10:32 PM 30/06/2024  | 

Là một trong ba thành phố lớn ở đồng bằng châu thổ sông Hồng, Nam Định là giao điểm quan trọng giữa đường bộ và đường thủy. Nói đến vùng đất này, người ta không thể không nhắc đến Công ty Bông Bắc Kỳ ở Nam Định - một trong những biểu tượng của nền công nghiệp thuộc địa

Sau ngày 02/9/1945, tướng Leclerc - được giao chỉ huy quân viễn chinh Pháp - đến Viễn Đông, với nhiệm vụ đưa quân Pháp hiện diện trở lại khu vực này. Bất chấp Hiệp định sơ bộ Việt Nam - Pháp ký ngày 06/3/1946, hay Hội nghị trù bị Đà Lạt cho đến Tạm ước 14/9/1946 ký tại lâu đài Fontainebleau, chính quyền Pháp quyết tâm trở lại Đông Dương, trong đó có Việt Nam.

Sau khi tham gia các chiến dịch giải phóng Pháp và Đức, tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn bộ binh thuộc địa số 6 dưới sự chỉ huy của tên tiểu đoàn trưởng Daboval lên tàu Pasteur ngày 26/10/1945, đến Bắc Kỳ ngày 06/3/1946 và đụng độ với quân Tưởng ở Hải Phòng trước khi di chuyển về Hà Nội. Tháng 9/1946, tiểu đoàn này được chia thành hai toán đồn trú: một đại đội đóng ở Hải Dương và số còn lại đóng ở Nam Định. Ngay sau khi đến Nam Định, tên tiểu đoàn trưởng Daboval - vốn dạn dày trận mạc - đã ra lệnh tăng cường phòng thủ thành phố, chọn nhà máy Bông làm vị trí phòng thủ, biến tòa nhà Ngân hàng Đông Dương thành lô cốt, đồng thời cho lập các khu dự trữ lương thực, đào giếng và cướp trâu bò của dân làm thực phẩm dự trữ nhằm đối phó với các cuộc tấn công và đánh trả của quân Việt Minh.

Trong đêm ngày 05 rạng sáng ngày 06/01/1946, hai trăm lính dù thuộc bán lữ đoàn SAS dưới sự chỉ huy của tên trung tá Bollardière được thả xuống chi viện cho lính tiểu đoàn 2 của Daboval ở Nam Định. Đồng thời một hải đội cho đổ bộ các đơn vị thuộc bán lữ đoàn số 2, sư đoàn bộ binh thuộc địa số 9 (2e DB, de la 9e DIC) và trung đoàn lê lương hải quân số 3 dưới sự chỉ huy của trung tá Stoeber được công binh và máy bay tiêm kích yểm trợ. Ngày 10/3, sau 82 ngày chiến đấu anh dũng và để bảo toàn lực lượng, quân Việt Minh rút khỏi Nam Định.

Nam Định những ngày bị chiếm đóng

Sau khi tái chiếm thành phố, Pháp tích cực cho xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ các hoạt động quân sự của chúng ở khu vực nam đồng bằng châu thổ sông Hồng. Từ tháng 8/1947, Nam Định trở thành căn cứ của sư đoàn hải quân xung kích (Dinassaut 3), dưới sự chỉ huy của đại úy hải quân Garnier, sau đó là thiếu tá Acloque. Sư đoàn này tham gia vào rất nhiều cuộc hành binh, chiến dịch quân sự lớn của Pháp ở Bắc Kỳ như chiến dịch Léo diễn ra tháng 10/1947 hay Mouette (Mòng biển) diễn ra từ tháng 8-11/1953 ở khu vực Tây Bắc.

 

(Sơ đồ khu vực quân sự của quân Pháp ở thành phố Nam Định năm 1948, Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp)

 

Hòng biến Nam Định thành trung tâm quân sự ở khu vực nam đồng bằng châu thổ sông Hồng, Pháp cho lập nhiều đồn binh chốt chặn các vị trí có thể được lực lượng chiến đấu Việt Minh di chuyển hoặc chọn làm căn cứ. Năm 1948, Pháp cho lập đồn binh Gôi làm nơi đặt chốt chủ huy của tiểu khu Ninh Bình trên đỉnh núi Gôi cao 74m có hình con voi đang nằm ngủ. Đồn binh này là 1 trong số 5 đồn binh được quân Pháp xây dựng  ở khu vực quanh núi Gôi[1], hòng ngăn chặn và kiểm soát việc di chuyển của các đợn vị chiến đấu của Việt Minh trên quốc lộ 10. Sau đó, để tăng cường phòng thủ cho thành phố, năm 1950, chúng cho xây dựng đồn binh ở núi Ngăm, nằm ở vị trí cao có thể bao quát một khu vực rộng lớn.

 

(Ảnh: Sơ đồ toàn cảnh đồn binh Núi Ngăm, Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp)

 

Cũng trong năm 1950, đại đội 3 thuộc tiểu đoàn công binh số 61 của Pháp đã đưa vào vận hành hai phà Nam Định và Tân Đệ phục vụ việc chuyển quân trong các chiến dịch quân sự. Trong mục tiêu bình định đồng bằng châu thổ sông Hồng, không quân Pháp xem xét mở rộng sân bay dã chiến Nam Định. Theo tài liệu lưu trữ của Bộ Quốc phòng Pháp, năm 1952, Công binh Pháp ở Bắc Kỳ đã trình nghiên cứu mở rộng sân bay cho phép máy bay Dakota của chúng có thể cất và hạ cánh. Tính đến năm 1952, Nam Định có khu không quân gồm đường lăn dài 700m rộng 45m và đường băng dài 700m rộng 25 m cùng khu sân bay cũ dài 300m, rộng 250m. Điều này khiến máy bay Dakota không thể sử dụng sân bay Nam Định khi tham gia các hoạt động quân sự ở nam đồng bằng châu thổ sông Hồng, đặc biệt là khu vực Phủ Lý, Nam Định, Thái Bình. Máy bay Dakota cần đường lăn dài 1000m rộng 100m và đường bằng dài 1000m rộng 30m. Việc xây dựng sân bay phải tính đến khả năng lũ lụt, gần trung tâm Nam Định để có thể đảm bảo an toàn và phòng thủ, thuận hướng gió chính thổi theo chiều Bắc-Nam.

Viên đại úy phụ trách dự án mở rộng sân bay đã đưa ra ba phương án. Phương án 1 (số 1 trên sơ đồ): sân bay nằm sát sông Nam Định ở phía đông thành phố. Phương án có ưu điểm là đáp ứng các điều kiện về chiều dài và chiều rộng của đường lăn cũng như đường băng, gần Nam Định và nằm phía trong đê. Nhược điểm là không thuận hướng gió, chi phí giải phóng mặt bằng cao (cần phá hủy nhiều nhà tranh, kho bãi của các công ty) và cần bồi đắp thêm phần kéo dài để có thể đáp ứng yêu cầu địa chất. Phương án 2 (đánh dấu số 2 trên sơ đồ) là sử dụng lại khu vực sân bay cũ. Phương án này có ưu điểm là đáp ứng các điều kiện về chiều dài cũng như chiều rộng của đường lăn và đường băng, thuận chiều gió. Bất lợi lớn nhất nằm ở chỗ đây là khu vực ngoài đê nên có nguy cơ bị lũ lụt, cần di dời khu mả Tàu (Cimetière chinois), chạy cắt ngang đường Vụ Bản và cần có kinh phí lớn để bồi nền các khu ruộng rộng lớn. Phương án 3 (số 3 trên sơ đồ) là kéo dài và mở rộng khu sân bay hiện có. Ưu điểm của phương án này là không tốn nhiều nhân lực và tài lực để bồi nền, mở rộng đường lăn và đường băng, thuận chiều gió thổi. Khu đất sẽ được bảo vệ khỏi lũ lụt dễ dàng vì có thể đắp đê ngăn. Bất lợi là việc giải phóng mặt bằng hai bên đường lăn và đường băng gặp khó khăn, phía bắc là khu dân cư làng Tức Mạc, phía nam giáp với các tòa nhà của ga Nam Định, trung tâm và phía đông là tòa nhà của trại lính Carreau.

Theo lập luận của viên đại úy, phương án 3 là khả thi nhất: đỡ tốn kém, dự án có thể chia thành nhiều giai đoạn tùy theo mức cấp thiết, dễ kéo dài đường băng và nắn đê chắn, đường lăn với chiều rộng 100m sẽ kéo dài tới đường đi Phủ Lý và cần di dời đường điện cao thế. Năm 1953, phương án 3 đã được duyệt chọn với kinh phí dự kiến là 140 triệu francs. Đó chính là khu vực phi trường sau nhà máy Cơ khí Nam Hà, với hệ thống đê được bồi nền mà người dân quen gọi là đê Rặng Xoan và nay là đường Lương Thế Vinh, còn đường điện cao thế là bốt điện nằm ở đê Rặng Xoan.

 

(Sơ đồ khu vực quân sự của quân Pháp ở thành phố Nam Định năm 1952)

Nam Định - khúc khải hoàn

Ngày 07/5/1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ hoàn toàn, tạo lợi thế cho ta trên bàn thương lượng tại Hội nghị Genève về lập lại hòa bình ở Đông Dương, trong đó có Việt Nam, khai mạc ngày 24/4. Tại Đông Dương, Pháp bắt đầu rút quân về khu vực gọi là "đồng bằng châu thổ sông Hồng hữu ích", tức là khu vực bên trong phòng tuyến được De Lattre cho xây dựng năm 1951[2]. Bức điện số 30278-30279 đề ngày 26/6/1954 của Văn phòng Quốc vụ khanh phụ trách quan hệ với các nước liên kết - gửi tới tướng Paul Ely, Tổng chỉ huy quân Pháp ở Sài Gòn và đặc biệt gửi tới phụ tá của ông ta tức tướng Raoul Salan, người hiểu rất rõ về Đông Dương - đã tóm tắt nội dung bức điện ngày 23/6 của Thủ hiến Bắc Kỳ thông báo việc chính quyền Pháp đã bắt đầu rút quân khỏi Hà Nam, Bùi Chu, Phát Diệm và Nam Định.

 

(Ảnh Bức điện ngày 26/6/1954 thông báo quân Pháp bắt đầu rút khỏi Nam Đinh, Lưu trữ Bộ quốc phòng Pháp)

 

Nam Định hoàn toàn được giải phóng. Niềm vui khải hoàn của quân dân thành phố được thể hiện qua một số bức ảnh tìm thấy trong tài liệu Lưu trữ của Bộ Quốc phòng Pháp, chụp ngày 19/8/1954 và 02/9/1954.

Chùm ảnh:

 

Một số hình ảnh về mít tinh ngày 19/8/1954 ở Nam Định, Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp

 

 

Tướng Văn Tiến Dũng duyệt binh ngày 19/8/1954 ở thành phố Nam Định

 

 

Lễ chào cờ ngày 02/9/1954 do đồng chí Hoàng Văn Tiến (đeo cà vạt đen) chủ trì, Lưu trữ Bộ quốc phòng Pháp.

 

 

Diễu binh qua các khu phố của thành phố Nam Định, ngày 02/9/1954, Lưu trữ Bộ quốc phòng Pháp

 

 

Diễu binh ngày 02/9/1954 ở thành phố Nam Định, Lưu trữ Bộ quốc phòng Pháp

 

 

 

 

[1] . Theo Lưu trữ Bộ quốc phòng Pháp, tập hợp 5 đồn binh này gồm đồn Gôi ở nam quốc lộ 10, đồn Bảng Côi nằm dưới chân núi gần đường sắt cũ bên rìa quốc lộ 10, đồn Vân Côi ở làng Vân Côi, đồn Phú Thứ nằm ở tây nam đồn Gôi và đồn Côi Sơn ở rìa đường 56 phía đông đồn Gôi,

[2]. Tham khảo thêm bài viết về vai trò của Paul Ely hậu Điện Biên  Phủ qua bài viết: https://www.archives.org.vn/gioi-thieu-tai-lieu-nghiep-vu/hoi-nghi-quan-su-trung-gia-xuc-tac-thanh-cong-cua-hoi-nghi-geneve-ky-1-tuong-paul-ely-va-cuoc-chien-tranh-dong-duong.htm

Ngọc Nhàn