12:01 AM 23/03/2024  | 

Vào những năm 1900, thành phố Hà Nội được chiếu sáng một phần bằng đèn điện, một phần bằng đèn dầu.

Chiếu sáng bằng đèn điện - Việc cấp điện chiếu sáng tại nơi công cộng cũng như cho tư nhân do Công ty Điện Đông Dương[1] phụ trách. Theo Hợp đồng ký ngày 06/12/1892, Công ty Điện Đông Dương được độc quyền chiếu sáng tại một khu vực trải rộng trên 2/3 diện tích thành phố.

Hợp đồng chiếu sáng bằng đèn điện ký ngày 06/12/1892 giữa TP Hà Nội và các ông Hermenier & Planté, đại diện cho Công ty Điện Đông Dương nguồn: TTLTQGI

 

Nhà máy điện thành phố Hà Nội đặt tại khu vực trung tâm, trên đại lộ Francis Garnier [nay là phố Đinh Tiên Hoàng], bên bờ hồ Hoàn Kiếm, với diện tích khoảng 2.700 m2.

Nhà máy Điện thành phố Hà Nội năm 1900, nguồn: sưu tầm

 

Về trang thiết bị, Nhà máy có một dàn 5 nồi hơi với mặt đốt là 750m2 và cung cấp cho:

1. Hai máy phức hợp nhãn hiệu Weyher và Richemond hoạt động bằng phương pháp ngưng tụ, mỗi máy điều khiển hai máy phát điện 6 cực, công suất 60 kilowatt, quay 550 vòng/phút.

2. Hai máy Farcot 4 ngăn, mỗi máy điều khiển 2 máy phát điện 8 cực, công suất 150 kilowatt. Những máy phát điện này quay khoảng 350 vòng/phút.

Ngoài ra, để đề phòng mất điện, Nhà máy còn có một dàn ắc quy “Tudor” với 288 chiếc và một máy tăng áp.

Tổng công suất của nhà máy vào khoảng 1.500 mã lực.

Năng lượng điện được phân phối dưới dạng dòng điện một chiều, điện áp 240 vôn. Mạng lưới điện 3 pha thiết kế theo kiểu mạng nhện. Mạch điện hoàn toàn khép kín ngoại trừ một vài trường hợp sẽ bị loại bỏ khi mạng lưới đã hoàn thiện.

Một bảng phân phối điện đặt trong phòng máy được trang bị vôn kế, ampe kế, máy ghi cho phép điều chỉnh điện áp trong thành phố qua 21 phi đơ.

Đường dây dẫn điện mắc trên không thông qua các cột điện hình chữ T có chiều cao từ 6 đến 8 mét.

Mạng lưới điện công cộng được chiếu sáng suốt đêm, bao gồm các đèn hồ quang được phân bố ở khu trung tâm thành phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm, vườn hoa Paul Bert [nay là vườn hoa Lý Thái Tổ] và phố Paul Bert [phố Tràng Tiền], bãi sông Hồng. Ngoài ra còn có hàng trăm đèn nóng sáng đặt cách nhau khoảng 35m. Năm 1905, Hội đồng Thành phố đã bỏ phiếu thông qua việc lắp thêm 134 bóng đèn nóng sáng nữa, nâng tổng số bóng đèn lên 719 chiếc, trải ra trên khoảng chiều dài 30km.

Hàng năm, Thành phố Hà Nội phải chi khoảng 180.000 phơ-răng cho việc chiếu sáng các tuyến phố.

Điện cũng được bán cho tư nhân theo hình thức khoán hoặc tính theo công tơ. Giá điện được tính theo mức 0,80 phơ-răng/kilowatt giờ.

Ngày 06/12/1892, Thành phố Hà Nội và các ông Hermenier & Planté, đại diện cho Công ty Điện Đông Dương đã ký kết hợp đồng đầu tiên về việc chiếu sáng điện. Tiếp đó, hai bên còn ký kết 2 Hợp đồng bổ sung ngày 01/12/1900 và ngày 13/01/1902 về thiết bị điện, giá điện, điều kiện kỹ thuật lắp đặt đường dây phân phối điện cho các địa điểm công cộng và cơ sở tư nhân, mở rộng phạm vi chiếu sáng điện….

Chiếu sáng bằng đèn dầu - Việc chiếu sáng bằng đèn dầu được triển khai ngoài phạm vi khu vực được nhượng để thắp sáng bằng điện cũng như ở bên trong khu vực này, tại những tuyến đường chưa được lắp đặt đường dây điện.

Đèn dầu đầu tròn 14 sợi bấc là loại đèn khá phổ biến ở thời kỳ này, giá một cây đèn đêm là 0,096 phơ-răng.

Thành phố có khoảng 639 đèn chiếu sáng cho 15 km chiều dài và tiêu tốn mỗi năm chừng 20.000 phơ-răng.

Hợp đồng chiếu sáng bằng đèn axêtilen ký ngày 01/9/1905 giữa TP Hà Nội và Công ty De la Pommeraye & Cie, nguồn: TTLTQGI
 

Chiếu sáng bằng đèn axêtilen - Để thử nghiệm, từ tháng 4/1905, người ta đã đặt tại 3 lối vào vườn Bách thảo, mỗi nơi một ngọn đèn axêtilen lớn. Kết quả đạt được hơn cả mong đợi. Hội đồng Thành phố đã bỏ phiếu thông qua kiểu chiếu sáng này cho khu phố Grand Bouddha [phố Quan Thánh]. Giá thành của đèn axêtilen tương đương với giá dùng đèn điện và cường độ ánh sáng của nó ít nhất cũng ngang bằng ánh sáng đèn điện. Do đó, ngày 01/9/1905, thành phố Hà Nội và Công ty De la Pommeraye & Cie đã chính thức ký Hợp đồng chiếu sáng bằng đèn axêtilen trong 10 năm.

Nguồn:

- TTLTQGI, phông RST, hs 11352

- TTLTQGI, phông RST, hs 3546-1

- Phủ Toàn quyền Đông Dương. (1905). Thành phố Hà Nội, Nhà In G. Taupin et Cie

 

[1] Công ty vô danh có vốn 2.800.000 phơ-răng.

Hoàng Hằng