10:28 AM 13/08/2024  | 

Năm 1999, Khoa Báo Chí trường Đại học New York (Mỹ) đề cử những tác phẩm báo chí Mỹ hay nhất thế kỷ XX và đề tài chiến tranh Việt Nam xuất hiện trong 4 đề cử. Một trong số đó là phóng sự do phóng viên Morley Safer của đài truyền bình CBS Evening News thực hiện năm 1965 về trận càn của thủy quân lục chiến Mỹ, miêu tả chân thực tội ác do lính Mỹ gây ra với dân làng Cẩm Nê ở Đà Nẵng.

Từ đầu năm 1965, phong trào đấu tranh chống chính phủ Việt Nam thân Mỹ ở miền Nam Việt Nam diễn ra quyết liệt. Ngày 22 và 23/01, các nhà sư đã biểu tình chống chính phủ ở Sài Gòn và Huế. Ngày 07/2, quân giải phóng miền Nam mở đợt tấn công căn cứ của Mỹ ở Pleiku gây thiệt hại lớn và Tổng thống Mỹ đã ra lệnh tiến hành chiến dịch không kích trả đũa mang tên "Flaming Dart" (Phi tiêu rực lửa). Máy bay Mỹ đã cất cánh từ sân bay Đà Nẵng phối hợp với không lực miền Nam Việt Nam. Vào thời điểm đó, Mỹ tin rằng không quân của quân đội miền Bắc Việt Nam có thể tấn công căn cứ Đà Nẵng. Từ ngày 07-18/02, thủy quân lục chiến Mỹ (USMC) triển khai Tiểu đoàn tên lửa phòng không hạng nhẹ số 1(1st Light Anti-Aircraft Missile Battalion) dùng tên lửa Hawk bảo vệ sân bay Đà Nẵng, tuy nhiên, quân ta đã không tấn công sân bay này, thay vào đó ngày 10/2, ta tấn công Quy Nhơn. Mỹ buộc phải thay đổi chiến thuật, ngày 02/3, chiến dịch không kích liên tục mang tên "Sấm sét" (Rolling Thunder) được phát động thay thế "Phi tiêu rực lửa"- vốn chỉ nhằm không kích trả đũa các cuộc tấn công của Mặt trận Dân tộc Giải phóng (MTDTGP) ở miền Nam Việt Nam.

Ngày 22/02/1965, Tư lệnh Bộ chỉ huy Cố vấn Quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam William Westmoreland[1] đề nghị Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson gửi hai tiểu đoàn hải quân đến bảo vệ căn cứ Đà Nẵng trước nguy cơ tấn công của MTDTGP và được phê duyệt bất chấp phản đối của đại sứ Mỹ tại Nam Việt Nam Maxwell Taylor. Ngày 07/3, Tham mưu liên quân Mỹ ra lệnh cho Lữ đoàn viễn chinh thủy quân lục chiến số 9 (9e MEB) đổ bộ vào đây. Chiến tranh Việt Nam bước sang giai đoạn mới: cuộc đổ bộ của quân Mỹ vào Đà Nẵng ngày 08/3/1965 là bằng chứng cho thấy Mỹ trực tiếp can thiệp trên bộ vào miền Nam Việt Nam, sau khi các can thiệp trên không thất bại.

Ban đầu, thủy quân lục chiến Mỹ được lệnh chỉ chiếm giữ căn cứ Đà Nẵng[2], quân đội Nam Việt Nam sẽ giao tranh với MTDTGP khu vực xung quanh, nhưng sau đó chúng mở rộng quy mô hoạt động: tháng 4/1965, lính Mỹ  tăng cường tuần tra ở những vùng đông dân quanh căn cứ. Ngày 01/7, 85 đặc công MTDTGP được trang bị đại bác 57 li không giật và 4 súng cối 82 li, lựu đạn cùng một số vũ khí hạng nặng khác tấn công căn cứ Đà Nẵng. Đến 1 giờ 15 phút, họ thâm nhập được vào căn cứ, phá hủy hoàn toàn 3 máy bay và làm hư hại ba chiếc khác và rút đi thành công[3]. Các sĩ quan thủy quân lục chiến Mỹ cho rằng không thể bảo vệ hiệu quả căn cứ nếu khu vực trách nhiệm chiến thuật (TAOR) không được mở rộng. Đến tháng 7, khu vực này được mở rộng đến vùng phía nam sông Cầu Đỏ, nghĩa là khu vực rộng ở tây nam căn cứ Đà Nẵng. Ngày 09/7, Lữ đoàn viễn chinh thủy quân lục chiến số 9 được giao nhiệm vụ tiến hành đi càn khu vực phía nam sông Cầu Đỏ. Ngày 12/7, một trong những toán lính Mỹ đi tuần chạm trán với MTDTGP ở một thôn của làng Cẩm Nê 4 (tên gọi theo cách đánh số của quân Mỹ để phân biệt 6 làng Cẩm Nê) và Cẩm Nê là căn cứ cách mạng từ kháng chiến chống Pháp. Quân Mỹ rút đi đồng thời yêu cầu được không quân yểm trợ áp sát. Trong suốt tháng 7 và đầu tháng 8, chúng liên tiếp tuần càn trong khu vực này. Ngày 03/8/1965, đại đội D thuộc tiểu đoàn 1, trung đoàn thủy quân lục chiến số 9[4] đi càn ở làng Cẩm Nê, trong khuôn khổ chiến dịch "Tìm và Diệt".

Các phóng viên Mỹ luôn được phép tác nghiệp cùng các đơn vị quân đội nước này trong các cuộc chiến, một trong số đó là Morley Safer (33 tuổi), được đài CBS cử đến Đà Nẵng. Thông qua một tên trung úy thủy quân lục chiến, Safer được biết quân Mỹ sẽ tiến hành một chiến dịch quân sự ngày 03/08 ở khu vực gần Đà Nẵng và được phép đi theo[5]. Trên đường tiến tới mục tiêu, tên trung úy khẳng định với Safer rằng làng Cẩm Nê sẽ bị phá hủy để trả đũa cho các loạt súng phát ra từ ngôi làng nhằm vào quân Mỹ. Còn theo phóng viên chiến trường Richard Critchfield của tờ Washington Star, tên tỉnh trưởng cũng yêu cầu xóa sổ ngôi làng vì dân làng này không chịu nộp thuế. Cùng đi với phóng viên Morley là một quay phim người Việt tên là Hà Thúc Cần. Sau khi hoàn thành phóng sự, Safer gửi về New York thông qua văn phòng đại diện ở Sài Gòn và Hồng Kông. Fred Friendly, phụ trách CBS News đã yêu cầu Morley khẳng định tính chân thật của phóng sự. Lo ngại những hậu quả của việc phát sóng phóng sự, Friendly đã thông báo cho giám đốc CBS là Frank Stanton và Arthur Sylvester - Phụ trách quan hệ công chúng với Lầu Năm Góc, đồng thời kiểm duyệt hình ảnh với Walter Cronkie ở New York và cuối cùng quyết định phát sóng phóng sự. Ngày 05/8/1965, hình ảnh quân Mỹ đi càn ở Cẩm Nê lên sóng CBS News. Ngay lập tức, phóng sự đã gây ra một làn sóng phẫn nộ và rất nhiều người Mỹ bàng hoàng trước sự tàn ác do quân Mỹ gây ra ở một ngôi làng của miền Trung Việt Nam khi chứng kiến hình ảnh lính Mỹ dùng bật lửa Zippo đốt nhà. Trận càn đó sau này được gọi là "vụ Trận càn Zippo" (Zippo raid): toàn bộ ngôi làng bị phá hủy và 4 người đàn ông già yếu bị bắt giữ vì tình nghi có liên quan đến MTDTGP.

 

Lính thủy đánh bộ Mỹ dùng bật lửa Zippo đốt nhà dân làng Cẩm Nê, Ảnh trích từ phóng sự phóng sự của Morley Safer, Nguồn: YouTube)

 

Đích thân Tổng thống Mỹ Johnson đã gọi điện chỉ trích gay gắt giám đốc Stanton[6]. Báo chí Mỹ đồng loạt đăng bức ảnh lính Mỹ đang châm lửa đốt nhà ở Cẩm Nê. Tổng thống Johnson ra lệnh điều tra phóng viên Morley Safer vì cho rằng ông là một người thân cộng sản. Không phát hiện được gì, ông ra lệnh điều tra viên sĩ quan thủy quân lục chiến phụ trách trận càn Cẩm Nê vì cho rằng Safer có thể mua chuộc tên này dàn cảnh để quay phóng sự, nhưng cũng không có bất thường nào. Cuối cùng, Lầu Năm Góc yêu cầu đài CBS cử người thay Safer và Bộ quốc phòng Mỹ chịu trách nhiệm về phóng sự truyền hình phát sóng buổi tối. Phóng viên Safer tiếp tục thực hiện nhiều phóng sự chỉ trích các hoạt động của thủy quân lục chiến Mỹ và điều này khiến tướng Walt - chỉ huy Hải quân Mỹ (USMC) ở Việt Nam không hài lòng, yêu cầu Safer rời khỏi vùng chiến thuật của Quân đoàn 1.

Tham gia trận càn gồm 243 lính Mỹ thuộc đại đội D, 42 lính của trung đội 2, Đại đội B, Tiểu đoàn xe lội nước số 1, 1 tiểu đội súng phun lửa cùng một toán liên lạc với không quân, 1 toán trinh thám tiền tiêu thuộc trung đội súng cối 81 li, một toán trinh thám tiền tiêu thuộc đơn vị pháo D và đơn vị pháo E (yểm trợ gián tiếp) thuộc tiểu đoàn 2, Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 12, trung đội pháo không giật 106 li, 1 trung đội súng cối 81 li và toán công binh thuộc Tiểu đoàn công binh số 3. Chúng bắt đầu đi càn lúc 10 giờ ngày 03/8 và theo lời tên trung đội trưởng Ray G. Snider, làng Cẩm Nê là một ấp kiên cố, còn tên tiểu đoàn trưởng cho rằng, đốt cháy các ngôi nhà là cách duy nhất ngăn Việt Công trở lại ngôi làng sau khi quân Mỹ rút đi. 15 giờ 55, lính Mỹ được lệnh rút về sông Yên và bị trúng đạn của Việt Cộng. Trận càn Cẩm Nê có thể xem như một bằng chứng cho thấy ngay từ đầu, quân Mỹ đã chủ trương "đốt sạch, giết sạch, phá sạch" để "bình định" miền Nam Việt Nam.

 

 

 

(Ảnh: Một số hình ảnh trong phóng sự của Morley Safer về trận càn Zippo ở Cẩm Nê, Nguồn: Youtube)

Những con số biết nói[7]

William Westmoreland từng tuyên bố trong những năm 1966 và 1968 ở Sài Gòn: "chúng ta làm cho họ chảy thật nhiều máu… đến mức độ trở thành tai họa cho cả một dân tộc và họ phải chịu hậu quả trong nhiều thế hệ…". " Chúng ta đẩy cái giá chiến tranh tăng cao đến mức họ không thể chịu nổi. Có thể đi đến chỗ mà vấn đề phá hủy đất nước họ và vấn đề tương lai của đất nước họ sẽ phải đặt ra".

Chỉ sau 4 ngày quân Mỹ đổ vào Đà Nẵng, chúng đã ném bom xuống trường tiểu học Mân Quang sát hại 42 em học sinh. Liên tiếp chúng tổ chức các trận càn, hành quân trong khuôn khổ cái gọi là "bình định" miền nam Việt Nam. Từ năm 1969-1972, "Mỹ hóa" chiến tranh Việt Nam thất bại, Tổng thống Johnson rời Nhà Trắng và người kế nhiệm ông ta, Tổng thống Nixon trong bài phát biểu ngày 31/12/1968 lần đầu tiên nhắc đến cái gọi là "Việt Nam hóa" chiến tranh ở Việt Nam, trong đó, "bình định" là mục tiêu chủ yếu của học thuyết này như trong thông điệp ngày 25/02/1971. Đẩy mạnh đi càn dài ngày, dùng máy bay ném bom, rải chất độc hóa học khắp xóm làng, đồng ruộng của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng hòng "đốt sạch, giết sạch, phá sạch" quy mô lớn, cưỡng bức những người dân còn sống sót phải vào khu tập trung của chúng.

 

Trang đầu báo cáo của Ủy ban Mặt trận giải phóng tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng về tội ác của đế quốc Mỹ và tay sai gây ra ở Quảng Nam Đà Nẵng từ năm 1954-1966, hồ sơ sổ 97, phông Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc quốc Mỹ ở Việt Nam, Trung tâm LTQG III.

 

Theo tài liệu thống kê sơ bộ của Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, hậu quả chiến tranh do Mỹ ngụy gây ra ở tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng như sau: 1.080 thôn (trong đó 1037 thôn bị tàn phá nghiêm trọng), 137.514 ngôi nhà bị thiêu hủy (kể từ năm 1965-1970), 2.919 nhà thờ đền chùa và 542 trường học bị thiêu hủy hoặc phá hủy, 56.965 héc-ta ruộng lúa bị hoang hóa, 1.000 hec-ta đất bị cài mìn, 17.000 hec-ta rừng bị phá hủy vì chất độc hóa học, trên 1.800 trẻ mồ côi. Trong "quốc sách bình định", Mỹ ngụy đã lập 18 nhà tù các cấp, 3 trung tâm thẩm vấn tỉnh, bắt giao (1954-1963) 124.597 người, lập 529 ấp chiến lược dồn tập trung 560.000 người.  Chúng đã tiến hành 200 vụ tán sát đồng thời 50 người trở lên, 11 vụ chôn sống hàng loạt 11 người trở lên, sát hại 18.049 người (1954-1963) và 22 808 người (1965-1973), tiến hành 51.549 hành quân "bình định" với quy mô khác nhau. Riêng cảnh sát Đà Nẵng trong hai năm 1971-1972 đă tiến hành 9.107 cuộc hành quân, bắt giam 41.726 người và khám xét, kiểm tra 703.079 lượt người.

Ngày 29/03/1975, quân Giải phóng tiến vào Đà Nẵng, sào huyệt cuối cùng của Mỹ ngụy trên mảnh đất Quảng Nam Đà Nẵng. Cuộc tấn công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng đã kết thúc toàn thắng. Hơn 10 vạn quân địch trong đó có cơ quan bộ tư lệnh quân đoàn ngụy đã bị tiêu diệt và tan rã hoàn toàn. Căn cứ quân sự liên hợp mạnh nhất của miền Trung đã bị đập tan trong một cuộc tiến công và nổi dậy thần tốc 32 giờ. Thắng lợi Đà Nẵng đã đẩy quân địch vào tình trạng tuyệt vọng, mở ra chương mới trong lịch sử mảnh đất này.

 

Kỳ II: Kế hoạch Phụng Hoàng.

 

[1].Ông này là cha đẻ của học thuyết "Tìm và Diệt" (Search and Destroy) được áp dụng vào trận càn ở Cẩm Nê.

[2]. Theo cuốn "Việt Nam", Stanley Karnow, nhà xuất bản Presses de la Cité,  trang 235, năm 1965, cựu giáo sư trường đại học luật Harvard McNaughton - cộng sự thân cận của Bộ trưởng Quốc phòng McNamara cho rằng, gia tăng can thiệp quân sự trong đó có việc cần xây dựng một căn cứ hải quân lớn ở  Đà Nẵng sẽ giúp "cứu"miền nam Việt Nam,.

[3]. Theo "Hải quân Mỹ ở Việt Nam. Các đổ bộ và gia tăng lực lượng năm 1965" (US Marine in Vietnam. The Landing and the Buildup 1965), của Charles M.Johnson và Jack Shulimson, 1978.

1. Tiểu đoàn 1 thuộc Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 9 được mệnh danh là "Xác sống" (The Walking Dead) do đơn vị này chịu thiệt hại về người nhiều nhất trong lực lượng thủy quân lục chiến của Mỹ tại Việt Nam.

[5]. Phóng sự về trận càn ở Cẩm Nê do phóng viên Morley Safer thực hiện https://www.youtube.com/watch?v=Mxo-8p2zdQI và phỏng vấn ông https://www.youtube.com/watch?v=PfakoV4I-Hw

[6]; Theo "Điều gì đã thực sự diễn ra ở Cẩm Nê "(What really happened at Cam Ne" , https://www.historynet.com/what-really-happened-at-cam-ne/?f

[7] . Hồ sơ số 253, Phông Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.          

Ngọc Nhàn