Bài viết này, xin giới thiệu một số chữ Nôm xuất hiện trong các Châu bản thời vua Gia Long (1802-1819).
Châu bản thời Gia Long (1802-1819) đã được Trung tâm Lưu trữ quốc gia I công bố một danh mục tóm tắt gồm 822 văn bản[1] gồm các loại chiếu, dụ, công đồng truyền, công đồng phó, công đồng sai, trát, thân, tấu, khải, quốc thư… Đây là nguồn tư liệu quý giá giúp người nghiên cứu đi sâu tìm hiểu các khía cạnh của đời sống xã hội thời Gia Long, trong đó có chữ viết. Chữ viết trên Châu bản thời Gia Long có 2 loại: chữ Hán và chữ Nôm.
Chữ Nôm xuất hiện trong châu bản thời Gia Long gồm 2 loại: chữ Nôm tự tạo và chữ Nôm mượn chữ Hán. Chữ Nôm xuất hiện trong các văn cảnh như sau:
Trong các văn bản Chiếu, Dụ, Chỉ: đây là loại văn bản chuyên dành cho nhà vua. Theo Mục lục Châu bản triều Nguyễn, tập I, loại này có 164 đơn vị văn bản. Trong đó một tờ Chiếu đề ngày 15 tháng 12 năm Gia Long thứ nhất (1802), nhà vua đã lệnh cho Nguyễn Phúc Thí, một chi phái con cháu nhà chúa trước đây kê khai phổ hệ[2], tờ chiếu này có đoạn: 德 先 聖 王 生 下 公 子 羅 買 𡾵, 埃 羅 𣳔 嫡, 埃 羅 𡉕 庶, 継 生 子 孫 世 次 鄧 包 饒, 忍 典 列 朝 拱 丕. 係 公 姓 各 支 派 現 存 羅 包 饒, 埃 㐌 預 固 官 職, 埃 渚 預 受 官 職 調 沛 備 開, 從 前 世 系 詳 究 的 實 具 修 譜 牒 進 覽. (Đức Tiên thánh vương sinh hạ công tử là mấy ngôi, ai là dòng đích, ai là dòng thứ, kế sinh tử tôn thế thứ đặng bao nhiêu, nhận đến liệt triều cũng vậy. Hễ Công tính[3] các chi phái hiện tồn là bao nhiêu, ai đã dự có quan chức, ai chưa dự thụ quan chức đều phải bị khai (kê khai đầy đủ). Trong đoạn văn này có 3 chữ Nôm tự tạo là 𡾵 (ngôi), 𡉕 (dòng), 饒 (nhiêu). Các chữ còn lại là các chữ Hán được nhà vua mượn để diễn đạt theo lối tư duy của người Việt.
Trong tờ Dụ ghi ngày 3 tháng 1 năm Gia Long thứ 2 (1803) có các chữ 𠉞 固 差 欽 差 屬 內 該 奇 玖 𠓨 嘉 定 [nay có sai Khâm sai thuộc nội Cai cơ Cửu vào Gia Định…]. Các chữ Nôm tự tạo là: 𠉞 (nay), 𠓨 (vào). Các chữ Nôm còn lại là các chữ Nôm mượn chữ Hán.
Trong các văn bản của Công đồng như: Công đồng truyền, Công đồng sai, Công đồng phó. Riêng loại Công đồng truyền hiện có 309 đơn vị văn bản. Loại này có chữ Nôm tự tạo 𠉞 (nay) và các chữ Nôm mượn chữ Hán xuất hiện trong dạng công thức như: 𠉞 𠳐固 攽 下… [nay vâng có ban hạ], trong Châu bản ngày 6 tháng Giêng năm Gia Long thứ 4 (1805). Hoặc cụm từ 𣈜𨎟固傳 [ngày trước có truyền], trong văn bản đề ngày 20 tháng Giêng năm Gia Long thứ 2 (1803). 𠉞𠳐旨 [nay vâng chỉ], trong văn bản đề ngày 6 tháng giêng năm Gia Long thứ 4 (1805)…
Trong loại Quốc thư. Đây là những văn bản bang giao của một số nước trong khu vực như Thái Lan, Miến Điện… với Việt Nam được dịch ra tiếng Việt. Phần Việt văn ghi bằng chữ Nôm. Một bức thư của một thủy thủ Pháp gửi cho nhà đương cục Việt Nam đề ngày 9 tháng 7 năm Gia Long thứ 16 (1817), mở đầu bức thư ghi 眾碎於在渃葩朗沙城浦 都盧 𠸜 羅 … [Chúng tôi ở tại nước Ba Lãng Sa thành phố Đô Lô tên là…] Trong đoạn văn này có chữ Nôm tự tạo 渃 (nước); 𠸜 (tên)... Các chữ còn lại là các chữ Hán được mượn để diễn đạt theo lối tư duy của người Việt.
Trong văn bản Tấu, các chữ Nôm tự tạo và các chữ Nôm mượn chữ Hán xuất hiện trong các cụm từ công thức 奏 湃 德 皇上 閍 閍 𢆥 高 明 御 覽 (tấu vái đức hoàng thượng muôn muôn năm cao minh ngự lãm). Trong công thức này có 4 chữ Nôm tự tạo là 湃 (vái) 閍 閍 𢆥 (muôn muôn năm) hoặc cụm từ 𠉞具 表 奏 浪 [nay cụ biểu tấu rằng], văn bản đề ngày 20 tháng 1 năm Gia Long thứ 4 (1805). 𠉞 (nay) là chữ Nôm tự tạo, các mã chữ còn lại trong cụm từ này là chữ Nôm mượn chữ Hán.
Bản tâu của Khâm sai Bắc thành Chưởng hậu quân Lê Tông Chất gửi lên nhà vua, đề ngày 10 tháng 12 năm Gia Long thứ 16 (1817), nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I
Có thể thấy các chữ Nôm tự tạo và các chữ Nôm mượn chữ Hán xuất hiện trong Châu bản thời Gia Long khá nhiều và đều ở dạng viết tay. Một tờ tâu gửi lên nhà vua của Khâm sai Bắc thành Chưởng hậu quân Lê Tông Chất đề ngày 10 tháng 12 năm Gia Long thứ 16 (1817) trình bầy sự việc binh lính đóng đồn ở vùng biển thuộc thành Gia Định được thay phiên, trên đường trở về gặp bão, trôi dạt đến vùng biển của Nhật Bản, người Nhật Bản đã cứu những nạn binh và nhờ tầu buôn của Trung Quốc giúp họ trở về Việt Nam.
Trong văn bản này có một số chữ Nôm như:
- Các chữ Nôm tự tạo chỉ số đếm 𠄩 (hai), 𠀧 (ba), 𦊚 (bốn), 𠄼 (năm), 𦒹 (sáu), (bảy), 糝 (tám ), 𠃩 ( chín), 𨒒 (mười ) hoặc chữ Nôm tự tạo chỉ thời gian 𣈘 (đêm), 𣈜 (ngày ), 𣎃 (tháng), 𢆥(năm)… đã xuất hiện nhiều lần trong văn bản.
- Các chữ Nôm tự tạo 湃 (vái), 閍 閍 𢆥 [muôn muôn năm] và các chữ Nôm mượn chữ Hán 德皇上 [đức hoàng thượng] 高明御覽 [cao minh ngự lãm] cùng xuất hiện tạo nên một công thức cho loại tấu như: 奏 湃 德皇上 閍閍𢆥高明御覽 [tấu vái đức hoàng thượng muôn muôn năm cao minh ngự lãm].
- Các chữ Nôm như 朱眾奴於在廚 [cho chúng nó ở tại chùa] (tr 4 d.6) hoặc 伊國無有陸路通往越南 [y quốc không có lục lộ thông vãng Việt Nam] (tr.5 d.8). Đây là các chữ Nôm mượn chữ Hán được người Việt sử dụng để diễn tả lối tư duy của người Việt.
Chữ Nôm đã trải qua một quá trình phát triển. Theo sử sách ghi chép, Nguyễn Thuyên người đời Trần đã làm bài văn tế đuổi cá sấu trên sông Lô, phần Việt văn viết bằng chữ Nôm. Sau đó có Hồ Quý Ly (1400-1407) dịch Kinh Thi, sai nữ sư dạy hậu phi và cung nhân. Từ thời Lê đến thời Tây Sơn (1778-1801), chữ Nôm được dùng để:
- Dịch các bộ kinh Phật, các tác phẩm văn học, lịch sử ghi bằng chữ Hán sang Việt văn. Phần Việt văn ghi bằng chữ Nôm như: Phật thuyết đại báo ân trọng kinh, Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, biên soạn Tứ thư ngũ kinh theo quan niệm của nhà Nho Việt Nam bằng chữ Nôm để phục vụ cho thi cử.
- Dùng chữ Nôm để sáng tác thơ ca như Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, Hồng Đức quốc âm thi tập, Thơ Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Quốc sử diễn ca…
- Dùng chữ Nôm để biên soạn Hương ước, thần phả…
Từ các thành tựu nêu trên cho thấy chữ Nôm đã có một bước phát triển dài trong lịch sử. Tuy nhiên, các chữ Nôm được sử dụng trong giai đoạn này chưa được coi là văn tự chính thống của nhà nước, chưa được chuẩn hóa và điển chế hóa. Chỉ đến thời vua Gia Long (1802-1819), các chữ Nôm xuất hiện trong các văn bản hành chính nhất là trong các văn bản Châu bản thời Gia Long (1802-1819) cho thấy chữ Nôm đã được nhà nước thừa nhận và được sử dụng vào trong các văn bản hành chính nhà nước. Điều này cho thấy vị trí của chữ Nôm đã đạt tới đỉnh cao của sự phát triển và là một nguồn tài liệu quý cần được nhà nước Việt Nam bảo vệ, khai thác và và tôn vinh.
Tài liệu tham khảo:
2- Một số vấn đề về chữ Nôm. Nguyễn Tài Cẩn. Nxb.Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Hà Nội. 1985.
3- Nghiên cứu chữ Nôm. Kỷ yếu về hội nghị Quốc tế về chữ Nôm. Nxb. KHXH.H.2006.
4 - Di văn thời Tây Sơn trên đất Thăng Long Hà Nội. Trần Nghĩa chủ biên. Nxb.Hà Nội. 2010.
5 - Đại tự điển chữ Nôm. Vũ Văn Kính chủ biên. Nxb. Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Trung tâm Nghiên cứu Quốc học.1999
6 - Tự điển chữ Nôm. Nguyễn Quang Hồng chủ biên. Nxb. Giáo dục. H.2006
7 - Đại tự điển chữ Nôm. Trương Đình Tín - Lê Quí Ngưu chủ biên. Nxb. Thuận Hóa. 2007
[1] Xem thêm: Mục lục Châu bản triều Nguyễn. Tập I. Nxb. Văn hóa Thông tin. H. 2010. trang IX.
[2] Xem thêm: Mục lục Châu bản triều Nguyễn. Tập I. Nxb. Văn hóa Thông tin. H. 2010 trang. 3
[3] Công: một thuật ngữ chỉ nhà chúa tự xưng. Từ chúa Ninh vương (1725 -1738) trở về trước, nhà chúa xưng là 公 = Công. Từ chúa Thế tông Võ vương (1738- 1765) trở về sau, nhà chúa xưng là 王 = Vương (Đại Nam thực lục tiền biên VHv: 1320). Theo sách Hải ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán (người Trung Quốc, thì chúa Nguyễn xưng Vương từ trước năm 1695.
TS. Phạm Văn Thắm