04:53 PM 30/08/2024  | 

Nhìn chung, giai đoạn 1954-1975 tình hình ngư nghiệp tại Đà Nẵng có tiến triển nhưng năng suất chưa cao. Nguyên nhân là do tình hình an ninh và khả năng chuyên môn cũng như hướng dẫn ngư dân đánh cá viễn duyên, cận duyên của các cơ quan chuyên môn thời đó còn hạn chế.

Sau khi lên làm Tổng thống chính quyền Việt Nam Cộng hoà năm 1955, Ngô Đình Diệm đã xây dựng một chiến lược phát triển kinh tế, trong đó có kinh tế biển. Năm 1957, Ty Ngư nghiệp Đà Nẵng được thành lập, tổ chức hướng dẫn ngư dân động cơ hóa ngư thuyền, cải thiện ngư cụ, ngư pháp nên ngành ngư nghiệp Đà Nẵng có cải thiện so với trước đó. Lúc này, Đà Nẵng gồm có 3 quận: Quận 1, Quận 2 và Quận 3 với 28 khu phố[1]. Tại mỗi quận có một văn phòng hành chính quận và nhiều chi chuyên môn. Thị xã Đà Nẵng là nơi buôn bán phồn thịnh nhờ đường giao thông tiện lợi, đông dân trong đó có nhiều ngoại kiều. “Tài nguyên thiên nhiên: Chỉ có ngư dân là chính, thứ đến là rau cải”[2].

Vịnh Đà Nẵng năm 1967, nguồn: nhacxua.vn

Từ khi được thành lập năm 1957, Ty ngư nghiệp Đà Nẵng phụ trách liên tỉnh (Quảng Nam - Đà Nẵng), sau tách riêng mỗi tỉnh có một Ty Ngư nghiệp. Ty Ngư nghiệp đóng tại đường Cường Để (nay là đường Trần Quý Cáp). Sau biến cố 1964, trụ sở Ty bị đốt cháy, Bộ Tài chính Việt Nam Cộng hoà đã cấp cho Ty một công ốc tọa lạc tại đường Lý Thường Kiệt lúc bấy giờ làm trụ sở. Đối với nghề đánh cá biển, giai đoạn này Đà Nẵng có 3 trung tâm ngư nghiệp là: Thiệu Bình, Thanh Hà Khê và Nam Thọ. Đây là những nơi tập trung ghe thuyền đông nhất và là thị trường buôn bán hải sản hàng ngày, nơi quy tụ bạn hàng buôn cá xuất tỉnh dưới hình thức tươi hoặc hấp, kho, ướp nước đá (đi Quảng Nam hoặc Thừa Thiên).

Về các nghề khai thác hải sản, “chủ yếu là các loại hình giả cào, lưới năm (cảng), lưới hai, lưới trích, mành cơm, lưới cao, lưới quát, lưới rùng, câu giàn, rớ chồ... đặc biệt là nghề giả cào, nghề này ngư phủ khai thác được rất nhiều cá. Tại Thanh Hà Khê, hàng năm từ tháng 2 đến tháng 6 âm lịch ngư dân khai thác được rất nhiều cá chuồn[3], ngư dân các tỉnh khác thường hay đến địa phương đánh. Mấy năm về trước, các loại ngư cụ đều dùng chỉ vải, chỉ gai, ngư thuyền buồm hoặc chèo tay với sức lao động.”[4].

Về ngư phủ, tính đến năm 1971, “tổng số ngư phủ của Đà Nẵng là 18.940 người. Về tập tục, họ thích sống theo tập quán cổ truyền, hay tin dị đoan, cúng lễ thần thánh, ý kiến rất bảo thủ. So sánh với các thành phần trong xã hội thì ngư dân thua sút rất nhiều, một phần bị thất học, vì hằng ngày bận rộn với công việc biển giã, ít đi đó đây, xem nhẹ sự học hành, họ quan niệm rằng làm có tiền nhiều là đủ mà thôi. Trong tổng số ngư phủ chỉ có một nửa chuyên nghiệp, số còn lại họ cũng hành nghề nhưng còn có nghề phụ như: buôn bán, làm công”[5].

Về tình hình ngư thuyền, “Thuyền không gắn động cơ: Trọng tải dưới 2 tấn: 740 chiếc. Trọng tải từ 2T đến 4T9: 169 chiếc. Trọng tải từ 5T đến 19T9: 61 chiếc. Cộng: 970 chiếc. Thuyền gắn động cơ: Trọng tải dưới 2 tấn: 703 chiếc. Trọng tải từ 2 tấn đến 4,9 tấn: 319 chiếc. Trọng tải từ 5 tấn đến 19,9 tấn: 843 chiếc. Trọng tải từ 19,9 tấn  đến 25 tấn: 238 chiếc. Cộng: 2.103 chiếc”[6]. Như vậy, có hai loại thuyền là gắn động cơ và không gắn động cơ tương ứng với hoạt động ven bờ và xa bờ. Theo đó, về sản lượng thâu hoạch, “mùa chính từ tháng hai (âm lịch) đến tháng 8 (âm lịch) tính trung bình khai thác được: 24.000 tấn. Mùa phụ từ tháng 9 (âm lịch) đến tháng giêng (âm lịch) tính trung bình khai thác được 10.000 tấn”[7]. Hải sản chính như cá thu, ngừ, bẹ, hố, chim, thiều, tôm, mực... Ngoài ra, còn có rong biển và mác, 2 loại này ngư dân khai thác rất ít, vì chung quanh bán đảo Tiên Sa bị phong tỏa phục vụ mục đích quân sự.

Về kỹ thuật khai thác, “ngư cụ tuy có cải tiến nhiều, nhưng chưa được hoàn hảo. Luật lệ hành nghề đều theo lối cổ truyền, không có quy ước giữa chủ và bạn bằng giấy tờ, luật lệ. Ngư dân muốn đi hành nghề phải có thẻ ngư phủ, sổ thuyền bạ, phải được cơ quan ngư nghiệp kiểm ký cho phép từng thời gian (2 lần 1 năm), khám xét an toàn hàng hải từng năm một. Ngư dân ở địa phương hành nghề rất tự do, không có sự tranh chấp “đồng tư ngư chung”[8].

Từ năm 1954 đến 1969, Đà Nẵng chỉ có một bến cá tại bờ sông Bạch Đằng nhưng sau đó được trưng dụng làm bến phà cho hải quân Mỹ từ năm 1965. Từ đó, ngư dân phải cho tàu cập bến tại một bến cá tạm. Năm 1969, trong chương trình dài hạn của thị xã Đà Nẵng có nội dung thiết lập ngư cảng Đà Nẵng do dân số thị xã đông đúc, nhu cầu tiêu thụ hải sản tăng cao”[9].

Địa điểm được lựa chọn là khu đất rộng khoảng 18,2 ha nằm về phía tây bắc khu phố Thiệu Bình. Vị trí này gần cửa biển, không xa thành phố, cách hai chợ lớn nhất của Đà Nẵng là chợ Hàn và chợ Cồn khoảng 2km, gần các xóm chài lưới, gần đường hỏa xa và đường cái, rất thuận tiện cho ngư dân đi lại làm ăn. “Tổng kinh phí dự trù thiết lập ngư cảng là 1.100.000.000 đồng, sẽ thực hiện trong 3 năm và chia làm 3 đợt”[10]. Tuy nhiên, trên thực tế dự án này cũng bị bỏ dở, chỉ thực hiện được một phần.

Đến năm 1971, “Đà Nẵng có 3 bến cá chính: Thiệu Bình, Thanh - Hà Khê và Nam Thọ. Bến cá Thiệu Bình chiếm diện tích 5.800m2 (kể cả trên bờ và dưới nước) có xây 5 đình cá (1 đình dài 30m x 8, 4 đình 15m x 8), ngân khoản của Thị xã đài thọ 1.000.000$ ngân sách Bình định Phát triển 1.600.000$. Về chợ cá, gồm có 3 chợ là: Mân Quang, Thanh Khê và Xuân Đáng đều do Ngân sách Bình định Phát triển đài thọ. Việc buôn bán vẫn theo tập tục cổ truyền, không bán bằng kí mà chỉ bán bằng rổ, mớ, két gỗ, có tính cách phỏng chừng”[11].

Về ngư cụ, “hiện có 5 xưởng đóng ngư thuyền bằng gỗ, gỗ mua từ Bình Tuy hoặc Pleiku đem về, gỗ ở các Tỉnh này rẻ hơn gỗ Huế, khả năng một xưởng có thể đóng được 4, 5 vỏ thuyền (gắn động cơ từ 30 mã lực trở lên) một tháng. 5 xưởng sửa chữa thủy động cơ, tuy rằng chưa được trang bị đầy đủ phương tiện sửa chữa, nhưng cũng tạm thỏa mãn nhu cầu sửa chữa và thay thế các bộ phận rời bị hư hỏng. Ngư thuyền các Tỉnh lân cận thường đem về Đà Nẵng sửa chữa. Xưởng dệt lưới không có, nhưng các nhà buôn lưới đều bày bán đầy đủ”[12].

Đi cùng với đó, Đà Nẵng có một Hợp tác xã với danh xưng là Hợp tác xã Ngư nghiệp Đà Nẵng. Mặc dầu được phép hoạt động từ năm 1965, nhưng trên thực tế hoạt động rất hạn chế. Hơn nữa, “hợp tác xã này không có tính cách độc lập, lại nằm trong Nghiệp đoàn ngư nghiệp. Việc mua bán hải sản tại địa phương không có đầu nậu (ngoài trừ các ghe ngoại tỉnh đến hành nghề và bán cá tại đây) chỉ mua đi bán lại ngay tại bến cá hoặc tại chợ mà thôi. Sản lượng tiêu thụ tại Thị xã: 30.000 tấn mỗi năm. Xuất tỉnh trung bình: 3.000 tấn”[13]. Vào năm 1970, Nha Ngư nghiệp thành lập một Uỷ ban tư vấn ngư nghiệp gồm đủ mọi thành phần nghề nghiệp, Ủy ban này cũng rất có lợi khi tham khảo ý kiến về ngư nghiệp tại địa phương. Tại các khu phố ven biển, ngư dân đều thành lập “vạn” để tương trợ lẫn nhau và lo cúng tế, cầu ngư khi cần. Ngư dân tại địa phương chưa tổ chức quỹ cứu trợ và quỹ xã hội, tương tế.

Hoạt động tiểu thủ công nghiệp có liên quan đến nghề biển là nghề chế biến nước mắm. Nhưng trên thực tế, “chỉ làm có tích cách gia đình mà thôi vì lẽ loại cá để làm nước mắm quá cao, loại cá này ngư dân khai thác không được dồi dào vì ảnh hưởng các vùng bị cấm, nên không cạnh tranh nổi với nước mắm nhập Tỉnh của Phan Thiết. Kỹ nghệ chế biến không có. Đặc biệt tại địa phương có mắm cá chuồn thính, mức sản xuất trung bình 1.500 tấn mỗi năm. Loại mắm này mùa đông mới tiêu thụ không những cho Đà Nẵng mà còn xuất tỉnh đi Quảng Trị, Thừa Thiên và Quảng Nam”[14]. Lúc này, Đà Nẵng với dân số gần 500.000 người nên mức tiêu thụ hải sản rất mạnh. Riêng làng nước nắm Nam Ô có truyền thống lâu đời, nhưng trong giai đoạn này cũng không phát huy được mặc dù năm 1953 có thành lập Công ty nước nắm Nam Ô.

Nhìn chung, giai đoạn 1954-1975 tình hình ngư nghiệp tại Đà Nẵng có tiến triển nhưng năng suất chưa cao. Nguyên nhân là do tình hình an ninh và khả năng chuyên môn cũng như hướng dẫn ngư dân đánh cá viễn duyên, cận duyên của các cơ quan thuộc chính quyền Việt Nam Cộng hoà còn hạn chế.

 


[1] Đà Nẵng có 28 khu phố chia ra như sau: Quận 1 có 9 khu phố: Xương Bình, Hải Châu, Hòa Thuận, Phước Ninh, Thạch Thang, Bình Thuận, Nam Dương, Nại Hiên Tây và Thiệu Bình. Quận 2 có 10 khu phố: Thạc Gián, Chính Trạch, Tam Tòa, Hà Khê, Thanh Khê, Phú Lộc, Xuân Đán, An Khê, Xuân Hòa và Phục Đán. Quận 3 có 9 khu phố: An Hải, Nại Hiên Đông, Nhượng Nghĩa, Nam Thọ, Tân Thái, Cổ Mân, Mân Quan, Phước Trường và Mỹ Khê. Trong 28 khu phố trên, có 16 khu phố hoạt động ngư nghiệp kê sau đây: Phú Lộc, Thanh Khê, Hà Khê, Tam Tòa, Thiệu Bình, Nại Hiên Tây, Bình Thuận, An Hải, Nại Hiên Đông, Nhượng Nghĩa, Nam Thọ, Tân Thái, Mỹ Khê, Cổ Mân, Phước Trường và Mân Quang.

[2] Địa phương chí ngư nghiệp thị xã Đà Nẵng, 1971, Hồ sơ 159, Phông Nha Ngư nghiệp, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.

[3] Loại cá này có thể tiêu thụ tươi hoặc làm mắm thính.

[4] Địa phương chí ngư nghiệp thị xã Đà Nẵng: tlđd. Trong ý “Vì ảnh hưởng của các khu vực bị phong tỏa quanh núi Tiên Sa, nên một số ngư dân hành nghề lưới bén rất chật vật mỗi khi đánh cá” cho biết lúc bấy giờ, các chiến sĩ cách mạng (Việt Cộng) đã hoạt động tại núi Sơn Trà… nên chính quyền Việt Nam Cộng hoà tăng cường tuần tra.

[5] Địa phương chí ngư nghiệp thị xã Đà Nẵng, 1971, Hồ sơ 159, Phông Nha Ngư nghiệp, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.

[6] Địa phương chí ngư nghiệp thị xã Đà Nẵng: tlđd.

[7] Địa phương chí ngư nghiệp thị xã Đà Nẵng: tlđd.

[8] Địa phương chí ngư nghiệp thị xã Đà Nẵng: tlđd.

[9] Các dự án công tác ngắn hạn và dài hạn của thị xã Đà Nẵng 1969-1971, Hồ sơ 219, Phông ĐII-CH, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. 

[10] Các dự án công tác ngắn hạn và dài hạn của thị xã Đà Nẵng 1969-1971: tlđd.

[11] Địa phương chí ngư nghiệp thị xã Đà Nẵng: tlđd.

[12] Địa phương chí ngư nghiệp thị xã Đà Nẵng: tlđd.

[13] Địa phương chí ngư nghiệp thị xã Đà Nẵng: tlđd.

[14] Địa phương chí ngư nghiệp thị xã Đà Nẵng: tlđd.

Võ Hà