10:07 PM 02/05/2022  | 

Câu chuyện về vườn hoa Neyret xưa - vườn hoa Cửa Nam ngày nay cùng những biến động của thủ đô Hà Nội từ trước khi trở thành thủ phủ của Liên bang Đông Dương.

Tượng Thần Tự do ở Place Neyret 1896-1945. Ảnh sưu tầm.

Theo ghi chép của một số người nước ngoài đã từng đến Hà Nội vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX thì các phố ở Hà Nội “đa phần là đường đất, không có vỉa hè, thường lầy lội lúc trời mưa và bụi bặm khi trời nắng”. Trong khu phố cổ, ngoài những nhà ống xây gạch theo kiểu “chồng diêm”, mặt tiền hẹp nhưng lòng nhà sâu, trong phố vẫn còn rất nhiều nhà lợp gianh, dựng không thẳng hàng, mái hiên nhô ra lấn chiếm lòng đường, cản trở giao thông đi lại. Đó cũng là mồi cho ngọn lửa trong những vụ hỏa hoạn thường xuyên xảy ra ở phố phường Hà Nội xưa.

Về các vụ hỏa hoạn ở Hà Nội thời kỳ người Pháp mới có mặt ở thành phố “nửa nông thôn, nửa thành thị” này, Claude Bourrrin[1] đã liệt kê như sau:

- Ngày 22-1-1891, một đám cháy lớn bùng phát ở rue des Cerceuils[2] đã thiêu hủy các phố rue des Bambous[3], rue des Changeurs[4], rue du Pont-en-Bois[5], rue de la Chaux[6] và rue de la Digue[7]. Có 208 nhà trong đó có 4 ngôi chùa bị thiêu hủy hoàn toàn; một chủ xe kéo tay người Hoa bị cháy mất 60 chiếc xe trong vụ hỏa hoạn này.

- Ngày 28-1-1891, một đám cháy mới lại xảy ra ở gần Tòa Đốc lý thành phố, hậu quả là 25 ngôi nhà lợp bằng gianh ở rue du Lac[8], rue de l’Huile[9] và rue de la Digue bị thiêu rụi.

Những năm đầu có mặt tại Hà Nội, chứng kiến nạn hỏa hoạn là một mối đe dọa nghiêm trọng thường xuyên trong Thành phố nên chính quyền Bảo hộ đã ra nhiều nghị định về việc dỡ bỏ và cấm làm nhà mái gianh trong một số tuyến phố chính ở Hà Nội. Tuy nhiên, những vụ hỏa hoạn vẫn thường xuyên xảy ra không chỉ trên phố Paul Bert nữa mà ở các khu vực khác có nhà dựng bằng tre, nứa và lợp mái gianh. Vì thế, chính quyền thuộc địa đã tiếp tục ra các Nghị định ngày 17-2-1891 và 8-6-1892 cấm xây dựng và phải dỡ bỏ trong vòng 6 tháng các nhà vách đất, lợp bằng gianh, nứa, lá trong Thành phố bao gồm từ đại lộ Gambetta[10], sông Hồng, đường Mandarine[11] cho tới tận khu vực thành cổ. Song tình trạng hỏa hoạn thuyên giảm hầu như không đáng kể.

Cũng theo Claude Bourrrin thì ngày 22-12-1894, một đám cháy kinh hoàng đã xảy ra ở khu vực tam giác của ba phố là rue du Teinturier[12], rue du Coton[13] và rue des Camps des Lettrés[14]. Có 50 ngôi nhà bị thiêu hủy trong vụ hỏa hoạn và những ngôi nhà bị cháy này là nhà của các thợ chuyên sản xuất đồ hàng mã để thờ cúng. Ngay sau đó, chính quyền Thành phố đã phải ra lệnh cấm dựng lại các nhà bằng gianh, tre, nứa, lá ở khu vực này.

Khu vực tam giác của ba phố kể trên nằm trên trục đường nối khu nhượng địa với khu vực Trường Thi và Hoàng thành cũ được chính quyền thực dân Pháp bắt đầu mở vào tháng 6-1883 để làm trục đường chính nhằm mục đích mở rộng các hoạt động xây dựng ở Hà Nội và quy hoạch thành phố, biến Hà Nội thành một “Paris thu nhỏ” (Petit Paris). Con đường này bắt đầu từ cổng Pháp Quốc (Porte de France)[15], băng qua phố Paul Bert[16], tới Borgnis Desbordes[17] và kết thúc ở đại lộ Puginier[18]

Theo tài liệu lưu trữ thì vào khoảng thời gian từ năm 1896, con đường nối khu nhượng địa (lúc này đã được xây dựng thành một con phố mang tên rue de la Concession)[19] với khu vực Trường Thi và Hoàng thành cũ đã được mở đến đoạn giáp ranh với phố Neyret[20]. Chính quyền thuộc địa đã cho xây dựng một quảng trường nhỏ trên vị trí của đám cháy năm 1894 ở tam giác của 3 phố (rue du Teinturier, rue du Coton và rue des Camps des Lettrés) nói trên và sau đó đặt tên là Place Neyret[21]. Từ đó, binh lính Pháp tại Hà Nội thường cử đội nhạc đến thổi kèn góp vui cho Thành phố vào mỗi chiều thứ 7, chủ nhật hàng tuần.

Có một điều thú vị mà không phải ai sống tại Hà Nội cũng biết: Place Neyret chính là nơi đặt một phiên bản bức tượng Nữ thần tự do[22] mà dân ta vẫn quen gọi là tượng Bà Đầm Xòe vì Nữ thần trong bức tượng mặc váy xòe. Bức tượng Nữ thần tự do ở Hà Nội đã từng di chuyển qua nhiều địa điểm khác nhau nhưng Place Neyret là nơi “an vị” lâu nhất, từ 1896 đến 1945[23]. Đến ngày 1-8-1945, vào lúc 9 giờ 40 phút sáng, bức tượng đã bị giật đổ theo lệnh của Thị trưởng thành phố Hà Nội lúc đó là bác sĩ Trần Văn Lai. 

Ảnh trận chiến trong nội thành Hà Nội cuối năm 1946 - đầu 1947 trên báo Pháp. Xe của quân đội Pháp đứng chặn ở Place Neyret. Lúc này Palce Neyret đã trở thành điểm giao nhau của 5 phố: Tràng Thi - Thợ Nhuộm - Hàng Bông - Cửa Nam - Điện Biên Phủ. Ảnh sưu tầm.

Về vị trí của Place Neyret, có nguồn thông tin cho rằng quảng trường này được xây dựng trên vị trí của đình Quảng Văn do vua Lê Thánh Tông cho xây dựng vào tháng 10 năm Tân Hợi (1491) để làm nơi niêm yết các pháp lệnh, cáo thị của triều đình[24]. Nhưng một nguồn thông tin khác thì lại chỉ ra rằng vị trí của đình Quảng Văn là ở khu vực phố Đình Ngang ngày nay[25], gần với cửa Nam của thành Thăng Long thời Nguyễn. Nguồn tin này có vẻ gần với sự thật hơn bởi Palce Neyret xưa - vườn hoa Bách Việt ngày nay - từng được xây dựng tại tam giác của 3 phố Teinturier, Coton và Camps des Lettrés nhưng đến khoảng những năm 1940 đã trở thành điểm giao nhau của 6 phố: Tràng Thi - Thợ Nhuộm - Hàng Bông - Cửa Nam - Nguyễn Thái Học và Điện Biên Phủ. Ngày nay, bất cứ ai đi trên những trục đường ấy đều nhận thấy, giữa phố Đình Ngang và vườn hoa Bách Việt là một khoảng cách không hề nhỏ. Còn một thông tin nữa cũng rất thú vị, đó là khu vực phố Đình Ngang ngày nay chính là nơi văn nhân thế kỷ XIX Cao Bá Quát từng trải qua tuổi thơ của mình. Phải chăng đây là lý do để Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội quyết định đổi tên phố Tuyên Quang, một con phố rất gần phố Đình Ngang thành phố Cao Bá Quát ngày nay ???

Bài viết được tổng hợp từ tài liệu của các phông: Phủ Thống sứ Bắc Kỳ (Fonds de la Résidence supérieure du Tonkin - RST) và Toà Đốc lý Hà Nội (Fonds de la Mairie de Hanoï - MHN); các ấn phẩm: Hocquart, Une campagne du Tonkin, Hanoï, 1890; André Masson, Hanoï pendant la période héroïque (1873-1888), Paris,1929; Claude Bourrrin, Le vieux Tonkin, Hanoï, 1941; Việt Nam Dân quốc Công báo (VNDQCB) 1946…

 


[1] Claude Bourrrin, Le vieux Tonkin, Hanoi, 1941.

[2] Phố Hàng Hòm.

[3] Phố Hàng Tre.

[4] Phố Hàng Bạc.

[5] Phố Cầu Gỗ.

[6] Phố Hàng Vôi.

[7] Phố Bờ Đê (thuộc đoạn đê Commerce vào trước 1919, nay là một đoạn phố Trần Nhật Duật).

[8] Phố Ven Hồ với tên gọi ban đầu là đại lộ quanh Hồ Nhỏ (boulevard autour du Petit Lac) hoặc đại lộ Hồ Nhỏ (boulevard du Petit Lac) hay đại lộ ven Hồ (boulevard du Lac), sau được đặt tên là đại lộ Francis Garnier, năm 1945 được sáp nhập với đại lộ Beauchamps đổi tên thành phố Lê Thái Tổ, năm 1951 tách khỏi đại lộ Beauchamps và đổi tên thành đại lộ Đinh Tiên Hoàng, nay là phố Đinh Tiên Hoàng.

[9] Phố Hàng Dầu.

[10] Phố Trần Hưng Đạo.

[11] Sau gộp với đường Mandarine prolongée thành phố Hàng Lọng, tiếp đó đổi thành phố Nam Bộ và nay là phố Lê Duẩn.

[12] Phố Thợ Nhuộm.

[13] Phố Hàng Bông.

[14] Phố Trường Thi, sau đổi tên thành phố Borgnis-Desbordes, từ 1945 đổi thành phố Tràng Thi.

[15] Cổng Pháp Quốc vốn là cổng phố Hàng Khay, đoạn từ chỗ giao nhau giữa phố Trần Quang Khải và Trần Khánh Dư đến Nhà Hát lớn, bị dỡ bỏ vào khoảng cuối tháng 6, đầu tháng 7-1886 cùng thời gian với việc phá bỏ các cộc gỗ và các ụ đất bao quanh khu nhượng địa theo chỉ thị của Paul Bert trong phiên họp thứ hai của Hội đồng Bảo hộ Bắc Kỳ ngày 8-6-1886.   

[16] Phố Paul Bert: phố này bắt đầu từ Nhà Hát lớn đến hết phố Hàng Khay (người Pháp gọi là phố Incrusteurs), được xây dựng vào khoảng 1886-1888, đầu năm 1945 đổi tên thành phố Tràng Tiền – Hàng Khay. Năm 1949 phố Paul Bert được chia thành 2 đoạn: đoạn thuộc phố Tràng Tiền cũ (không bao gồm phố Hàng Khay) sáp nhập với phố Đồn Thủy lấy tên là phố Pháp Quốc, nay là một đoạn của phố Tràng Tiền; đoạn còn lại đổi tên thành phố Anh Quốc (Great Britain Street), năm 1951 vẫn giữ nguyên tên phố Anh Quốc, nay là phố Hàng Khay.

[17] Phố Borgnis Desbordes: bao gồm cả Camps des Lettrés (Trường Thi), năm 1945 đổi tên thành phố Tràng Thi, năm 1949 đổi tên thành phố Mỹ Quốc (United States Of Amécica Street), nay là phố Tràng Thi.

[18] Đại lộ Puginier: năm 1845 đổi tên thành phố Dân Chủ Cộng Hòa, năm 1949 đổi thành đại lộ Nguyễn Tri Phương, nay là phố Điện Biên Phủ. 

[19] Phố Nhượng Địa, năm 1919 đổi tên thành phố Maréchal Galliéni, nay là phố Phạm Ngũ Lão.

[20] Phố Cửa Nam.

[21] Từ năm 1949 đến nay được đổi tên thành vườn hoa Bách Việt hay còn gọi là vườn hoa Cửa Nam.       

[22] Đây là phiên bản bức tượng của kiến trúc sư Bartholdi thiết kế do chính phủ Pháp đặt hàng dùng làm quà tặng cho chính phủ Mỹ nhân kỷ niệm 100 năm ngày quốc khánh Mỹ năm 1875. Phiên bản bức tượng này cao 2,5m làm bằng đồng được đem sang triển lãm ở Việt Nam năm 1887 và sau đó được tặng cho thành phố Hà Nội.

[23] Lúc đầu, tượng được đặt ở vườn hoa trung tâm gần Tòa Công sứ - Đốc lý (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ). Sau đó, vào năm 1891, tượng Nữ thần Tự do được đặt trên nóc tháp Rùa để lấy chỗ đặt tượng Paul Bert (Toàn quyền Đông Dương đầu tiên). Sau năm 1896, một lần nữa bức tượng này lại được di dời về Place Neyret.

[24] Theo tài liệu nghiên cứu khoa học được viết thành sách của Nhà nghiên cứu Đặng Phong được lưu trữ tại Bảo tàng lịch sử Quốc gia, cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XIX, người Pháp đã phá bỏ đình Quảng Văn nằm trên khu đất bên phía Đông của chợ Cửa Nam. Sau đó, người Pháp tạo ra một quảng trường nhỏ, đặt tên là Place Neyret nay là vưởn hoa Bách Việt mà người dân vẫn thường gọi là vườn hoa Cửa Nam.

[25] Phố Đình Ngang nguyên là đất thôn Yên Trung thượng, tổng Tiền Nghiêm (sau đổi là tổng Vĩnh Xương), huyện Thọ Xương cũ. Tên gọi Đình Ngang có từ đời Lê, chữ Hán là “Hoành đình”, chỉ một cái đình xây ngang giữa đường dùng làm trạm gác để kiểm soát sự ra vào ở cửa Đại Hưng tức Cửa Nam thành Thăng Long thời đó.

TS. Đào Thị Diến