07:48 PM 27/05/2025  | 

Đang ở đỉnh cao danh vọng, chỉ vì niềm tin đặt không đúng chỗ, tháng 7 năm Tự Đức thứ 28 (1875), ông bị Vua cách chức, phải lên miền núi mộ dân khai hoang chuộc tội.

Vẻ vang sự nghiệp

Nguyễn Tư Giản (1823 – 1890) tên thật là Văn Phú, hiệu là Thạch Nông 石 農 và Vân Lộc 雲 麓, tự là Tuân Thúc 洵 叔, được vua Tự Đức ban tên là Tư Giản 思 僩. Ông là người làng Du Lâm, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội). Ông sinh ra trong một gia đình khoa bảng nhiều đời, là cháu nội của Nguyễn Án – một bậc danh nho, dòng dõi họ Nguyễn làng Vân Điềm, nơi nổi tiếng có nhiều ông Nghè, ông Cống bậc nhất xứ Đông Ngàn xưa. Nguyễn Án là đồng tác giả (viết chung với Phạm Đình Hổ) cuốn “Tang thương ngẫu lục” viết về lịch sử, danh thắng, phong tục của đất Thăng Long – Hà Nội cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn. Cha ông là Nguyễn Tri Hoàn là hậu duệ của Hoàng giáp Nguyễn Thực, làm tể tướng đời nhà Lê trung hưng và làm quan tới chức Lang trung Bộ Hình dưới thời vua Minh Mạng. 

Năm 19 tuổi, Nguyễn Tư Giản thi Hương nhưng không đỗ. Năm 21 tuổi, ông đỗ Cử nhân khoa thi Quý Mão trường thi Hà Nội, niên hiệu Thiệu Trị 3 (1843).  Năm 22 tuổi, ông thi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (tức Hoàng giáp) khoa Giáp Thìn, niên hiệu Thiệu Trị 4 (1844).

Trong cuộc đời sự nghiệp gần 40 năm, Nguyễn Tư Giản trải qua nhiều chức vụ trọng yếu dưới bảy đời vua Nguyễn, gồm: Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh. Ông từng giữ nhiều chức quan, như Nội các sự vụ Đê chính, Tán lý quân thứ Hải An, từng được sung vào đoàn sứ bộ sang sứ nhà Thanh (Trung Quốc)… Khi trở về, ông được thăng Thượng thư Bộ Lại, nhưng sau bị giáng chức đổi làm Sơn phòng sứ ở Chương Mỹ, rồi được phục chức làm Tổng đốc Ninh - Thái, rồi về hưu.

Bên cạnh sự nghiệp làm quan, sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Tư Giản cũng đạt nhiều thành tựu. Ông là nhà nho nổi tiếng hay chữ, để lại khá nhiều tác phẩm chữ Hán với nhiều thể loại. Thơ của ông chủ yếu là những bài thơ cảm tác, đề vịnh phong cảnh, những bài thơ tiễn tặng, xướng họa với bạn bè… Các tác phẩm của Nguyễn Tư Giản bao gồm: Nguyễn Tuân Thúc thi tập 阮 洵 叔 詩 集, Sử lâm kỷ yếu 史 林 紀 要, Thạch Nông thi tập 石 農 詩 集, Thạch Nông toàn tập 石 農 全 集, Thạch Nông văn tập 石 農 文 集, Vân Lộc thi thảo 雲 麓 詩 草, Tuyết tiều ngâm thảo 雪 樵 吟 草... Đáng chú ý có cuốn gia phả Vân Điềm Du Lâm Nguyễn tộc hợp phả 雲 恬 榆 林 阮 族 合 譜 có giá trị nghiên cứu về phả hệ một dòng họ khoa bảng ở vùng quê Kinh Bắc, đó là làng Vân Điềm, làng Du Lâm huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh.

Đặc biệt, trong dịp đi sứ Trung Hoa, Nguyễn Tư Giản cũng sáng tác 2 tập thơ Yên thiều thi thảo 燕 軺 詩 草, Yên thiều thi tập 燕 軺 詩 集 ghi chép chi tiết về cuộc trao đổi giữa đoàn sứ thần Việt Nam với đoàn sứ thần Triều Tiên; 1 tập thơ văn Yên thiều thi văn tập 燕 軺 詩 文 集 và 1 tập nhật ký viết chung với Lê Tuấn, Hoàng Tịnh Như Thanh nhật ký 如 清 日 記. Chuyến đi này đã có tác động rất lớn đến tư tưởng của ông, vì vậy khi trở về nước, ông cùng Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Đức Hậu, Bùi Viện dâng sớ lên vua Tự Đức, đề nghị một bản kế hoạch canh tân tự cường, mở rộng bang giao với các nước phương Tây, cử học sinh ra nước ngoài để học kỹ nghệ mới… Ngoài ra, ông còn tham gia biên soạn nhiều tác phẩm, trong đó có bộ sử lớn của triều Nguyễn.

Bị cách chức vì tin tưởng môn đệ

Sau chuyến đi sứ Trung Hoa cùng với Lê Tuấn (làm Chánh sứ) và Hoàng Tịnh (làm Phó sứ) vào năm 1868, Nguyễn Tư Giản trở về được thăng chức Thị lang Bộ Lại kiêm Phó Tổng tài Quốc Sử quán. Trong thời gian giữ cương vị này, ông đã tham gia biên soạn và kiểm duyệt bộ sử lớn của triều Nguyễn là Việt sử thông giám cương mục.

Tháng Giêng năm Tự Đức thứ 27 (1874), Vua chuẩn cho Nguyễn Tư Giản thăng thự Thượng thư Bộ Lại sung Cơ Mật viện, kiêm lãnh việc trông coi Quốc Tử giám và kiêm coi luôn Bộ Lễ thay cho ông Lê Bá Thận. Tháng Mười năm đó, Nguyễn Tư Giản được cử kiêm sung Nha Thương bạc để lo việc giao thiệp với các đại diện Pháp. Năm Tự Đức thứ 28 (1875), Nguyễn Tư Giản được thăng chức Thượng thư Bộ Lại kiêm lãnh việc Quốc Tử giám và một phần việc ở Nha Thương bạc Bộ Lễ, sung Cơ mật viện đại thần.  

Vậy mà đang ở đỉnh cao danh vọng, chỉ vì niềm tin đặt không đúng chỗ, tháng 7 năm Tự Đức thứ 28 (1875), Nguyễn Tư Giản bị cách chức, phải lên miền núi mộ dân khai hoang để chuộc tội (nên ông có thêm hiệu mới là Thạch Nông). Nguyên nhân của sự việc đã được sách Đại Nam thực lục chép rằng, học trò của ông làm giả ấn Quan phòng Thanh Hóa, ông vì quá tin tưởng môn đệ của mình mà chủ quan không kiểm tra kĩ, cứ điềm nhiên đóng ấn kí tên vào bằng Cửu phẩm giả. Biện lý Bộ Lại Tôn Thất Phan đem việc ấy tâu lên, Vua liền cho Pháp ty chiếu luật định tội.

Châu bản triều Tự Đức, ngày 19 tháng 7 năm Tự Đức 28 (1875), cũng ghi chép cụ thể việc này như sau “Chúng thần Trần Văn Chuẩn, Bùi Văn Dị, Nguyễn Thuật ở Nội các phụng Thượng dụ: Ngày hôm qua, căn cứ tờ phiến của Biện lý Bộ Lại Tôn Thất Phan nói rằng: Môn đệ của Thượng thư Nguyễn Tư Giản bộ đó là Phan Văn Triệu giả mạo quan phòng tỉnh Thanh Hoá để đóng vào bằng cấp trình xin đợi bổ. Vừa qua Tham Tri bộ đó là Nguyễn Văn Thuý và Thị lang Nguyễn Mậu Thọ cùng với Nguyễn Tư Giản đều đóng dấu ký tên. Sau khi viên đó phát hiện ra, Nguyễn Tư Giản lại có ý đồ che giấu. Do đó Phan Văn Triệu đã chuẩn giao cho Bộ Hình giam giữ, nhưng chuẩn cho 3 viên đó lập tức làm phiến tâu về. Nay căn cứ các điều do 3 viên đó tâu trình, tình lý còn rất lơ mơ. Do đó Phan Văn Triệu, Phan Nhã giao cho Bộ Hình bắt gông, giao cho Ty Tam pháp đem các nhân chứng liên can ra tra xét triệt để rõ ràng định tội. Hạn trong 1 tháng tâu trình đợi trừng trị. Nguyễn Tư Giản giải chức ngay đợi án. Ấn triện Bộ Lại giao cho Thự biện lý lãnh Thượng thư Bộ Lễ Lê Bá Thận kiêm giữ...Châu phê: Sao gửi ngay.[1]

Bản phụng Thượng dụ của Trần Văn Chuẩn, Bùi Văn Dị, Nguyễn Thuật ở Nội các ngày 19 tháng 7 năm Tự Đức 28 (1875) về việc xử phạt vụ làm giả quan phòng tỉnh Thanh Hóa. Nguồn: TTLTQGI

 

Ngày 15 tháng Giêng năm Tự Đức 31 (1878), vua Tự Đức ban Dụ rằng: “Truyền viên Thự Thượng thư Bộ Lại bị cách chức là Nguyễn Tư Giản, chuẩn cho khôi phục chức Hàn lâm viện Thị độc học sĩ sung quản viện” [2]. Như vậy sau 3 năm bị giáng chức, Nguyễn Tư Giản đã được vua Tự Đức ân xá cho về triều khôi phục lại chức hàm.

Dưới triều vua Đồng Khánh, năm 1886, ông được cử làm Thị lang Bộ Hộ, rồi Tổng đốc Ninh Thái (Bắc Ninh - Thái Nguyên). Tuy nhiên, sau sự kiện không chịu lạc quyên để mua đồng đúc tượng Toàn quyền Paul Bert, Nguyễn Tư Giản bị triệu về Nha Kinh lược xét hỏi, chức Tổng đốc Ninh Thái được giao cho Nguyễn Xuân Duẩn thay.

Thế sự phức tạp, tuổi cao sức yếu, Nguyễn Tư Giản cáo quan về quê sống thanh thản đến cuối đời./.  

 

 

 

[1] Châu bản Tự Đức, tập 271, tờ 170

[2] Châu bản triều Tự Đức, tập 298, tờ số 10

Hải Yến