03:49 PM 21/08/2024  | 

Lịch sử Đà Nẵng từ đầu thế kỷ XX đến nay luôn gắn liền với các vấn đề về sân bay. Vào những năm 1950, vấn đề sân bay thậm chí còn làm cho dư luận đương thời ngao ngán về tình trạng “nhượng địa lại hoàn nhượng địa” của Đà Nẵng.

Sau cuộc trình diễn máy bay đầu tiên năm 1913 tại Lầu Đèn, xã Thạch Thang, huyện Hòa Vang, Quảng Nam của hai phi công Geoges Verminck và Marc Pourpe, năm 1918, Sở Hàng không dân dụng Đông Dương được thành lập, với sự ra đời của hai sân bay tại Hà Nội và Sài Gòn. Đến đầu thập niên 1930, các sân bay nhỏ hơn được thiết lập, trong đó có sân bay Tourane (Đà Nẵng).

Đầu năm 1941, khi kéo vào đóng ở Hòa Vang và Đà Nẵng, quân Nhật lập tức tiến hành mở rộng sân bay Đà Nẵng, với mục đích “sử dụng sân bay Tourane như một căn cứ quân sự của tập đoàn Không quân 3, là đơn vị không quân ở mặt trận Đông Nam Á với Bộ chỉ huy đóng tại Singapore”[1]. Để mở rộng sân bay, quân Nhật buộc người dân các làng Xuân Hòa, Xuân Đán, Phục Đán, Yên Khê... đi nơi khác, đồng thời ép họ tham gia xây dựng sân bay khiến việc này trở thành một nỗi “ám ảnh” đối với nhiều thế hệ người dân Đà Nẵng[2]. Trong tình hình đó, người dân Quảng Nam, Đà Nẵng, nhất là ở các xã bị ảnh hưởng trực tiếp đã tổ chức đấu tranh bằng hình thức bất hợp tác và tham gia các phong trào do Việt Minh tổ chức, tiến tới giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám năm 1945.

“Nhượng địa lại hoàn nhượng địa”

Giai đoạn 1947-1950, sân bay Tourane được chính quyền Pháp ở Đông Dương sử dụng chủ yếu cho mục đích quân sự. Từ năm 1951, do chiến tranh leo thang, Pháp đề nghị chính phủ Quốc gia Việt Nam, đứng đầu là Bảo Đại, phối hợp trong việc mở rộng sân bay Đà Nẵng I bên khu Tây Đà Nẵng (bên tả ngạn sông Hàn - vị trí sân bay Đà Nẵng hiện nay) và thiết lập sân bay Đà Nẵng II ở bán đảo Sơn Trà (bên hữu ngạn sông Hàn). Việc mở rộng sân bay Đà Nẵng và việc Pháp chiếm đất ở bán đảo Sơn Trà để lập phi trường khiến dư luận bấy giờ ca thán, bởi nhượng địa Đà Nẵng   đã được trao trả (cho chính phủ Quốc gia Việt Nam) giờ lại vì sự thể của cái sân bay mà một lần nữa trở thành nhượng địa.

Việc mở rộng sân bay Đà Nẵng I được Pháp đề nghị chính thức với chính quyền Quốc gia Việt Nam vào đầu thập niên 1950, thể hiện tại Nghị định số 7-Cab/Prés ngày 22-2-1951 về việc công bố tính cách công ích và khẩn cấp của những công tác cần thiết cho sự mở rộng căn cứ không quân Đà Nẵng[3]. Dưới sự thúc ép của Pháp, chính phủ Quốc gia Việt Nam đã nhún nhường để Pháp mở rộng sân bay Đà Nẵng, vì mục đích quân sự (và cả dân sự).

Trên cơ sở Nghị định số 7-Cab/Prés này, giới chức quân sự Pháp yêu cầu chính phủ Quốc gia Việt Nam, trực tiếp là Phủ Thủ hiến Trung Việt tổ chức trưng thu đất mở rộng sân bay và tiến hành khẩn trương trước diễn biến của tình hình quân sự trên bán đảo Đông Dương. Năm 1951, Phủ Thủ hiến Trung Việt ban hành Nghị định số 580-Cab/SG ngày 19-11-1951 ấn định thể thức trưng thu vì công tác công ích ở Trung Việt. Ngay trong cùng ngày (19-11-1951), Phủ Thủ hiến Trung Việt ban hành Nghị định số 43-Cab/Prés tu chỉnh một số nội dung Nghị định 7-Cab/Prés như đã nêu, nhằm thi hành việc trưng thu trên phạm vi rộng hơn cho nhu cầu quân sự của Pháp[4].

Vấn đề gây bàn cãi ở đây là việc mở rộng sân bay Đà Nẵng I được đề xuất và tiến hành trên phần đất bao gồm của thị xã Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam (huyện Hòa Vang), trong khi đó việc trưng thu đất không được áp dụng đồng nhất tại hai nơi này bởi các văn bản có hiệu lực đương thời. Cụ thể: “Nghị định số 43-Cab/Prés ngày 19-11-1951 của Quý phủ đã tuyên bố công ích và cho phép nhà chức trách quân sự Pháp sử dụng hai đám đất ở tả ngạn và hữu ngạn sông Hàn để lập 2 phi trường: Đà Nẵng I và Đà Nẵng II. Đám đất ở tả ngạn sông Hàn gồm một phần địa phận của tỉnh Quảng Nam và một phần địa phận của thị xã Đà Nẵng. Từ bấy lâu nay, nhà chức trách quân sự Pháp đã lần lượt chiếm dụng (mua hay trưng thu) một phần lớn đám đất ấy để lập phi trường Đà Nẵng I”[5]. Trong quá trình mở rộng này, nhiều người dân không chịu di dời nhà cửa, đình chùa, nhà thờ, buộc lý trưởng các xã Xuân Đán, Phục Đán đệ đơn lên Tòa Thị chính đòi bồi thường thiệt hại.

Tháng 10-1953, nhà binh Pháp tiếp tục yêu cầu chính phủ Quốc gia Việt Nam tiến hành trưng thu đất để mở rộng khu vực kiểm soát sân bay Đà Nẵng (phục vụ việc xây dựng các tháp canh, quan sát không lưu và bảo vệ an ninh ra khu vực xung quanh). “Đất sắp trưng thu chiếm 2/3 làng Xuân Đáng,1/2 làng Thạc Gián, 1/5 làng Phúc Đáng, diện tích 650.000 m² (130 mẫu), gồm: 350 nóc nhà, 500 gia đình (2.500 dân), 2.000 mồ mả”[6].

 

 [Bản đồ sân bay Nước Mặn trước năm 1975,

 xây dựng sau khi Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng trực tiếp tham chiến tại

 Việt Nam - nằm trong quần thể sân bay Đà Nẵng II bên hữu ngạn sông Hàn, nay thuộc quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Legacy.lib.utexas.edu]

 

Lại có một câu chuyện khác về sân bay, đó là việc nhà chức trách Pháp giữ đất với lý do thiết lập sân bay Đà Nẵng II. Tính đến thời điểm năm 1953-1954, “ở hữu ngạn sông Hàn, phần lớn trên bán đảo Tiên Sa [Sơn Trà], nằm trong phạm vi diện tích mà nhà chức trách quân sự Pháp có quyền sử dụng, nên số 11.000 dân hiện cư trú ở trên đám đất ấy (phần lớn là dân cần lao), vẫn lo một ngày sau sẽ bị đuổi đi. Hiện thời, và trong lúc chờ đợi sự trưng thu chưa biết khi nào thực hiện thì trái với luật tự nhiên của cuộc sinh hoạt, họ không có quyền làm nhà gì thêm và Tòa Thị chính cũng không có thể thiết lập được những cơ cấu như trường học, bệnh xá... để chăm lo đời sống của dân”[7].

Để chấm dứt tình trạng bấp bênh vô định này, Tòa Thị chính Đà Nẵng và Phủ Thủ hiến Trung Việt nhiều lần yêu cầu nhà chức trách Pháp cho biết giới hạn của khu đất mà cơ quan quân sự thật cần dùng để thiết lập phi trường Đà Nẵng II, từ đó mới tổ chức sản xuất và ổn định cuộc sống nhân dân. Tuy nhiên, “nhà chức trách Pháp vẫn trả lời rằng hiện chưa có thể biết được giới hạn ấy và trong bức thư cuối cùng của Trung tướng Lenlanc lại nói rằng: Phải cần chờ kết quả của những cuộc thương thuyết hiện tại ở cấp Chính phủ”[8].

Vì một thực tế liên quan đến sân bay Đà Nẵng I và Đà Nẵng II nên dư luận lúc này cho rằng, Đà Nẵng trước đó là nhượng địa, sau khi được trao trả độc lập, tưởng như sẽ sung sướng hơn, nhưng không - nhượng địa lại hoàn nhượng địa, thậm chí nhượng địa còn mở rộng thêm vì sân bay. Phản ứng của dân chúng đã phản ánh đúng bản chất của Đà Nẵng vào thời điểm này. Vì “so với nhượng địa Đà Nẵng cũ (diện tích chưa đầy 204 ha) thì hai đám đất do nhà chức trách Pháp có quyền sử dụng để lập phi trường quân sự rộng đến 805 ha (đám đất ở tả ngạn sông Hàn 139 ha, bán đảo Tiên Sa 666 ha) nghĩa là diện tích căn cứ không quân Pháp rộng xấp xỉ 4 lần nhượng địa Đà Nẵng cũ”[9].

 

 [Sân bay Nước Mặn, Đà Nẵng. Trong suốt kháng chiến chống Mỹ, quân Giải phóng đã nhiều lần tấn công sân bay, phá hủy hàng chục máy bay Mỹ thuộc nhiều chủng loại. Ảnh Wally Beddoe]

 

Theo nhận xét của Tòa Thị chính Đà Nẵng, “thành phố Đà Nẵng nhỏ hẹp (2.034 ha), một nửa bên hữu ngạn sông Hàn thì đã bị trưng thu gần hết; ở nội ô thì các công sở, các nhà buôn Pháp và ngoại kiều đã choán một số lớn diện tích còn con dân cần lao mấy lúc nhờ có một ít đất đai ở ngoại ô để làm nhà tranh lấy nơi trú ngụ và trồng trọt sinh sống”[10]. Cũng vì thực tế xã hội này mà chính quyền Việt Minh ở Đà Nẵng đã tranh thủ kêu gọi dân chúng nổi dậy, đứng về phía cách mạng, đấu tranh với chính quyền thuộc địa Pháp cũng như chính phủ Quốc gia Việt Nam. “Hai việc trên có một ảnh hưởng rất tai hại về chính trị và uy tín của Chính phủ quốc gia”[11].

Để chấm dứt tình trạng gây nhiều trở ngại cho đời sống nhân dân và làm tổn hại cho uy tín chính phủ Quốc gia, Phủ Thủ hiến Trung Việt đề nghị chính phủ Quốc gia xem xét sửa đổi Nghị định số 43-Cab/Prés ngày 19-11-1951 “để thu hẹp phạm vi đất mà giới chức quân sự Pháp có thể trưng thu lập phi trường hoặc tạm hoãn thi hành Nghị định ấy trong một thời gian và trong khi chờ đợi, quý Phủ có thể quyết định dứt khoát, yêu cầu nhà chức trách Pháp tạm giữ nguyên tình trạng cũ ở tả ngạn sông Hàn (phi trường Đà Nẵng I) và đồng thời định rõ giới hạn diện tích tối đa ở bán đảo Tiên Sa cần dùng để lập phi trường Đà Nẵng II, một việc mà Phủ tôi tưởng có thể làm ngay được, không cần phải chờ kết quả của cuộc đàm phán Việt - Pháp sắp mở nay mai”[12]. Với những nỗ lực này, đầu năm 1954, vì để duy trì mối quan hệ với nước Pháp và cũng vì bị những điều ước đã ký kết ràng buộc, Thủ tướng Quốc gia Việt Nam đã chỉ thị Phủ Thủ hiến Trung Việt những việc cần xử lý, kiên quyết yêu cầu nhà chức trách Pháp tổ chức giám định và trả tiền bồi thường trước khi tiến hành di dời nhà cửa, không thể để dân di dời với một khoản tiền nhỏ ứng trước rồi sau đó mới tính tiếp.

Câu chuyện trưng thu đất đai để mở rộng sân bay Đà Nẵng I và chiếm dụng đất làm sân bay Đà Nẵng II vẫn không có hồi kết như mong muốn của nhà chức trách Pháp và sau sự kiện Điện Biên Phủ cũng như việc ký kết Hiệp định Genève (7-1954) thì việc mở rộng sân bay này tạm gác lại.

Sân bay Đà Nẵng - hướng đến một phi trường hạng A

Năm 1954, Nha căn cứ Hàng Không Việt Nam được thành lập và tiếp nhận công việc do Nha Hạ tầng cơ sở của Pháp để lại, là kiến tạo, tu bổ các sân bay, nỗ lực và kiện toàn cơ sở hàng không Việt Nam. Từ năm 1960, trước tình hình chiến tranh leo thang, vấn đề này càng trở nên cấp thiết. Bắt đầu từ năm 1963, quân đội Mỹ đã đề nghị chính quyền Việt Nam Cộng hòa mở rộng sân bay. Tuy nhiên không đợi chính phủ Việt Nam Cộng hòa đồng ý, quân đội Mỹ đã thực hiện di dời nhà cửa và mồ mả. “Công tác cải hoán phi trường Đà Nẵng thành phi trường hạng A thuộc chương trình công tác khẩn cấp và với sự can thiệp của Sở Tạo tác Hải quan Hoa Kỳ (QICC/Navy) phải khởi sự kịp vào ngày 1-4-1963. Sở Tạo tác Hải quan Hoa Kỳ đã nại lý do bí mật quân sự để không cho biết lý do khẩn cấp của công tác này”[13].

 

 

 

[Sân bay Đà Nẵng I thời kỳ quân đội Mỹ chiếm đóng năm 1970.

Ảnh: Steve Ferendo]

 

Trên thực tế, trong nửa đầu năm 1963, quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đã phối hợp giải tỏa khu vực có liên quan để mở rộng sân bay Đà Nẵng. Tài liệu của chính quyền Việt Nam Cộng hòa tháng 11-1963 cho biết: “Tỉnh Quảng Nam và đô thị Đà Nẵng đều cho biết, mặc dù sắc lệnh nói trên [sắc lệnh về việc cho phép mở rộng phi trường Đà Nẵng] chưa được ban hành, việc giải tỏa nhà cửa, hoa màu, mồ mả tại xã Hòa Cường (Quảng Nam) và các xã Xuân Hòa, Xuân Đán và Phúc Đán (Đà Nẵng) đã thực hiện gần xong. Nhờ các số tiền do Bộ Quốc phòng ứng trước, các gia đình bị giải tỏa đã nhận lãnh xong một phần tiền bồi thường di khứ. Các sản chủ mong sớm được thanh toán nốt phần bồi thường còn lại và luôn cả tiền nhượng ruộng đất”[14].

 “Diện tích cần trưng thu để thiết lập công tác lối 60 ha chia ra: tại đầu phía Nam [xã Hòa Cường, thuộc tỉnh Quảng Nam]: 50 ha; tại đầu phía Bắc [khu phố Xuân Đán, Xuân Hòa và Phục Đán thuộc thị xã Đà Nẵng]: 10 ha”[15]. Số tiền do “Bộ Quốc phòng ứng trước 6.555.968,50 đồng cho ông Thị trưởng Đà Nẵng để trả tiền bồi thường cho đồng bào nên công tác đã có thể được thi hành trước khi án lệnh truất hưu ban hành”[16]. Khi mọi việc dường như đã thực hiện xong, tháng 5-1964, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa mới ban hành Sắc lệnh 197-QP/CC ngày 19-5-1964 về việc cho phép mở rộng phi trường Đà Nẵng và tuyên bố công tác này có tính cách công ích và khẩn cấp quân sự:

Mục đích của chính quyền Việt Nam Cộng hòa là hướng đến việc xây dựng sân bay Đà Nẵng thành một phi trường hạng A theo tiêu chuẩn quốc tế, có thể đón nhận tất cả các loại máy bay (quân sự và dân sự), là một sân bay “nhộn nhịp nhất thế giới” trước năm 1975.

Đà Nẵng - đô thị sân bay

Thông qua câu chuyện lịch sử liên quan đến sân bay Đà Nẵng, có thể thấy rõ hơn tính chất của cuộc chiến tranh Việt Nam giai đoạn 1945-1975; về mối quan hệ giữa chính quyền Quốc gia Việt Nam và nhà chức trách Pháp ở Đông Dương, giữa chính quyền Việt Nam Cộng hòa với quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Câu chuyện sân bay gắn chặt với sự leo thang của chiến tranh Đông Dương, trở thành một cái cớ để phe Mỹ và Việt Nam Cộng hòa hạn chế sự xâm nhập của chính quyền cách mạng vào những khu vực mà họ cho rằng khó kiểm soát như trường hợp bán đảo Sơn Trà, đồng thời cũng là một lý do chính đáng để Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phát động các cuộc đấu tranh.

Nhìn lại câu chuyện này để thấy rằng lịch sử Đà Nẵng từ đầu thế kỷ XX đến nay luôn gắn liền với các vấn đề về sân bay. Vào những năm 1950, vấn đề sân bay thậm chí còn làm cho dư luận đương thời ngao ngán về tình trạng “nhượng địa lại hoàn nhượng địa” của Đà Nẵng. Đó cũng là lý do làm mất “niềm tin chính trị” của nhân dân Đà Nẵng dưới thời chính phủ Quốc gia Việt Nam. Vấn đề liên quan đến sân bay Đà Nẵng vẫn là một câu chuyện lớn, đặt trong bối cảnh mới, việc tìm ra giải pháp hài hòa và phát triển bền vững, thể hiện tính “đặc trưng hợp lý” của Đà Nẵng là một yêu cầu cấp thiết, cần mổ xẻ và đi đến thống nhất một cách dứt điểm về tính chất một Đà Nẵng “đô thị sân bay”.

 

 

[1] Nguyễn Quang Trung Tiến, “Hàng không Đà Nẵng - quá khứ và tương lai”, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, Đà Nẵng - miền Trung: những vấn đề lịch sử - văn hóa, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ, 2017, tr.644.

[2] Để lại bài vè có đoạn: “Kể từ ngày Nhật mở tàu sân bay/ Nhà cửa đổi hết, mít, cau cũng đào/ Anh em mình chừ chẳng biết lo liệu làm sao/ Mả lớn, mả nhỏ cũng đào hốt đi…”.

[3] Tờ trình số 446-VP/PC/M ngày 31-3-1952 của Phủ Thủ hiến Trung Việt gửi Thủ tướng Chính phủ Quốc gia Việt Nam về trưng thu đất để mở rộng căn cứ không quân ở Đà Nẵng. Hồ sơ 22026. Phông Đệ Nhất Cộng hòa. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, thành phố Hồ Chí Minh.

[4] Nghị định số 43/Cab/Prés ngày 19-11-1951 để mở rộng phi trường Đà Nẵng và lập khu phi quân sự bao bọc phi trường Đà Nẵng, kể cả xã Hòa Thuận và một phần thôn Hòa An (xã Hòa Phát)”. Trần Gia Hiếu, Vấn đề phát triển thị xã Đà Nẵng, Luận văn tốt nghiệp, Học viện quốc gia hành chính, niên khóa 1969-1973, Đà Lạt, 1973, tr.13.

[5] Tờ trình số 2435-VP/PCM của Phủ Thủ hiến Trung Việt gửi Thủ tướng chính phủ Việt Nam tại Sài Gòn ngày 28-11-1953 về căn cứ không quân Pháp ở Đà Nẵng. Hồ sơ 22026. Phông Đệ Nhất Cộng hòa. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, thành phố Hồ Chí Minh.

[6] Tư văn số 553-Cab ngày 22-10-1953 của đại diện Pháp quốc ở Đà Nẵng. Hồ sơ 22026. Phông Đệ Nhất Cộng hòa. Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, thành phố Hồ Chí Minh.

[7] Tờ trình số 2435-VP/PCM của Phủ Thủ hiến Trung Việt, đã dẫn.

[8] Tờ trình số 2435-VP/PCM của Phủ Thủ hiến Trung Việt, đã dẫn.

[9] Tờ trình số 2435-VP/PCM của Phủ Thủ hiến Trung Việt, đã dẫn

[10] Công văn (mật) ngày 18-11-1954 của Thị trưởng Đà Nẵng gửi Thủ hiến Trung Việt về trưng thu đất để bảo vệ sân bay Đà Nẵng. Hồ sơ 22026. Phông Đệ Nhất Cộng hòa. Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, thành phố Hồ Chí Minh.

[11] Tờ trình số 2435-VP/PCM của Phủ Thủ hiến Trung Việt, đã dẫn

[12] Tờ trình số 2435-VP/PCM của Phủ Thủ hiến Trung Việt, đã dẫn.

[13] Công văn số 2255-CC/HC ngày 8-5-1964 của Bộ Công chánh và Giao thông gửi Tổng thư ký Thủ tướng chính phủ về mở rộng phi trường Đà Nẵng. Hồ sơ 23023. Phông Phủ Thủ tưởng Việt Nam Cộng hòa. Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, thành phố Hồ Chí Minh.

[14] Công văn số 29-B-PTT/DUHC/HC ngày 18-11-1963 về dự án trưng thu đất để mở rộng phi trường Đà Nẵng. Hồ sơ 23023. Phông Phủ Thủ tưởng Việt Nam Cộng hòa. Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, thành phố Hồ Chí Minh.

[15] Phiếu trình số 1595-CC/HC ngày 27-3-1964 về mở rộng sân bay Đà Nẵng. Hồ sơ 23023. Phông Phủ Thủ tưởng Việt Nam Cộng hòa. Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, thành phố Hồ Chí Minh.

[16] Công văn số 2255-CC/HC ngày 8-5-1964 của Bộ Công chánh và Giao thông, đã dẫn.

Võ Hà