05:08 PM 20/05/2025  | 

Dưới triều Nguyễn, địa bạ là một loại tài liệu hành chính quan trọng, ghi chép chi tiết về ruộng đất, ranh giới, chủ sở hữu và tình trạng canh tác tại từng địa phương. Đây là nguồn tư liệu quý báu để nghiên cứu lịch sử địa lý, kinh tế, xã hội và quản lý đất đai thời phong kiến. Dưới đây là phần giới thiệu khái quát về địa bạ tỉnh Thanh Hóa dựa trên khối tài liệu địa bạ triều Nguyễn hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Địa bạ tỉnh Thanh Hóa dưới triều Nguyễn bắt đầu được lập từ năm Gia Long thứ 10 (1811), chủ yếu là thời vua Minh Mệnh (1820–1841) và tiếp tục được bổ sung qua các triều vua sau. Đây là một bộ phận của hệ thống địa bạ toàn quốc, được lưu trữ và quản lý chặt chẽ nhằm phục vụ cho việc thu thuế, kiểm kê tài sản và củng cố quyền lực nhà nước phong kiến.

Qua khảo sát khối địa bạ triều Nguyễn đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, địa bạ tỉnh Thanh Hóa có tổng cộng là 1619 đơn vị, với tổng số 32155 tờ, trong đó địa bạ lập dưới triều vua Minh Mệnh là 1612 đơn vị. Tỉnh Thanh Hóa dưới triều vua Minh Mệnh gồm 5 phủ: Thiệu Hóa, Quảng Hóa, Hà Trung, Thọ Xuân, Tĩnh Gia với 17 huyện (châu). Dưới đây là bảng thống kê số đơn vị địa bạ tại các huyện trong tỉnh.

Bảng thống kê tài liệu địa bạ tỉnh Thanh Hóa hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

STT

Tên huyện(châu)

Số lượng địa bạ (đơn vị)

1

Thiệu Hóa

96

2

Cẩm Thủy

79

3

Đông Sơn

129

4

Hậu Lộc

81

5

Hoằng Hóa

123

6

Lôi Dương

159

7

Lang Chánh

43

8

Nông Cống

186

9

Nga Sơn

79

10

Ngọc Sơn

202

11

Quan Hóa

25

12

Quảng Địa

27

13

Quảng Xương

120

14

Tống Sơn

53

15

Thạch Thành

52

16

Thụy Nguyên

117

17

Vĩnh Lộc

48

 

Tỉnh Thanh Hóa là một trong những tỉnh lớn, có địa hình đa dạng (đồng bằng, trung du, miền núi) và hệ thống ruộng đất phức tạp. Vì vậy, địa bạ của tỉnh này phản ánh rõ nét đời sống kinh tế nông nghiệp và cơ cấu sở hữu đất đai phong phú của người dân xứ Thanh.

Một phần tài liệu Địa bạ sở  An Định, tổng Chi Nê, huyện Hậu Lộc, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, lập năm Minh Mệnh 16 (1835), sao năm Tự Đức 26 (1873) TTLTQG I, Địa bạ triều Nguyễn – 13531.

Nội dung của địa bạ Thanh Hóa

Ghi chép rất chi tiết, bao gồm:

Tên đơn vị hành chính: Cấp phủ, tổng, xã, thôn…

Tên xứ đồng theo cách gọi truyền thống ghi rõ từng thửa ruộng/đất.

Diện tích đất: Tính theo mẫu, sào, thước, tấc theo hệ thống đo lường cổ.

Loại đất: Ruộng công, ruộng tư; loại 1, loại 2, loại 3; vụ hè, vụ thu; đất hoang, đất đền chùa, đất ao vườn, bãi tha ma, đường sá…

Chủ sở hữu hoặc người canh tác: Ghi rõ họ tên người đứng tên ruộng/đất.

Tình trạng sử dụng ruộng/đất: Ghi chú về đất bỏ hoang, đang cày cấy, hoặc bị tranh chấp.

Giá trị của địa bạ Thanh Hóa

Lịch sử – Địa lý: Cung cấp thông tin về địa danh cổ, sự thay đổi địa giới hành chính, lịch sử hình thành và phát triển các làng xã.

Kinh tế – Xã hội: Phản ánh cấu trúc sở hữu ruộng đất, tầng lớp địa chủ, nông dân và mức độ phân hóa xã hội.

Quản lý nhà nước: Cho thấy cơ chế quản lý đất đai dưới thời phong kiến, đặc biệt là cách thức nhà nước trung ương kiểm soát tài nguyên tại địa phương.

Văn hóa – Ngôn ngữ: Địa bạ được viết bằng chữ Hán – Nôm, mang giá trị nghiên cứu ngôn ngữ và văn tự cổ.

 Tình trạng lưu trữ

Hiện nay, bộ địa bạ tỉnh Thanh Hóa thời Nguyễn đang được Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (số 5 Vũ Phạm Hàm, Hà Nội) bảo quản. Tài liệu gốc được chép tay trên giấy dó, đã qua xử lý bảo quản và số hóa. Các nhà nghiên cứu có thể tiếp cận bộ địa bạ này theo quy định của Trung tâm.

Lê Thông