Lãnh thổ Việt Nam dưới triều Minh Mạng (Nguồn: Võ Hương An)
Nhận triều cống
Dưới triều Nguyễn, nước ta thường được các nước Cao Miên, Vạn Tượng, Nam Chưởng, Thủy Xá, Hỏa Xá cử người mang sản vật sang triều cống. Châu bản triều Nguyễn chép: Năm Gia Long 10 (1811), nước Vạn Tượng sai sứ đến cống, lại đưa trả về hơn ba chục người lính trốn. Vua bảo Nguyễn Văn Thành và Phạm Như Đăng rằng: “Vạn Tượng đã nộp lễ cống hằng năm, lại trả lính trốn về, đủ thấy lòng thành thực. Nên nhân đấy ban chiếu khen ngợi để cho yên lòng… Thế là Vạn Tượng là nước phên giậu miền thượng đạo của ta đấy”.
Bên cạnh đó, Châu bản năm Minh Mạng 11 (1830) ghi nhận việc nộp kho cống phẩm của sứ bộ Nam Chưởng, trong đó có sừng tê giác[1].
Châu bản năm Thiệu Trị 4 (1844) ghi lại sự kiện nhà Nguyễn ban lịch cho hai nước Thủy Xá, Hỏa Xá và chuẩn định các nước này cứ ba năm cống nạp cho nước ta một lần[2].
Ngoài ra, Châu bản còn cho biết thêm, các quan ở Nội các phụng Thượng dụ về việc cấp sắc thư cùng các vật phẩm cần thưởng cho quốc vương, sứ thần nước Thủy Xá. Trong đó có đoạn: Nước Thủy Xá ở nơi hoang sơ hẻo lánh, phong tục thuần phác, ngưỡng mộ uy đức của Thánh tổ Nhân hoàng đế ta[3].
Cũng theo Châu bản, năm Thiệu Trị 7 (1847), các quan Nội các căn cứ tập tâu của Bộ Lễ vâng bàn xét việc triều cống của nước Cao Miên. Tất cả các khoản tra xét đối chiếu rồi quyết định kính vâng làm tờ phiến liệt kê dâng lên đợi chỉ[4].
Chẩn cấp cứu đói
Trong vai trò nước lớn trong khu vực, triều Nguyễn nhiều lần gia ơn chẩn cấp cứu đói cho các nước “chư hầu”. Năm 1827, theo báo cáo của quan thống chế bảo hộ Cao Miên quốc ấn là Nguyễn Văn Thụy và căn cứ theo công văn của Quốc vương Cao Miên, những năm đó, mùa màng của nước này thất bát, quân dân phần nhiều bị thiếu đói. Vua Minh Mạng đã cho mở kho lương thực chẩn cấp, cứu trợ kịp thời. Vì vậy, Quốc vương Cao Miên đã làm sớ bày tỏ lòng biết ơn[5].
Bản tâu năm Minh Mạng thứ 8 (1827) cho biết Quốc vương Cao Miên bày tỏ lòng biết ơn khi được nước ta chẩn cấp cứu đói do mùa màng thất bát (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I)
Che chở bảo vệ
Triều Nguyễn còn “bảo hộ”, che chở cho các nước nhỏ trước sự uy hiếp của nước lớn. Bản tâu của Bộ Binh năm Minh Mạng 21 (1840) về quan hệ giữa nước ta và Cao Miên cho biết, nước Cao Miên từ lâu đã nội thuộc nước ta. Đến thời Thế Tổ Cao Hoàng Đế, nước ấy phụng sự kính cẩn, nên được gia phong trọng hậu như dân trong nước. Cũng dưới triều Gia Long, nước ấy bị quân Xiêm xâm lược chiếm cứ Nam Vang, cố Quốc vương ấy tự bỏ nước của mình, một mình chạy đến ở thành Gia Định, nước Cao Miên không còn là sở hữu của Quốc vương ấy nữa. “Trẫm (vua Minh Mạng) vâng theo mệnh lệnh của vua cha ta Thế Tổ Cao Hoàng Đế đem quân đi đánh đuổi quân Xiêm, khôi phục nước đó”[6].
Năm Minh Mạng 8 (1827), vua phái quan binh trấn ải biên địa, do Nghệ An tấu báo Quốc vương Vạn Tượng vì bị lính Xiêm đánh bại, chạy sang đất ta xin lưu trú[7]. Theo đó, Quốc vương nước Vạn Tượng từ sau ngày đến Tam Động, từng sai người về thành dò biết quân Xiêm chừng hơn ngàn người đã đóng quân ở trong thành, nhân dân tan tác khắp nơi, mong nhà vua trở về thành, nếu không thì sẽ bị nước Xiêm lấy mất. Quốc vương ấy vội đem sự việc chuyển trình, cúi mong hoàng thượng ta phái quân đến bảo hộ, khiến cho nước ấy hằng năm sửa lễ cống nạp, mãi làm dân vùng biên, khỏi bị quân Xiêm quấy nhiễu[8].
Nước ta trong quan hệ với các nước Thủy Xá, Hỏa Xá (Ảnh thuộc Triển lãm “Bang giao triều Nguyễn: Giữa làn gió Đông - Tây”)
Thông cảm chia sẻ
Vua triều Nguyễn không ít lần thể hiện sự cảm thông trước cảnh các nước phiên bang phụ thuộc đến Kinh đô nước ta xa xôi, vất vả. Châu bản năm Minh Mạng 10 (1829) viết: Sang năm, vào dịp lễ mừng thọ nhà vua, cho quan bộ Lễ bàn chọn nhạc công các nước phiên bang phụ thuộc đến ca múa. Nay Trẫm thấy các địa phương thuộc Cao Miên, Nam Chưởng… đi lại vất vả, không thuận tiện. Truyền cho các trấn Nghệ An, Thanh Hoa chọn ở các phủ miền biên cương nơi nào có âm nhạc bản địa chọn người mang theo nhạc cụ, ngày lễ đến Kinh cho đủ nhạc của bốn phương[9].
Nghe ngóng thông tin
Vua triều Nguyễn thường xuyên thể hiện sự quan tâm đến tình hình các nước phiên bang phụ thuộc bằng cách cử người đi thăm dò tình hình các nước xem có được yên ổn hay gặp trở ngại gì không. Theo Châu bản, năm Minh Mạng 10 (1829), Phó Tổng trấn Bắc thành Phan Văn Thúy tâu về việc vâng mật dụ của Hoàng thượng, mật sức cho quan trấn Hưng Hóa ủy phái binh dân địa phương chia nhau đến vùng thượng du hạt đó cho đến giáp địa giới nước Vạn Tượng, Nam Chưởng thăm dò xem gần đây có tăm hơi quân Xiêm không, quốc trưởng nước Vạn Tượng phải chăng từng bị quân Xiêm đánh bại, đã chạy trốn đến nơi nào, cốt cho được xác thực, báo về cho trấn thành đó làm bản tấu cụ thể trình gấp[10].
Ngoài ra, kẹp giữa các tiểu quốc và dãy Trường Sơn là các cộng đồng người đương thời được nhà Nguyễn gọi là “man”. Các “man” này ban đầu tự trị và chịu lệ cống nạp, nhưng về sau, dưới sự đe dọa của quân Xiêm, họ tự nguyện sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam. Vua Minh Mạng cho đặt thành phủ, huyện và đặt quan cai trị.
Một văn bản triều Thiệu Trị chép: Hoàng thượng buổi đầu nối nghiệp nên ban phát ân trạch, gia ân miễn thuế cho các địa phương, trong đó có đoạn chép: Các phủ Cam Lộ thuộc tỉnh Quảng Trị, Trấn Man thuộc tỉnh Thanh Hoa và bốn phủ thuộc tỉnh Nghệ An là Trấn Ninh, Trấn Định, Trấn Tĩnh, Trấn Biên cùng hai huyện mới lệ thuộc phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh làm Cam Môn, Cam Cát, thổ dân của các phủ huyện đó đã lệ thuộc sổ tịch của triều đình từ lâu[11].
Dù trong vị thế cường quốc, đối với các tiểu quốc phía Tây, Nam, triều Nguyễn luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ khi các tiểu quốc gặp bất trắc, nguy nan. Điều này thể hiện rất rõ đường lối đối ngoại “nhu viễn” (mềm dẻo đối với các phiên thuộc ở xa) của nước ta lúc bấy giờ.
[1] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn: Minh Mạng.
[2] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn: Thiệu Trị.
[3] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn: Thiệu Trị.
[4] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn: Thiệu Trị.
[5] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn: Minh Mạng.
[6] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn: Minh Mạng.
[7] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn: Minh Mạng.
[8] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn: Minh Mạng.
[9] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn: Minh Mạng.
[10] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn: Minh Mạng.
[11] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn: Thiệu Trị.
Hồng Nhung