Trong hình dung của số đông lâu nay, chúng ta vẫn cho rằng làng xã là những ốc đảo có tính chất tự trị tương đối trong quan hệ với chính quyền trung ương. Sự tự trị, dù tương đối đó, không chỉ được thể hiện qua những câu nói như “Phép vua thua lệ làng”, “Hương đảng tiểu triều đình” mà vốn từng là một sự thực.
Việc “Quốc triều chiếu lệnh thiện chính” thời Hậu Lê và “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” thời Nguyễn ghi lại các lệnh cấm liên quan đến lễ lan nhai, cho thấy sự thực về tính tự trị vốn có của làng xã đương thời mà chính quyền rất muốn vươn tay xuống để dễ bề can thiệp.
Đến khi nước ta bị thực dân Pháp đô hộ, các “ốc đảo” đó bị một phen nghiêng ngả. Những “tân chủ” mang đầu óc phân tích, duy lí đến từ phương Tây không chấp nhận việc “Phép vua thua lệ làng”, cũng không thể “nuốt” nổi việc mỗi làng xã là một “pháo đài”, một “tiểu triều đình” nấp sau những luỹ tre xanh.
Bằng công cuộc “cải lương hương chính” thực hiện lần lượt ở Nam Kì (vào các năm 1904, 1927, 1944), Bắc Kì (vào các năm 1921, 1927, 1941) và cuối cùng là Trung Kì (vào năm 1942), thực dân Pháp đã ban hành các văn bản về việc tổ chức lại bộ máy hành chính cấp xã, theo đó: Viên chức người Pháp đứng đầu tỉnh sẽ nắm quyền kiểm soát và bổ dụng nhân sự quản lí ở làng xã; Lí trưởng, xã trưởng được tham gia hội đồng kì mục, bàn định việc làng xã; Điền sản là tiêu chuẩn đầu tiên trong việc lựa chọn người vào bộ máy hành chính cấp xã… Đồng thời với đó, chính quyền thực dân đã lợi dụng tính tự trị của làng xã để cài cắm các nội dung của pháp luật vào các bộ hương ước, khoán ước của các làng xã.
Vẫn là những câu chuyện muôn thuở của làng xã như sưu thuế, kiện cáo, cứu cấp, canh phòng, đường sá cầu cống đê điều, hôn lễ, tang lễ, tế lễ, khao vọng, ngôi thứ… nhưng thực sự đã mang màu sắc mới cho “hợp thời thế”, “suy xét hiện tình thời nay, so sánh khoán lệ thuở trước, điều nào hại thì đổi, điều nào lợi thì theo”, cho sát hợp với “chỉ đạo”: “Về phần chính trị và tục lệ, điều gì trái với Nghị định quan Thống sứ ngày 12 tháng 8 năm 1921 thì xin bỏ đi mà tuân theo như trong Nghị định”.
Như vậy, những bàn tay “tân chủ” dù chưa trực tiếp nhúng vào chuyện làng xã nhưng những sợi lạt mềm đã từng bước được cài cắm vào những bộ “hình luật” của “nền cộng hoà làng xã”, khiến số đông dân chúng răm rắp chấp hành mà vẫn tưởng mình đang sống trong sự cai trị của “tiểu triều đình” như trước.
“Cuốn sách sẽ là một nguồn tài liệu quan trọng phục vụ nghiên cứu các vấn đề lịch sử, văn hóa, xã hội, chính trị, kinh tế ở Việt Nam, đặc biệt là vấn đề thay đổi thiết chế làng xã giai đoạn đầu thế kỉ 20”. (TS. Nguyễn Tuấn Cường)
Hồng Nhung