Nội dung Sắc lệnh thành lập Hội đồng thuộc địa Nam kỳ được đăng trong Công báo Nam kỳ 1880, hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ cơ cấu tổ chức cũng như chức năng quyền hạn của Hội đồng thuộc địa Nam Kỳ, chúng tôi xin lược dịch và giới thiệu một số nội dung chính của Sắc lệnh như sau:
Thành phần
Hội đồng thuộc địa Nam Kỳ có trụ sở đặt tại Sài Gòn. Thành phần của Hội đồng gồm: 6 Ủy viên là công dân Pháp hoặc được nhập quốc tịch Pháp; 6 Ủy viên người châu Á thuộc quốc tịch Pháp; 2 Ủy viên dân sự Hội đồng Tư mật; 2 Ủy viên đại diện cho Phòng Thương mại. Ủy viên Hội đồng được bầu với nhiệm kỳ 4 năm.
Chức năng, quyền hạn
Hội đồng thuộc địa quyết định những vấn đề:
– Trưng mua, chuyển nhượng, trao đổi động sản và bất động sản của thuộc địa không thuộc sở hữu của công sở;
– Thay đổi sở hữu tài sản tại thuộc địa không sử dụng vào mục đích công;
– Chế độ quản lý tài sản tại thuộc địa;
– Các hợp đồng cho thuê tài sản hoặc lĩnh canh;
– Về các vụ việc cần khởi kiện hoặc biện hộ nhân danh thuộc địa, trừ trường hợp khẩn cấp, trong đó Thống đốc có thể khởi kiện hoặc biện hộ (mà không cần Hội đồng thuộc địa ban hành nghị quyết trước) và tiến hành mọi biện pháp bảo toàn;
– Các cuộc giao dịch liên quan đến quyền lợi của thuộc địa;
– Chấp nhận hoặc từ chối quà biếu tặng cho xứ thuộc địa;
– Xếp hạng, quản lý đường sá;
– Bảo hiểm sở hữu động sản và bất động sản của thuộc địa;
Hội đồng cũng biểu quyết về những vấn đề liên quan đến thuế khoá.
Hội đồng thuộc địa quyết nghị các vấn đề như:
– Huy động công trái và tiền đặt cọc;
– Quy định cơ sở đánh thuế và việc thu thuế trực thu và các loại thuế khác;
– Chi phí mua sắm thiết bị phục vụ hoạt động tư pháp và tín ngưỡng; chi phí để thanh toán tiền lương cho nhân sự và mua sắm thiết bị cho Ban thư ký Phủ Thống đốc; học chính; trại cải tạo và nhà tù;
– Trưng mua, chuyển nhượng và trao đổi tài sản tại thuộc địa sử dụng trong công sở.
Các nghị quyết của Hội đồng thuộc địa về các vấn đề trên được Tổng thống hoặc Thống đốc phê chuẩn theo quy định.
Hội đồng góp ý về các vấn đề liên quan đến:
– Thuế nhập thị và thuế hải quan áp dụng tại thuộc địa;
– Thay đổi địa giới các huyện, tổng, xã và ấn định các tỉnh lị;
– Những vấn đề liên quan đến lợi ích thuộc địa.
Ngân sách thuộc địa do Hội đồng thuộc địa thảo luận, sau đó Thống đốc ra quyết định và được đưa ra thông qua trước Hội đồng Tư mật. Ngân sách này bao gồm:
– Khoản thu trừ tiền bán hoặc chuyển nhượng các vật dụng đã được mua bằng tiền Ngân khố và khoản tiền khấu trừ lương ghi trong ngân sách Nhà nước;
– Các khoản chi trừ tiền chi lương của Thống đốc, của Giám đốc phụ trách ngân khố và của các cơ quan quân sự.
Dự toán chi ngân sách được chia thành khoản chi bắt buộc và khoản chi không bắt buộc.
Khoản chi bắt buộc bao gồm: các khoản nợ phải trả; chi phí cho đội ngũ nhân sự và mua sắm thiết bị cho công sở; những khoản chi này được quy định theo Sắc lệnh của Tổng thống; các loại quỹ kín; việc xây nhà cửa cho Sở Hiến binh; các khoản chi từ việc hình thành quỹ hưu hoặc tương tế cho đội ngũ nhân viên trừ đội ngũ nhân viên thuộc các cơ quan của chính quốc; chi phí dự thảo ngân sách thu, chi của cơ quan địa phương và bảng kê hộ tịch 10 năm; việc hoàn trả kinh phí trích từ quỹ tương tế; mọi khoản chi cho lương, xây dựng nhà cửa trong doanh trại, quần áo, lương thực… cho đội ngũ lính khố đỏ bản xứ (An-nam).
Các khoản chi không bắt buộc do Hội đồng thuộc địa biểu quyết không được thay đổi, điều chỉnh trừ một số trường hợp đặc biệt:
– Trường hợp đã có quy định trong điều khoản trước và ít nhất các khoản chi không bắt buộc không vượt quá nguồn vốn thông thường trong tài khoá, sau khi thanh toán những khoản chi bắt buộc.
– Khi dự toán liên quan đến những khoản chi này được trình lên Bộ trưởng Bộ Hải quân và thuộc địa, cần có một cuộc nghiên cứu bổ sung hoặc một cuộc thảo luận mới.
Chế độ lương bổng
Viên chức hoặc nhân viên hưởng lương từ chính quốc hay thuộc địa không được tham gia Hội đồng thuộc địa. Công dân đang có người bảo trợ tư pháp không được bầu chọn.
Ủy viên Hội đồng thuộc địa hưởng trợ cấp đi lại theo quy định tại nghị định của Thống đốc và được đưa ra thông qua trước Hội đồng Tư mật.
Nguyên tắc bầu cử
Ủy viên người Pháp được bầu theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu trực tiếp và bỏ phiếu kín. Cử tri là công dân Pháp hoặc được nhập quốc tịch Pháp, có các quyền dân sự và chính trị, không bị cấm theo luật định, sống tại thuộc địa trong thời gian 1 năm tính đến ngày triệu tập cử tri. Những người đủ tư cách là công dân tròn 25 tuổi và có thời gian sống tại thuộc địa ít nhất 2 năm tính đến ngày bầu cử, có tên trong danh sách bầu cử hoặc có tên trong danh sách trước ngày bầu cử.
Các cuộc bầu cử diễn ra theo từng khu vực. Danh sách bầu cử được lập và duyệt theo Luật ngày 15 tháng 3 năm 1849 quy định tạm thời chế độ bầu cử tại Nam kỳ.
Thời gian khai mạc, duyệt danh sách cũng như thời gian bế mạc và công bố danh sách bầu cử tại thuộc địa được quy định bằng nghị định của Thống đốc và được chuẩn y trước Hội đồng Tư mật.
Chủ tịch đoàn cử tri có thể do Đốc lý, Phó Đốc lý, Ủy viên Hội đồng Thành phố đảm nhiệm.
Việc kiểm phiếu bầu do phòng bầu cử tại thủ phủ khu vực tiến hành. Chủ tịch đoàn công bố kết quả và gửi biên bản, giấy tờ liên quan đến Giám đốc Nha Nội chính.
Trong vòng bỏ phiếu đầu tiên, người trúng cử phải đạt đa số tuyệt đối số phiếu phát ra và số phiếu bầu đạt ¼ số cử tri đăng ký. Nếu vòng 1 không có người trúng cử, vòng 2 được thực hiện trên nguyên tắc đa số tương đối, không phụ thuộc vào số cử tri bỏ phiếu. Nếu nhiều ứng cử viên giành được số phiếu bầu bằng nhau, người lớn tuổi nhất sẽ đắc cử.
Giám đốc Nha Nội chính giải quyết mọi đơn thư khiếu nại về kết quả bầu cử.
Ủy viên Hội đồng thuộc địa đắc cử tại nhiều khu vực bầu cử sẽ thông báo với Chủ tịch khu vực bầu cử mình chọn trong thời hạn 3 ngày sau cuộc họp đầu tiên của Hội đồng. Trường hợp Ủy viên không lựa chọn, Hội đồng quyết định bằng hình thức rút thăm. Ủy viên Hội đồng sẽ bị cách chức nếu không đảm nhiệm được công việc hoặc không tham dự phiên họp thường kỳ nếu không có lý do chính đáng. Hội đồng sẽ bố trí người thay thế trong trường hợp này.
Bằng nghị định đã thông qua Hội đồng Tư mật, Thống đốc có quyền đình chỉ, giải tán hoặc kéo dài nhiệm kỳ của Hội đồng thuộc địa. Trong trường hợp Hội đồng bị giải tán thì sẽ phải tiến hành bầu cử lại Hội đồng mới trong thời gian muộn nhất là 3 tháng.
Các phiên họp
Chủ tịch Hội đồng thuộc địa do Thống đốc bổ nhiệm.
Hội đồng họp thường kỳ mỗi năm một lần trong vòng 20 ngày theo lệnh triệu tập của Thống đốc. Thời gian do Thống đốc quy định. Nội dung kỳ họp do Thống đốc quy định, được Hội đồng Tư mật thông qua.
Giám đốc Nha Nội chính tham dự các cuộc thảo luận tại Hội đồng thuộc địa. Nghị quyết của Hội đồng thuộc địa chỉ có hiệu lực khi trên một nửa số thành viên tán thành và tập trung đa số tuyệt đối phiếu bầu.
Tiếng Pháp được dùng làm ngôn ngữ chính trong kỳ họp và có thông ngôn. Biên bản cuộc họp được ghi bằng tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ.
Các biên bản, nghị quyết của Hội đồng về những nội dung không thuộc thẩm quyền hoặc không có trong các cuộc họp chính thức và không được pháp luật cho phép đều không có giá trị.
Thống đốc phải tuyên bố cuộc họp trái quy định, công bố những biên bản không có hiệu lực và có quyền giải tán hội nghị và chuyển cho Chưởng lý xử lý theo luật định.
Thông qua Thống đốc, Hội đồng thuộc địa có thể gửi tới Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa đơn thư khiếu nại vì lợi ích đặc biệt của thuộc địa. Trong thời gian họp, Hội đồng có thể thu thập những thông tin cần thiết để đưa ra quyết định thuộc thẩm quyền. Mọi nghị quyết, thỉnh nguyện có yếu tố chính trị đều bị cấm.
[1] Dương Kinh Quốc, Việt Nam những sự kiện lịch sử (1858-1918), NXB Giáo Dục, 2003, tr 112.