Bản Tấu của Nội các ngày 20 tháng 12 năm Thành Thái thứ 4 (1892) về ngày lễ Hợp hưởng tại các miếu cho biết: “Hoàng thượng đích thân đến làm lễ ở Thế Miếu” [1]. Cũng Châu bản triều Nguyễn ghi rõ: “Bậc vương giả củng cố luân lý ắt trước tiên gây dựng lòng yêu thương. Thánh nhân đạt chữ Hiếu, chẳng có gì lớn hơn là tôn kính cha mẹ”.[2]
Các hoàng đế triều Nguyễn đề cao chữ Hiếu nên ngay trong ngày đầu năm mới, hoàng đế đích thân đến cung hoàng mẫu làm lễ chúc mừng.
Bản Tấu năm Minh Mệnh thứ 4 (1823) của đình thần đề cập nội dung: Hàng năm, kính gặp các lễ Thánh thọ, Chính đán (ngày đầu năm, tức mùng 1 tháng Giêng), Đoan dương ở cung Từ Thọ, do Bộ Lễ dâng nghi chú, đích thân Hoàng thượng dẫn quần thần đến cung Từ Thọ làm lễ chúc mừng. Vào các ngày đó, vâng mệnh (Hoàng thái hậu) miễn cho các quan không phải đến mừng. Vậy thành thật dám xin Thánh thượng soi xét và chuyển tới cung Từ Thọ, xin từ nay về sau cho phép các quan vào các tiết Thánh thọ, Chính đán, Đoan dương được làm lễ mừng như nghi thức.
Nhà vua phê trên văn bản: Ngày hôm nay Trẫm tới cung Từ Thọ tâu trình, lúc đầu (Hoàng thái hậu) còn chưa đồng ý. Trẫm bèn nói việc làm của các khanh là xuất phát từ tấm lòng thành và cầu xin mãi mới được đồng ý.[3]
Năm trước, hoàng khảo Thánh tổ Nhân Hoàng đế (tức Hoàng đế Minh Mệnh) có cho xây một khu vườn trong Kinh thành và đặt tên là vườn Thường Mậu. Khi hoàng đế Thiệu Trị đi qua vườn đó, nhìn thấy lầu đó, trong lòng xót xa cảm khái mãi không thôi, nên truyền đổi tên lầu làm lầu Kỷ Ân (ý nói ghi nhớ ơn sâu của Tiên đế), truyền cho Hữu ty đem Dụ này khắc vào bia đá dựng ở vườn đó để rõ việc này, lại sao cấp cho Phủ Tôn nhân và các giảng đường của các hoàng tử, hoàng đệ để tất cả biết hàng ngày suy nghĩ về chữ Hiếu, lấy đó mà “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, không ngừng mài dũa[4].
Hoàng đế triều Nguyễn cũng thường có sự khuyến khích đặc biệt để giữ thuần phong và giữ tròn đạo hiếu. Năm Tự Đức thứ 8 (1855), Hoàng đế quy định, từ nay về sau, dân gian xét có người nào thực là hiếu thuận, tiết nghĩa, hoà mục họ nội, họ ngoại, hành trạng tốt hơn mọi người, cho phép tổng lý đem đủ cả người, cả việc trình quan địa phương làm tập tâu xin khen thưởng.[5]
Luật nhà Nguyễn (Hoàng Việt luật lệ) xác định bất hiếu là một trong mười tội ác nghiêm trọng nhất (Thập ác), là tội không thể dung thứ.
Ngày nay, mỗi dịp Tết đến, nhà nhà sửa sang lau dọn bàn thờ, làm lễ mời gia tiên về “ăn Tết” với gia đình, ngày đầu năm mới chúc Tết ông bà, cha mẹ là những lễ nghi đẹp trong ngày Tết mà thế hệ con cháu hôm nay vẫn luôn duy trì.
Nhân ngày xuân nói về Hiếu lễ của bậc đế vương, của người xưa, có thể thấy, giờ đây, cuộc sống có muôn vàn đổi thay nhưng quan niệm đề cao chữ Hiếu vẫn là nét đẹp truyền thống được kế thừa và tôn vinh.
[1] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Thành Thái.
[2] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức.
[3] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Minh Mệnh.
[4] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Thiệu Trị.
[5] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức.
Hồng Nhung