10:48 PM 17/03/2024  | 

Vàng thường được xem là kim loại quý hiếm bậc nhất và đắt nhất thế giới. Những ngày qua, giới đầu tư đang đứng ngồi không yên do biến động không ngừng của giá vàng. Ở Việt Nam, việc thăm dò và khai thác vàng đã được thực hiện từ những thế kỷ trước. Một trong những mỏ vàng lâu đời nhất ở nước ta cho đến nay là mỏ Bồng Miêu thuộc tỉnh Quảng Nam.

Quảng Bình cây gỗ cũng nhiều

Nông Sơn than đá, Bồng Miêu mỏ vàng[1]

Theo thông tin trên Bulletin économique de l'Indochine [Tập san kinh tế Đông Dương] số ra ngày 01/8/1901, Bồng Miêu là một làng nhỏ thuộc tỉnh Quảng Nam, lọt giữa một dãy đồi, cách Tourane [Đà Nẵng] 100km về phía nam theo đường chim bay và cách biển 25km. Tourane là cảng gần nhất.

Từ Tourane, ta đến Tam Kỳ, nơi có mỏ Bồng Miêu, bằng 2 cách: đường bộ hoặc đường thủy.

Đường bộ là con đường Cái quan chạy dọc bờ biển Trung Kỳ; ta có thể ngồi cáng hoặc ghế kiệu chứ khó mà đi ngựa do không có trạm. Khoảng cách giữa Tourane và Tam Kỳ khoảng 100km, ngồi ghế kiệu mất chừng 12 giờ.

Đường sông dài hơn nhiều nhưng dễ chịu hơn; thuyền buồm lớn mất khoảng 4 đến 5 ngày, thuyền tam bản từ 36 đến 40 giờ. Đường từ Tam Kỳ đến làng Bồng Miêu đẹp và khá dễ đi, khoảng cách chừng 25km.

Từ làng Bồng Miêu trở đi, đường hẹp lại rồi dẫn đến một thung lũng rộng rãi, dưới đáy thung là dòng sông Vàng. Bên bờ sông sừng sững ngọn đồi Bồng Miêu nổi tiếng: đồi cánh đồng vàng với cái tên được đặt cho toàn bộ vùng mỏ, trên đỉnh đồi có những vết lộ vỉa minh chứng cho cái tên của nó.

Nhà máy được xây dựng bên sườn đồi, cạnh một dòng thác cao 60 mét do một nhánh của sông Vàng tạo thành.

Một tuyến cáp dài 1200 mét nối nhà máy với các vỉa của núi Kẽm, nằm bên sườn ngọn núi cùng tên.

 

Xuyên rừng để xây dựng cáp treo vận chuyển quặng (Nguồn:TVQGP)

Mỏ vàng Bồng Miêu rõ ràng là đã được biết đến từ lâu, bằng chứng là nhiều giếng và hầm vẫn còn đến nay [năm 1901-ND]; tuy nhiên, cách thức đào hầm, đào giếng cho thấy rằng hoạt động khai thác không được theo dõi chặt chẽ.

Có vẻ như giếng và hầm được đào hú họa và vào cùng một giai đoạn nhưng nhanh chóng bị bỏ hoang, cách đây khoảng 20 năm, không rõ vì lý do gì, sau một đợt khai thác khá qua loa[2].

Theo những dấu vết còn lại, nhóm người này ưu tiên phần quặng mềm giàu sắt; họ phân loại rồi nghiền nhỏ quặng sau đó đãi ở những rãnh nước lân cận.

Đãi vàng ở Bồng Miêu (Nguồn:TVQGP)

Vài đống xỉ bên bờ sông khiến ta nghĩ đến việc xử lý quặng sunfua hóa bằng cách nấu chảy rồi cupen hóa để tách vàng; cũng có thể quặng chỉ được xử lý để lấy chì bên trong.

Mỏ vàng Bồng Miêu là mỏ dạng vỉa xâm nhập [filon-couche], trong đó một chuỗi bong tách liên tục đã đưa khoáng chất vào một lớp gần như nằm ngang.

Vì vậy, toàn bộ phần quặng hóa được tạo thành từ đá phiến mica, nghiêng từ 10 đến 20 độ về phía đông bắc, trong đó nhiều lớp đã bị quặng hóa với độ dày đao động từ 40cm đến 2m.

Các lớp này được tạo thành từ nhiều vỉa đá phiến lượn sóng và xếp nếp, chứa nhiều khối thạch anh và đá phiến, nhiễm galen và pirit.

Cái tên "Cánh đồng vàng" rất đúng với Bồng Miêu do sự hiện diện của những khối thạch anh lớn, chúng không bị xói mòn nhiều và vẫn nhô lên khỏi mặt đất, thậm chí, có những bãi rộng và dày nhiều mét. Trong đó có những mảnh đá phiến, bên trong màu xám hoặc trắng nhạt, ngoài đỏ nâu.

Cạnh những cánh đồng vàng này, ta thấy trên diện tích khá rộng khoảng 32 giếng sâu chừng 10 mét, với những đường hầm xuyên sang trái và phải và nhiều buồng khai thác rộng rãi chứa nhiều quặng.

Trên đồi Bồng Miêu, hiện đang đào một đường hầm dài chừng 100 mét ngược lên lớp [quặng hóa] để sau đó thâm nhập vào khu vực giàu quặng nhất.

Các vết lộ vỉa của lớp [quặng hóa] trên sườn đồi, cho phép đánh thẳng vào mạch quặng bằng những đường hầm ở lưng chừng đồi. Những đường hầm này thường cao 1m60, rộng 1m30 đến 1m80, cũng được dùng làm hành lang thăm dò và vận chuyển.

Người ta thường đưa 3 thợ mỏ và 4 phu mỏ vào hầm để bốc quặng, chống và bảo trì đường hầm. Thợ mỏ được trả 30 đến 45 xen mỗi ngày và phu mỏ 16 xen mỗi ngày.

Chất nổ sử dụng ở Bồng Miêu là thuốc nổ dynamit. Thuốc nổ này nhập khẩu từ Pháp với khối lượng ít nhất 1 tấn. Nhưng hiện nay, do nhu cầu sử dụng không nhiều nên thuốc nổ được mua lẻ tại Hải Phòng.

Quặng được vận chuyển từ mỏ về nhà máy bằng dây cáp kiểu Otto Pohlig. Cáp dài gần 1200 mét, có 3 trụ cách quãng không đều, cao lần lượt 36, 17 và 8 mét. Tại đây, quặng nhỏ cho thẳng vào máy nghiền, quặng to được mang đi đập nhỏ.

Quặng nghiền xong được thu gom lại. Một phần mang đi xianua hóa, còn phần lớn được trữ trong thùng tô nô để đợi xử lý[3] hoặc bán buôn sang Pháp hay Hong Kong[4].

Người Pháp bắt đầu thăm dò mỏ Bồng Miêu vào khoảng năm 1859. Năm 1918, mỏ này khai thác được 74kg vàng thỏi hoặc vàng bột[5]. Hoạt động khai thác tạm dừng vào năm 1919 vì nhiều lý do, trong đó nguyên nhân chính có lẽ là việc vàng mất giá so với những mặt hàng khác ngay sau Chiến tranh thế giới thứ Nhất. Đến những năm 1922-1923 và 1926-1928, việc thăm dò mới được tiến hành trở lại dẫn tới sự ra đời của nhiều công ty trên địa bàn[6].   

 

[1] Thuận Giang Trần Mạnh Đàn, Tiện Độc Địa dư lục bát ca, Nhà in Canh Tân, Huế, 1935, tr.50

[2] Theo thông tin trên báo L'Éveil économique de l'Indochine, số ra ngày 16 tháng 6 năm 1929, mỏ vàng Bồng Miêu từng được triều đình nhà Nguyễn cho khai thác và bỏ hoang vào khoảng năm 1850.

[3] Quặng thường được tán bột rồi trộn với chất trợ dung phù hợp và nấu chảy sau đó để lạnh, tạo ra cặn và xỉ. Cặn được tách riêng rồi xử lý bằng cách cupen hóa, vì trong cặn thường chỉ chứa chì, vàng và bạc.

[4] Bulletin économique de l'Indochine, số ra ngày 01/8/1901

[5] L'Éveil économique de l'Indochine, số ra ngày 16 tháng 6 năm 1929

[6] Le Colon français républicain, số ra ngày 23/7/1929

Bùi Hệ