
Điện Thái Hòa. Ảnh sưu tầm
Nghi thức Lễ Đại triều: Sáng sớm, nghi trượng được dàn bày trang nghiêm. Nhà vua xa giá đến điện Thái Hòa, bá quan văn võ mặc phẩm phục tiến vào sân Đại triều nghi. Các quan truyền chỉ ban ân của nhà vua. Trước sân điện Thái Hòa, bá quan văn võ xếp hàng thứ tự theo phân cấp, thực hiện nghi thức bái lạy. Các quan dâng biểu chúc mừng, nhà vua ban chỉ yến tiệc. Đội nhã nhạc cung đình thực hiện các tiết mục đại nhạc, tiểu nhạc. Sau cùng, tất cả bá quan văn võ về các khu vực mà nhà vua ban yến, diễn ra ở điện Cần Chánh, Tả Vu, Hữu Vu, Tả Đại Lâu Viện, Hữu Đại Lâu Viện.
Lễ Đại triều hay đại triều nghi là cuộc gặp mặt định kỳ có tính cách nghi lễ giữa vua và bá quan văn võ, được tổ chức theo một nghi thức long trọng tại sân Đại triều nghi và điện Thái Hòa. Theo ghi chép trong sách Đại Nam thực lục, năm Gia Long thứ 4 (1805), mùa xuân, tháng Giêng, vua Gia Long cho dựng điện Thái Hòa, và đến mùa Thu tháng 7, điện Thái Hòa làm xong. Điện Thái Hòa và sân chầu đã được triều đình Gia Long quy định dùng làm nơi thiết đại triều nghi, mỗi tháng hai lần vào ngày sóc (mồng 1) và ngày vọng (ngày rằm) [1].

Quốc sử quán triều Nguyễn trong Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỉ chép: “Năm Gia Long thứ 5 (1806), định triều nghi (nghi tiết buổi chầu), mỗi tháng lấy ngày mồng 1 và ngày rằm đặt đại triều ở điện Thái Hòa, quan từ lục phẩm trở lên mặc áo mũ đại triều vào lạy chầu”
Đại triều nghi cũng được tổ chức vào các dịp đặc biệt khác, như lễ đăng quang (Vua lên ngôi), lễ Vạn thọ (mừng sinh nhật Vua), Thánh thọ (sinh nhật mẹ vua), lễ Chúc thọ (mừng tuổi Vua nhân ngày Tết Nguyên Ðán), lễ Hưng Quốc Khánh niệm (mồng 2 tháng 5 âm lịch, ngày Gia Long phục quốc), Nguyên đán, Đoan dương (tết Đoan ngọ, mồng 5 tháng 5), phong Đông cung Hoàng thái tử, khánh hạ (mừng xong việc lớn) và lễ tiếp các sứ thần ngoại giao cao cấp
[2]...
Các buổi lễ thiết triều tại điện Thái Hòa chủ yếu mang tính chất nghi lễ, vua và quan phải mặc phẩm phục đại triều, các quan lạy năm lạy, có thể lạy một hoặc hai lần, ở đây vua quan không bàn bạc gì về chính sự. Mọi sự tổ chức, sắp xếp, đều do Bộ Lễ chịu trách nhiệm, dưới sự giám sát của các khoa đạo thuộc Đô Sát viện. Theo ghi chép trong Châu bản triều Nguyễn “binh lính bảo vệ khi có thiết đại triều tại điện Thái Hoà, cần tới hơn 990 tên lính, cùng số trước đã phân bảo vệ điện miếu, đài môn và phân tuần kiểm tại các tấn là hơn 560 tên. Binh lính của 2 dực đó có 10 vệ mà binh lính của 5 doanh Cấm binh là 25 vệ, so với 10 vệ của doanh đó hiện nhiều hơn 15 vệ”. Từ thời Vua Đồng Khánh trở đi, còn có đại diện của Pháp (Chánh Toàn quyền đại thần hoặc Bắc kỳ Kinh lược toàn quyền đại thần) đến dự lễ. Tùy theo nội dung của cuộc lễ mà tiến trình thực hiện nghi thức thiết đại triều ở điện Thái Hòa có phần khác nhau đôi chút, nhưng điểm chính là buổi lễ đại triều như vậy chỉ diễn ra trong vòng một giờ đồng hồ [3].

Châu bản triều Nguyễn ghi chép về nghi lễ tiết Nguyên đán và tuyên đọc ân chiếu. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I
Nghi thức buổi Lễ Đại triều sẽ diễn ra như ghi chép về thiết đại triều vào dịp tết Nguyên đán năm Tự Đức 10 (1857) trong bản tấu của Bộ Lễ: “
Từ sáng sớm trước tết Nguyên đán, Nội các mang sẵn ống Kim Phụng đựng tờ bảo chiếu đến đặt lên trên cái án sơn vàng ở gian giữa điện Thái Hòa. Bộ Lễ vâng mang một cái tráp đựng hạ biểu (tờ biểu viết lời chúc mừng) của bách quan trong triều đặt trên châu án tức bàn lúp khăn đỏ ở bên trái gian thứ 2, tráp đựng biểu viết lời chúc mừng của các quan tỉnh trong cả nước đặt trên châu án tức bàn lúp khăn đỏ ở phòng xép phía Tây. Các ty liên hệ đã lo dàn bày lỗ bộ, nhã nhạc theo lệ… Lúc trời vừa hửng sáng, Hoàng thượng dẫn quần thần đến cung Gia Thọ tiến hành lễ khánh hạ (chúc mừng), lễ xong ngự hồi cung. Hữu ty hô lớn theo lệ “Tấu, trung nghiêm, ngoại biện” (Tâu, bên trong đã nghiêm, bên ngoài đã đầy đủ)… Vua lên liễn từ điện Cần Chánh, chuông và trống lên lầu Ngọ Môn cũng đổ hồi, rước vua qua cửa Đại Cung. Khi vua xuống liễn, bước lên thềm phía Bắc điện Thái Hòa thì nhạc ngưng, chuông trống cũng vừa dứt. (Trên Kỳ đài) phát ra 9 tiếng ống lệnh. Vua bước lên bệ và an tọa trên ngai vàng…1 viên đường quan của thần bộ ra khỏi ban quỳ tấu. Sau khi lễ chúc thọ xong, cúi xin đứng dậy đi ra, tấu chương hoà bình, phụng Ngự điện Cần Chánh. Thái giám dẫn Hoàng thân nhỏ tuổi trên bậc thềm điện. Thần bộ dẫn các Công tử vào sân làm lễ, bái 5 bái. Lễ xong vua tiến nội... Sau khi làm lễ khánh hạ xong, phụng thiết triều ở điện Cần Chánh, quan tuyên chiếu đến án sơn vàng ở gian giữa điện Thái Hòa, bưng ống kim phượng tự thềm giữa bước xuống, do lối chính giữa đi ra. Hai viên Nội các đi theo hộ vệ, nhã nhạc dẫn trước, tán, lọng che lên. Đi qua cầu Trung Đạo, chuyển qua phía đông lên lầu Ngọ Môn, đặt ống kim phượng lên trên án thếp vàng ở gian chính giữa, rồi quan tuyên chiếu và 2 viên Nội các đều vào đứng ở phòng xép phía đông.... Hoàng thân trong Thân phiên theo nhau đứng vào ban: tam phẩm trở lên đứng vào ban ở trước sân Ngọ Môn, tứ phẩm trở xuống đứng vào ban ở phía nam cầu Kim Thuỷ. Khi đứng vào ban chỉnh tề rồi, quan tuyên chiếu đến phía tả trên thềm gian chính giữa lầu cửa ấy, đứng quay mặt về phía nam tuyên rằng: “Có chiếu”. Các quan đều quỳ. Hai viên Nội các bưng chiếu thư đến giở ra. Quan tuyên chiếu đứng nguyên chỗ cũ, quay mặt hướng nam tuyên đọc. Đọc xong, hai viên Nội các lại để tờ chiếu vào ống kim phượng, rồi đều lui ra ... Quan tuyên chiếu liền đem sợi dây màu buộc ống chiếu rồi luồn vào cái vòng ở mỏ con kim phượng, bưng ra ngoài lan can cầm dây màu dòng xuống. Một viên đường quan bộ Lễ tiếp nhận ống chiếu, đặt vào chiếc mâm, vẽ hình mây ở trên long đình, lại lấy dây màu chằng buộc, vệ Loan nghi khiêng đi, tán lọng che lên, nhã nhạc nghi trượng đi trước đạo dẫn. Bộ Lại, bộ Hộ mỗi bộ một viên đường quan mũ áo đi theo, rước chiếu đến lầu Phu Văn dán treo lên. Viên Kinh doãn và Kỳ lão Thừa Thiên theo lệ làm lễ lạy tờ chiếu” [4].
Những năm có tháng nhuận hay gặp thiên tai địch họa hoặc quốc tang, nhà vua đều cho dừng hoặc giảm một số nghi thức trong Lễ Đại triều. Hoàng đế Bảo Đại sang Pháp du học từ nhỏ, đã được tiếp cận những tư tưởng tiến bộ. Nên từ nguồn sử liệu Châu bản triều Nguyễn thời Hoàng đế Bảo Đại, không còn ghi chép nghi thức bái lạy trong Lễ đại triều. Đây là một trong những dấu hiệu đầu tiên của sự thâm nhập tinh thần của Tây phương trong cung đình Huế[5].
Tết năm 2021, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã thực hiện dưới hình thức sân khấu hóa Lễ Nguyên đán với nghi thức thiết đại triều nhằm phát huy di sản vật thể va phi vật thể của triều Nguyễn. Nghi lễ cũng phần nào giới thiệu nét đẹp truyền thống gắn với Tết cung đình thuở xưa.
[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb. Giáo dục, HN 2007, tr.709.
[2] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.
[3] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.
[4] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.
[5] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.