09:36 PM 22/01/2021  | 

Trên bản Tấu của Bộ Công vào năm Tự Đức thứ 27 (1874), Hoàng đế Tự Đức đã phê về việc nghỉ lễ tết rằng: Từ nay về sau đặt thành lệ rằng, Tết Nguyên đán nghỉ từ 28 tháng Chạp đến mồng 8 đầu xuân mới làm việc, để binh lính thợ thuyền đều được nghỉ ngơi. Nếu có công việc khẩn cấp không thể hoãn thì xin riêng, vẫn cho làm việc. (1)

Vậy việc chuẩn bị đón Tết ở cung đình bắt đầu từ khi nào? Quy định về ngày nghỉ lễ Tết của triều đình ra sao? Có phải triều đình chỉ trang hoàng hoàng cung, thăm lăng tẩm, cúng lễ Tiên tổ? Việc chuẩn bị đón Tết ở cung đình giống và khác gì trong dân gian? Câu trả lời được tìm thấy trong những văn bản hành chính của triều đình lúc bấy giờ.

Các nhạc công trong trang phục ngày lễ, nguồn: sưu tầm

Chuẩn bị đón Tết từ trước 1 tháng

Trên thực tế, các công việc chuẩn bị Tết trong hoàng cung đã được bắt đầu từ sớm, trước Tết một tháng, ngay từ mùng 1 tháng Chạp, bằng lễ ban lịch năm mới. Xưa, triều đình làm lịch (do Khâm Thiên Giám phụ trách) và hằng năm cấp phát lịch mới cho các địa phương. Lễ cấp phát lịch gọi là lễ Ban sóc, được triều Nguyễn tổ chức vào mùng 1 tháng Chạp hàng năm (sóc là ngày mùng 1 âm lịch), bắt đầu từ năm Gia Long thứ 5 (1806).

Lễ Ban sóc ban đầu được tổ chức tại điện Thái Hòa, từ thời Thiệu Trị trở đi, lễ này được tiến hành tại lầu Ngọ Môn. Bản Tấu của Bộ Lễ vào năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), cho biết: ngày 1 tháng 12 là lễ Ban sóc, xin làm lễ tại lầu Ngọ Môn cho hợp với điển lệ. Hoàng đế Thiệu Trị đã phê trên văn bản: Chuẩn y lời bàn cho thi hành.[2]

Sau đó triều đình ấn định ngày nghỉ Tết và trang hoàng hoàng cung. Không khí Tết rộn ràng bắt đầu từ đây. 

Người dân sẽ nhận lịch tại địa phương mình. Lịch của triều đình nhận được sự trông mong của toàn dân, là biểu tượng của một năm mới, cũng là niềm vui mà triều đình mang đến cho muôn dân mỗi dịp Tết đến xuân về. Ấy vậy nên nhà thơ Trần Tế Xương có câu thơ:

Xuân từ trong ấy mới ban ra

Xuân chẳng riêng ai, khắp mọi nhà”.

Nếu trong dân dân gian có tục thỉnh gia tiên về “ăn Tết” thì trong hoàng cung cũng có lễ thỉnh các vị Tiên Đế (các vua đời trước của triều Nguyễn) về “ăn Tết” với triều đình, gọi là lễ Hợp hưởng. Lễ thường được cử hành vào ngày 22 tháng Chạp. Đích thân hoàng đế đến Thế Miếu hoặc Thái Miếu làm chủ lễ. Các hoàng tử, thân công, quan đại thần đi tế tại các miếu điện. Bản Tấu của Nội các ngày 20 tháng 12 năm Thành Thái thứ 4 (1892) về ngày lễ Hợp hưởng tại các miếu có ghi rõ: Hoàng thượng đích thân đến làm lễ ở Thế Miếu.[3]

Nếu có binh biến, phải điều quân, tướng; Nếu có những sự việc đặc biệt nghiêm trọng cần nhà vua giải quyết, lệnh điều sẽ được xử lý như thế nào - Khi mà trong những ngày nghỉ tết, ấn đã niêm phong?

Một nghi lễ biểu thị việc tạm ngưng công việc triều chính để chuẩn bị đón Tết là lễ Phong ấn. Ngay từ thế kỷ XVII, thương lái nước ngoài Samuel Baron đã mô tả: “Ngày 25 tháng Chạp, ấn triện được lật ngược lên và cất vào trong hộp đúng một tháng. Trong quãng thời gian đó, công đường đóng cửa, không có hoạt động xét xử gì diễn ra…”. Dưới triều Nguyễn, Lễ này cũng thường được cử hành vào ngày 25 tháng Chạp. Trước khi cho vào hòm niêm phong, các kim sách, kim bảo (sách vàng, ấn vàng) được lau chùi cẩn thận, nên lễ này còn được gọi là Lễ Phất thức.

Bản Tấu ngày 21 tháng 12 năm Tự Đức thứ 16 (1863) cung cấp cho chúng ta thông tin cụ thể về việc thực hiện lễ phất thức: Ngày hôm nay chúng thần đều đầy đủ quan phục, đến điện Cần Chánh lúc thái giám đem các hòm bửu tỉ, kim sách, ngọc bài, kim bài đến. Chúng thần lau chùi xong đem danh sách kiểm tra đều thấy phù hợp. Phụng lãnh hoàng phong niêm phong cẩn mật. Bản Tấu đã được hoàng đế Tự Đức phê duyệt.[4]  

Thế nhưng trên thực tế, hoàng đế và các quan đại thần trong triều không thực sự hoàn toàn nghỉ tết và phong ấn? Chi tiết thú vị này đã được khẳng định bởi những thông tin mà chúng tôi tìm thấy trong châu bản triều Nguyễn.

Bản Phụng Thượng dụ của Nội các vào năm Minh Mệnh thứ 14 (1833) nhấn mạnh rằng: Theo lệ có việc phong ấn, khai ấn nhưng đó là lúc bình thường vô sự, còn khi có việc quân thì không thể cứng nhắc theo lệ này.[5]

Ngoài ra, bản Phụng Thượng dụ còn nêu rõ: Không câu nệ việc phong ấn, khai ấn, phàm các loại ấn triện, quan phòng đồ ký đã được cấp đều vẫn giữ lại sử dụng, phòng khi có sự vụ khẩn yếu cần phải tấu báo kịp thời.[6]

Chi tiết này cho thấy hoàng cung, triều đình, quan và con dân trăm họ có thể nghỉ tết chơi xuân sau một năm lao động vất vả, nhưng với nhà vua - thiên tử - người nắm vận mệnh đất nước thì hầu như không có ngày nghỉ Tết.

Ngày tất niên

Những ngày cuối cùng của năm cũ có lẽ là ngày được chào đón nhất. Sớm hôm đó các Hoàng tử, Hoàng thân chia nhau đến các đền, miếu đứng chờ, làm lễ tiễn biệt năm cũ. Việc tế tự làm vào sáng sớm để bày tỏ được lòng thành kính.

Về việc tiến bài trong ngày tất niên, bản Tấu của Nội các vào năm Thành Thái thứ 9 (1897) có đề cập: Vâng xét lệ trước, hàng năm, ngày Trừ tịch và ba ngày Tết Nguyên đán, tổng cộng là 4 ngày, trừ việc quan trọng cấp bách cần tiến trình ngay, còn lại việc tầm thường của các bộ nha xin dừng việc tiến bài.[7]

Bên cạnh đó, còn có một số văn bản thông tin cụ thể, chi tiết về nghi thức thực hiện lễ Tuế trừ (buổi sáng), lễ Trừ tịch (buổi tối) như quy định lễ phục, quy định bắn pháo, quy định mở cửa thành cũng như các vị tôn tước được lựa chọn khâm mệnh hành lễ,.... Tất cả lễ nghi đều thể hiện mong muốn bỏ hết những điều xấu của năm cũ để đón điều tốt đẹp của năm mới đến.

Khi cây nêu được dựng lên ở Điện Thái Hòa trong lễ Thượng tiêu là báo hiệu một năm mới đã cận kề. Các văn bản trong Châu bản triều Nguyễn cho thấy việc dựng nêu thường được tiến hành vào ngày cuối năm. Châu bản triều Nguyễn cũng ghi rõ, việc thượng tiêu (dựng nêu) và hạ tiêu (hạ nêu) do Khâm thiên giám chiếu theo lệ, chọn ngày giờ tốt rồi làm phiến tâu, xong sao lục cho bộ Lễ để sao cho các nơi tuân theo thực hiện. Nội dung này được đề cập trong bản Tư trình của Bộ Lễ năm Đồng Khánh thứ 7. Như vậy, theo lệ trước, việc dựng nêu được thống nhất theo giờ tốt mà Khâm thiên giám đã chọn.

Có thể thấy, việc chuẩn bị đón Tết trong hoàng cung diễn ra với nhiều nghi lễ thiêng liêng, đặc biệt, mang ý nghĩa tống tiễn hết điều xấu của năm cũ để đón điều tốt đẹp của năm mới đến.

* Thông tin bài viết được trích từ Triển lãm “Cung đình đón Tết” sẽ khai mạc vào ngày  28/1/2021 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

 

[1] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức, tập 258, tờ 176.

[2] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Thiệu Trị, tập 22, tờ 182.

[3] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Thành Thái, tập 5 tờ 209.

[4] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức, tập 366 tờ 83.

[5] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Minh Mệnh, tập 50, tờ 297.

[6] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Minh Mệnh, tập 50, tờ 297.

[7] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Thành Thái, tập 28, tờ 289.

Hồng Nhung