11:55 AM 07/12/2016  | 

Bùi Văn Dị (1833-1895) là nhà thơ, nhà giáo, là đại thần trải qua 7 đời Vua triều Nguyễn: Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái. Ông từng được triệu về triều làm giảng quan chuyên giảng sách cho Vua Kiến Phúc, Vua Hàm Nghi, vua Đồng Khánh và đảm đương nhiều chức vụ khác. Đến năm Thành Thái thứ nhất (1889), ông giữ chức Phụ đạo đại thần kiêm Phó Tổng tài Quốc sử quán. Kể từ đó, Bùi Văn Dị chuyên lo việc tổng duyệt bộ sách gồm 300 bài thơ vịnh sử của Vua Tự Đức. Ông được coi là bạn thơ của Vua Tự Đức và các danh sĩ đương thời như Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Khuyến, Miên Trinh….

1_1_4_271_001_01

Một trong những văn bản tài liệu lưu trữ về Danh nhân Bùi Dị

Trong khối Châu bản triều Nguyễn và Nha Kinh lược Bắc Kỳ hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I có một số văn bản liên quan đến danh nhân Bùi Văn Dị. Qua nghiên cứu, khảo sát các văn bản ở cả hai phông, chúng tôi đã thu được kết quả như sau:

Phông Châu bản triều Nguyễn

1.Những văn bản có liên quan đến tên tự Bùi Ân Niên, Bùi Văn Tự

Bùi Văn Dị tự Ân Niên, có các tên hiệu: Tốn Am, Do Hiên, Hải Nông, Châu Giang. Ông quê làng Châu Cầu, huyện Kim Bảng, phủ Lý Nhân, tỉnh Hà Nội (sau là phố Châu Cầu, thị xã Phủ Lý tỉnh Hà Nam).

Bùi Văn Dị còn có tên tự là Bùi Ân Niên. Qua nghiên cứu và khảo sát, chúng tôi đã tìm ra 07 văn bản nói đến danh nhân này, nội dung chủ yếu xoay quanh việc thi Đình năm Thành Thái thứ 4, về bệnh tình của bản thân ông… Thể loại  văn bản: Tấu.  Đáng chú ý là văn bản số 45, tập 5, năm Thành Thái, có châu phê của Vua Thành Thái về việc khiển trách các viên ra đề cho cuộc thi Đình không hợp lệ. Cụ thể “…đề thi giản lược, lời ý có nhiều chỗ chưa được thỏa đáng…”[1]

Bùi Văn Dị còn có tên gọi khác là Bùi Văn Tự. Có 06 văn bản nhắc đến tên danh nhân này. Nội dung chủ yếu là các việc trình của Nội các như thăng thụ, thực thụ quan lại. Trong số đó có những văn bản đáng chú ý là Thượng dụ, nhân lễ mừng thọ ngũ tuần vua Tự Đức, gia ân chuẩn cho một số “quan văn võ được thăng thụ, thực thụ có thứ bậc”[2] Một văn bản tấu trình của Bộ Binh, Bộ Hình về việc thực thụ, bổ thụ các võ viên. Một văn bản của Bộ Hình về việc truy bắt hung phạm trộm cắp ở thôn Hảo Đức, phủ Tây Ninh[3]

Chúng tôi đã thống kê trong bảng dưới đây:

Thể loại văn bản

Xuất xứ

Số lượng văn bản

Phông tài liệu

Tấu

Bộ Lại, Nội Các, Bộ Binh,  

07

Châu bản triều Nguyễn

Phúc trình

Bộ Hình

01

Châu bản triều Nguyễn

Tấu

Bùi Ân Niên

03

Châu bản triều Nguyễn

Phụng Thượng dụ

Nội Các, Bùi Văn Tự,

02

Châu bản triều Nguyễn

 

2.Những văn bản có liên quan đến Bùi Văn Dị

Kết quả mà chúng tôi thu được khả quan nhất là 123 văn bản thuộc phông Châu bản triều Nguyễn có nội dung liên quan đến Bùi Văn Dị, chủ yếu là Phụng Thượng dụ của Nội Các. Trong đó thể loại văn bản Phụng Thượng dụ chiếm 91/123 văn bản đều do Bùi Văn Dị và các quan viên Nội các phụng, thể loại Tấu chiếm 32/123 văn bản. Phông Nha Kinh lược Bắc Kỳ chúng tôi chỉ tìm thấy 09 văn bản có nhắc đến Bùi Văn Dị, hầu hết thuộc thể loại Tấu.

Tham khảo bảng thống kê dưới đây:

Thể lọai văn bản

Xuất xứ

Số lượng văn bản

Phông tài liệu

Phụng Thượng dụ

Nội Các

91

Châu bản triều Nguyễn

Tấu, Phúc trình…

Bộ Hộ, Nội các…

32

Châu bản triều Nguyễn

Tấu

 

09

Nha Kinh lược Bắc Kỳ

 

Sau khi nghiên cứu, chúng tôi tạm tổng kết về mặt nội dung các văn bản của phông Châu bản triều Nguyễn như sau:

Nói về các tư tưởng an dân, trị quốc của Vua Tự Đức: “…Chính sách tốt đẹp là ở việc nuôi dân, chính sách nuôi dân là ở cứu tai trừ nạn, thì trước hết là giải trừ ngay những hoạn nạn của dân..”[4] 
Không chỉ có tư tưởng nhân đạo, chăm lo đến đời sống của dân mà Vua Tự Đức còn rất quan tâm đến chính sách an ninh để gìn giữ một xã hội yên bình, không tệ nạn “ Chúng thần Trần Văn Chuẩn, Bùi Văn Dị, Nguyễn Thuật ở Nội Các phụng Thượng dụ: Gần đây phong tục tốt đẹp vẫn ngày càng nhiều mà đầu tiên có hại cho dân không gì bằng cờ bạc dẫn đến khuynh giai bại sản, cùng quẫn mà sinh ra các việc gian, phàm tham lam, dối trá, trộm cướp đều từ đó mà ra… Vào năm Minh Mệnh đã có 10 điều thánh huấn. Điều thánh huấn về cờ bạc đã lần lượt ban bố giảng dạy nhà nhà truyền đọc để mọi người hiểu nó, hối hận vì nó mà nghe theo nó. Triều Trần xưa, viêc cờ bạc được nghiêm cấm rất nghiêm…Vậy truyền giao cho Bộ Hình nhanh chóng tra rõ luật lệ, thêm khung hình phạt để luận tội và thông sức cho trong kinh và các tỉnh biết để cho chúng thôi hết việc cờ bạc để không thể làm hại dân.”[5]

Lại có những văn bản kêu gọi người tài ra giúp nước, điều này đã được nhắc nhiều trong sách vở:

“ Chúng thần Trần Văn Chuẩn, Bùi Văn Dị, Nguyễn Thuật ở Nội các phụng Thượng dụ:

Trẫm trước hết lấy đức tài để thu nạp, trọng dụng ủy thác vào công khanh sĩ dân. Nay Nam Bắc một nhà, có khuôn mẫu vốn đã có. Trẫm đã dựa vào đó để bảo vệ những cái đã có, lẽ nào không thể lấy của cải mà cầu những người hiền tài hay sao? Chỉ e rằng cửa Vua xa vạn dặm, hữu ty không theo những điều ta chiếu dụ. Nếu như bảo thiên hạ không có người hiền tài thì ta không tin. Do đó nay lệnh cho thần dân lớn nhỏ trong ngoài, không câu nệ nguồn gốc, tôn giáo, người nào quả có phương sách, tài năng xứng với sự trông ngóng của Trẫm, thì cho phép tự tiến cử và tự trình bày. Dụ này sao gửi cho các tỉnh và kinh đô yết thị để mọi người biết”[6]

Là một vị Hoàng đế không chỉ giỏi chính sự, Vua Tự Đức còn là bậc quân vương rất am hiểu văn chương, thơ phú nên ông rất chú trọng việc thi cử để chiêu mộ hiền tài. Trong số 123 văn bản kể trên, chúng tôi tìm thấy rất nhiều văn bản nói về các khoa thi văn võ. Đáng chú ý có văn bản:

“ Chúng thần Trần Văn Chuẩn, Bùi Văn Dị, Nguyễn Thuật ở Nội Các phụng Thượng dụ:

Khoa thi Hội về võ năm nay truyền phái Thự Thống chế doanh Thần cơ kiêm giữ ấn tín Tiền quân kiêm nhiếp Tả tôn khanh Phủ Tôn nhân, sung chức Chánh Chủ khảo, Tả Thị lang Bộ Công Đoàn Văn Bình làm Phó Chủ khảo, lại phái Giám sát Ngự sử đạo Sơn Hưng Tuyên Vũ Duy Vĩ và Giám sát Ngự sử đạo Thanh Hóa Trần Tiễn Thận đều làm giám sát trường vụ. Châu phê: Lấy sáng ngày 13 tháng này ngự giá đến Thuận An, ba bốn ngày hồi loan. Phái Lê Bá Thận, Lê Bình lưu giữ kinh thành. Lê Sĩ, Nguyễn Văn Chất sung hành doanh”[7].

“Thần Nguyễn Thuật ở Nội Các phụng Thượng dụ: Ngày 21 tháng này phúc thí, ngày 27 truyền lô. Vậy phái Thự Văn minh điện Đại học sỹ Lãnh Binh bộ Thượng thư sung đại thần Viện Cơ mật Trần Tiễn Thành, Thượng thư Bộ Hình sung đại thần Viện Cơ mật Kỳ Vĩ bá Nguyễn Văn Tường đều sung đọc quyển. Hữu Quân Đô thống kiêm chưởng ấn triện Trung quân Kiên Dũng nam Lê Sỹ đều sung chức Giám thí. Tả Thị lang Bộ Lại sung làm việc tại Nội các Trần Văn Chuẩn, Quang lộc tự khanh làm việc tại Nội Các Bùi Văn Dị đều sung duyệt quyển Hồng Lô tự khanh biện lý công việc Bộ Binh Lê Tiến Thông sung Truyền lô… Ngoài ra các viên khác đều chiêu như tờ phiến do Bộ Lễ kê trình để thực hiện.”[8]

Việc phòng thủ quốc gia cũng được quan tâm hàng đầu: “Chúng thần Trần Văn Chuẩn, Bùi Văn Dị, Nguyễn Thuật ở Nội các phụng Thượng dụ:

Biên giới phía Bắc nước ta tiếp giáp với nước Thanh, nhiều năm bọn cướp phỉ gây phiền nhiễu, việc tiễu phỉ, vận tải gian lao, tổn phí không ngừng. May mắn lần này gặp được cơ hội ắt có thể ổn định được… Nay Thống đốc Hoàng Kế Viêm, Tổng đốc Tôn Thất Thuyết đều phải nhận thức rõ ý nghĩa của Chỉ Dụ, hết sức tính toán toàn cục, nếu như đồng ý cho giao lưu đi lại, thì do các ngươi tự giải quyết ắt sớm xong và vĩnh viễn yên ổn thì xin hạn rõ ràng cốt sao nói cho đúng thực tiến, hoặc nên trù liệu ra sao, sao cho lần này đều xong xuôi, thì chuẩn cho phi tấu tất cả sự thực sao cho rõ ràng, chính xác. Dụ này truyền phát giao ngay bằng ngựa, rồi sao gửi thi hành.

Châu phê: Giao cho các viên đại thần duỵêt và sao lục phát đi ngay.”[9]

Việc biên soạn quốc sử: “Chúng thần là Bùi Văn Dị, Lê Tiến Thông, Nguyễn Thuật ở Nội các phụng Thượng dụ:

Đất nước có lịch sử là quý vậy. Nước Việt ta từ đời Trần trở về trước, quốc sử biên tập còn thiếu khuyết nhiều. Sử quán có đặt chức Toản tu, Biên tu, quan chức có quy định số lượng. Lại thấy các viên đại thần kiêm quản chức Tổng tài, Phó Tổng tài thành ra chức này tuy nhàn, nhưng trách nhiệm rất nặng, không thể bổ dụng cho đủ. Vậy mà gần đây quan chức của Sử quán khuyết nhiều. Phụng kiểm bộ sách Thực lục chính biên đệ tam kỷ cùng sách Liệt truyện và lần lượt chuẩn cho làm các sách đều không làm xong. Thấy thật là trễ nải, lười biếng. Vậy mà các viên đại thần, đình thần cũng đều không để ý. Tất cả đều bị khiển trách. Do đó, tại Sứ quán hiện khuyết thiếu bao nhiêu viên giao cho Đình thần lập tức chọn cử sao được người bổ sung cho đủ. Hiện đang phụng kiểm, biên tập các sách truyện cần tiến hành làm gấp cho xong sớm, rồi lần lượt dâng lên cho Trẫm xem.”[10]

Việc đắp đê: “Chúng thần Bùi Văn Dị ở Nội các phụng Thượng dụ:

Đê điều ở Bắc Kỳ là việc lợi hại của dân, vậy mà các năm lại đây cứ đắp rồi lại vỡ, không thành công. Sau đó chuẩn cho bọn Phạm Thận Duật sung làm kinh lý chuyên trách việc đắp đê. Việc thực hiện đã lâu cũng không có chút hiệu quả thật là đáng giận, nhưng nghĩ đến việc đê điều, công việc nặng nhọc và nhiều chẳng thể một lúc có thể làm. Nay truyền giao cho các tỉnh có đê điều, căn cứ vào giới phận, nhanh chóng khám nghĩ, hoặc việc đắp đê có liên quan với nhau thì đồng tâm bàn bạc sao cho chu đáo, dự nghĩ kiếp sau sương giáng tiến hành công việc sao cho có vật liệu thực đủ, để công trình chắc chắn, để năm tới không xảy ra thiệt hại, bớt đi trông đợi của Trẫm, dụ này sao gửi ngay cho các tỉnh tuân theo thực hiện”[11]

Ngoài ra chúng tôi thấy có khá nhiều văn bản phụng Thượng dụ nội dung nói về lễ sinh nhật lần thứ 50 của Vua Tự Đức, đã gia ân cho các viên quan văn võ được thưởng, thực thụ, thực hàm.

Bùi Văn Dị là một đại thần của Nội Các, được giao cho nhiều công việc cốt yếu, trong đó có soạn thảo quốc thư:

“Bùi Văn Dị tâu:

Ngày hôm qua  thần đối chiếu giấy tờ của các nha, thấy có tờ đề nghịcủa bộ Lễ về mẫu bản quốc thư, 1 đạo công văn gửi cho tỉnh Quảng Tây nước Thanh. Dưới ghi: Tư trình quan tuần phủ Quảng Tây, còn để trống chữ họ tên, đã vâng được châu phê.

Thần phụng xét Tuần phủ trước đây của tỉnh đó đã điều đi nơi khác, Tuần phủ hiện tại là Dương Trọng Nhã. Vì vậy thư đó có nên căn cứ theo thực tế đổi nghĩ lại họ của Tuần phủ mới là Dương hay không. Dám xin trình bày đợi chỉ thực hiện.

Châu phê: Từ trước đến nay cứ chiếu theo lệ mà thực hiện.”[12]

Ông còn vinh dự được là một trong các đại thần được tiếp sứ nước Y Pha Nho (Tây ban Nha): “Thần Bùi Văn Dị phúc trình:

Ngày hôm nay sứ nước Y Pha Nho triều kiến, lễ xong, thần tuân mệnh đến Đãi Lậu viện thăm hỏi. Khi mới đến cửa, viên sứ ấy trông thấy đã đứng dậy bỏ mũ đứng chào, thần bèn đi vào thưa rằng: thần vâng chuyển lời của Hoàng đế hỏi thăm quý Quốc trưởng có được khỏe không? Quý sứ đường xa đến có được mạnh khỏe như thường không? Các thức ăn vặt dùng ở sứ quán, nếu cần thứ gì cứ thực nêu ra đợi vâng ban cấp. Viên sứ ấy đáp rằng: Quốc trưởng nước ấy gần đây vẫn được khỏe, còn như các thức ăn vật dùng ở sứ quán khoản đãi đều được đầy đủ, không thiếu thứ gì….”[13]

Ông cũng là một trong chín quan viên hộ giá tuần hạnh: “Thần Hoàng Diệu tâu:

Ngày hôm qua, vâng phụng ngự giá tuần hạnh, thần phụng sung hành cung tất cả các quan chức văn võ theo hộ giá (có bao nhiêu) xin kính cẩn kê khai dâng trình. Kê khai: Nguyễn Văn Toại, Bùi Văn Dị, Bùi Văn Quế, Hà Văn Quan, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Tu, Lê Bình, Hoàng Tiến Ngoạn, Tôn Thất Phê”.[14]

Bản tấu của Bộ Lễ năm Tự Đức thứ 29 về quan hệ hai nước Đại Nam  và nhà Thanh trong đó Bùi Văn Dị là sứ Bộ thần đi Thanh : “Bộ Lễ tâu:

Hôm qua nhận được tư văn của quan tỉnh Lạng Sơn Lương Quy Chính, sứ Bộ thần đi Thanh Bùi Văn Dị mỗi người một bản và tờ trát của phủ Thái Bình (nước Thanh) kính cẩn đem dâng trình. Bộ thần vâng xét kỳ cống nạp năm nay, lần ấy nhận tờ báo của Tuần phủ Quảng Tây, hẹn ngày mồng 1 tháng 8 mở cửa quan đã theo lệ soạn 1 đạo quốc thư và sao hai bản biểu văn trình phúc cho phủ ấy duyệt thi hành…”.[15]

Bùi Văn Dị là một trong số các viên quan được phái làm việc tại trường thi vào năm Tự Đức thứ 28: “Thần Nguyễn Thuật ở Nội các phụng Thượng dụ:

Ngày 21 tháng này phúc thí, ngày 27 truyền lô. Vậy phái Thự Văn minh điện Đại học sĩ lãnh Thượng thư bộ Binh sung đại thần Viện Cơ mật Trần Tiễn Thành, Thượng thư Bộ Hình sung đại thần viện Cơ mật Kỳ Vĩ bá Nguyễn Văn Tường đều sung độc quyển. Hữu Quân Đô thống kiêm chưởng ấn triện Trung quân Kiên Dũng nam Lê Sĩ đều sung chức Giám thí. Tả thị lang Bộ Lại sung làm việc tại Nội các Trần Văn Chuẩn, Quang Lộc Tự khanh làm việc tại Nội các Bùi Văn Dị đều sung duyệt quyển. Hồng Lô tự khanh biện lý công việc bộ Binh Lê Tiến Thông sung Truyền lô. ..”.[16]

Ông cũng được giao trọng trách về duyệt tuyển quân: “Quan Nội các là Bùi Văn Dị vâng Thượng dụ:

 Hàng năm vào đầu xuân duyệt binh để kiểm tra thực lực trong quân mà chấn chỉnh lại tổ chức quân đội…”.[17]

Phông Nha Kinh lược Bắc Kỳ

Trong quá trình khảo sát, chúng tôi tìm thấy 09 văn bản của phông Nha Kinh lược Bắc Kỳ có liên quan đến danh nhân Bùi Văn Dị, niên đại tài liệu năm Đồng Khánh (trong đó có 07 văn bản năm Đồng Khánh 2; 02 văn bản năm Đồng Khánh 1). Cụ thể, chúng tôi thống kê theo danh mục dưới đây:

 

Số TT

Kí hiệu tra tìm tài liệu

Trích yếu nội dung văn bản

Niên đại tài liệu

01

Tờ 101 tập 62

Triệu tập Bùi Văn Dị về Kinh

Ngày 22 tháng 11 năm Đồng Khánh 1

02

Tờ 59 tập 95

Cử Bùi Văn Dị làm Đốc học tỉnh Hà Nội

Ngày 27 tháng 9 năm Đồng Khánh 1

03

Tờ 33 tập 242

Cấp lộ phí cho Bùi Văn Dị về Kinh đợi Chỉ

Ngày 1 tháng 11 năm Đồng Khánh 2

04

Tờ 78 tập 261

Điều Bùi Văn Dị giữ chức Tả Tham tri Bộ Binh

Ngày 25 tháng 11 Đồng Khánh 2

05

Tờ 72 tập 263

Triệu tập Bùi Văn Dị về Kinh chờ Chỉ

Ngày 19 tháng 9 Đồng Khánh 2

06

Tờ 17 tập 264

Bùi Văn Dị đến Đà Nẵng bị bệnh, xin nghỉ 1 tuần để chữa bệnh

Ngày 9 tháng 11 Đồng Khánh 2

07

Tờ 72 tập 264

Dụ chuẩn Bùi Văn Dị ở Bộ Binh sung Tán lý quân vụ

Ngày 11 tháng 12 Đồng Khánh 2

08

Tờ 55 tập 284

Triệu tập Bùi Văn Dị về Kinh đợi Chỉ

Ngày 28 tháng 10 Đồng Khánh 2

09

Tờ 09 tập 346

Bùi Văn Dị xin nghỉ 1 tháng để chữa bệnh

Ngày 6 tháng 10 Đồng Khánh 2

Trên đây là vài nét giới thiệu về tình hình tài liệu lưu trữ về danh nhân lịch sử Bùi Văn Dị hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I../.

Ths. Đào Hải Yến

[1] Tờ 05, tập 45 Thành Thái, phông Châu bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

[2] Tờ 27, tờ 41 tập 333 Tự Đức, phông Châu bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

[3] Tờ 29 tập 64 Tự Đức, phông Châu bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

[4] Tờ 1 tập 271 Tự Đức, phông Châu bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

[5] Tờ 150 tập 271 Tự Đức, phông Châu bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

[6] Tờ 119 tập 271 Tự Đức, phông Châu bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ  quốc gia I

[7] Tờ 131 tập 271 Tự Đức, phông Châu bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

[8] Tờ 136 tập 271 Tự Đức phông Châu bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

[9] Tờ 162 tập 271 Tự Đức, phông Châu bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

[10] Tờ 98 tập 271 Tự Đức, phông Châu bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

[11] Tờ 74, tập 298 Tự Đức, phông Châu bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

[12] Tờ 117 tập 301 Tự Đức, phông Châu bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

[13] Tờ 322 tập 299 Tự Đức, phông Châu bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

[15] Tờ 108 tập 320 Tự Đức, phông Châu bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

[14] Tờ 204 tập 272 Tự Đức, phông Châu bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

[16] Tờ 136 tập 271 Tự Đức, phông Châu bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I

[17] Tờ 08 tập 271 Tự Đức, phông Châu bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I