Nguồn Sử liệu Châu bản triều Nguyễn, cho thấy khi có gặp lễ hưởng tự, các lễ tiết Khánh hạ, hay tháng nhuận hoặc xảy ra việc gì, như thời tiết oi bức hay bão lụt thì trước 1 ngày phải làm giấy, do Bộ Lễ tâu lên nhà vua xin được miễn thiết triều nghi thường lệ. Hoàng đế Tự Đức ngự phê trên bản tấu của Bộ Lễ ngày 30 tháng Hai năm Tự Đức thứ 4 (1851) về việc Hoàng thượng lên điện, trăm quan vào dự Lễ Thường triều ở điện Cần Chánh: “Mấy ngày trước vì hiếm mưa cầu đảo chưa được mưa, ngày mai cho miễn Lễ Thiết triều một lần”; Hoàng đế Tự Đức phê “miễn cho” trên bản tấu của Bộ Lễ ngày 29 tháng Mười năm Tự Đức thứ 20 (1867) ghi chép: “Vào ngày mồng 1 tháng tới, theo lệ có thiết nghi Lễ Thường triều ở điện Cần Chánh. Hoàng thượng ngự điện, các quan văn từ ngũ phẩm, quan võ từ tứ phẩm trở lên về triều dự lễ. Lễ xong các nha vâng đem chương sớ chờ theo thứ tự tiến đọc. Nay Bộ thần đã hỏi, các nha đều xưng chưa có khoản nào nên đem tiến đọc. Dám xin trình bày trước để tuân theo thi hành”[3].
Trong Lễ Thường triều, vua và quan đều mặc phẩm phục thường triều, vua không ngồi trên ngai vàng mà ngồi trên sập sơn son thiếp vàng đặt tại gian giữa của điện Cần Chánh, quan Văn Võ từ Ngũ phẩm trở lên mới được tham dự và sắp hàng ngoài sân theo thứ lớp, cấp lớn đứng trước, cấp nhỏ đứng sau, quan văn bên trái, quan võ bên phải, theo sự đánh dấu của bia đá nhỏ, ghi phẩm trật, cắm trên sân điện gọi là phẩm sơn, được đặt ở đầu hàng từng phẩm, để trông đó đứng vào hàng, theo thứ tự. Các quan có cùng phẩm trật thì người được thăng trật trước sẽ đứng trước. Các Hoàng thân tước Vương và tước Công, các Hoàng tử, được sắp hàng bên trong điện, gần cửa ra vào, theo thế thứ trên dưới trong họ chứ không theo tước vị. Quan viên hướng về chỗ vua ngồi chủ tọa thường triều, lạy năm lạy và vái ba vái.
Bản tấu của Bộ Lễ ngày mồng 5 tháng Mười một năm Thành Thái thứ 2 (1890) ghi chép nghi thức tiến hành Lễ Thường triều ở điện Cần Chánh vào tiết đông chí. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I
Điện Cần Chánh được xây dựng vào năm Gia Long thứ 3 (1804) và được tu bổ vào các năm Gia Long thứ 10 (1811), Minh Mệnh thứ 16 (1835), Tự Đức thứ 32 (1879), Đồng Khánh thứ 2 (1887), Thành Thái thứ 18 (1905), Duy Tân thứ 3 (1909), Duy Tân thứ 9 (1915), Khải Định thứ 2 (1917), Bảo Đại thứ 18 (1943) [5]. Trong quá trình ngôi điện được hạ giải và trùng tu, vua tạm thời đặt Ngự triều ở điện Khâm Văn. Đại Nam thực lục chính biên ghi chép: “Đinh Hợi, năm Đồng Khánh thứ 2 (1887), tháng 2, tạm đặt ngự triều ở điện Khâm Văn (vì điện Cần Chánh dỡ xuống lợp lại, nhân viên binh lính ra vào huyên náo, nên chuẩn cho tạm dời ra đó, để được yên tĩnh, đợi công việc xong, lại theo như cũ)” [6]. Một ví dụ được khai thác từ nguồn Châu bản triều Nguyễn là bản tấu hai bộ Lễ, Lại ngày 22 tháng Năm năm Đồng Khánh thứ 2 (1887): “Nay xin ngày 15 tháng này thiết thường triều tại điện Khâm Văn. Hoàng thượng ngự triều, văn võ bá quan theo ban xếp trước sân điện thị hầu. Quan Kinh lược đai thần bái mệnh nhận phù tiết chuẩn bị cho kịp đi. Về các quan mới được thăng chuyển xin cùng làm lễ bái mệnh luôn” [7].
Sách Đại Nam thực lục chính biên chép: “Tháng 3 nhuận, sắc rằng từ nay gặp tháng nhuận thì những kỳ đại triều thường triều đều miễn. Ghi làm lệ mãi mãi”
[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb. Giáo dục, HN 2007, tr.709.
[2] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 4, Nxb. Giáo dục, HN 2007, tr.940.
[3] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.
[4] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.
[5] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.
[6] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 9, Nxb. Giáo dục, HN 2007, tr.317.
[7] TTLTQG 1, Châu bản triều Nguyễn.
Thu Thủy - Phòng Phát huy Giá trị Tài liệu