04:25 AM 13/10/2024  | 

“Đinh Trần là bằng chứng sống động về việc những người bản xứ có thể dễ dàng hòa nhập và cũng có thể trở thành nhà kỹ nghệ và thương nhân như chúng ta [người Pháp - ND]”. Đó là một trong những nhận định của Robert Dubois về doanh nhân tài năng này trong cuốn Xứ Bắc Kỳ năm 1900.

Tòa Công sứ Cầu Đơ do nhà thầu Đinh Trần xây dựng

 

Nhờ Đinh Trần mà nhiều công trình đã được thực hiện trong điều kiện tốt và hoàn thành với sự cẩn trọng cần thiết.
Tòa Công sứ Cầu Đơ là một trong những công trình lớn được người An Nam này thực hiện. Công trình khởi công xây dựng ngày 15/3/1898 theo thiết kế do Sở Công chính cung cấp, gồm 4 khu và các công trình phụ.

Tòa nhà chính gồm 2 tầng. Tầng trệt gồm có phòng khách và phòng ăn. Tầng gác gồm 3 phòng ngủ xinh xắn có mái hiên và lò sưởi... Phần còn lại của công trình hoàn toàn đăng đối với kiến trúc của Tòa Công sứ.

Lực lượng lao động do nhà thầu Đinh Trần tuyển dụng là người An Nam và người Hoa. Đội ngũ đốc công được lựa chọn trong số anh em của ông.

Vật liệu xây dựng đến từ các mỏ đá thuộc quyền sở hữu của Đinh Trần ở Ninh Bình. Loại đá này cực kỳ rắn chắc, phù hợp với các công trình xây dựng.

Vôi do Đinh Hòe, một người em của Đinh Trần sản xuất. Ông ta cũng chính là đốc công công trình xây dựng Tòa Công sứ Cầu Đơ.

Gạch xây được nhà thầu cho đóng và nung tại chỗ, chất lượng tốt. Sau này, chính Sở Công chính đã công bố Tòa Công sứ Cầu Đơ được thi công kiên cố và trong điều kiện tốt nhất.

Tính đến năm 1900, Đinh Trần đã làm nhà thầu được 17 năm, trong thời gian đó, ông nhận thầu rất nhiều công trình, ban đầu dưới sự quản lý của quân đội và sau này thuộc quyền quản lý của chính quyền dân sự.

Trong suốt 6 năm, ông phụ trách bảo trì các tòa nhà quân sự và xây công trình phụ của những tòa nhà này. Ông còn được Sở Công binh lựa chọn làm nhà cung cấp nguyên vật liệu trong một thời gian dài.

Ngoài ra, các kho thuốc súng ở Hải Phòng, doanh trại quân đội ở Yên Bái, Tòa Công sứ Bắc Ninh đều một tay do ông xây dựng.

Đinh Trần trở thành người trưng thầu thuế đò, phà của tỉnh Hà Nội trong suốt 3 năm, ngay khi hoạt động khai thác được triển khai.

Ông cũng là người xây kho vũ khí của đội lính khố đỏ Bắc Kỳ đồng thời phụ trách 2 gói thầu liên quan đến việc xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Phủ Lạng Thương.

Tóm lại, nhà thầu người bản xứ này luôn giữ đúng cam kết, giữ chữ tín hàng đầu và thi công nhiều công trình quan trọng với chất lượng tuyệt vời nhất.

Ông thường xuyên sử dụng từ 400-500 thợ, những người này được phân bổ ở nhiều bộ phận khác nhau, chủ yếu là tại các lò vôi, lò gạch, vận chuyển cát bằng xe ba gác, khai thác mỏ đá và xây cất.

Vì là người bản xứ nên ông có ưu thế vượt trội so với một nhà thầu người Pháp. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên trước những thành công liên tiếp của Đinh Trần...

Vào những năm 1900, doanh nghiệp Đinh Trần còn tham gia xây dựng các doanh trại quân đội ở Hải Phòng, trường Yên Phụ ở Hà Nội[1] và kênh tưới nước cho vùng đồng bằng Kép, Vôi, Bảo Lộc, Phủ Lạng Thương[2].

Đơn ngày 24/11/1905 của nhà thầu Đinh Trần gửi Chánh Sở Quản lý đường bộ tại Hà Nội xin khai thác cát để xây trường Yên Phụ, nguồn: TTLTQGI

 

Bộ máy lao động mà nhà thầu người bản xứ này sử dụng là bộ máy liên hiệp được ông tạo lập giữa các thành viên trong gia đình. Những người anh em của ông tham gia vào hoạt động chung. Đương nhiên việc này sẽ mang lại cho họ những quyền lợi nhất định. Tương tự như vậy, gia đình những người anh em của ông, vợ con, cháu chắt của họ, toàn thể cộng đồng nhỏ này cùng nhau làm việc, phát triển và ngày một hưng thịnh ngay giữa cộng đồng người Pháp. Họ không quan tâm, cũng không cần biết đến phong tục, tập quán của người Pháp. Đó là nguyên tắc đã mang lại thành công cho Đinh Trần cũng như cho gia đình ông, điều này thực sự rất tốt bởi vì mọi người lao động đều xứng đáng thành công và thịnh vượng.

Nguồn:

- Robert Dubois, Xứ Bắc Kỳ năm 1900.

- TTLTQGI , phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, hs 46114, tờ 9

- TTLTQGI, phông  Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, hs 11196, tờ 15

 

 

 

[1] Phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, hs 46114, tờ 9

[2] Phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, hs 11196, tờ 15

 

Hoàng Hằng