

Thợ cắt tóc khi thì ngồi xổm dưới đất, khi thì ngồi trên ghế đẩu, đối diện với khách cũng đang ngồi xổm, trong tư thế đối mặt khá buồn cười, ông ta chăm chú cạo râu. Hai thân hình gầy gò, nhỏ thó, đầu nghiêng, cổ rướn tạo nên một khung cảnh vô cùng nực cười. Thợ lấy ráy tai ở cách đó không xa cũng ngồi như thợ cắt tóc hoặc để khách ngồi trên một chiếc ghế dài, chỉ với một cây que nhỏ và miếng vải, ông ta vệ sinh tai cho khách hết sức bài bản, trong khi vị khách tỏ ra khá bình thản.

 Thợ lấy ráy tai, nguồn: Robert Dubois

Cách đó vài bước, người thợ xoa bóp cũng đang ngồi đối diện với khách. Việc xoa bóp chỉ gồm vài động tác vỗ nhẹ lên tay hoặc chân, và tất nhiên, không thể bỏ qua khuôn mặt bởi chính ở đây, kỹ năng của người thợ được thể hiện rõ nhất. Những động tác ấn lên thái dương, má, mũi khiến khách hàng có cảm giác đê mê, và chỉ bừng tỉnh khi thợ xoa bóp tuyên bố đã xong và đề nghị thanh toán.

Tại các khu chợ này còn có những nhạc sĩ mù nhưng cũng có kẻ cắp và các trò lừa đảo nhắm vào người nhẹ dạ.

Tôi (Robert Dubois - ND) đã chứng kiến một người phụ nữ An Nam làm chủ sới bạc và khéo léo móc túi những nông dân khốn khổ.

Ngay cả thợ xoa bóp đôi khi cũng chỉ là những kẻ lừa đảo, thôi miên khách hàng rồi lấy trộm đồ.

Có thể thấy, các chợ Bắc Kỳ cũng pha tạp chẳng kém gì chợ ở Pháp. Ở đó, ta bắt gặp cả những điểm tương đồng lẫn những điều kỳ quặc khó ngờ.

Thông thường, sau khi tan chợ, không ít người dân bản xứ tụ tập tại một địa chỉ quen thuộc, bất chấp lệnh cấm, để rồi chỉ trong vài giây, họ thua bạc và mất trắng toàn bộ số tiền vừa kiếm được.

Hoạt động thương mại của những khu chợ này giữ vai trò thực sự quan trọng và ngày càng có xu hướng mở rộng.

Tại Hà Nội, chính quyền thành phố đã xây dựng năm khu chợ có mái che, nơi người An Nam đem hàng hóa đến bán cho người Âu. Nhờ đó, người Âu có thể mua tất cả những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày.

----------------------

Nguồn: Xứ Bắc Kỳ năm 1900 của Robert Dubois, tr. 103-106

Hoàng Hằng