Đầu năm 1859, được tin tàu Tây dương đã vào tấn Cần Giờ áp sát thành Gia Định, vua Tự Đức vô cùng lo lắng Mật Dụ riêng cho Tổng đốc Định Biên (Gia Định-Biên Hòa) Võ Duy Ninh rằng: Nếu không thể ngăn chặn bọn chúng lên bờ tiến vào thành tỉnh, thì lập tức đóng chặt cổng thành, chuẩn bị thật nhiều gỗ đá đắp lũy, phân chia binh lính cố thủ. Cắt cử riêng một đạo binh ở ngoài thành chọn nơi đóng đồn. Lại điều gấp binh lính, nghĩa dân, hương dõng các tỉnh hiệp đồng trong ngoài tấn công, đợi đại binh từ Kinh phái đến, không được hoang mang[1].
Quân Pháp tiến vào sông Sài Gòn (2.1859)
Nguồn: Sách Việt Nam trong quá khứ qua tranh khắc Pháp
Ngay lập tức ngày 22 tháng 1 năm Tự Đức 12 (tức ngày 24/2/1859) vua Tự Đức gửi Mật Dụ cho người đứng đầu 5 tỉnh Biên Hoà, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, Hà Tiên yêu cầu nhanh chóng phối hợp với Gia Định:
Theo báo cáo của tỉnh Gia Định thì tình hình tại đó đang rất cấp bách, nhưng bọn giặc Tây cũng chưa dám rời tàu lên bờ. Vậy nên nếu các hướng đều gia sức chặn giữ thì có thể không đến nỗi trở ngại. [Trẫm] đã Dụ sức cho Tổng đốc Long Tường (Vĩnh Long-Định Tường) Trương Văn Uyển lập tức đem binh tăng viện, phối hợp với Võ Duy Ninh hết lòng lo liệu cho thỏa đáng.
Xét thấy 5 tỉnh Biên Hoà, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, Hà Tiên, binh dân hiện tại không ít. Nếu như phòng ngự có phương pháp, thành trì chắc chắn thì dù một tỉnh Gia Định có thất thủ, lấy binh lực dân lực của 5 tỉnh kia cũng đủ chế ngự chúng, có gì phải lo đến bọn giặc Tây nhỏ bé, chỉ là việc điều động binh lính từ xa đến cần nhanh chóng kịp thời.
Vậy truyền Dụ cho Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chính, Án sát của 5 tỉnh đó cần vỗ về tập hợp binh dân bảo toàn đất đai biên cảnh, hết sức tìm biện pháp vừa tiêu diệt vừa phòng ngự, không để bọn giặc xâm phạm một tấc đất của ta, cũng là có công lớn vậy[2].
Mật Dụ của vua Tự Đức cho các tỉnh Nam kỳ nhanh chóng cử binh đến chi viện cho Gia Định. Nguồn: Châu bản triều Nguyễn
Ngoài ra vua Tự Đức cũng mật bàn với riêng với Nguyễn Tri Phương điều động binh sĩ cảm tử tìm cách bảo vệ tấn Cần Giờ. Vua bàn rằng:
Giặc Tây vào Gia Định đang dần tìm cách tiến sâu vào trong sông. Nhưng một tuần nay bỗng không thấy động tĩnh gì. Bọn này rất xảo quyệt, hoặc giả chúng thủ thế trước khi tiến đánh, hoặc giả nghi binh khiến quân ta phải phân tâm nhằm làm chậm kế thủ. Mưu kế nhà binh man trá không biết đâu mà lần, cần có biện pháp thử xem mới biết thực hư.
Vậy lệnh cho ngươi [Nguyễn Tri Phương] điều tra rõ tình thế của giặc. Lấy từ 30 đến 50 binh sĩ cảm tử trong các vệ Chiến Tâm, Nghĩa Dũng, Phấn Dũng, chu cấp thật hậu cho bọn chúng, ban đêm trời tối phân theo từng nhóm 3-5 người hoặc 10 người, đem theo dao ngắn hoặc súng trường lẻn vào lũy địch bắn thử vài ba phát rồi lập tức rút về. Đêm đêm như vậy hoặc cách một đêm hoặc vài ba đêm lại làm như vậy, khiến bọn chúng không được nghỉ ngơi, nhân đó mà thăm dò xem tình hình chúng mạnh yếu ra sao. Nếu như gặp thời cơ có thể tiến công khiến bọn chúng bất ngờ, cũng có thể giải nguy cho Cần Giờ. Ngoài ra nếu các ngươi có kế sách gì hay cũng chuẩn cho trù liệu kỹ mà thi hành[3].
Đối với bọn giặc đang đóng ở Trà Sơn, vua truyền lệnh cho Nguyễn Tri Phương, Phạm Thế Hiển cùng nhau bàn bạc, chuẩn bị lực lượng, mật ước với nhau lợi dụng ban đêm theo hai đường thuỷ bộ cùng tiến đánh, hoặc phái cảm tử quân ngầm đến phá huỷ tàu thuyền của giặc[4].
Ngoài việc mật bàn trao đổi sách lược với các tướng lĩnh, vua Tự Đức cũng truyền Dụ đến khắp các tỉnh thành trong cả nước nhắc nhở việc tăng cường phòng bị, luyện tập binh sĩ để chuẩn bị kháng chiến.
Chiến thuyền thời vua Tự Đức
Nguồn: Sách Việt Nam trong quá khứ qua tranh khắc Pháp
Dù vậy sau đó không lâu thành Gia Định vẫn thất thủ, nhà vua vô cùng đau lòng, bày tỏ sự thất vọng: Sau khi bọn giặc Tây vào gây hấn ở Đà Nẵng, Trẫm đã thấy trước việc cần phòng thủ bờ biển, nên đã nhiều lần ban bố Chỉ Dụ cho các địa phương tăng cường phòng ngự. Nay bọn giặc đó lại đến vùng biển các tỉnh Gia Định, Biên Hoà gây rối. Nhưng hai tỉnh đó phòng thủ sơ sài, dẫn đến việc thất thủ thành Gia Định, thực là tội phụ quốc, thật khó có thể châm chước.
Sau đó lập tức truyền Dụ nhắc nhở lại các tỉnh từ Quảng Ngãi trở vào Nam đến Hà Tiên; từ Quảng Trị trở ra Bắc đến Nam Định, tất cả đều phải gia tâm sửa sang chấn chỉnh. Đồng thời nhà vua còn chỉ đạo trực tiếp việc tổ chức phòng thủ tại các địa phương:
Phàm các cửa tấn rộng và sâu, tàu thuyền có thể ra vào, đều phải chọn những nơi xung yếu xây đồn đắp luỹ hoặc xây pháo đài ở núi đất sao cho thật kiên cố, đặt pháo lớn, phái binh lính canh phòng nghiêm ngặt. Trong các tấn, đường sông nào hễ sâu rộng cần phải chọn đóng binh ở những nơi hiểm trở. Trồng các cọc gỗ hoặc chế tạo các rồng cỏ hoặc làm dây sắt xoắn giăng thành hàng ngang chặn đường, khi có biến lập tức kéo căng dây lên để trói chặt. Phàm những nơi như thế hai bên bờ nên đắp các bờ luỹ để phòng giặc hoặc làm các hầm pháo mới có thể vừa chống cự vừa phòng thủ.
Lại kết các hạng thuyền lớn hoặc mượn thêm thuyền của dân, chỉ chừa khoảng trống cho thuyền cá có thể qua lại. Ngoài ra dùng các thùng gỗ chứa đầy cát đá đánh chìm xuống giữa dòng nước để ngăn đường tiến của thuyền giặc. Lại làm nhiều bè mảng bằng tre trúc chuẩn bị đủ dùng khi đánh giặc. Phàm kế sách chuẩn bị này có chỗ nào đã liệu đặt mà chưa thật chu toàn kiên cố lập tức gia tâm chỉnh đốn, chỗ nào chưa hoàn bị lập tức làm lại.
Vua cũng nghiêm lệnh cho tướng lĩnh và người đứng đầu các tỉnh thành “cần vỗ về nhân dân, luyện tập binh sĩ làm sao để biên cương luôn bền vững, chớ vì trước mắt chưa có việc mà lơ là phòng bị. Chỉ vì một chút sơ suất thành Gia Định đã bị vây hãm. Các ngươi chớ có đi theo vết xe đổ đó, chẳng những tên tuổi thân thế khó bảo toàn mà còn để lại nỗi lo lắng cho muôn dân, làm sao có mặt mũi nào nhìn mọi người. Các ngươi ở các địa phương cần có trách nhiệm giữ đất, không được phụ lòng trông đợi của Trẫm”[5].
Liên quân Pháp - Tây Ban Nha đánh chiếm thành Gia Định (2.1859)
Nguồn: Sách Việt Nam trong quá khứ qua tranh khắc Pháp
Mặc dù đã rất nỗ lực nhưng trước sức mạnh quân sự hiện đại của phương Tây, nhà Nguyễn đã nhanh chóng thua trận và mất dần chủ quyền vào tay thực dân Pháp. Tuy vậy qua các Mật Dụ khai thác từ Châu bản không thể phủ nhận ý chí, tinh thần trách nhiệm và quyết tâm kháng chiến chống thực dân xâm lược của vua quan nhà Nguyễn. Việc để mất nước trong thời gian cầm quyền cũng là nỗi day dứt khôn nguôi của vua Tự Đức cho đến cuối cuộc đời./.
Nguyễn Thu Hoài