Về lịch sử hình thành: vào đầu niên hiệu vua Gia Long, vườn là chỗ học tập trong nội đình của Thánh Tổ Nhân Hoàng đế lúc còn nhỏ, khi ngài lên ngôi tôn làm Thiên Phủ. Tháng 11 năm Kỷ Hợi, Minh Mệnh thứ 20 (1839), nhà vua cho dựng nhà Cơ Hạ (nhà nghỉ ngơi khi rỗi việc), sai Thống chế Nguyễn Tiến Lâm trông coi công việc xây dựng.
Tháng 10 năm Quý Mão (1843), vua Thiệu Trị cho dỡ nhà cửa ở vườn Thư Quang, đem dựng ở Cơ Hạ đường tôn lên gọi là vườn Cơ Hạ. Sai Chưởng vệ Tôn Thất Nghi, thự Thống chế Hồ Văn Lưu, Hoàng Văn Hậu, Thị lang Nguyễn Văn Điển quản lĩnh 1.800 biền binh chọn ngày tốt, khởi công làm.
Quyết định tôn tạo Cơ Hạ đường thành vườn Cơ Hạ của vua Thiệu Trị bị quần thần can gián. Cụ thể là các quan viên như Đô ngự sử viện Đô sát Hà Thúc Lương, Khoa đạo Ngô Bỉnh Đức, Lê Di, Hồ Trọng Tuấn, Lê Văn Thành, Giang Văn Hiển, Nguyễn Huy Lịch, Nguyễn Văn Diễm, Nguyễn Lâm, Trình Nho, Hà Đồng Chính, Phan Trinh, Hoàng Khuê dâng sớ nói: “Hoàng thượng ta từ khi lên ngôi đến nay, phàm những việc không cần kíp đều đình bãi hết, để dè dặt gây nuôi binh lực, gần đây, tu bổ miếu đền (3 vườn Vĩnh ấm, Vĩnh Tú, Vĩnh Lệ, sửa toà thứ ba dinh Kiến Chủ) và các công sở, công việc chưa xong, nay lại dời những nhà cửa ở vườn Thư Quang đi, làm thong thả thì trong một năm không xong, làm vội thì không khỏi khó nhọc phí tổn. Vậy xin: phàm việc tu bổ các sở thì cứ để làm, còn công việc ở vườn Cơ Hạ, xin hãy tạm đình chỉ”.
Vua giận nói: “Nay ngoài biên thuỳ không có việc, binh lực đã thư, cho nên liệu lượng bắt làm việc cho hợp với năm nay có những việc lành, chỉ nhân quy mô cũ mà sửa sang lại, chứ không phải nay mới tân tạo. Ta lên ngôi từ khi còn trẻ tuổi, chưa từng vì lời nói mà bắt tội ai, cho nên họ mới dám thì thào chê bai ở sau lưng như thế! Huống chi xin lưu biền binh lại để sửa sang nơi phủ đệ nha thự, sao không nghĩ bè đảng với đám quyền thế, bỏ việc công, làm việc riêng, có đương được cái lỗi nặng ấy không?”. Bèn truyền Chỉ nghiêm quở tất cả. Lại sắc cho bộ Công: phàm những người làm việc đều ban thưởng chu đáo.
Trang đầu bản tấu của Khâm Thiên giám về việc chọn ngày tốt khánh thành vườn Cơ Hạ. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I
Ngày 27 tháng 12 năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), quan Bộ Công tâu: quan Đổng lý Hồ Văn Lưu báo cáo công trình xây dựng vườn Cơ Hạ đã hoàn thành. Ngày 28 tháng 12 năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), Khâm Thiên giám tâu xem chọn được ngày tốt là ngày mùng 4 tháng giêng để Thánh thượng ngự giá thăm và khánh thành vườn Cơ Hạ.
Ngày tháng giêng năm Giáp Thìn, Thiệu Trị thứ 4 (1844), vua đến chơi vườn Cơ Hạ. Thưởng cho những người đôn đốc việc ấy là Hồ Văn Lưu, Hoàng Văn Hậu, Tôn Thất Nghị, Nguyễn Văn Điển đều gia 1 cấp, 1 bộ quần áo; quản vệ trở xuống đều thưởng kỷ lục và quần áo; biền binh làm việc thưởng tất cả 2000 quan tiền.
Về kiến trúc: cửa vườn hướng nam đặt tên là cửa Thượng Uyển. Phía trong cửa là điện Khâm Văn, phía bắc điện là hồ Minh Hồ, giữa hồ là các Quang Biểu, phía sau có lầu Thưởng Thắng, hướng mặt về bắc. Phía tả là tạ Hòa Phong, phía hữu là hành lang Khả Nguyệt, xung quanh là hồi lang Tứ Phương Ninh Mật, phía đông là thư trai Minh Lý, phía tây là hiên Thật Nhật. Phía tây hồ Minh Hồ là sông Trại Võ, động Phúc Duyên và Đào Nguyên; gần về phía tả là cầu Kim Nghê Ngọc Đống. Phía tả lầu Thưởng Thắng là các thắng cảnh núi Thọ Yên, Tùng Đình, ao Thụy Liên và núi Quân Tử.
Vua Thiệu Trị thường xuyên đến thăm vườn, nhà vua đã có không ít bài thơ đề vịnh về cảnh đẹp nơi đây ( tiêu biểu là tập thơ Thánh chế tả 14 cảnh Cơ Hạ viên đầu đề là: 1. Điện khai văn yến; 2. Lâu thưởng Bồng doanh; 3. Các minh tứ chiếu; 4. Lang tập quân phương; 5. Hiên sinh thi tứ; 6. Trai tả thi hoài; 7. Trị lưu liên phưởng; 8. Sơn tủng tùng đình; 9. Nghê kiều tễ nguyệt; 10. Thủy tạ quang phong; 11. Vũ giang thắng tích; 12. Tiên động phương tung; 13 Hồ tâu liễu lãng; 14. Đảo thụ oanh thanh). Sang triều vua Tự Đức vườn Cơ Hạ được chọn làm nơi sát hạch các quan văn, cũng là nơi vua nghe các quan đại thần uyên bác giảng giải kinh sách.
Trải qua thời gian và sự khắc nghiệt của thiên nhiên, vườn Cơ Hạ đã xuống cấp nghiêm trọng. Ngôi điện chính (điện Khâm Văn) trong vườn từng bị triệt hạ dưới thời vua Đồng Khánh. Năm Thành Thái thứ 8 (1896), điện Khâm Văn mới được trùng tu lại. Năm Thành Thái thứ 10 (1898) tu bổ lại hành lang hai bên phía sau điện Khâm Văn cùng Thư Trai Minh Lý, hiên Nhật Thận do gỗ lạt hư hỏng, dột nát nhưng vẫn còn tu bổ được. Cùng với đó là tháo dỡ hành lang tả hữu phía bắc giáp với nền cũ lầu Thưởng Thắng, gỗ lạt đã hư hại đổ nát, không thể tu bổ.
Cùng với sự vô tình của thời gian, sự khắc nghiệt của thiên nhiên là sự biến thiên của lịch sử đã làm cho khu vườn tuyệt mỹ chốn cung đình bị tàn phá nặng nề chỉ còn lại đống đổ nát và lau sậy.
Đầu năm 2012, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã đầu tư tôn tạo, khôi phục lại không gian vườn ngự uyển xưa. Tuy vẫn chưa thể phục dựng lại hoàn toàn khu vườn giống như thời các vua đầu triều Nguyễn nhưng từ đó đến nay, vườn trở nên nổi tiếng và trở thành một điểm tham quan thu hút du khách.
Chú thích tài liệu tham khảo:
Lê Thông