Đỗ Hữu Vị là con út của Tổng đốc Đỗ Hữu Phương. Ông từng học tại trường Lasan Taberd ở Sài Gòn, sau được cha gửi sang Paris, Pháp cùng các anh trai để theo học trung học tại các trường Janson-de-Sailly và trường Louis Le Grand.
Năm 1904, ông dự thi và trúng tuyển vào Trường Võ bị Saint-Cyr. Ngay ở những kỳ thi đầu tiên, ông đã tỏ ra là người xuất chúng. Sau khi tốt nghiệp vào năm 1906 với quân hàm Thiếu uý, ông gia nhập trung đoàn Lê dương Pháp tới Ma-rốc. Không lâu sau đó, ông trở thành chỉ huy và được đồng đội vô cùng yêu mến và nể phục bởi lòng dũng cảm.
Đại úy Đỗ Hữu Vị trên chiếc máy bay Blériot XI năm 1911, nguồn: sưu tầm
Luôn có mặt tại những nơi nguy hiểm, dũng cảm đến mức liều lĩnh, ở Đỗ Hữu Vị hội tụ đầy đủ những phẩm chất của một người chỉ huy và rất nhiều lần ông được vinh danh.
Sau nhiều trận đánh ác liệt tại Ma-rốc, thay vì nghỉ ngơi, ông trở về Pháp với ước mơ hoàn thiện sự nghiệp không quân của mình, và cùng tư lệnh Victor Ménard thực hiện chuyến bay vòng quanh nước Pháp lần đầu tiên.
Victor Ménard và Đỗ Hữu Vị trên máy bay hai tầng cánh Henry Farmand, ngày 13/5/1911, nguồn: sưu tầm
Sau đó, Đỗ Hữu Vị trở lại Ma-rốc, nơi ông được thăng quân hàm lần thứ hai và thêm một lần nữa ông được ghi công. Tháng 12 năm 1912, ông được cử tham gia phi đội trinh sát của tướng Brulard và lập được nhiều thành tích mặc dù điều kiện thời tiết khi đó vô cùng khắc nghiệt.
Năm 1913, ông xin nghỉ phép để trở về Đông Dương. Tại đây Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut nhờ ông hỗ trợ xây dựng cơ sở cho cơ quan hàng không thuộc địa. Ông nhận nhiệm vụ và tham gia hết mình vào công việc. Chính ông là người thử nghiệm những chiếc thuỷ phi cơ đầu tiên trên sông Cửu Long.
Tháng 8 năm 1914, Thế chiến thứ nhất xảy ra, ông xin được trở về Pháp để tham gia chiến đấu. Toàn quyền Albert Sarraut muốn giữ ông lại và phong chức sĩ quan tuỳ tùng nhưng vị sĩ quan trẻ này nói: “Tôi không thể ở lại đây được, tôi phải ra trận để làm gương cho những người khác. Tôi vừa là người Pháp, vừa là người An Nam, bổn phận của tôi nặng gấp đôi Ngài".
Trước những lời khẩn khoản của ông, cuối cùng Đỗ Hữu Vị cũng được chấp thuận trở về Pháp.
Ngay khi đặt chân đến Pháp, ông đã theo một phi đội ra trận. Nhiệm vụ của ông là trinh sát các địa điểm xa xôi và ném bom vào ban đêm. Với ba lần ghi công, Đỗ Hữu Vị đã được Chính phủ Pháp tặng thưởng Huân chương Bắc đẩu bội tinh ngũ đẳng.
Một vài tuần lễ sau, trên đường trở về đơn vị, máy bay của ông gặp nạn và rơi xuống đất. Ông bị thương nặng, bị gãy cánh tay trái, vỡ hàm và xương sọ. Ông được đưa đi điều trị trong thời gian dài.
Dù chưa hoàn toàn bình phục, ông vẫn xung phong ra trận. Do không đủ sức điều khiển máy bay, ông giữ vị trí quan sát trên không trong đội phi cơ số 1 ở Malzéville.
Cùng với thượng sĩ - phi công Marc Bannin, trung uý Đỗ Hữu Vị đã nhiều lần sử dụng chiếc “Voisin” bay qua Karlsruhe, Pechelbronn, Dillingen và thu thập được nhiều tin tức quan trọng cho Bộ chỉ huy Pháp.
Năm 1916, vì lí do sức khoẻ, ông buộc phải từ bỏ sự nghiệp phi công, chuyển sang bộ binh, được thăng hàm Đại úy và trở lại Trung đoàn Lê dương 2.
Ngày 09 tháng 7 năm 1916, Đại uý nhận lệnh tấn công vào phía đông làng Dompierre, vùng sông Somme. Để chuẩn bị kỹ cho cuộc tấn công này, đêm hôm ấy, đại uý cùng 8 người đi trinh thám trước. Sáng hôm sau, đại uý dẫn đầu Đại đội 8. Mới đi được trăm mét, đại uý bị trúng đạn vào bụng. Ông ngã xuống giáp mặt với quân Đức song vẫn lệnh cho quân tiến lên. Ít phút sau, khi cố gắng gượng dậy, ông lại bị trúng một viên đạn nữa vào đầu.
Biết rằng sắp phải từ trần, đại uý quyết nằm lại chiến trường, vài phút sau ông mất, mặt quay vào quân địch, kết thúc một cách oanh liệt đời chiến sĩ của ông. Trên ngôi mộ của ông, người ta đã khắc dòng chữ: “Đại uý- phi công Đỗ Hữu Vị đã chết trong danh dự, cho đất nước An Nam và cho quê hương Pháp của ông”.
Năm 1920, ông Clémenceau, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Chiến tranh, đã ban hành một đặc quyền cho phép chuyển thi hài ông về An Nam.
Sau này, để tri ân đại uý - người anh hùng gốc Việt Đỗ Hữu Vị, chính phủ Pháp đã cho in hình ông trên con tem phát hành khắp Đông Dương, lấy tên ông đặt cho nhiều trường học, đường phố ở các nước thuộc địa và ngay tại Pháp. Đặc biệt, vào ngày 29 tháng 6 năm 2022, chính quyền Pháp đã làm lễ khánh thành quảng trường mang tên Đỗ Hữu Vị ở trung tâm quận 16, thủ đô Paris.
Nguồn:
- Tuần san Indochine ngày 05/9/1941.
- https://amdohuuvi.org
-https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-x%C3%A3-h%E1%BB%99i/20220112-ch%C3%A2n-dung-%C4%91%E1%BB%97-h%E1%BB%AFu-v%E1%BB%8B-phi-c%C3%B4ng-%C4%91%C3%B4ng-d%C6%B0%C6%A1ng-duy-nh%E1%BA%A5t-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-ph%C3%A1p-ghi-c%C3%B4ng
- https://tuoitre.vn/phi-cong-viet-do-huu-vi-duoc-dat-ten-quang-truong-o-phap-20220703080342985.htm
Hoàng Hằng