Từ Hoàng đế Gia Long cho đến Hoàng đế Khải Định, hơn một thế kỷ lịch sử của Vương quốc An Nam nằm dưới những nấm mồ oai nghiêm này, được bao bọc trong những bức tường yên tĩnh, bên dòng sông êm ả này.
Ở mỗi lăng tẩm, vị vua quá cố được gợi nhớ qua ba công trình. Mộ phần là nơi an táng thi hài, bài vị là nơi trú ngụ của linh hồn và cuối cùng là bia đá ghi công đức của ngài. Di hài của vua đặt tại vị trí bí mật trên một ngọn đồi tương đối rộng, bao quanh là tường xây gọi là Bửu thành. Tuy nhiên, ở lăng Gia Long, ta có thể thấy mộ phần của hoàng đế và hoàng hậu. Lăng Khải Định được thiết kế theo kiểu hoàn toàn khác.
Bia đá nằm trong tòa đình là một tảng đá nguyên khối lớn khắc chữ Hán.
Bài vị đặt trong một điện thờ, nơi tiến hành tế lễ định kỳ tưởng nhớ linh hồn người đã khuất. Về nguyên tắc, việc trông nom, chăm sóc đền được giao cho các phi tần của vua và con cháu của họ.
Cuối cùng, sân chầu dùng làm nơi tổ chức nghi lễ.
Đây là kiến trúc căn bản của lăng mộ cổ. Bố cục này gợi nhớ đến lăng mộ nhà Minh và lăng mộ nhà Thanh nằm ở phụ cận Bắc Kinh. Bên cạnh đó còn có hồ hoặc ao, tượng đá, lầu các, đình tạ nơi nhà vua thưởng ngoạn, giải trí trong quá trình xây lăng. Thật vậy, về nguyên tắc, nhà vua đích thân chỉ đạo việc xây lăng mộ tương lai của mình hoặc lăng của người tiền nhiệm. Đôi khi đây là công việc trọng đại nhất của triều đại, đòi hỏi nhà vua phải giám sát thường xuyên, đồng thời tiêu tốn rất nhiều công sức và tiền bạc. Nhận thấy một vài trong số những nơi yên nghỉ này quá hoành tráng, Hoàng đế Thiệu Trị đã ban hành Chỉ dụ đặc biệt nghiêm cấm việc hoang phí tiền bạc và hiện vật để bảo trì lăng tẩm.
Hãy tới thăm lăng mộ cổ nhất - lăng Gia Long. Hai cây cột lớn cao 4,40 mét dựng trên nền cao 2,2 mét, chỉ dẫn lối vào đại lộ lớn với hàng cây đa hai bên dẫn từ sông tới lăng, xuyên qua khu rừng thiêng với hàng loạt cây cổ thụ. Những cây cột này được dựng theo Chỉ dụ của Hoàng đế Minh Mạng ban hành vào tháng 3/1839: vì cảm thấy khó chịu bởi tiếng hát của những người chèo đò trên sông Hương phá vỡ sự bình yên của các lăng tẩm hoàng gia, vị hoàng đế này đã cho dựng hai hàng cột dọc bờ sông, phía trước mỗi ngôi mộ, để ra hiệu cho những người chèo đò phải tỏ lòng tôn kính. Băng qua rừng thiêng, chúng ta tới một hồ nước hình bán nguyệt, tới những dòng nước trong xanh, rồi đến các cầu thang và bậc thềm nối tiếp nhau. Ở thềm nghỉ cuối cùng, một cánh cổng bằng đồng khóa lại “Bửu thành”.
Cánh cổng này được lắp vào tháng 10/1845 dưới thời Hoàng đế Thiệu Trị. Lăng mộ được xây dựng từ năm 1814 đến năm 1820 bởi Đức Thế tổ, người sáng lập ra triều đại và thống nhất giang sơn. Khu vực này có nhiều đồi núi, đẹp tựa tranh vẽ. Đồng thời, chốn yên nghỉ này cũng toát lên một vẻ đơn sơ khổ hạnh; kia là bia đá, mộ phần Gia Long từng là nơi dã thú thường xuyên lui tới. Năm 1829, tại đây, Hoàng đế Minh Mạng, con trai và là người kế vị Hoàng đế Gia Long đã bắn chết con hổ bằng phát súng điêu luyện. Năm 1840, khẩu súng hoàng gia này được Hoàng đế Thiệu Trị sắc phong danh hiệu “súng thần diệt hổ”. Vòng thành ngoài của lăng dài trên 11 km; ban đầu được giới hạn bởi 85 cột trụ, ngày nay gần như tất cả đều đã đổ nát.
Văn bia Hoàng đế Gia Long khái quát quá trình giành lại ngai vàng vào năm 1802, sau 23 năm chống quân Tây Sơn, chạy nạn sang Vọng Các hay ra Phú Quốc và được người Pháp kiên trì giúp sức.
Chúng ta cùng tới thăm lăng Minh Mạng - người đã chọn một vị trí đắc địa bên tả ngạn sông Hương làm nơi yên nghỉ. Những cây đa cổ thụ bao trùm lên dòng sông, và phía sau là cánh rừng thông rộng lớn. Chính Hoàng đế Thiệu Trị, Đích trưởng tử và là người kế vị Hoàng đế Minh Mạng, đã xây dựng ngôi mộ cổ ấn tượng này từ năm 1841 đến năm 1843, sau khi vua cha Minh Mạng qua đời.
Lăng Minh Mạng, nguồn: TTLTQGI
Vòng thành ngoài bằng gạch cao ba mét. Mặt phía Đông có cổng tam quan hoành tráng. Tại sân chầu, hai bên là tượng quan văn võ, voi ngựa bằng đá. Trên tấm bia đá cẩm thạch ghi công đức của nhà vua. Bia ký nhắc lại Minh Mạng là một nhà tổ chức đồng thời là một luật gia. Chính ngài đã thành lập Hội đồng Tôn Nhơn, chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề nội bộ liên quan đến hoàng tộc. Ngài lập ra Quốc sử quán, chịu trách nhiệm biên soạn và bảo quản các kho lưu trữ. Ngài cũng đã cho đúc chín chiếc đỉnh đồng khổng lồ [Cửu đỉnh - ND], mỗi chiếc nặng hơn hai tấn, đặt trước sân [Thế Miếu - ND] trong Hoàng thành Huế. Tấm bia còn cho biết Minh Mạng có công sinh thành được 142 người con, “con đàn cháu đống, kỳ lân tống tử”.
Hãy cùng chúng tôi tiếp tục viếng thăm lăng mộ. Người hướng dẫn chỉ cho chúng tôi vị trí của đàn tế cổ, nơi hiến tế trâu, dê và lợn.
Một cổng tam quan phía trên được ốp các tấm sơn mài màu đỏ và vàng dẫn đến Điện thờ bài vị của nhà vua và hoàng hậu cùng một số di vật quý giá. Lưu ý đừng bước qua cổng chính giữa, cũng là cổng chính của toàn bộ khu lăng tẩm, nó chỉ dành cho nhà vua mà thôi.
Hồ rất rộng, có ba cây cầu song song bắc qua, mỗi đầu cầu đều có cổng tam quan. Tẩm điện, nơi Thiệu Trị thường xuyên đến ở để giám sát việc xây lăng, vẫn còn nguyên vẹn. Nó nằm đối diện với ngọn đồi mai táng, bao quanh là “Bửu thành” hình tròn tượng trưng cho mặt trời. Giữa lăng mộ và tẩm điện là khu vườn với những bồn hoa khắc chữ Thọ. Tiếp đó, là hồ nước hình bán nguyệt, bắc qua hồ là cây cầu, hai đầu cầu có cổng tam quan; cuối cùng là những bậc thềm hoành tráng và hai bên lan can là hai con rồng canh gác ngôi mộ.
Lăng Thiệu Trị cũng được xây dựng sau khi Hoàng đế mất vào năm 1847. Hai bên đường thần đạo dẫn vào lăng là tượng quan văn, quan võ và thú làm bằng đá. Ở đây không có La thành bao quanh, khiến khu lăng mộ tựa như công viên thơ mộng. Bi ký với ngôn từ uyên bác, mô tả cuộc đời của vị vua dường như sớm trưởng thành, bởi khi mới 13 ngày tuổi, thì mẫu hậu qua đời, ngài đã kêu khóc thảm thiết, tỏ lòng hiếu thảo. Trong tòa nhà hai tầng trưng bày đồ nội thất của vị vua quá cố, không có bất kỳ đồ vật nào của nước ngoài, bởi lẽ vào năm 1847, tức giận trước việc người Pháp phá hủy hạm đội An Nam ở Tourane [Đà Nẵng - ND], Thiệu Trị ra lệnh đập vỡ tất cả những đồ vật xuất xứ từ nước ngoài xuất hiện tại các cung điện.
Lăng Thiệu Trị, nguồn: Manhhai flickr
Lăng Tự Đức được chính Hoàng đế cho xây dựng từ năm 1864 đến năm 1867, người có thời gian trị vì khá dài từ năm 1848 đến năm 1883. Tự Đức có thói quen tới đây sống trong nhiều ngày, trong những tòa nhà được xây dựng đặc biệt. Chốn yên nghỉ của ngài tọa lạc trong khủng cảnh hữu tình, nơi mọi thứ mời gọi ta bước vào mơ tưởng và không hề gợi lên niềm tang tóc. Bên bờ ao lớn phủ đầy hoa súng, nơi đây có một bến thuyền. Một cây cầu dẫn tới đình tạ nơi ngài cùng các phi tần thường lui tới để nghỉ ngơi hoặc câu cá.
Lăng Tự Đức, nguồn: TTLTQGI
Bi ký là một phiến đá nguyên khối khổng lồ cao hơn 7 mét khiến người xem choáng ngợp. Văn khắc do chính Hoàng đế Tự Đức soạn. Tự Đức cho thấy ngài là vị vua vô cùng khiêm tốn. Ngài mô tả mình có nước da ốm yếu, hay bị chóng mặt, thị lực kém, đôi chân yếu ớt và bị bệnh dạ dày. Lúc 20 tuổi, ngài mắc bệnh đậu mùa. Ngài cũng gửi lời xin lỗi vì độ hoành tráng của các công trình trong lăng mộ, và mặc dù tái sử dụng các vật liệu phá dỡ song vẫn tiêu tốn hàng triệu bạc. Nhiều câu trên bia này đáng được trích dẫn: “Ta có tài năng đức độ gì mà không khiêm hạ? Ta đã quen yêu mến sự giản dị. Dù sống trong lầu son gác tía vẫn giữ tấm lòng của kẻ áo thô...”
Giữa hồ có một hòn đảo. Những cây đa cổ thụ ở đây là nơi trú ẩn của nhiều loài thủy cầm. Trước mắt chúng tôi là đàn Nam Giao uy nghi, nơi 3 năm một lần, Hoàng đế trị vì đến để tế lễ trời đất.
Chúng ta sẽ không ghé lăng mộ Hoàng đế Đồng Khánh mà hãy nói đôi nét về lăng mộ Hoàng đế Khải Định.
Lăng Khải Định được khởi công vào năm 1920, 5 năm trước khi nhà vua băng hà, hoàn thành vào năm 1931, năm Bảo Đại thứ sáu. Được xây dựng trên sườn đồi, đó là một công trình xây bằng đá và xi măng cốt thép khổng lồ, gợi nhớ đến những lăng mộ cổ về nghệ thuật trang trí, nhưng kiến trúc và bố cục lại hoàn toàn hiện đại. Phía trên bậc tam cấp, bên trong cung điện khảm phù điêu sành sứ, hình nhân của vị Hoàng đế có kích thước như thật xuất hiện trong bóng tối: bức tượng đồng mạ vàng của ngài, ngồi trên ngai vàng, trong tư thế uy nghi, hai tay đan chéo trên vương trượng bằng ngọc bích, lấp lánh dưới ánh đèn, phía trên hầm mộ được bảo vệ bằng chiếc cổng hai cánh bằng đá nặng nề. Phía trước tượng Hoàng đế là án thờ. Ở bên phải và bên trái là tủ trưng bày đồ trang trí, đồ trang sức, đồ dùng cá nhân của ngài cùng những kiệt tác bằng ngọc và vàng.
Lăng Khải Định, nguồn: Manhhai flickr
Đến thăm lăng tẩm hoàng gia, du khách có cảm giác thật lạ lùng. Thật khó để phân tích sự pha trộn giữa sự thanh thản và huy hoàng, giữa nỗi khổ hạnh tang tóc và sự sống.
Nguồn: Theo André Surmer đăng trên Tuần san Indochine năm 1941
Hoàng Hằng