Về lịch sử hình thành điện Khâm Văn, theo chính sử ghi chép: dưới thời vua Gia Long nơi đây là chỗ học tập trong nội đình lúc Thánh Tổ Nhân Hoàng đế còn nhỏ, đến khi ngài lên ngôi vua nơi đây tôn lên làm Thiên Phủ.(1) Tháng 11 năm Minh Mệnh thứ 20 (1839), nhà vua cho xây dựng lại và đặt tên là nhà Cơ Hạ (nhà nghỉ ngơi khi rỗi việc).(2) Sang triều vua Thiệu Trị, vào tháng 10 năm 1843, vua Thiệu Trị cho mở rộng quy mô của nhà Cơ Hạ thành vườn Cơ Hạ. Vườn quay mặt về hướng nam, ngay phía trong cửa Thượng Uyển chính là điện Khâm Văn.(3)
Điện Khâm Văn đóng vai trò kiến trúc chính, nằm trên trục chính và ở vị trí trung tâm của khu vườn gồm 1 tòa điện và 2 dãy nhà hành lang tả, hữu. Dưới thời vua Thiệu Trị, không rõ điện được xây gồm mấy gian. Theo Đại Nam Hội Điển sử lệ ghi chép: Năm Tự Đức thứ nhất (1848) làm thêm một tòa 7 gian 2 chái, ở cột trước điện Khâm Văn, nóc có gắn cái hồ báu, sơn thếp tráng men, lợp bằng ngói lưu ly màu vàng.(4)
Về cấu trúc cũng giống như Điện Thái Hòa, Điện Cần Chánh… điện Khâm Văn là một tòa nhà kép, gồm hai bộ mái của tiền điện (nhà trước) và chính điện (nhà sau) nối liền với nhau bằng vì thừa lưu. Cả ba thành phần đó được kết cấu lại để tạo ra một không gian nội thất chung. Do công trình đã bị phá hủy nên thông tin về ngôi điện này phải dựa trên ghi chép ít ỏi trong tư liệu lịch sử và tài liệu Châu bản là chính.
Điện Khâm Văn trải qua các đời vua đều có chức năng khác nhau: thời Gia Long là nơi học tập của Hoàng tử Đảm (tức vua Minh Mệnh sau này); thời vua Minh Mệnh là nơi nghỉ ngơi mỗi khi rỗi việc; thời vua Thiệu Trị là nơi “Điện khai văn yến” (mở tiệc văn ở trên điện).(5) Đặc biệt là dưới thời vua Tự Đức, theo Đại Nam thực lục ghi: Kỷ dậu, Tự Đức năm thứ 2 (1849), chuẩn lấy điện Khâm Văn làm sở Kinh Diên. Hằng năm đến tháng trọng xuân thì khai giảng (ngày tốt sau khi tế Giao) tháng trọng đông thì thôi không giảng nữa (ngày 28). Giảng thì lấy những ngày 2, ngày 8 trong tháng. Trước ngày mới khai giảng 2 ngày, vua mặc lễ phục, kính cáo bàn thờ ở điện Long An; trước 1 ngày, đặt bày thần vị Hoàng sư, Đế sư, Vương sư, Tiên thánh, Tiên sư ở điện Văn Minh. Vua đội mũ cửu long, mặc áo hoàng bào, đeo đai ngọc, kính đến làm lễ cáo yết; về sau khi khai giảng, khi thôi giảng, đều do giảng quan làm lễ cả.(6)
Tháng 3, năm Tự Đức thứ 9 (1856), vua dụ rằng: Viện Tả đãi lậu e có sự hỗn tạp, chuẩn cho lấy hai dãy hành lang trước điện Khâm Văn trong vườn Cơ Hạ làm chỗ ngồi làm văn. Gọi tên là Phước thí, mà đổi cái tên Điện thí.(7) Việc tổ chức nghe giảng kinh sách và thi Điện thí tại điện Khâm Văn kéo dài cho đến hết triều vua Tự Đức. Dưới triều vua Đồng Khánh, điện Khâm Văn là nơi tạm thiết thường triều do điện Cần Chánh dỡ xuống lợp lại, nhân viên binh lính ra vào huyên náo nên chuẩn cho tạm dời ra đó (điện Khâm Văn), để được yên tĩnh, đợi công việc xong, lại theo như cũ.(8) Đến năm Mậu Thân, Duy Tân thứ 2 (1908), điện Khâm Văn chuyển đổi công năng làm Sở Bác vật cho quý quan Phụ đạo.(9)
Điện Khâm Văn trải qua các đời vua nhà Nguyễn sau này (vua Tự Đức về sau) có nhiều thay đổi, bên cạnh những đợt tu sửa lớn nhỏ cũng có khi bị phá dỡ.
Dưới thời vua Tự Đức, ngôi điện này được tu sửa và xây dựng thêm 1 số hạng mục như: năm Tự Đức thứ nhất (1848) xây thêm 1 tòa 7 gian 2 chái, làm thêm 1 cột trước điện;(10) năm Tự Đức thứ 14 (1861) tu bổ nhà hành lang bên tả, bên hữu điện do gỗ lạt bị hư hỏng.(11)
Sang triều vua Đồng Khánh, vào năm 1888, triều đình cho xây dựng điện Truy Tư nhưng thiếu vật liệu. Đổng lý công sở Vạn Niên Thiên Thành tâu báo, được vua phê: Quy cách điện Khâm Văn tương đối hợp, truyền cho tháo dỡ để làm.(12)
Trang đầu bản tấu của Bộ Công về việc sửa chữa một số hạng mục tại điện
Khâm Văn
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
Kể từ khi vua Đồng Khánh cho tháo dỡ, điện Khâm Văn còn trơ lại nền móng. Năm 1896, trên nền cũ trước vườn Cơ Hạ, vua Thành Thái cho xây dựng lại ngôi điện này để bảo tồn thể chế cũ. Tuy điện xây xong nhưng vẫn chưa hoàn thiện hết hệ thống cửa trước và sau điện. Căn cứ theo bản tấu của Bộ Công ngày 25 tháng 2 năm Thành Thái 16 (1904) tâu: tháng 8 năm ngoái nhận được cung lục của Thị vệ sứ trình bày phía trước và sau điện Khâm Văn còn để trống, truyền Bộ Công vào điện ấy trù tính làm khuôn gỗ, cánh cửa lắp kính để chuẩn bị khi giá ngự được nhã quan. Bộ thần đã vâng vào kiểm tra, khám xét điện ấy cần làm cánh cửa mười gian, tổng cộng 64 bức và tính toán làm câu đối treo ở cột rồi sơn dầu và tu bổ lợp một dãy mái tranh trước điện trên lát ván. Thứ nào dài rộng bao nhiêu thước tấc ghi chép đầy đủ. Sức dự trù làm các khoản đó, nhu phí mua các loại vật liệu, công thợ tổng cộng hết 511 đồng 2 hào. Xin trích từ ngân khoản tu bổ tại Nội năm nay để chi làm. Tiếp đến năm Duy Tân thứ 2 (1908), điện được tu sửa lớn một lần nữa để làm nơi làm việc cho quý quan Phụ đạo.
Trải qua thời gian với những biến động lịch sử, một số công trình trong Kinh thành Huế nói chung và điện Khâm Văn nói riêng bị phá hủy chỉ còn lại đống đổ nát. Đầu năm 2012, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã đầu tư tôn tạo, khôi phục lại không gian vườn Cơ Hạ xưa. Tuy nhiên chính điện Khâm Văn trong khu vườn ngự uyển này vẫn chưa được phục dựng lại.
Chú thích tài liệu tham khảo:
Lê Thông