08:28 PM 12/09/2024  | 

Như chúng ta đã biết, nhà Hậu Lê là triều đại kéo dài nhất trong lịch sử Việt Nam, trải suốt 360 năm và khởi đầu với vị anh hùng đất Lam Sơn - Thái tổ Lê Lợi có công đánh đuổi giặc Minh, đại định đất nước. Là người khai sáng vương triều Hậu Lê, Lê Thái Tổ đã chấm dứt 20 năm thống trị của nhà Minh, khôi phục nền độc lập lâu dài cho tổ quốc.

 

Vua Lê Thái Tổ/ Viện TTKHXH.

 

Để tướng nhớ công lao của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi, nhiều nơi trên khắp cả nước đã dựng đền thờ Ông. Ngày nay, những công trình này đã trở thành những “dấu tích” một thuở vàng son của dân tộc, trong đó không thể không nhắc đến Thái miếu nhà Lê hay còn gọi là Đền Lê trên đất Bố Vệ (Thanh Hóa) và công trình tưởng niệm vua Lê bên bờ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) .

Thái miếu nhà Lê (Đền nhà Lê)

Sau khi lập nên vương triều Hậu Lê, mở ra thời kỳ phát triển mới cho quốc gia Đại Việt, với tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc mạnh mẽ, vua Lê Thái Tổ và các vua nhà Lê đã nhanh chóng xây dựng vùng đất Lam Sơn trở thành Lam Kinh - “kinh đô thứ hai”, đóng vai trò là nơi thờ cúng tổ tiên.

Triều Nguyễn kế tục sự nghiệp vinh quang của triều Lê, chính vì thế mà suốt thời gian trị vì, triều Nguyễn đã thể hiện mối quan tâm đặc biệt đến việc thờ cúng vua Lê, đặc biệt vào thời Gia Long[1].

“Sau khi thống nhất Nam Bắc và lên ngôi Hoàng đế, vua Gia Long đã nghĩ đến công đức của các vua nhà Lê mà nhất là vua Lê Thái Tổ - đã tạo mạng cho nước, gây phúc cho dân trong ba mươi năm trời nên xuống Chiếu chỉ lập ra miếu thờ nhà Lê, rước thánh vị của vua Lê Thái Tổ ở Lam Sơn cùng thánh vị của các vua Lê khác ở tại Thái Miếu và Thế Miếu trong thành Thăng Long - kinh đô nhà Lê xưa, đem về thờ hiệp một chỗ - chính là Miếu nhà Lê ở làng Bố Vệ, huyện Đông Sơn…”.[2]

Năm 1802, vua Gia Long xa giá đến Thanh Hoa, dạo xem hình thế núi sông rồi vời những người già ở làng Bố Vệ (thuộc huyện Đông Sơn) để hỏi về sự tích miếu nhà Lê. Năm 1804, vua cho dời lăng miếu ở Thăng Long về Thanh Hóa để làm nơi tông miếu chính thức gọi là Miếu các vua Lê, để thờ tự vương triều nhà Hậu Lê và coi “Giữ việc thờ cúng nhà Lê là trọng điển của Triều đình…”.[3]

 

 

Tờ Phó ngày 20 tháng 1 năm Gia Long 4 (1805) của Công đồng cho Lê Duy Cấn và Quý Ngọc hầu, Khâm sai Cai cơ quản phủ Thiệu Thiên đến trấn Thanh Hoa đốc suất xây miếu thờ nhà Lê tại làng Bố Vệ/TTLTQGI

 

Hàng năm, ở Thái miếu nhà Hậu Lê diễn ra hai kỳ lễ lớn, đó là lễ hội Xuân vào rằm tháng Giêng và lễ hội chính vào tháng 8 âm lịch. Lễ hội Xuân với mong ước mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Lễ hội chính vào ngày 21 và 22 tháng 8 âm lịch là dịp để tưởng nhớ vua Lê Thái Tổ.[4]

Thái Miếu nhà Lê được được đưa vào danh sách xếp hạng di tích lịch sử ở Đông Dương vào năm 1932[5]. Gần 200 năm giữ vai trò là nơi tông miếu, năm 1994, miếu các vua Lê được nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia mang danh miếu là “Thái miếu nhà Hậu Lê”

Tượng vua Lê bên hồ Hoàn Kiếm

 

Đền Lê Thái Tổ, phố HàngTrống: Nhà bia/ Viện TTKHXH.

 

Hình ảnh vua Lê Thái Tổ mình mặc áo hoàng bào, đầu đội mũ bình thiên, uy nghi cầm thanh kiếm và hồ Tả Vọng (hồ Hoàn Kiếm) đã đi vào truyền thuyết bao đời nay. Có lẽ chính vì thế mà sau khi ông mất (năm 1433), để tướng nhớ vị anh hùng đã có công đánh đuổi giặc Minh, giành độc lập cho dân tộc, người dân đã lập đền thờ ở làng Kiếm Hồ, tổng Tả Túc, huyện Thọ Xương, kinh thành Thăng Long. Vào năm Thành Thái 3 (1891), nhân dịp thành phố Hà Nội chuẩn bị mở rộng đường quanh hồ Gươm, Kinh lược Bắc Kỳ Hoàng Cao Khải đã đề nghị chính quyền Pháp trả lại đất đền vua Lê (vốn được trưng dụng làm Tòa Công sứ vào năm 1883) để sửa lại lấy chỗ cho dân chúng tiếp tục thờ phụng[6].

Năm 1894, Kinh lược cho dựng tượng vua Lê trên khu đất này. Ban đầu, quan nhà Nguyễn ở Hà Nội trông nom và hương khói khu di tích nhưng sau nơi này bị bỏ hoang từ khi Nha Kinh lược bị giải thể. Năm 1902, tượng đài được sửa chữa[7].

Vì vua Lê là "một vị anh quân xứng đáng được toàn bộ dân tộc Việt Nam tôn thờ" và "việc thờ cúng vua Lê là tượng trưng của tinh thần dân tộc” nên việc trùng tu phục dựng nguyên trạng công trình này luôn được chính quyền quan tâm. Năm 1918 - 1920, Chính quyền muốn tu bổ đền vua Lê nên đã yêu cầu người dân trả lại phần đất đang thuê để sử dụng vào mục đích thờ cúng ban đầu. Năm 1952-1953, tiếp tục sửa sang xung quanh đền vua Lê để tăng vẻ mỹ quan và duy trì sự tôn nghiêm, kịp ngày giỗ vua Lê Thái Tổ vào năm 1953.[8]

 

Sơ đồ quy hoạch tổng thể khu đền vua Lê năm 1953/TTLTQGI.

 

Mặc dù là những di tích tiêu biểu gắn liền với chiều dài lịch sử đấu tranh, bảo vệ dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước; có vai trò, ý nghĩa vô cùng đặc biệt về mặt tư tưởng, văn hóa, tâm linh đối với vương triều Hậu Lê, di tích “Công trình tưởng niệm vua Lê” bên hồ Hoàn Kiếm và “Thái miếu nhà Lê” ở Thanh Hóa đã phải trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử. Trong thời kỳ đổi mới, cùng với sự phát triển về mọi mặt của đất nước, nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo và các hoạt động lễ hội cũng có sự thay đổi mạnh mẽ. Do đó, các di tích lịch sử, các công trình văn hóa tâm linh được phục dựng trùng tu.

Với giá trị lịch sử, văn hóa vốn có, năm 1995, “Công trình tưởng niệm vua Lê Thái Tổ” được công nhận là Di tích lịch sử và Thái miếu nhà Hậu Lê được cấp bằng Di tích lịch sử văn hoá và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia. Từ năm 1997 đến nay, các di tích cũng trải qua những lần trùng tu quan trọng. Ngày 09/12/2013 với Quyết định 2383/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, công trình tưởng niệm vua Lê Thái Tổ đã được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt[9]

Do chiến tranh và nhiều lý do khách quan khác, di tích đền vua Lê được chính thức mở cửa trở lại để đón nhân dân đến thăm viếng trong dịp Tết Bính Tý năm 1996[10] . Ngày nay, công trình này là một di tích quan trọng của quần thể danh thắng hồ Gươm.

Hàng năm, lễ dâng hương tưởng niệm công đức của vua Lê Thái Tổ được tổ chức long trọng tại di tích Tượng đài vua Lê (Hà Nội) và Thái miếu nhà Lê (Thanh Hóa) với những hoạt động lễ hội tạo thành một không gian đậm chất văn hóa truyền thống.

Tài liệu tham khảo:

 

[1] TTLTQGI/RST/72144-02;

[2] TVQGVN/Thực nghiệp dân báo, số 961 ngày 29/12/1923;

[3] TTLTQGIV/Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỉ, quyển 23;

[4] Theo https://vhds.baothanhhoa.vn/den-le-tren-dat-bo-ve-25091.htm;

[5] TTLTQGI/RST/73515-01;

[6] TTLTQGI/RST/56737;

[7] TTLTQGI/RST/26842;

[8] TTLTQGI/SCDHN/722-02;

[9] Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội’;

[10] TTLTQGIII/Phông VPCP.

Hải Yến - Nguyễn Hằng