11:15 AM 15/08/2024  | 

Kế hoạch Phụng Hoàng là chiến dịch tình báo, ám sát bí mật do Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo Việt Nam Cộng hòa (CIO) phối hợp với Cục Tình báo trung ương Hoa Kỳ (CIA) tiến hành. Mục đích của nó là theo dõi, truy tầm, bắt giữ, tiêu diệt, vô hiệu hóa đội ngũ cán bộ nằm vùng và cơ sở hạ tầng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

 

Ảnh: Thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ lên bãi biển Đà Nẵng ngày 08.3.1965, đánh dấu sự can thiệp sâu rộng của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, Tạp chí Life

 

Kế hoạch Phụng Hoàng ở thị xã Đà Nẵng

Bình định là một trong những nỗ lực quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Chính vì lẽ đó, Mỹ đã tiến hành nhiều chương trình nhằm tiêu diệt các cơ sở cách mạng của ta ở miền Nam mà chúng thường gọi là cơ sở Việt Cộng như PT-4 (tháng 11/1966), đặc biệt là Kế hoạch Phối hợp và khai thác tình báo để tấn công các cơ sở của Việt Cộng (Intelligence Coordination and Exploitation For Attack on Viet Cong Infrastructure ICEX Program) ra đời vào giữa năm 1967, chia thành 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 3 sẽ đưa chính phủ Việt Nam Cộng hòa tham gia nhưng không can thiệp quá sâu.

Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đặc biệt là vụ tấn công Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn của ta đã giáng đòn đau vào mục tiêu bình định của Mỹ cũng như vào tâm lý lính Mỹ khi thấy rằng người Việt có thể giành phần thắng trong cuộc chiến này. Chính quyền Mỹ buộc phải xem xét lại kế hoạch bình định ở miền Nam Việt Nam, đặc biệt là kế hoạch ICEX. Ngày 01/7/1968, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu ra sắc lệnh trong đó nêu rõ Phụng Hoàng (tiền thân là ICEX) trở thành chương trình chính thức của chính phủ Việt Nam Cộng hòa và sẽ do chính quyền ngụy chịu trách nhiệm với sự giúp đỡ của Mỹ, đây cũng là một điểm trong chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ.

 

Ảnh Quân hiệu của Kế hoạch Phụng Hoàng. Ảnh: Internet

 

Tại Đà Nẵng, kế hoạch Phụng Hoàng được triển khai từ thị xã xuống các khu phố: Ủy ban Phụng Hoàng thị xã, Ủy ban Phụng Hoàng khu phố, và các hệ thống hội viên ủy ban Phụng Hoàng gồm: Ty cảnh sát quốc gia, Biệt khu Quảng Đà, Đặc khu Đà Nẵng, Trung tâm Phụng Hoàng tình báo của quận I, II, III, Phòng An ninh quân đội thị xã, Đại đội cảnh sát dã chiến 103, Ty chiêu hồi, Thông tin tâm lý chiến. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa được thể hiện qua việc bên cạnh mỗi ủy ban Phụng Hoàng cấp quận trở lên và các hội viên Ủy ban Phụng Hoàng thị xã sẽ có một cố vấn tình báo Mỹ gọi là "phối trí viên Ủy ban Phụng Hoàng".

Tổ chức tình báo của Kế hoạch Phụng Hoàng bao gồm các cơ sở tình báo từ ấp, xã, huyện, thị cho đến người dân. Chúng chủ trương tạo mạng lưới mật báo viên, tình báo viên là những người đã được chúng mua chuộc, trà trộn trong dân để dò la tin tức, hoạt động của các cán bộ Mặt trận Dân tộc giải phóng (MTDTGP) miền Nam. Chúng còn dựng lên các chức ấp trưởng, liên gia trưởng, khóm trưởng là những người tin cẩn, công chức, quân nhân làm việc trong chính quyền ngụy, yêu cầu lập sổ tay ghi chép chi tiết về sinh kế, lập trường, hành động của từng người trong ấp, trong liên gia. Cứ 5 nóc nhà sẽ lập thành ngũ liên gia bảo trong đó có 1 nóc nhà đóng vai trò kiểm soát 4 nóc nhà còn lại (có sổ ghi chép từng hành động, ra vào và đặc biệt quan tâm đến đối tượng thanh niên). Bên cạnh đó, Trung tâm Phụng hoàng tình báo quận I, II, III có nhiệm vụ sưu tra các gia đình có thân nhân theo cách mạng, thoát ly để theo dõi kiểm soát. Sau đó, các trung tâm này lập hồ sơ phân loại dân chúng theo từng khu phố, khóm.. gửi về Ủy ban Phụng Hoàng thị xã.

Kế hoạch Phụng Hoàng này vô cùng thâm hiểm khi bộ phận Thông tin tâm lý chiến có nhiệm vụ tuyên truyền xuyên tạc qua báo chí, bích chương…, tạo dựng các vụ khủng bố, giết chóc, thảm sát để gây hoang mang, sợ sệt trong dân chúng đối với cách mạng. Chúng tổ chức mạng lưới an ninh ngầm để theo dõi, phá hoại các cơ sở hoạt động bí mật của cách mạng, do cảnh sát quốc gia chỉ đạo cho cảnh sát các quận thuộc thị xã thực hiện. Song song với các hoạt động trên, kế hoạch Phụng hoàng còn triển khai chiến dịch khai hóa bằng hình thức tuyên truyền hoặc tiến hành các cuộc hành binh với quy mô khác nhau. Chúng chủ trương mở rộng phạm vi hoạt động của Ủy ban Phụng Hoàng bằng cách sử dụng các công chức lãnh đạo làm cho chính quyền ngụy truy tìm, theo dõi, chỉ điểm hòng tiêu diệt các cơ sở hạ tầng cán bộ của MTGP.

Hệ thống kiểm soát của kế hoạch Phụng Hoàng được triển khai: các trạm kiểm soát được đặt ở khắp nơi nằm dưới sự quản lý của trung tâm điều khiển. Các trạm kiểm soát phối hợp với quân cảnh Mỹ, quân cảnh ngụy và cảnh sát. Kế hoạch Phụng Hoàng cũng chủ trương đẩy mạnh việc tiến hành các cuộc hành quân do Ty cảnh sát quốc gia, ban chỉ huy yếu khu, Ty thông tin chiêu hồi phối hợp hành động. Chúng tiến hành các cuộc hành quân cảnh sát (tại các quận để thanh lọc dân chúng), hành quân phối hợp Mỹ-Việt, hành quân tìm và diệt, hành quân thanh lọc (bắt giữ thanh niên có sức khỏe tốt, thanh lọc dân tại Điện Bàn, Quảng Ngãi, Đà Nẵng).

Kế hoạch Phụng Hoàng ở Đà Nẵng giai đoạn 1969-1972

Các số liệu thống kê cho thấy, trong 9 tháng của năm 1969, Ủy ban Phụng Hoàng Đà Nẵng đã bắt 520 người, chiêu hồi 73 người và giết 4 người thuộc cơ sở cách mạng. Trong năm 1970, chúng đã bắt 562 người, giết 3 người và chiêu hồi 70 người thuộc cơ sở cách mạng. Các cuộc hành quân được tiến hành trong khuôn khổ Kế hoạch Phụng Hoàng ở Đà Nẵng qua các năm như sau: năm 1969: 399 lần chỉ trong vòng 7 tháng, 1970: 635 lần, 1971: 120 lần, trong 9 tháng của năm 1972: 64 lần.

Báo cáo của Ủy ban Phụng Hoàng thị xã Đà Nẵng tháng 02/1971 do Trưởng Ty cảnh sát quốc gia kiêm Đệ nhất Phó Chủ tịch Ủy ban Phụng Hoàng, thị xã Đà Nẵng Nguyễn An Vĩnh lập cho thấy, trong tháng 02/1971, trong khuôn khổ chiến dịch "Quyết thắng trong chiến dịch Xuân Tân Hợi", quân Giải phóng miền Nam Việt Nam ở Đà Nẵng đã tăng cường tấn công quân Mỹ ngụy. Bản báo cáo ghi rõ:  "Việt Cộng Quảng Đà sẽ mở đợt thi đua "Quyết thắng trong chiến dịch Xuân Tân Hợi", từ đầu tháng 02 cho đến cuối tháng 3/1971. Để mở màn chiến dịch, Việt Cộng Quảng Đà cũng chỉ thị cho các đơn vị đặc công, biệt động trực thuộc mở đợt cao điểm mệnh danh "K.800", tấn công vào các đồn bốt, căn cứ quân sự, cơ quan trọng yếu, kho tàng, các trạm kiểm soát, các toán tuần tiễu lưu động vùng ven và trong thị xã Đà Nẵng. Về chính trị, các cơ sở hoạt động trong thị xã xúi giục đồng bào đến thăm viếng thương bệnh binh tại các bệnh viện, tuyên truyền chống lại các hoạt động của quân lực Việt Nam cộng hòa trên đất Lào".

 

 

Trang bìa và trang thứ nhất của báo cáo Kế hoạch Phụng Hoàng, Hồ sơ 731, Phông Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III

 

Bản báo cáo cũng thống kê các cuộc tấn công của quân Giải phóng trong dịp tết Tân Hợi. Hồi 4 giờ ngày 01/02/1971, quân Giải phóng pháo kích vào sân bay Đà Nẵng, 5 hỏa tiễn 122 li đốt cháy hoàn toàn một kho xăng. Vào 13 giờ ngày 21/02/1971, quân ta bắn 6 hỏa tiễn 122 li vào khu vực này phá hủy 3 máy bay C130 của địch. Bên cạnh các cuộc tấn công, quân Giải phóng miền Nam ở Đà Nẵng cũng gia tăng các hoạt động chính trị:  ngày 04/02 và 21/02/1971, treo cờ giải phóng tại phố Mỹ Khê, quận 3. Tiếp đến, ngày 18/02/1971, tại xóm 2 phố Mỹ Khê, quận 3, quân ta rải truyền đơn tố cáo tội ác của tên Hồ Diệp - Trưởng ban Hoạt vụ Nha cảnh sát vùng I, sau đó trong đêm 20 rạng sáng ngày 21/02/1971, quân ta rải truyền đơn tố cáo tội ác của chính quyền Mỹ ngụy và kêu gọi nhân dân địa phương hưởng ứng liên hiệp Hòa bình gồm 8 điểm do đồng chí Nguyễn Thị Bình đề ra.

Báo cáo cũng nêu rõ, trong tháng 02/1971, kế hoạch Phụng Hoàng ở Đà Nẵng đã phát hiện 377 cơ sở cách mạng ở quận 1, 274 cơ sở ở quận 2 và 259 cơ sở ở quận 3. Bất chấp những cuộc hành quân, càn quét trong khuôn khổ học thuyết "Tìm và diệt" của chính quyền Mỹ ngụy ở Đà Nẵng, các cơ sở cách mạng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam vẫn được bảo toàn

 

[i] . Hồ sơ 731, Phông Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.

[ii] Theo  "Kế hoạch Phụng Hoàng: Đánh giá lại (The Phoenix Programm: A retrospective assessment) của Douglas J. Brooks, năm 1989.

Ngọc Nhàn