09:36 PM 22/11/2022  | 

Chiến tranh luôn kéo theo những hệ lụy khó lường. Chiến tranh thế giới thứ 2, dù chủ yếu diễn ra ở châu Âu, vẫn gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống của người dân thuộc địa Đông Dương. Trong đó, nguồn cung giấy in khan hiếm khiến báo chí, món ăn tinh thần của nhiều người, trở thành một mặt hàng đặc biệt xa xỉ.

Ở thời kỳ chưa có internet, báo giấy đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc truyền tải thông tin, như tác giả J.Đ khẳng định trên nhật báo Sài Gòn số ra ngày 24 tháng 01 năm 1940:

Cứ xem đó: bất cứ việc gì, chánh phủ cũng phải cậy đến các báo. Từ việc mộ lính, ban hành một đạo luật, cho đến cuộc tập trận, chánh phủ cũng nhờ các báo thông tin. Một ngày, các báo đăng “không lấy tiền” không biết bao nhiêu là thông cáo chánh thức.

Báo giới là tai mắt của chánh phủ và dân, vắng nó một ngày thì cả xứ như đui điếc, không còn thấy biết điều chi nữa!

Đối với dân, báo giới là món ăn tinh thần cần thiết mỗi ngày, cần thiết chẳng thua gì gạo cơm, nước mắm. Người dân đã tiến hóa, một ngày không có báo đọc, tự thấy xốn xang khó chịu không thua gì đói lòng hay khát nước vậy”[1].

Do đó, việc khan hiếm giấy in do Chiến tranh thế giới thứ 2 nhanh chóng trở thành vấn đề nổi cộm trong làng báo. Tin tức xung quanh cuộc khủng hoảng xuất hiện trên mặt báo tại Đông Dương từ năm 1939 và đến năm 1940 càng trở nên đáng lo ngại. Báo Écho annamite số ra ngày 11 tháng 12 năm 1939 cho biết nguồn cung giấy in thiếu hụt khiến tòa soạn buộc phải giảm số trang báo từ 6 xuống còn 4, với hi vọng đây chỉ một giải pháp tình thế. Với tựa đề “Cuộc khủng hoảng giấy báo”, bài viết tường thuật:

Chiến tranh đang gây ra tai họa cho làng báo, cả ở Pháp và các thuộc địa.

Giá giấy báo, đấy là mới nói đến thứ "nguyên liệu không thể thiếu" của làng báo chúng ta, đã tăng chóng mặt: từ chưa đầy 4 đồng Đông Dương một ram, mức giá này đã vọt lên hơn 7 đồng và đang đe dọa tiếp tục tăng cao!

Tệ hơn nữa là, tình trạng thiếu hụt giấy cứ treo lơ lửng trên đầu chúng ta, như thanh gươm của Damoclès[2], chỉ chờ chực chém gãy tay gãy chân ta, tức là buộc chúng ta phải tạm ngừng xuất bản, do thiếu "nguồn thực phẩm thiết yếu".

Công chúng có thể có điều chưa rõ, rằng giấy in của chúng ta đến từ các nước xa xôi mà việc xuất khẩu đang gián đoạn cho Đức phong tỏa khối Pháp-Anh.

Đế chế Pháp cũng như Nhật, từ hơn một năm nay, đều không sản xuất đủ giấy cho nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Nhiều người đã nghĩ đến chuyện cầu cứu Ca-na-đa cung cấp mặt hàng cần thiết cho việc hành nghề của họ[3].

Lại thêm một bài toán khó về mặt này: giả sử Bắc Mỹ đủ giấy để đáp ứng nhu cầu của chúng ta, giấy sẽ đến tay ta với mức giá nào?"[4]

Giá giấy in tăng vọt khiến các tòa soạn phải tăng phí quảng cáo. Tuy nhiên, nguồn thu từ quảng cáo sụt giảm mạnh trên diện rộng do tình trạng khó khăn chung của các công ty. Những trở ngại nói trên khiến báo chí đặt câu hỏi về vai trò điều tiết của chính quyền. Chẳng hạn, báo "L'Effort Indochinois" chất vấn Ban kiểm soát giá hàng ở Bắc Kỳ:

1. Các ngài đã định giá cho nhiều thứ sản vật cần yếu. Tại sao các ngài quên món "giấy" là thứ hàng quan hệ đến sự sống chết của báo giới?

2. Quí ngài đã làm vi bằng phạt vạ những người bán sữa bò, đường, muối, củi và thang, quá giá giả định. Vậy quí ngài sẽ cứ khoanh tay trước sự tăng giá bất hiệp pháp của những người bán giấy hay sao?[5]

Các bài báo về cuộc khủng hoảng giấy ở Đông Dương (nguồn: TTLTQGI)

Có lẽ do không nhận được sự hỗ trợ gì nhiều từ các cơ quan chức năng, ngày 11 tháng 01 năm 1940, báo La Dépêche đã đăng bài kêu gọi những người trong ngành báo chí - xuất bản tự lực cánh sinh:

Những người ở ngoài nghề in và làng báo hiện nay nào có thấu rõ sự khan giấy ở xứ ta sắp biến thành một cái tai nạn nguy hiểm là dường nào! Có người lo xa sợ rằng nếu chiến tranh cứ kéo cù cưa mãi ra chừng trong năm bảy tháng một năm nữa đây không khỏi nhật trình ở xứ ta phải xuất bản bằng thứ giấy để…gói trà như hồi năm 1914-1918 vậy.

Sự lo ngại ấy, chúng tôi tưởng không phải là quá đáng, nếu từ đây đến đó, các người có liên quan ít nhiều với nghề in, và nghề báo chẳng tự mình lo tìm phương giải quyết trước.

Tờ báo gợi ý nghiên cứu sản xuất giấy in ngay tại Nam Kỳ bởi "tuy biết xứ ta còn thiếu thốn trăm bề, nhưng về nguyên liệu và nhân công, thật chẳng thiếu các thứ tre, thiếu chi các thứ vỏ cây, hay là thiếu chi thợ thiện nghệ để cho chúng ta mong mỏi mạnh dạn sấn bước đầu tiên trên con đường kỹ nghệ làm giấy"[6].

Chưa rõ về những biện pháp được áp dụng để giải quyết tình trạng khan hiếm giấy trong thời chiến ở Đông Dương. Tuy nhiên, tình hình khó có thể lạc quan vì cho đến năm 1945, khi Thế chiến II dần đi đến hồi kết, tin tức về cuộc khủng hoảng giấy trên thế giới vẫn xuất hiện trên một số mặt báo[7]

 


[1] J.Đ, Trở lại vấn đề giấy, Sài Gòn, số ra ngày 24/01/1940.

[2] Tìm hiểu thêm về cụm từ "thanh gươm của Damoclès": https://nghiencuuquocte.org/2016/08/05/thanh-guom-cua-damocles-la-gi/

[3] Theo thông tin trên báo La Dépêche số ra ngày 11/01/1940, đây là đề xuất của Giám đốc Các vấn đề kinh tế Đông Dương.

[4] L'Echo Annamite, Crise du papier, L'Echo Annamite, số ra ngày 11/12/1939.

[5] J.Đ, Tlđd.

[6] Khuyết danh, Nên nghĩ đến công nghệ làm giấy ở Nam Kỳ chăng?, La Dépêche, số ra ngày 11/01/1940.

[7] Xem báo L'Ordre, số ra ngày 10/3/1945; La Défense, số ra ngày 09/11/1945.

Bùi Hệ-Ngọc Anh