Công trình “Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Kỳ và Đồng Tháp qua Châu bản triều Nguyễn” do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và Hội Khoa học Lịch sử Đồng Tháp phối hợp thực hiện là một sự bổ sung kịp thời và thực sự ý nghĩa.
Từ nguyên nhân sâu xa như trào lưu xâm chiếm thuộc địa của các cường quốc phương Tây, vị trí của vương quốc Đại Nam trong ý đồ mở rộng thuộc địa ở Châu Á – Thái Bình Dương của Pháp đến các lí do biện minh liên quan đến công cuộc truyền giáo của các giáo sĩ Hội thừa sai Paris và chính sách cấm đạo từ thời Gia Long tới thời Tự Đức, năm 1858, thực dân Pháp đã nổ súng tại Đà Nẵng, chính thức xâm lược nước ta, sau đó chiếm thành Gia Định vào năm 1859.
Nhân dân ta, trong đó có nhân dân Đồng Tháp, đã anh dũng đứng lên chống Pháp. Cuộc kháng chiến của nhân dân Đồng Tháp đã được lịch sử, đặc biệt được sử sách của triều Nguyễn và những tư liệu của chính thực dân Pháp ghi lại.
Tuy nhiên, theo thời gian, chúng ta có thể thấy những ghi chép từ phía bên kia hay sử liệu của triều Nguyễn, đặc biệt là bộ Đại Nam thực lục, đều ít nhiều có những thiên kiến, thiếu khách quan.
Sở dĩ như vậy bởi vì sử sách nhà Nguyễn được viết sau khi chính quyền Nam triều đã chịu sự bảo hộ của thực dân, một số nhân vật cộm cán trong triều đình thể hiện rõ quan điểm thân Pháp nên cuộc chiến đấu của nhân dân ta đã bị mô tả không hoàn toàn như thực tế đã diễn ra.
Công trình “Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Kỳ và Đồng Tháp qua Châu bản triều Nguyễn” đã khai thác những Châu bản mang đậm hơi thở thời cuộc, in dấu vang vọng thời sự đương thời để mang đến cho chúng ta một cái nhìn trực quan về cuộc kháng chiến của cha ông, phản ánh chân thực tình hình chiến sự, tâm tư nguyện vọng của cha ông khi đó.
Con số 120 văn bản có châu điểm, châu phê được giới thiệu tuy chưa phải là đầy đủ nhưng đã cung cấp cho người đọc một cái nhìn toàn cảnh, từ việc Bộ Binh giao Nguyễn Tri Phương lo trù liệu việc phòng bị chống Pháp ở Nam Kỳ, việc Trần Văn Thành tử trận (1858), việc những người mộ nghĩa (Huỳnh Trí Viễn, Trần Trung Hậu…) bị Pháp truy nã (1871) đến sự trạng tử tiết của những đầu mục mộ nghĩa bị Pháp bắt như Hồ Huân Nghiệp và Nguyễn Trung Trực (1871), việc xét cấp ruộng đất, tự điền cho vợ con của Trương Định (1880)… Đó là giá trị mà không phải công trình nào cũng có được, về trong những năm tháng sục sôi và bi tráng.
Một số hình ảnh cuốn sách “Cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Kỳ và Đồng Tháp qua Châu bản triều Nguyễn”
Hồng Nhung