Nhân kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số kinh nghiệm trong việc lựa chọn và đề cử hồ sơ ghi danh Di sản tư liệu khu vực và thế giới của UNESCO.
1. Vài nét về Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO
Chương trình Ký ức thế giới (Memory of the World viết tắt là MOW) là một chương trình do UNESCO khởi xướng năm 1992 với mục đích bảo tồn và quảng bá những bộ sưu tập tư liệu có giá trị đang được lưu giữ tại các cơ quan lưu trữ, thư viện và bảo tàng trên toàn thế giới. Mục tiêu của Chương trình Ký ức thế giới về Di sản tư liệu là:
. Tạo điều kiện bảo tồn các di sản tư liệu bằng những kỹ thuật phù hợp nhất;
. Hỗ trợ tiếp cận các di sản tư liệu trên toàn cầu;
. Nâng cao nhận thức trên toàn thế giới về sự tồn tại và tầm quan trọng của Di sản tư liệu;
. Cảnh báo chung các chính phủ và công chúng trong việc bảo tồn và tiếp cận các Di sản tư liệu.
Di sản tư liệu là một thuật ngữ được sử dụng bởi MOW để chỉ những tài liệu, tư liệu có giá trị đặc biệt, có ảnh hưởng rộng lớn trên thế giới. Về hình thức, Di sản tư liệu có thể ở dạng văn bản như: bản thảo, sách, báo, áp phích, thư từ, tập tin máy tính…; các bản vẽ, bản đồ, bản nhạc, sơ đồ, đồ họa… được ghi lại bằng bút mực, bút chì, sơn, con số hoặc các chất liệu khác; tài liệu nghe nhìn như: đĩa âm thanh, băng từ, phim, ảnh… Vật mang tin có thể là giấy, nhựa, da, lá cây, vỏ cây, đá, vải, kim loại… thậm chí kể cả tư liệu ảo như trang web và các tài liệu số khác.
Chương trình Ký ức thế giới (MOW) được quản lý bởi một cấu trúc gồm ba cấp: quốc tế, khu vực và quốc gia.
. Ủy ban tư vấn quốc tế (International Advisory Committee viết tắt là IAC) là cơ quan cao nhất có trụ sở chính tại Paris (Pháp), chịu trách nhiệm tư vấn cho UNESCO về lập kế hoạch, thực hiện Chương trình và giám sát hoạt động của các Ủy ban cấp khu vực và quốc gia.
. Cấp khu vực bao gồm 5 Ủy ban khu vực là Châu Phi, Châu Âu và Bắc Mỹ, Châu Á và Thái Bình Dương, Mỹ Latinh và Ca-ri-bê, Liên bang Ả Rập.
. Hiện nay đã có khoảng gần 100 quốc gia thành lập Ủy ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới.
Hội nghị của Ủy ban tư vấn quốc tế theo chu kỳ nhóm họp hai năm một lần, các đề cử sẽ đệ trình năm trước (năm chẵn) và được xét duyệt công nhận vào năm sau (năm lẻ). Cho đến nay Chương trình Ký ức thế giới cấp quốc tế đã có 11 lần vinh danh các Di sản tư liệu trên toàn thế giới, lần đầu tiên là năm 1997 và gần đây nhất là năm 2017 với tổng cộng 429 Di sản tư liệu của hơn 50 quốc gia trên thế giới. Gần đây vì một số lý do chương trình có thời gian bị gián đoạn, nay đã khởi động trở lại.
Hiện nay Việt Nam có 7 Di sản tư liệu cấp quốc tế do UNESCO công nhận, trong đó có 3 Di sản tư liệu thế giới là Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Bia tiến sĩ triều Lê Mạc tại Văn Miếu-Quốc Tử giám Hà Nội; 4 Di sản tư liệu cấp khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Mộc bản trường học Phúc Giang (Hà Tĩnh) và Hoàng hoa sứ trình đồ (Họa đồ hành trình đi sứ Trung Hoa thế kỷ 18).
Mộc bản triều Nguyễn, Di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO vinh danh năm 2009
Châu bản triều Nguyễn hai lần được UNESCO vinh danh Di sản tư liệu Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương năm 2014 và Di sản tư liệu thế giới năm 2017
Bia tiến sĩ triều Lê Mạc tại Văn Miếu-Quốc Tử giám Hà Nội được UNESCO vinh danh Di sản tư liệu thế giới năm 2011
2. Một số kinh nghiệm trong việc lập hồ sơ ghi danh Di sản tư liệu khu vực và thế giới
Để việc lập hồ sơ các di sản trình UNESCO được thuận lợi và đạt hiệu quả cao cần có nhận thức đúng đắn về sự cần thiết, quan trọng của khâu lựa chọn tư liệu đề cử và xây dựng hồ sơ đề cử. Trước khi đệ trình cần nghiên cứu kỹ mẫu hồ sơ và hướng dẫn của UNESCO, thực hiện đúng, đủ các các tiêu chí yêu cầu của một bộ hồ sơ theo quy chuẩn.
Sau đây là một số kinh nghiệm trong việc lập hồ sơ ghi danh Di sản tư liệu khu vực và thế giới:
- Lựa chọn tư liệu đề cử phù hợp
Việc lựa chọn tư liệu phù hợp là rất quan trọng, quyết định rất lớn đến thành công hay thất bại của hồ sơ đề cử. Các tài liệu, tư liệu đề cử phải có giá trị nổi bật về nội dung hoặc đặc sắc về hình thức ở tầm khu vực hoặc quốc tế. Ngoài ra cần xác định rõ những vấn đề sau:
+ Về nội dung: tư liệu đó nên hướng đến những giá trị nhân văn tích cực mang lại cho cộng đồng, tránh những nội dung mang tính kích động, phân biệt chủng tộc. Hạn chế những nội dung mang màu sắc tôn giáo hoặc thể hiện những quan điểm chính trị cực đoan;
+ Về hình thức: tư liệu có hình thức đẹp sẽ là một lợi thế, hoặc được chế tác trên những vật liệu đặc biệt, hiếm có, thậm chí đã không còn tồn tại như viết trên da thú, lá cây, đĩa âm thanh hoặc bằng những ký tự, chữ viết cổ…
+ Về bản quyền: tư liệu cần được xác định rõ ràng về bản quyền, có thể thuộc cá nhân hoặc tổ chức nhưng không được tranh chấp về quyền sở hữu. Nếu là tư liệu của cá nhân có thể ủy quyền cho một cơ quan tổ chức đứng ra xây dựng hồ sơ và đệ trình nhưng hai bên phải hoàn toàn đồng thuận, nhất trí. Hồ sơ có thể đệ trình liên danh giữa nhiều chủ thể sở hữu, thậm chí liên danh của nhiều quốc gia, ví dụ: Hồ sơ Tài liệu lưu trữ về Công ty Đông Ấn Hà Lan là đề cử chung của các nước Hà Lan, Ấn Độ, Indonesia, Nam Phi và Sri Lanka được công nhận di sản năm 2003; Bức thư bằng vàng của vua Alaungphaya Miến Điện gửi tới vua George II của Vương quốc Anh năm 1756 là đề cử chung của các nước Đức, Anh và Mi-an-ma được công nhận di sản năm 2015; Bộ sưu tập các tác phẩm của Họa sĩ Fray Bernardino de Sahagun (1499-1590) là đề cử chung của Mê-hi-cô và Ý được công nhận di sản năm 2015…
- Lựa chọn cấp đề cử phù hợp
Khi chuẩn bị hồ sơ đề cử cần xác định rõ tư liệu có tầm ảnh hưởng ở cấp độ nào để đệ trình cấp xét duyệt cho phù hợp. Tư liệu dù có giá trị đặc biệt nhưng chỉ trong phạm vi một quốc gia cũng sẽ khó để đệ trình cấp quốc tế. Các tư liệu có tầm ảnh hưởng hẹp chỉ trong một khu vực hoặc một số quốc gia lân cận nên đề cử ở cấp khu vực. Các tư liệu có giá trị ảnh hưởng rộng lớn, liên quốc gia, liên khu vực cả về nội dung và hình thức có thể đăng ký đệ trình cấp thế giới.
Một hồ sơ có thể đệ trình cả cấp khu vực và thế giới, tuy nhiên nên đệ trình cấp khu vực trước, sau khi được công nhận có thể nâng cấp hồ sơ để đệ trình cấp cao hơn. Nếu nhận thấy tư liệu có giá trị đặc biệt, có tầm ảnh hưởng quốc tế cao, có thể đệ trình thẳng cấp thế giới mà không cần qua cấp khu vực. Việt Nam từng có hồ sơ Mộc bản triều Nguyễn đề cử thẳng cấp quốc tế và được công nhận năm 2009; ngoài ra có hai đề cử được vinh danh Di sản tư liệu ở cả cấp khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và thế giới là Bia tiến sĩ triều Lê Mạc tại Văn Miếu-Quốc Tử giám Hà Nội (năm 2010 và năm 2011), Châu bản triều Nguyễn (năm 2014 và năm 2017).
- Tuân thủ các tiêu chí và hướng dẫn của UNESCO
Tuân thủ các tiêu chí và hướng dẫn của UNESCO là việc cần thiết trong quá trình xây dựng hồ sơ. Yêu cầu cơ bản đối với một bộ hồ sơ đề cử thường gồm các nhóm thông tin sau:
+ Thông tin pháp lý: Hồ sơ cần phải cung cấp đầy đủ rõ ràng các thông tin về chủ thể đề cử (cá nhân hay tổ chức đề cử, mối liên quan với di sản được đề cử, thông tin để liên hệ và xác nhận của người có thẩm quyền); ngoài ra hồ sơ cũng cần cung cấp thông tin về chủ thể sở hữu và chủ thể quản lý (nếu không phải là một), tình trạng pháp lý (trách nhiệm pháp lý và hành chính đối với di sản), tình trạng bản quyền (có tranh chấp hay không), khả năng tiếp cận (khuyến khích việc tiếp cận là một mục tiêu cơ bản của MOW);
+ Thông tin mô tả: Một đề cử cần phải được mô tả đầy đủ, ngắn gọn, chính xác, dễ hiểu gồm Tên và đặc điểm của di sản đề cử, lịch sử nguồn gốc của tư liệu, mục lục chi tiết liên quan, các hình ảnh minh họa, clip, video kèm theo;
+ Tiêu chí đánh giá: Đây là phần quan trọng nhất của một đề cử, hồ sơ cần làm rõ các điểm đặc biệt, nổi bật của di sản như: Tính xác thực (tư liệu ra đời trong hoàn cảnh nào? nguồn gốc có tin cậy không?); Tính quý hiếm (tư liệu có nội dung hoặc thời gian hoặc tính chất vật lý đặc biệt gì?); Tính toàn vẹn (tư liệu còn đầy đủ/còn một phần/đã bị thay đổi/bị hư hỏng?); Ý nghĩa quốc tế (tư liệu có nội dung, hình thức độc đáo, khác biệt hoặc là thứ duy nhất không thể thay thế, nếu mất đi hoặc bị hủy hoại sẽ là tổn thất của nhân loại, tạo nên tác động lớn trong một khoảng thời gian hoặc trong một khu vực văn hóa liên quốc gia). Ngoài ra còn một số tiêu chí khác như thời gian, địa điểm sản sinh tư liệu hoặc liên quan đến con người, bối cảnh văn hóa xã hội đặc biệt…
+ Thông tin bổ trợ: Hiện trạng quản lý (cần nêu rõ tình trạng thực tế của tư liệu), kế hoạch bảo tồn (cần có kế hoạch cụ thể về quản lý, bảo tồn, khai thác tư liệu đó), đánh giá các rủi ro có thể đe dọa đến di sản, ý kiến của các chuyên gia nhận định khách quan về di sản…
- Chuẩn bị hồ sơ chu đáo
Một bộ hồ sơ khi đệ trình cần được hoàn thiện đầy đủ, chất lượng, đúng quy chuẩn với nội dung chính xác, phong phú, có giá trị sâu sắc về mặt tri thức và thực tiễn. Các thông tin cung cấp trong hồ sơ cần ngắn gọn, dễ hiểu, đúng nội dung yêu cầu, nêu bật giá trị của di sản. Kế hoạch hành động cần được xây dựng thật cụ thể với các mục tiêu rõ ràng, đủ tính thuyết phục sẽ góp phần không nhỏ trong thành công của một đề cử. Ngoài ra việc dịch và hiệu đính hồ sơ sang tiếng Anh (hoặc ngôn ngữ quy định) cần chuẩn xác, sử dụng thuật ngữ phù hợp với chuyên môn và lĩnh vực đề cử.
Sự tham gia của các chuyên gia vào quá trình lập hồ sơ cũng là việc cần thiết để góp ý, chỉnh sửa, tư vấn và bảo chứng thông tin cho hồ sơ đệ trình. UNESCO có thể liên lạc với các chuyên gia để tham khảo ý kiến cho việc đánh giá của mỗi đề cử. Ngoài việc điền thông tin vào mẫu đề cử chính, một bộ hồ sơ cũng cần hoàn thiện các thông tin bổ trợ khác như cung cấp hình ảnh minh họa, phim, phiên bản tư liệu… làm phong phú và tạo ấn tượng tốt cho hồ sơ đề cử.
- Tổ chức các hoạt động bên lề
Việc tổ chức các hoạt động bên lề để tuyên truyền, quảng bá cho di sản là không thể thiếu khi đệ trình hồ sơ. Một di sản sẽ được đánh giá cao nếu được quản lý, bảo tồn và khai thác sử dụng đúng mục đích, đem lại hiệu quả tốt cho xã hội. Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá không chỉ nhằm mục đích vận động hành lang cho đề cử mà còn giúp giáo dục nâng cao nhận thức của công chúng và cộng đồng đối với di sản.
Các hoạt động bên lề có nhiều hình thức, có thể là chuỗi các sự kiện quảng bá giới thiệu di sản đó trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, có thể tổ chức các hội thảo để đánh giá tiềm năng giá trị của di sản hoặc tổ chức các trưng bày để giới thiệu rộng rãi đến công chúng trong và ngoài nước về di sản…
Sau khi di sản được vinh danh các tổ chức, cá nhân quản lý di sản cần có ngay chiến lược và kế hoạch bảo tồn để đảm bảo di sản được bảo vệ bền vững và phát huy tốt nhất giá trị phục vụ cộng đồng đúng như tôn chỉ và khuyến nghị của UNESCO.
Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm được UNESCO vinh danh Di sản tư liệu Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương năm 2012
Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được UNESCO vinh danh Di sản tư liệu Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương năm 2016
Mộc bản trường học Phúc Giang (Hà Tĩnh) được UNESCO vinh danh Di sản tư liệu Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương năm 2016
Họa đồ hành trình đi sứ Trung Hoa thế kỷ 18 (Hoàng hoa sứ trình đồ) được UNESCO vinh danh Di sản tư liệu Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương năm 2018
3. Lời kết
Có thể nói Việt Nam là quốc gia có nền văn hiến lâu đời, các nguồn tài liệu, tư liệu chứa đựng thông tin rất phong phú, rất nhiều tiềm năng về di sản tư liệu. Tuy nhiên hiện nay Việt Nam chưa phải là quốc gia có nhiều Di sản văn hóa, kể cả Di sản vật thể và phi vật thể. Cho đến nay tại Việt Nam mới có 7 Di sản tư liệu được UNESCO công nhận, thực sự chưa tương xứng với tiềm năng của nguồn di sản này.
Di sản tư liệu là loại hình khá mới mẻ và đặc thù so với các loại hình di sản khác, đây là loại di sản vừa mang tính vật thể vừa mang tính phi vật thể, là kho tri thức quý giá của nhân loại. Tuy vậy loại hình này chưa thực sự được quan tâm thích đáng, đến nay Di sản tư liệu hầu như chưa có các quy định pháp lý về quản lý và bảo tồn. Luật Di sản Văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 không có bất cứ điều khoản nào quy định về Di sản tư liệu. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang sở hữu, quản lý Di sản tư liệu hầu như vẫn đang hoạt động “tự phát” chứ chưa có sự quản lý thống nhất và định hướng cụ thể của các cơ quan chức năng.
Vì vậy để các di sản nói chung và di sản tư liệu nói riêng được bảo tồn và phát huy tốt nhất giá trị, các ngành chức năng cần nghiên cứu ban hành sớm các văn bản quy phạm cho việc quản lý và bảo tồn loại hình di sản này. Ngoài ra cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân và cả các cơ quan tổ chức về di sản và giá trị của di sản. Công tác xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO cũng cần nhìn nhận nghiêm túc hơn để có thể tìm kiếm, phát hiện, chọn lọc được những di sản xứng đáng; nâng cao chất lượng các đề cử nhằm giúp cho các di sản có cơ hội được giới thiệu, bảo tồn, gìn giữ và trao truyền không chỉ ở trong khu vực quốc gia mà còn ở tầm quốc tế./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Hướng dẫn thực hiện Công ước di sản thế giới của UNESCO.
2. Khuyến nghị của UNESCO năm 2015 về bảo tồn và truy cập Di sản tư liệu.
3. Mẫu đề cử Danh mục Di sản tư liệu cấp quốc tế của UNESCO.
Nguyễn Thu Hoài