10:39 PM 02/08/2022  | 

Một buổi chiều tối, xe của Cục đến 111 Quán Thánh đón mấy anh em chúng tôi đưa lên nơi sơ tán. Xe qua bến phà Chèm, mãi gần 12 giờ đêm mới tới nơi sơ tán. Trời tối như mực, cây cối um tùm, không một ánh đèn. Chúng tôi tạm nghỉ qua đêm ở phòng khách cơ quan.

Viên chức Kho Lưu trữ Trung ương hong phơi tài liệu tại nơi sơ tán

Sáng hôm sau dậy, tôi cảm tưởng như mình lạc trong khu rừng rậm rạp. Nơi cơ quan đóng biệt lập với khu dân cư địa phương. Cây cối um tùm che lấp. Từ đường cái nhìn vào không thể nhận ra nhà cửa của cơ quan, thậm chí mái nhà còn được ngụy trang thêm những cây dây leo.

Nơi sơ tán của Cục mà chúng tôi được đưa đến gọi là K5. Mấy hôm sau, chúng tôi được biết thêm, ngoài K5, tài liệu đưa đi sơ tán của Cục, cơ quan Trung ương và Hà Nội còn để phân tán ở K2, K3 và K4 vì kho đang xây ở K5 chưa xong, nên chưa có điều kiện đưa tập trung về một nơi. Các K này cách nhau vài cây số, đường sá đi lại khó khăn.

Sau khoảng 2 ngày, Cục phó Cục Lưu trữ - Phủ Thủ tướng Vũ Dương Hoan gặp chúng tôi và giao việc. Thủ trưởng Hoan khoảng trên 40 tuổi mà tóc trắng xóa. Khi gặp chúng tôi, thủ trưởng rất thân thiện và vui vẻ nên làm cho chúng tôi bớt phần e dè khi tiếp xúc. Anh Thời và chị Ánh được phân về phòng Chế độ nghiệp vụ. Tôi, anh Gioong và anh Vân được phân về Kho Lưu trữ Trung ương làm việc. Thủ trưởng Hoan cho biết, Kho Lưu trữ Trung ương là nơi bảo quản rất nhiều tài liệu lưu trữ có giá trị và chứa nhiều bí mật của quốc gia. Đồng chí (tôi) là Đảng viên nên được Đảng tin tưởng giao cho nhiệm vụ này. Đó vừa là trách nhiệm nặng nề, vừa có vinh dự lớn. Tôi nghiêm chỉnh chấp hành nhiệm vụ được phân công.

Ở K5 lúc này có 2 bộ phận cán bộ. Một là, cán bộ nhân viên thuộc biên chế của Cục Lưu trữ - Phủ Thủ tướng mà đại bộ phận đã từ Hà Nội chuyển lên nơi sơ tán (khoảng hơn 30 người). Bộ phận thứ hai là cán bộ biệt phái của Văn phòng Phủ thủ tướng, các bộ, ngành Trung ương và của Thành ủy và UBHC thành phố Hà Nội đi theo bảo vệ tài liệu lưu trữ sơ tán của bộ, ngành, địa phương(khoảng 40 người). Những cán bộ biệt phái này thuộc biên chế và hưởng lương của cơ quan cử đi, nhưng mọi sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt Đảng và Công đoàn đều chịu sự quản lý, chỉ đạo của Cục Lưu trữ - Phủ Thủ tướng.

Ban lãnh đạo Cục Lưu trữ - Phủ Thủ tướng có 2 người: Cục trưởng Trần Văn Nguyên kiêm luôn Trưởng Kho Lưu trữ Trung ương và Cục phó Vũ Dương Hoan. Cụ Nguyên là đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cụ là trí thức tây học người Sài Gòn có tinh thần yêu nước rất mãnh liệt. Do sức khỏe yếu nên cụ Nguyên hầu như không điều hành công việc của Cục. Trên thực tế, Cục phó Vũ Dương Hoan điều hành quản lý chỉ đạo mọi mặt công tác của Cục Lưu trữ - Phủ Thủ tướng.

Đơn vị tôi làm việc là Kho Lưu trữ Trung ương. Cục trưởng Trần Văn Nguyên kiêm luôn chức vụ Trưởng Kho. Phó Kho Lưu trữ Trung ương là cụ Lê Xuân Phương và cụ Trần Văn Khuông. Cụ Phương phụ trách kho tài liệu tiếng Pháp trước năm 1945 (gọi là Kho AII), còn cụ Khuông phụ trách Kho lưu trữ tiếng Việt hình thành trong hoạt động của các cơ quan nhà nước Trung ương nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 (gọi là Kho AIII).

Ở Kho Lưu trữ Trung ương thời kỳ đầu sơ tán, cán bộ nhân viên của Kho không phân biệt tuổi tác, nam hay nữ, trình độ học vấn, công việc hằng ngày đều là mang vác tài liệu trong kho ra phơi trên các ván nứa tự tạo dưới các tán cây, không để ánh nắng mặt trời chiếu vào tài liệu làm phai mực trên các con chữ, vệ sinh tài liệu như chải bụi, chải mốc, gỡ ghim, khâu chỉ các tập tài liệu sau khi gỡ ghim ra.

Chúng tôi tìm ra một loại gai của cây rừng, dài chừng 3-4 cm, có đầu nhọn rất sắc để ghim những tập tài liệu mỏng sau khi gỡ ghim sắt. Một số bộ, ngành trước khi đưa tài liệu đi sơ tán đã rắc bột DTT vào tài liệu nhằm chống mối mọt, sâu bọ phá hoại tài liệu. Khi xử lý những hòm, cặp, hay gói tài liệu này rất mệt, đồ bảo hộ lao động quá thiếu thốn, nhưng rất may không một ai bị nhiễm nặng.

Cuộc sống làm việc đơn điệu như thế kéo dài mấy năm, lại ở nơi biệt lập, hầu như không có quan hệ với bên ngoài, nên rất dễ nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực. Nhờ Chi bộ Đảng quan tâm lãnh đạo tốt và cơ quan động viên, tạo điều kiện thuận tiện, nên chúng tôi đều an tâm công tác, thi hành nghiêm chỉnh các quy định của cơ quan và hoàn thành tốt nhiệm vụ nhà nước giao cho - giữ gìn bảo quản an toàn tuyệt đối tài liệu lưu trữ quốc gia, không bị máy bay giặc Mỹ tìm cách phá hoại và chống lại mọi tác động của môi trường khí hậu, sâu bọ phá hủy tài liệu.

Đón đọc bài tiếp theo: Bảo vệ bí mật kho lưu trữ và mật danh “300A”

Ngô Thiếu Hiệu - Nguyên Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I