Năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), nhà vua có dụ rằng: Cửa biển Tư Hiền là cửa biển quan trọng, trẫm thường đi tuần chơi để xem xét. Vậy hai núi Thúy Vân, Linh Thái ở gần cửa biển ấy đều nên đặt hành cung để phòng khi dừng nghỉ. Chuẩn cho tức thì làm ngay. ( Trong đó một tòa ở núi Thúy Vân ba gian hai chái, lợp bằng ngói âm dương; một tòa ở núi Linh Thái làm bình bạt phỏng 5 gian chung quanh thành tre).(2)
Vào mùa đông, năm Minh Mệnh thứ 18 (1837), nhà vua cho xây dựng hành cung ở núi Thúy Hoa (Thúy Vân) gồm 1 tòa 3 gian 2 chái làm bằng gỗ rắn chắc, trên lợp ngói, 4 bề xung quanh xây tường gạch.
Vua bảo bộ Công rằng: "Hành cung ở … núi Thúy Hoa, tuy lợp cỏ tranh, thềm đất, làm theo lối tiết kiệm, quê kệch, nhưng hằng năm thường dựng lên, thường dỡ bỏ đi, cũng không khỏi chỉ tốn phí vật liệu nhân công, chi bằng đổi làm gạch ngói để mong được lâu dài hơn. Bèn theo lời bàn của bộ, mỗi sở phái ra 2 quản vệ, 10 suất đội 500 biền binh, giao cho Thống chế Mai Công Ngôn, Nguyễn Tiến Lâm chia nhau trông coi việc ấy".(3)
Hành cung xây dựng xong, bộ Công xin làm bức hoành phi đề tên “Thúy Hoa hành cung” sơn son thếp vàng. Hai cổng trước và sau đều cho khắc hai chữ “Nam môn” và “Bắc môn” đều làm bằng đá thếp vàng. (4)
Bản tấu của Bộ Công ngày 10 tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) về việc xin cấp phát vật liệu làm hoành phi. Nguồn: TTLTQGI, Châu bản triều Nguyễn.
Mùa hạ, năm Mậu Tuất (1838), vua đi tuần chơi cửa biển Thuận An, xem diễn tập thuỷ sư,… rồi đi chơi núi Thuý Hoa, xem xét thấy 2 sở hành cung ở Thuận An và Thuý Hoa làm lên chỉnh tề, thưởng cho đổng lý là thự Thống chế Mai Công Ngôn, Nguyễn Tiến Lâm cát tường ngũ bảo tiểu kim tiền, mỗi người một đồng, còn từ quản vệ đến suất đội và lính thợ thưởng cho quần áo và tiền theo thứ bậc.(6)
Sang triều vua Thiệu Trị, hành cung nghỉ mát này được xây dựng thêm một số công trình tạm khác. Cụ thể, theo bản tấu của bộ Công ngày 8 tháng 3 năm Thiệu Trị 7 (1847) có ghi: xét các khoản lầu, rạp, cầu, hàng rào tre ở 2 toà hành cung Thuận An và Thuý Vân cứ khoảng tháng 3, tháng 4 hàng năm theo lệ cho làm để cung hầu ngự giá tới thăm, sau đó đến kỳ mưa lũ lại tháo dỡ sắp xếp lại. Nay đã đến kỳ khô tạnh vậy xin do bộ phái các binh lính đã làm trước đây chuẩn bị trước và theo đúng mẫu để làm.(7)
Việc dựng thêm các công trình tạm ở hành cung Thúy Vân dưới thời vua Minh Mệnh và Thiệu Trị được vua Tự Đức lấy đó làm quy định. Theo Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ ghi: năm Tự Đức thứ 1, sở hành cung Thuý Vân từ trước đến nay hàng năm vào khoảng tháng 3, tháng 4 phụng chỉ làm thêm các thứ lầu, nhà sàn, cầu, hành lang và thành tre để phòng khi vua đến chơi, đến khi mưa lụt lại phụng chỉ dỡ xuống quy về một chỗ. Riêng năm Thiệu Trị thứ 1, thứ 2 đều không làm. Vậy nên, năm nay và sang năm không làm, đến năm Tự Đức thứ 3 lại phụng chỉ cho hãy làm.
Năm Tự Đức thứ 3, chuẩn y theo lời tâu cho tuân theo lệ dựng làm lầu, sàn, hành lang, nhà tạ, cầu, bạt ở hành cung đều y theo kiểu mẫu khoảng năm Minh Mệnh mà làm.(8)
Qua đây chúng ta có thể thấy, hành cung Thúy Vân có kiến trúc gồm 1 tòa sở chính làm bằng gỗ, lợp ngói, tường xây bằng gạch vững chắc. Bên cạnh là các công trình dựng tạm như lầu, sàn, hành lang, nhà tạ, cầu, bạt…. Những công trình tạm thường được làm bằng tranh tre, lợp mái lá dừa hoặc vỏ cây đàn. Hằng năm theo lệ đến kì tháng 3, 4 sẽ được dựng lên để phục vụ các vị vua và hoàng gia đến ngoạn cảnh, nghỉ mát xong đến kì mưa lũ lại dỡ xuống cất vật liệu đi.
Vua Minh Mệnh, Thiệu Trị thường đi tuần ở cửa biển Tư Hiền, ngự chơi núi Thúy Vân, hành hương về chùa Thánh Duyên và nghỉ dưỡng ở hành cung Thúy Vân(9). Đặc biệt, vua Tự Đức lại thường xuyên đưa Thái hậu đến hành cung Thúy Vân nghỉ mát, nhân tiện xem xét việc phòng vệ biển nơi đây, mỗi đợt nghỉ mát tại hành cung khoảng 5 đến 7 ngày.(10)
Trải qua thời gian và chiến tranh, về sau hành cung này không còn nữa. Qua nguồn sử liệu, tài liệu Châu bản còn sót lại đã giúp chúng ta phần nào tái hiện lại được một hành cung nghỉ mát ở chân núi Thúy Vân dưới thời các vua triều Nguyễn.
Chú thích tài liệu tham khảo:
1. Đại Nam nhất thống chí, quyển 1 tập Kinh sư.
2. Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ. Nxb Thuận Hóa 1993, tập 13 quyển 206.
3. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 5.
4. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Minh Mệnh.
5. Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ. Nxb Thuận Hóa 1993, tập 13 quyển 206.
6. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 5.
7. Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Thiệu Trị.
8. Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ. Nxb Thuận Hóa 1993, tập 13 quyển 206.
9. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 6.
10. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục, H.2004, tập 7, tr1503.
Lê Thông