Ngày 06/11/1996, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã thông qua Nghị quyết cho phép tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tách thành 02 đơn vị hành chính mới: tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương.
Nghị quyết ngày 06 tháng 11 năm 1996 tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành 02 đơn vị hành chính mới: tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Nguồn: TTLTLS Đà Nẵng.
Ngay sau khi chia tách vào năm 1997, Đà Nẵng đối diện với muôn vàn khó khăn, kết cấu hạ tầng nhỏ bé, công nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu là sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại chủ yếu là buôn bán nhỏ, du lịch, dịch vụ kém phát triển, nhiều nơi trong thành phố, nhất là vùng ven đô, chủ yếu là đường đất bụi bùn lầy. Dân số thành phố khoảng 672.468 người, thu nhập bình quân trên đầu người/năm khoảng 318 USD, tổng thu ngân sách đạt 1.190.5 tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt khoảng 760.944 tỷ đồng, giá trị sản xuất khối thương mại - dịch vụ đạt khoảng 1.292 tỷ đồng… Trước tình hình đó, Đảng bộ và chính quyền thành phố Đà Nẵng đã quán triệt, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, tập trung khai thác tiềm năng, khơi dậy và huy động sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, đầu tư xây dựng nhiều công trình trọng điểm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống nhân dân và làm đổi thay bộ mặt đô thị Đà Nẵng...
Với những nổ lực không ngừng nghỉ của mình, ngày 15/7/2003, Đà Nẵng vinh dự được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 145/2003/QĐ-TTg công nhận Đà Nẵng là đô thị loại I cấp quốc gia. Để giúp Đà Nẵng có những cơ chế đột phá cho sự phát triển lâu dài, bền vững, ngày 16/10/2003, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Đây là cột mốc lịch sử quan trọng, tạo động lực mới, khát vọng mới cho Đà Nẵng tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, từng bước chuyển mình vươn lên giữ vai trò là đô thị trung tâm của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Diện mạo của thành phố ngày càng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận nhân dân thành phố được cải thiện rõ rệt, kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ và khá hiện đại; văn hóa, văn minh đô thị được nâng lên, quốc phòng- an ninh ổn định, vững chắc. Các lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ cũng đạt được nhiều thành tựu to lớn.
Sau gần 30 năm không ngừng phát triển, Đà Nẵng đã có những bước phát triển vượt bậc. Đến nay, dân số thành phố tăng khoảng 1,8 lần, không gian đô thị được mở rộng hơn 3,5 lần so với thời điểm năm 1997. Môi trường đầu tư được đánh giá năng động và thông thoáng; luôn thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng thành phố thông minh. Nhiều chính sách an sinh xã hội thiết thực, mang đậm tính nhân văn, mang thương hiệu riêng của Đà Nẵng.
Một điều rất dễ nhận thấy tại thành phố biển xinh đẹp này chính là thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an”. Nhờ có chương trình này, chính quyền Đà Nẵng đã thay áo mới, mang lại cuộc sống ấm no, văn minh và tốt đẹp hơn cho người dân địa phương. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Đà Nẵng đã và đang dần vươn lên trở thành thành phố xanh, thành phố đáng sống đứng đầu cả nước, là điểm đến tin cậy của bạn bè trong nước và quốc tế, điểm đến của nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa… mang tính toàn cầu.
Là một trong năm thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam, thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là thành phố trung tâm lớn nhất, đóng vai trò là hạt nhân quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm khu vực Miền Trung - Tây Nguyên. Đà Nẵng không ngừng thay da đổi thịt từng ngày và dần khẳng định được sức hút của mình trên tấm bản đồ hình chữ S.
Nằm yên bình bên cạnh dòng sông Hàn thơ mộng cũng được ví với cái tên Đà Nẵng “thành phố của những cây cầu”. Không chỉ trứ danh bởi những bãi biển đẹp, nơi đây còn mang nét hấp dẫn riêng bởi có bán đảo Sơn Trà vươn mình ra biển, có danh thắng núi Ngũ Hành, đặc biệt là Bà Nà Hills nổi tiếng với “Cầu Vàng”, có đèo Hải Vân – “thiên hạ đệ nhất hùng quang” với cảnh quan ngoạn mục cùng những khúc cua lượn quanh co, hiểm trở. Từ ngày hầm đường bộ Hải Vân được đưa vào sử dụng, xe cộ lưu thông Bắc Nam dễ dàng và an toàn hơn trước, từ đó Đà Nẵng vô hình trung trở thành điểm đến của những người say mê thưởng ngoạn thiên nhiên nơi đây.
Với những thành quả đạt được, với lợi thế, tiềm năng của thành phố, ngày 24/01/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết đã khẳng định Đà Nẵng giữ vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh của khu vực và cả nước; đặt ra kỳ vọng và yêu cầu cao đối với thành phố, với mục tiêu “Đến năm 2045, xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á”.
Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2919 của Ban chấp hành Trung ương về việc xây dựng và phát triển thành phố đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045. Nguồn: TTLTLS Đà Nẵng.
Trong tương lai không xa, Đà Nẵng sẽ tiếp tục không ngừng phát triển, nâng cao vị thế và thương hiệu thành phố đáng sống, góp phần đưa tên tuổi thành phố bên bờ sông Hàn không chỉ tỏa sáng “trên sân nhà” mà còn vươn ra cả khu vực và thế giới.
Huỳnh Lê - Trung tâm Lưu trữ Lịch sử thành phố Đà Nẵng
Huỳnh Lê