05:54 PM 06/03/2025  | 

Trước những diễn biến chính trị ở miền Bắc Việt Nam từ năm 1945 đến đầu năm 1946, Hải quân Pháp quyết định tổ chức cuộc hành binh hỗn hợp mang tên Bentre (hay còn gọi là cuộc đổ bộ Bắc Kỳ) vào ngày 06/3/1946, với mục đích tái chiếm đồng bằng châu thổ sông Hồng . Tuy nhiên, cuộc hành binh đó đã dừng lại trước Hiệp ước sơ bộ ngày 06/3/1946, sự kiện đánh dấu khởi đầu lịch sử đấu tranh ngoại giao của một nước Việt Nam mới.

Lực lượng tham gia cuộc hành binh Bentre[i]

Cuộc hành binh Bentre là cuộc hành binh liên quân, trong đó Hải quân đóng vai trò chủ lực với sự tham gia của lục quân và không quân.

- Lục quân Pháp gồm: Sư đoàn bộ binh thuộc địa số 9 (9è D.I.C), một đơn vị cơ động thuộc Sư đoàn bọc thép số 2 (2è Division des Blindés), hai đơn vị hải quân thuộc Lữ đoàn hải quân Viễn Đông (B.M.E.O), các đại đội thông tin, vận tải, tiếp tế và quân y. Tổng cộng 20.700 quân đã được chuyển từ Nam Kỳ thành 4 đợt. Ngoài ra còn có các đơn vị rút về từ Trung Quốc; các đơn vị hỗn hợp rút từ 1 hạm đội hải quân, Port- Wallut[ii] và Cô Tô; quân đồn trú ở Hà Nội và phi đội Ponchardier.

- Hải quân Pháp huy động toàn bộ tàu có mặt ở Đông Dương, đặt tên là Lực lượng Z, chia thành 4 nhóm: lực lượng ngoài khơi, lực lượng hộ tống, lực lượng đổ bộ và lực lượng vận tải.

- Không quân Pháp gồm 20 máy bay Dakota, 18 máy bay Spitfire, một số máy bay Junker đóng chủ yếu ở Sài Gòn và sẽ tập kết ra sân bay Hải Phòng sớm nhất có thể.

Hả Sơ đồ điều phối các đơn vị tham gia cuộc hành binh, Lưu trữi quân Pháp.

 

 Chỉ thị số 2 của lực lượng đổ bộ về việc đánh số của các tàu LCI tham gia cuộc hành binh, Lưu trữ Hải quân Pháp

 

Tài liệu của Pháp cho thấy, họ không có thông tin chính xác về quân đội Việt Minh ở miền Bắc, chưa kể ở đây còn có quân Tưởng Giới Thạch và quân Nhật.

Mục tiêu chung của cuộc hành binh là đánh chiếm nhanh nhất có thể Hà Nội và Hải Phòng - nơi tập trung nhiều người Pháp. Quân Pháp đặc biệt nhấn mạnh đến việc đánh chiếm cảng Hải Phòng - cảng biển quan trọng nhất và được trang bị tốt nhất ở khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng, đồng thời nắm quyền kiểm soát sân bay Hải Phòng. Để hoàn thành nhiệm vụ này, giới tướng lĩnh Pháp nhận định, cần cho quân đổ bộ vào các bãi biển mục tiêu[iii], từ đó tiến sâu vào đất liền bằng đường bộ dù việc này có thể bị trì hoãn do cầu, phà bị phá hủy. Vì vậy, Pháp quyết định đổ bộ ở cảng Hải Phòng còn cảng Hòn Gai sẽ được dùng làm đầu cầu cho những hành động quân sự tiếp theo.

Trong khi các đơn vị của Pháp đổ bộ vào Hải Phòng, khoảng 2.500 quân đồn trú ở Hà Nội sẽ được phi đội Ponchardier chi viện vũ khí và nhân lực bằng dù thả. Mặt khác, quân Pháp đang đóng ở Trung Quốc cũng vượt biên giới ngày 10/02 tiến xuôi về đồng bằng châu thổ qua thung lũng sông Đà và Hòa Bình.

 Tàu hành trình Emile Bertin chở tướng Leclerc và tướng Valluy, Lưu trữ Hải quân Pháp

 

Cuộc hành binh Bentre do các tướng lĩnh cấp cao của Pháp đang có mặt ở Viễn Đông chỉ huy. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của trung tướng Philippe Leclerc de Hauteclocque[iv], phó đô đốc chỉ huy lực lượng Z được giao điều hành toàn bộ các lực lượng tham gia chiến dịch cho đến khi hoàn tất việc đổ bộ.

Chuẩn tướng Valluy, Sư đoàn trưởng Sư đoàn bộ binh thuộc địa số 9, phụ trách các lực lượng đổ bộ và cũng thuộc quyền chỉ huy của phó đô đốc. Mọi thay đổi trong chỉ huy tác chiến được đưa ra sau khi phó đô đốc và tướng Valluy bàn bạc thống nhất dựa trên tình hình thực tế. Tướng Leclerc - Chỉ huy tối cao các lực lượng Pháp ở Viễn Đông có mặt trên tàu Emile Bertin trong giai đoạn đầu của cuộc hành binh. Sau đó, trên nguyên tắc, hai tướng Leclerc và Valluy sẽ đi tàu Gazelle về Hải Phòng.

Cuộc hành binh Bentre ngày 06/3/1946[v]

Ngày và giờ của cuộc hành binh Bentre phụ thuộc vào thủy triều. Hai yêu cầu được đưa ra là:

- Sóng cồn ở Hải Phòng phải đạt độ cao tối thiểu 6,2m để cho phép tàu có độ mớn nước 6m tập kết;

- Thời điểm đổ bộ là lúc thủy triều dâng cao nhất để toàn bộ tàu tham gia cuộc hành binh thuận lợi vào cảng.

Các báo cáo hải quân Pháp cho biết, trong tháng 3, sóng cồn đạt độ cao yêu cầu vào các ngày 4, 5, 6, 16, 17 và 18. Vì vậy, thời gian bắt đầu cuộc hành binh được ấn định là ngày 06/3/1946, lúc 8 giờ (giờ Hà Nội).

Trong cuộc hành binh hỗn hợp này, Hải quân Pháp đóng vai trò chính. Lực lượng huy động được chia thành 3 nhóm:

- Lực lượng ngoài khơi (gồm các tuần dương hạm);  

- Đoàn số 1: tàu vận tải quân sự hoặc thương mại dưới sự bảo vệ của tàu hộ tống thuộc địa;

- Đoàn số 2: các tàu di chuyển chậm và có thể bị ảnh hưởng do thời tiết xấu (tàu cuốc, tàu đổ bộ tăng L.S.T, tàu đổ bộ bộ binh L.C.I) do một tàu hộ tống bảo vệ.

Lực lượng ngoài khơi và đoàn số 1 ở Vũng Tàu (Cap Saint Jacques) còn đoàn số 2 ở Cam Ranh. Ba giờ sáng ngày 01/3, đoàn số 2 được lệnh rời Cam Ranh và 8 giờ sáng cùng ngày, đoàn số 1 được lệnh rời Vũng Tàu. Sau đó, đến 20 giờ ngày 02/3/1946, lực lượng ngoài khơi được lệnh khởi hành ra Hải Phòng.

Đến 7h30 ngày 06/3/1946, 6 tàu LCI đã tập kết ở Đình Vũ và đến 8 giờ, 1 tàu trong số đó bị mắc cạn ở gần Cửa Cấm.

8h30 xảy ra đụng độ giữa một tàu LCI với quân Tưởng; 8h45, 3 tàu LCI khác đi đến hợp lưu Văn Châu bị trúng đạn, nhiều lính Pháp bị thương và đến 8h55, hỏa lực trở nên dữ dội, súng đặt trong hải đăng và cọc tiêu nã đạn ác liệt vào tàu của quân Pháp. 9h20, chỉ huy tàu khu trục Triomphant viết: "Lần đầu tiên chúng tôi nghe thấy tiếng súng từ đất liền". Đây là lúc con tàu này hứng những loạt đạn đầu tiên, buộc tướng Valluy phải báo động: "Cấm toàn bộ tàu LCI khai hỏa".

Sau nhiều đụng độ, đến 11 giờ 45, hải quân Pháp vào cảng Hải Phòng. Tướng Valluy, đại úy Commentry cùng các sĩ quan tham mưu chuyển sang tàu đổ bộ số 102 (LCI 102) để vào cảng và đến nơi lúc 14 giờ.

14h25 ngày 06/3, đại tá Mirambeau thuộc Sư đoàn bọc thép số 2 gửi cho tướng

Leclerc bức điện số 390-391 với nội dung như sau:

"Gửi tướng Leclerc -Dừng- Tóm tắt điện tín của tướng Salan -Trích dẫn: thỏa thuận Pháp - Việt phải được ký sáng thứ tư, ngày 6 -Dừng-Tướng Salan đã thông báo cho chỉ huy quân Tưởng Giới Thạch rằng chúng ta tự do đổ bộ vào buổi chiều với điều kiện không phân cấp đầu cầu trước khi có thỏa thuận chi tiết với Việt Minh -Dừng- Yêu cầu không đưa bất cứ đơn vị nào lên trên đất liền trước ngày này -Hết trích dẫn- từ Mirambeau".

 Ảnh chụp các tàu Pháp ở Hải Phòng ngày 06/3/1946, Lưu trữ Hải quân Pháp

 

 Tàu khu trục Triomphant, Lưu trữ Hải quân Pháp

 

18h45 ngày 06/3, tướng Salan[1] gửi điện khẩn số 1400-1401:

"Gửi tướng Leclerc và trung úy hải quân Legendre ở Hải Phòng -Dừng- Hiệp định sơ bộ đã được ký lúc 17 giờ[2] giữa các ông Sainteny, Hồ Chi Minh, Vũ Hồng Khanh với sự chứng kiến của đại diện Trung Quốc, Anh và Mỹ -Dừng- Cần nói rõ rằng các biện pháp sẽ được tiến hành nhằm chấm dứt tình trạng thù địch, duy trì các đơn vị ở các vị trí tương ứng và tạo không khí thuận lợi cho các cuộc đàm phán -Dừng- Đoàn đại biểu Việt Nam và Pháp rời Hải Phòng bằng máy bay lúc 17h30 để đến tàu Emile Bertin -Dừng- Thông tin cho tướng Valluy. Ký tên: Salan".

Cuộc hành binh Bentre của quân Pháp nhằm tái chiếm đồng bằng châu thổ sông Hồng đã dừng bước trước thái độ kiên quyết cùng những nỗ lực ngoại giao của chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ.

 

 Lễ ký hiệp định sơ bộ ngày 06/3/1946, nguồn: Tạp chí quốc phòng toàn dân

 

Hiệp định Sơ bộ được ký cuối buổi chiều ngày 06/3/1946 giữa một bên là Jean Sainteny - Ủy viên Cộng hòa Pháp về Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ, đại diện cho chính phủ Pháp và một bên là chủ tịch Hồ Chí Minh, đại diện cho chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hiệp định có nội dung chính như sau: chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do, có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng, nằm trong khối Liên hiệp Pháp. Còn chính phủ Việt Nam đồng ý cho 15.000 quân Pháp vào miền Bắc thay quân Tưởng Giới Thạch và sẽ rút dần trong 5 năm. Hai bên ngừng bắn ở Nam Bộ, tạo không khí thuận lợi để đàm phán chính thức tại Pháp.

 

[1]. Từ tháng 10/1945, tướng Raoul Salan được bổ nhiệm là chỉ huy quân Pháp ở Trung Quốc và Bắc Đông Dương.

[2]. https://www.qdnd.vn/tu-lieu-ho-so/ngay-nay-nam-xua/ngay-6-3-1946-hiep-dinh-so-bo-phap-viet-duoc-ky-ket-687622: Lúc 16h30 phút, tại số nhà 38 Lý Thái Tổ, bản Hiệp định Sơ bộ được ký kết giữa một bên là Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt cho Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và một bên là Jean Sainteny, đại diện Chính phủ Pháp.

 

[i]. Đây là những thông tin trích từ Chỉ thị chiến dịch số 37/EM/3 ngày 20/02/1946 của đô đốc chỉ huy hải quân Pháp ở Viễn Đông

[ii]. Nay là cảng Vạn Hoa thuộc xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

[iii]. Hai bãi biển có thể sử dụng vào đổ bộ: thứ nhất là các bãi biển Đồ Sơn từ vịnh Hoa tiêu (Baie de Pilotes) và từ vịnh Clateau đến mạn đông của đảo Đồ Sơn có độ dài từ 2.330 và 1000 m, độ nghiêng là 1%. Thứ hai là bãi biển Hòn Gai, ở phía đông của cảng và phía tây mạn nam của Bãi Cháy, từ đó có thể tiếp cận tới khoảng đất đang được phát quang và có ưu thế là tránh được từ 1-3 trên đường tiến về Hải Phòng và Hà Nội.

[iv]. Tướng Leclerc được tướng De Gaulle chỉ định ngày 25/5/1945 làm chỉ huy Lực lượng viễn chinh Pháp ở Viễn Đông

[v] . Trích từ Báo cáo về hành binh Bentre của Ban tham mưu của Đô đốc chỉ huy Lực lượng Hải quân Pháp ở Viễn Đông

Ngọc Nhàn