Châu bản triều Nguyễn ghi việc xây dựng và sửa chữa cầu trong các niên hiệu sau: Minh Mệnh, Tự Đức, Thành Thái, Đồng Khánh, Bảo Đại, những cây cầu được xây dựng và sửa chữa ghi trong Châu bản triều Nguyễn phân bố ở các tỉnh: Hưng Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Gia Định. Việc xây dựng cầu và sửa chữa cầu dưới triều Nguyễn có đề nghị, giám sát của các Bộ, các Viện trong triều đình, đồng thời, có sự tham gia giúp đỡ của các quan Công sứ Pháp và được sự phê chuẩn của vua. Việc xây dựng và sửa chữa cầu trong Châu bản triều Nguyễn được nghiên cứu qua các khía cạnh sau: niên hạn cầu, kinh phí xây dựng và sửa chữa cầu, mục đích xây dựng và sửa chữa cầu, kiến trúc cầu.
Niên hạn cầu
Niên hạn cầu là quy định về thời gian tồn tại chắc chắn của cây cầu, sau thời gian này thì cầu sẽ được tu sửa lại cho tốt hơn. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là thời gian ước tính, trên thực tế cũng có cây cầu được tu sửa trước thời gian này hoặc sau thời gian này do những lý do khách quan khác. Nhưng đây cũng là một cứ liệụ để xác định độ bền và tuổi thọ của cây cầu. Niên hạn cầu là một thông tin quý báu mà rất ít tài liệu ghi lại được. Nhiều Châu bản triều Nguyễn cho biết niên hạn cầu là ba mươi năm, cứ sau ba mươi năm thì tiến hành tu bổ, sửa chữa một lần, chẳng hạn như Châu bản Thành Thái tập 10, tờ 15 ghi về cây cầu ở tỉnh Quảng Nam: “Cầu đá ở thành trì bên ngoài kinh thành, bậc thềm làm bằng gạch đá, đá vôi, ban đầu xây dựng lấy niên hạn ba mươi năm vững chắc”. Hay là Châu bản Tự Đức tập 319, tờ 241 ghi về cầu Trường Lợi ở tỉnh Thừa Thiên Huế: “Chiếu theo lệ định xây dựng cầu, niên hạn ba mươi năm vững chắc. Nay kiểm tra cây cầu ấy đã tu bổ được 29 năm 9 tháng, đến nay chưa tới niên hạn, còn thiếu 3 tháng nữa”. Những cây cầu này có niên hạn ba mươi năm, được xây dựng rất cẩn thận và chắc chắn, đây là điều rất quan trọng. Việc xây dựng và sửa chữa cầu thời Nguyễn cũng có sự chuẩn bị kĩ càng, giám sát chặt chẽ của các Bộ, các Viện, có quy củ, công phu và chuẩn mực.
Kinh phí xây dựng và sửa chữa cầu
Châu bản Thành Thái tập 10, tờ 240 ghi về việc xây dựng cây cầu ở tỉnh Quảng Nam:“Kinh Khâm sứ đại thần bàn bạc, nghĩ nên giao số bạc cho tỉnh ấy nhận làm những cây cầu này, tỉnh ấy phái thuộc viên đi trước, cùng hợp đồng với huyện Hoà Vinh thuê thợ mua vật liệu, do quý quan chỉ thị xây dựng”. Châu bản Thành Thái tập 49, tờ 194 ghi về việc xây dựng cầu Kiết ở An Tĩnh: “Tổng đốc, Bố chánh, Án sát các sảnh thự cùng quý Công sứ bàn bạc giao bạc ở cục Công để xây dựng cầu Kiết”. Châu bản Thành Thái tập 31, tờ 46 ghi về việc xây dựng cầu Lam ở tỉnh Bình Định: “Hiện cầu ở dưới các tỉnh nên tiến hành xây dựng, bàn bạc cùng quý Công sứ ở tỉnh chọn bạc ở cục Công giao cho làm”. Qua những đoạn ghi chép trên thì có thể thấy rằng, đa số kinh phí xây dựng các cầu được lấy ở kho ngân khố quốc gia và ngân khố các cục.
Mục đích xây dựng và sửa chữa cầu
Qua 30 văn bản ghi về việc xây dựng và sửa chữa cầu thì có thể thấy có ba mục đích chính.
+ Xây dựng và sửa chữa cầu để nhân dân đi lại
Nhà Nguyễn đã cố gắng sửa chữa những cây cầu cho chắc chắn để cho nhân dân đi lại, giao thương được thuận tiện, tránh khỏi cảnh khó khăn. Châu bản Tự Đức tập 2, tờ 3 ghi về cầu ở địa phận xã Thượng Xá, huyện Hải Lăng rằng:“Nay nếu tuân theo lệ trùng tu, thì đến mùa thu mưa ngập, tưởng cũng không tránh được trôi nổi mục nát, mà dân tình rất khổ sở. Tha thiết xin tâu bẩm sự việc, để chờ đợi sự thương xót đối với nhân dân khốn khổ. Cây cầu này nên đặt ở bến, ngõ hầu làm cho dân huyện tránh khỏi phí tổn trùng tu”. Châu bản Tự Đức tập 319, tờ 241 ghi về việc sửa chữa cầu Trường Lợi ở tỉnh Thừa Thiên Huế: “Riêng cây cầu này quan dân, ngựa trạm hàng ngày thường qua lại, nếu đợi xem xét kĩ xong mới làm thì e rằng sẽ chậm trễ thiếu thuận tiện. Nay do thần bộ chi các hạng sai thuộc viên cấp cho thợ, do Thuỷ sư sai 1 tên quản suất cùng 50 biền binh lĩnh các hạng để làm, hạn trong vòng một tháng phải xong thật chắc chắn để tiện đi lại”.
Trang đầu bản tấu ngày 13 tháng 7 năm Tự Đức thứ 32 (1879) của Bộ Công về việc xin chi vật liệu tu sửa lại cầu Trường Lợi. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
+ Xây dựng và sửa chữa cầu để cho quan Pháp đi lại
Một số Châu bản lại ghi lý do khác, đó là xây dựng cầu để cho quan Pháp đi lại. Vào thời vua Thành Thái, nước ta là thuộc địa của thực dân Pháp, quan lại cấp tỉnh phải phụ thuộc trực tiếp Thống sứ Pháp. Trong Châu bản Thành Thái tập 23, tờ 79 ghi việc xây dựng cầu ở Thuận Khánh: “Vùng ngoại thành không có cầu, chỉ đắp đường đất, mỗi khi mưa ngập lụt, thế nước chảy ngang, bùn lầy ẩm thấp, quý quan hàng ngày thường qua lại sẽ rất khiếm nhã. Xin nên xây dựng cầu đá, ngõ hầu cho được vững chắc”. Mục đích xây dựng cầu với lý do để cho quan Pháp đi lại thì chỉ thấy có ghi ở Châu bản triều Nguyễn, còn ở các văn bản cấp địa phương không thấy ghi điều này.
+ Xây dựng cầu để đón vua vào dịp lễ
Việc dựng cầu ván để đón vua là một nghi thức hoàng gia được tiến hành vào dịp lễ, cầu được làm đúng vào dịp sinh nhật của vua. Cầu được làm theo kiểu nhà ở trên đài cao rất mát mẻ. Cầu này được làm để phục vụ dịp lễ chứ không mang tính chất dân sinh. Châu bản Thành Thái tập 52, tờ 13 ghi: “Ngày mồng 4 tháng gGiêng tới kính gặp ngày sinh nhật ở điện Long Ân, đúng ngày hôm đó Hoàng thượng đến làm lễ. Ở hai bến bãi ở Tôn điện và Phu Văn lâu theo lệ dựng thành trúc, làm rạp và bắc cầu ván gỗ để chuẩn bị phụng Ngự giá”. Văn bản cho thấy việc tổ chức các nghi lễ vào ngày sinh nhật vua Thành Thái rất tôn nghiêm, trang trọng.
Kiến trúc cầu
Trong Châu bản triều Nguyễn có ba loại hình kiến trúc cầu chủ yếu: cầu đá, cầu ngói, cầu sắt.
Cầu đá: là loại cầu không có mái che. Kiểu cầu này chỉ nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, cầu được xây dựng hoàn toàn bằng đá: hai hàng cột trụ song song bằng đá để giữ cho cầu vững chắc, số cột trụ nhiều hay ít phụ thuộc vào chiều dài của cây cầu bắc qua sông. Trong Châu bản triều Nguyễn tập 10 tờ 115 – Thành Thái ghi:“ Bộ Công tâu: Tháng 2 năm ngoái nhận được tờ tư của Đốc thần tỉnh Quảng Nam là Nguyễn Đảng trình bầy: Thôn Ngọc Châu, Tam Giáp tình nguyện xây dựng cầu gỗ ở đường công thuộc địa phận thôn ấy, chuẩn cho được trừ sưu dịch. Tháng 3 năm nay bộ thần kính vâng phê chuẩn thi hành. Đến ngày 9 lại nhận được tờ tư trình bầy: cầu này mỗi khi đến mùa đông nước chảy rất mạnh va vào ván khó mà chịu được, nên xây 1 chiếc cầu đá dài 63 thước, rộng 8 thước 5 tấc, cao 10 thước 5 tấc”.
Cây cầu đá ở thôn Thái An, xã Quang Phục được xây dựng khoảng thế kỷ XVIII. Cầu dài 11,5m, rộng 1,2m, làm bằng đá xanh nguyên khối, ghép khít lại với nhau. Nguồn: Báo Hải Dương
Cầu ngói: là loại cầu có từ thời Lê, đó là kiến trúc “thượng gia hạ kiều” (trên là nhà dưới là cầu). Phía trên là mái nhà được lợp bằng ngói âm dương đan xen vào nhau như vảy rồng, có tác dụng che mưa, nắng cho người qua lại, phía dưới là mặt cầu được làm bằng đá hoặc gỗ lim, mặt cầu có hình cong. Hai bên mặt cầu thường có lan can để cho mọi người nghỉ ngơi, phía dưới thân cầu là những tấm ngang bằng đá hoặc gỗ lim nối các chân cột đối diện với nhau, có tác dụng làm bệ đỡ cho cầu, phía dưới cùng là những cột trụ có tác dụng để đỡ cầu thường được làm bằng đá, đầu cột ở trên có tác dụng đỡ thân cầu còn đầu cột dưới cắm xuống lòng sông. Cầu ngói kiến trúc công phu, cầu kì, có nhiều tiện ích. Những cây cầu được xây dựng và sửa chữa trong Châu bản triều Nguyễn có khá nhiều loại cầu này. Châu bản Thành Thái tập 31, tờ 46 ghi về cây cầu Lam ở tỉnh Bình Định như sau: “Kính vâng trù tính xây dựng một cây cầu 20 gác, 19 gian”. Châu bản Thành Thái tập 23, tờ 79 ghi về xây dựng cây cầu ở tỉnh Thuận Khánh: “Gạch 150 viên do chọn lấy ở tỉnh (vốn giữ loại cũ), ngói âm dương 4000 viên, tổng cộng số tiền là 32 quan”. Cầu ngói là loại cầu khá đặc sắc, nó có lịch sử tồn tại mấy trăm năm, đến nay ở một số địa phương ở nước ta vẫn còn loại cầu này: Chùa cầu ở Quảng Nam, cầu ngói Thanh Toàn ở Thừa Thiên Huế, cầu ngói Phát Diệm ở Ninh Bình, cầu ngói xã Hải Anh huyện Hải Hậu tỉnh Nam Định…
Cầu ngói tồn tại đến ngày nay chủ yếu mang tính biểu tượng và tính lịch sử văn hoá, mỗi bước đi mỗi bước kỉ niệm. Nhưng trong quá khứ những cây cầu này thực sự mang tính dân sinh rất cao, nó là nơi để nhân dân đi lại qua hai bên bờ sông được thuận lợi, là nơi tao nhân mặc khách đề thơ, là nơi nghỉ ngơi che chở nắng mưa cho những người qua lại mệt mỏi, lợi ích mà cây cầu này mang lại là rất lớn.
Cầu ngói bắc qua sông Hoành, cách chùa Lương hơn 100m. Cầu ngói chùa Lương nằm trong cụm di tích lịch sử - văn hóa “chùa Lương, cầu Ngói, đình Phong Lạc” nổi tiếng của Nam Định. Nguồn: Báo Lao Động
Cầu sắt: ở nước ta, cầu sắt bắt đầu có từ thời Nguyễn, đây là một bước phát triển đột phá. Cầu Trường Tiền là một trong những công trình xây dựng lớn vào thời Nguyễn. Cầu Trường Tiền cùng với cầu Long Biên là hai cây cầu sắt đầu tiên của nước ta. Cầu Trường Tiền được xây dựng hoàn thành vào năm Thành Thái 11 (1899). Cây cầu này có vị trí đặc biệt quan trọng ở kinh thành Huế, nó nằm ở trung tâm thành phố Huế và nối liền hai bờ sông Hương, cho đến ngày nay trải qua hơn 100 năm nó vẫn là biểu tượng của thành phố Huế. Cầu Trường Tiền được xây dựng dưới triều vua Thành Thái với mục đích là để tiện cho dân thông hành. Trong sách Đại Nam Thực lục ghi lời dụ của vua Thành Thái về việc xây dựng cầu như sau: “Chính trị nhân đức không gì quan trọng bằng ra ân cho dân. Gần đây phàm tiến hành làm các cầu đường là để tiện cho dân vậy. Nay theo lời Cơ Mật viện tâu nói phía trước sông Hương là quan lộ, nghĩ nên làm một chiếc cầu sắt để tiện thông hành, duy vì kinh phí tốn rất lớn nên còn chờ tính toán trù biện. Nay toàn quyền đại thần Đại Pháp Phù Nam vương Rousseau tới kinh, qua bàn định với Trú kinh Khâm sứ đại thần Hộ Nam công Brière và bề tôi Cơ Mật viện thì chiếc cầu sắt ấy nghĩ chiểu theo kiểu thức thứ nhất (bề ngang khoảng 5 thước 2 tấc thước Tây), lần lượt chi tiền kho 190.000 đồng để xây dựng” (5). Cầu Trường Tiền dài 402,60 m, gồm 6 nhịp dầm thép hình vành lược, khẩu độ mỗi nhịp 67m.
Câu Trường Tiền. Nguồn: Sưu tầm
Trong Châu bản triều Nguyễn có hai văn bản ghi về chiếc cầu sắt này: văn bản tập 31 tờ 78 – Thành Thái được soạn vào năm Thành Thái 9 (1897) và văn bản tập 49 tờ 270 – Thành Thái được soạn vào năm Thành Thái 10 (1898). Cả hai văn bản đều nói về việc chuẩn bị tiền và vật liệu để xây dựng cầu Trường Tiền. Tuy nhiên văn bản thứ nhất gọi là cầu sắt Trường Tiền, còn văn bản thứ hai gọi là cầu sắt Sông Hương. Văn bản tập 31 tờ 78 – Thành Thái ghi rằng: “Bộ Công tâu: Tháng 5 năm nay, thần bộ phụng phiến, sẽ xây dựng cầu sắt Trường Tiền nên cần rất nhiều đá, đã vâng lệnh trù tính giao cho Trần Văn Lộc thu thập đá ấy chở về bến Trường Tiền, sau đó mang về để gọn vào một chỗ để đợi xây cầu, kiểm tra xem được bao nhiêu thước, chiếu theo giá loại lớn mỗi một thước tây vuông trị giá tiền là 7 quan 8 mạch, loại vừa mỗi một thước tây vuông trị giá tiền là 6 quan 4 mạch, loại nhỏ mỗi một thước tây vuông trị giá tiền là 5 quan, cấp tiền chuẩn theo ghi chép. Nay căn cứ vào bẩm trình của Trần Văn Lộc, tên ấy hiện thuê phu thuyền thu thập ba hạng đá đó rồi chở về bến, sau đó đặt ở đấy rất nhiều, trước xin tạm ứng 3000 quan tiền kẽm để thuê thợ. Thần bộ phái người kiểm tra số đá ấy, loại nhỏ hiện đặt ở bến chất thành bốn đống, chiếu theo thước tây để tính được hơn 200 thước cũng không phải nhỏ, trị giá hơn 1000 quan, mà tên ấy vội xin tạm ứng tiền, vốn không nên chuẩn y. Riêng việc xây dựng cầu ấy thì nên cần số đá đó, số đá đó vẫn còn rất nhiều, tên ấy hiện tiếp tục chở. Phu thuyền cần kinh phí cũng rất nhiều, nghĩ nên thuận cho tạm ứng 2.000 quan, nhưng do bộ Hộ tuỳ theo bạc giấy, bạc nguyên hoặc tiền để ứng phát giao cho tên ấy lĩnh làm rồi đợi đến kì cấp giá”. Cầu sắt Trường Tiền là một bước đột phá trong việc xây dựng cầu về mặt kiểu dáng và sử dụng vật liệu xây dựng. Trước đó, ở nước ta chỉ có cầu gỗ, cầu ngói, cầu đá…mà chưa có cầu sắt. Về kiểu dáng cầu sắt Tràng Tiền có hình giống chiếc lược khổng lồ, đây là sản phẩm của các kiến trúc sư ở nhà thầu xây dựng Pháp Schneider et Cie et Letellier thiết kế. Cầu Trường Tiền trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay vẫn là biểu tượng của thành phố Huế, nó vẫn giúp cho người dân đi lại thuận tiện qua sông Hương như mong muốn ban đầu của vua Thành Thái, ngoài ra nó còn đi vào thi ca nhạc hoạ của biết bao thi sĩ, nhạc sĩ, hoạ sĩ. Trải qua các giai đoạn lịch sử khác nhau thì cây cầu cũng có nhiều tên gọi khác nhau: Cầu sắt Trường Tiền, cầu sắt sông Hương, cầu Thành Thái, cầu Clelesmenceau, cầu Nguyễn Hoàng. Và, cho đến ngày hôm nay thì cầu lại mang tên là cầu Trường Tiền, giống như tên gọi ban đầu của nó.
Châu bản triều Nguyễn cung cấp nhiều thông tin cho việc nghiên cứu về xây dựng cầu dưới thời Nguyễn, và một chừng mực nào đó ở thời hiện tại và tương lai nó cũng có đóng góp trong việc tham khảo kiếu dáng, kiến trúc cầu.
-----------------
Chú thích và tài liệu tham khảo:
1. Đại Nam nhất thống chí, tập 1, tr. 22, Viện Sử học, Nxb Thuận Hóa- Huế, 2006.
2. Đại Nam Thực lục phụ biên, trang 83, Viện sử học, nxb Giáo Dục, 2001.
3. Mục lục Châu bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
4. Tuoitre.vn/Trường Tiền – chuyện chưa kể cây cầu lịch sử - Kỳ 2: Đi tìm tác giả cầu Trường Tiền.
5. Đại Nam Thực lục phụ biên, trang 83, Viện sử học, nxb Giáo Dục, 2001.
Lê Thông