06:12 PM 17/11/2022  | 

Trước nhu cầu của thị trường ngày càng tăng, Công ty Diêm Hà Nội được một công ty Pháp xây dựng vào năm 1890, dưới sự điều hành của ông Henri Guignot, kỹ sư dân dụng. Nhà máy nằm trên đường Huế, lúc đó được coi là khu vực ngoại thành, cách trung tâm Hà Nội khoảng 1 km.

Vào tháng 10 năm 1892, công trình hoàn thành, trang thiết bị máy móc được lắp đặt và nhà máy đi vào hoạt động. Nhà máy có thể sản xuất trên 1/3 tổng sản lượng diêm tiêu dùng tại xứ Bảo hộ. 

Năm 1895, Công ty Pháp nhượng nhà máy cho Công ty Taa Hing của một nhóm người Hoa theo hợp đồng thuê trong thời hạn 10 năm. Tờ Tương lai Bắc Kỳ ngày 18 tháng 5 năm 1895 viết: “Theo bản thỏa thuận được ký kết giữa đại diện của công ty với cơ quan hải quan, mục tiêu của nhà máy là không còn diêm kém chất lượng mà sẽ cho ra mắt những sản phẩm mới và chắc chắn tốt hơn. Nhãn mác cũng sẽ có sự thay đổi, hỗn hợp hóa chất được pha chế theo công thức mới sẽ không bị bung ra và có màu vàng”. Tờ báo này cũng mô tả: “Dưới sự điều hành của ông Taa Hing, người mà trí tuệ, thái độ và hành động đúng đắn được mọi người đã đánh giá cao từ lâu, nhà máy, với những sản phẩm mới và sự cải tổ hoàn chỉnh, sẽ đạt năng suất cao và phát triển thịnh vượng”.

Năm 1896, công ty bắt đầu tung ra thị trường sản phẩm với nhãn mác mới. Ông Taa Hing cho biết: “Những que diêm của chúng tôi đạt chất lượng tốt nhất như các nhãn hiệu nổi tiếng hiện nay của Nhật Bản và được đảm bảo tuyệt đối khô ráo và chống ẩm. Nhãn màu xanh lá cây với họa tiết hoa sen trong bình, xung quanh là 5 con dơi chầu tượng trưng cho Ngũ phúc”.  

Nhà máy Diêm Hà Nội năm 1900 (Nguồn: Xứ Bắc Kỳ của Robert Dubois)

Trong cuốn Xứ Bắc Kỳ năm 1900, tác giả Robert Dubois cho biết nhà máy vận hành bằng động cơ hơi nước. Tất cả máy móc, thiết bị đều có xuất xứ từ Pháp và chỉ được sử dụng tại đất nước này.

Mọi công việc hoàn toàn vận hành bằng máy móc với lực lượng nhân công người An Nam rất chuyên cần.

Nguồn gỗ sử dụng để làm diêm đều là gỗ của Bắc Kỳ. Nhà máy còn tự cung cấp các phụ kiện cần thiết để phục vụ hoạt động khai thác. Tất cả các nguyên liệu đều được nhập khẩu trực tiếp từ Pháp, ngoại trừ trường hợp đặc biệt.                                                                                           

Nhà máy gồm 5 dãy nhà chính và một vài nhà phụ. Ở dãy nhà thứ nhất, có một phòng thí nghiệm để điều chế bột diêm. Dãy nhà thứ hai có một phòng xẻ gỗ. Dãy nhà thứ ba là nơi đóng hộp diêm bằng máy. Dãy nhà thứ tư chứa quạt lật dùng để loại sạch các sợi sơ còn bám vào gỗ diêm. Cuối cùng, dãy nhà thứ năm là nơi để đóng đầu diêm, nén và đóng hộp.

Ngoài ra, còn phải kể đến hai máy sấy chạy bằng quạt và nhiệt độ luôn được giữ ở mức cần thiết. Công việc đóng gói thành các kiện hàng được thực hiện tại những tòa nhà khác. Một số phòng được biến thành cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm. Nhìn chung, nhà máy diêm được điều hành một cách quy củ.

Người Hoa dùng thợ người An Nam vì tính chăm chỉ cần cù. Dưới sự quản lý của các quản đốc người Hoa, thợ An Nam làm việc vô cùng nhanh nhẹn, điều mà các ông chủ người Pháp khó đạt được.

Rất nhiều nhà kinh doanh người Hoa đã góp vốn vào Công ty Taa Hing để cùng khai thác.

Các thị trường tiêu thụ diêm của nhà máy Diêm Hà Nội nằm ở tất cả các xứ Đông Dương.

Diêm do nhà máy cung cấp được gọi là diêm an toàn vì chỉ bùng lửa khi quẹt vào mẩu giấy đặc biệt dán dọc bao diêm.

Mỗi bao diêm chứa khoảng 60 que diêm, mỗi gói diêm gồm 10 bao và mỗi kiện đóng 720 gói. Mỗi kiện hàng loại 720 gói tương ứng với 7.200 bao được nhà máy xuất xưởng sẽ đến được với đông đảo khách hàng.

Tóm lại, nhà máy Diêm Hà Nội từng giữ vai trò rất quan trọng. Nhà máy hoàn toàn do một công ty Trung Hoa điều hành và chất lượng của loại diêm này là một đảm bảo chắc chắn cho sự thành công của nhà máy mà không ngại bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào.

Nguồn:

- Báo Tương lai Bắc Kỳ ngày 18/5/1895 và ngày 01/4/1896

- Xứ Bắc Kỳ năm 1900 của Robert Dubois

Ngọc Anh-Nguyễn Thị Loan