09:30 PM 17/12/2024  | 

Lễ Ban sóc triều Nguyễn được tổ chức vào ngày mồng 1 tháng Chạp hàng năm. Thời Gia Long và những năm đầu thời Minh Mệnh, việc Ban sóc được thực hiện ở điện Thái Hòa. Đến tháng 12 năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), lần đầu tiên Vua Minh Mệnh đã cho tổ chức lễ Ban sóc tại sân trước Ngọ Môn.

Hình ảnh Điện Thái Hòa - nơi tổ chức lễ Ban sóc thời Vua Gia Long và Vua Minh Mệnh (1802-1840)

Nguồn: Sưu tầm

 

Nghi thức lễ Ban sóc dưới thời Vua Minh Mệnh được tổ chức quy mô và duy trì cho đến hết triều Nguyễn. Cụ thể: Sáng ngày lễ Ban sóc, các quan và hoàng thân trong phẩm phục đại triều và sắp hàng nghiêm chỉnh trên sân trước Ngọ Môn, quan văn bên trái, quan võ bên phải, các hoàng thân sắp hàng cùng một phía với quan Võ. Xa giá của Vua từ điện Cần Chánh ra đến Ngọ Môn, chuông trống trên lầu đổ hồi, Vua bước lên lầu Ngũ Phụng và an vị trên ngự tọa đã được bày sẵn. Đúng lúc đó thì chuông trống cũng vừa chấm dứt. Ở dưới sân, một quan đại thần được cử ra quỳ tâu xin ban sóc. Tất cả các quan hướng về lầu Ngũ phụng lạy năm lạy và cuộc lễ Ban sóc chấm dứt.

Lễ Ban sóc được tổ chức vào cuối năm âm lịch. Đây là một trong những lễ chính thức của triều đình, nghi lễ đầu tiên đánh dấu một năm mới chuẩn bị đến. Ngày mồng 1 tháng 12 năm Gia Long thứ 5 (1806), “Vua ngự điện Thái Hòa. Lễ bộ dẫn Khâm thiên giám đem lịch Vạn toàn năm Đinh mão tiến lên để ban cho trong ngoài. Trước kia lấy ngày phong ấn để ban lịch. Năm Giáp Tý đổi dùng ngày hôm sau. Đến nay chuẩn định ngày mồng 1 tháng 12, làm lệ mãi mãi[1]. Tuy nhiên, người thời xưa coi hiện tượng nhật thực là điềm gở hoặc không may. Khâm thiên giám dự báo vào ngày mồng 1 tháng Chạp năm Tự Đức thứ 32 (1879) có nhật thực, nên Lễ ban phát lịch năm Canh Thìn (1880) chuyển sang ngày mồng 2 làm lễ và do Bộ Lễ chuyển tư bằng ngựa cho các địa phương các tỉnh nhất loạt thực hiện[2].

Khi mới lên ngôi, Vua Minh Mệnh vẫn tiếp tục kế thừa nghi lễ dâng lịch, ban lịch có từ thời Vua cha, coi lễ Ban sóc là một lễ tiết chính thức của triều đình. Ngày mồng 1 tháng Chạp năm Minh Mệnh thứ 2 (1821), “Vua mặc thường phục ngự ở điện trước cửa hành tại. Khâm thiên giám đem lịch năm Nhâm Ngọ dâng lên. Trước là quan Lễ bộ xin thiết triều ở hành tại để làm lễ Ban sóc (ban lịch), Vua không nghe, chỉ sai quan Khâm thiên giám đội mũ mặc áo dâng lịch thôi. Lại truyền dụ cho ở Kinh hôm ấy phải thiết triều ở điện Thái Hòa, Hoàng trưởng tử và các quan lưu Kinh làm lễ bái vọng, rồi lấy sách lịch chia cấp cho trong ngoài[3].

 

Tháng 12 năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), đổi định lại nghi tiết ban lịch.

Nguồn: Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỉ

 

Tháng 12 năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), lần đầu tiên, lễ Ban sóc được tổ chức quy mô ở Ngọ Môn. Lịch không chỉ dành cho triều đình sử dụng mà được ban ra đến tận thần dân. Trong khi các nghi tiết đại triều nghi khác được tổ chức ở điện Thái Hòa, nhà Vua ban chỉ: “Lễ Ban sóc có khác với ba tiết lớn. Nay đổi định: Từ nay về sau làm lễ Ban sóc ở trước cửa Ngọ Môn [4]. Sự thay đổi về địa điểm tổ chức lễ Ban sóc này về sau đã trở thành điển lệ. Năm Tự Đức thứ 2 (1849), đình nghị tâu lên được chỉ chuẩn: “Về lễ Ban sóc, chiếu theo lệ năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) mà làm. Việc này đặt làm thành lệ lâu dài[5]. Nghi lễ dâng lịch, ban lịch còn duy trì cho đến hết triều Nguyễn (1945)[6]. Tuy nhiên, ngày 12 tháng Mười một năm Đồng Khánh thứ nhất (1886), Bộ Lễ tâu: “Năm ngoái lầu Ngọ Môn chưa tiện làm lễ thụ sóc, nên bộ thần đã tâu xin phê chuẩn làm lễ tại điện Thái Hoà[7].

 

Hình ảnh lầu Ngọ Môn - nơi tổ chức lễ Ban sóc từ thời Vua Thiệu Trị cho đến hết triều Nguyễn (1841- 1845)

Nguồn: Sưu tầm

 

Nghi thức ban lịch năm Tân Sửu (1841) được tổ chức long trọng hơn, với việc sắp đặt các vị trí, ban bệ hành lễ cụ thể: Trước một hôm, ty có chức trách đặt 1 án vàng ở chính giữa trước Ngọ Môn, lại đặt 1 cái bàn vàng ở phía Nam cái án vàng. Đến buổi sớm hôm ấy, Hoàng tử công, Hoàng tử, các tước công, văn võ trăm quan đều mặc triều phục theo ban đứng hầu ở ngoài cửa Ngọ Môn, quản lý Khâm thiên giám đại thần đem thuộc viên vào làm lễ dâng lịch. Phụng chỉ Vua tuyên bố ban lịch. Các quan trong và ngoài làm lễ thụ sóc, đúng như nghi tiết. Quản lý Đại thần đem thuộc hạ rước án vàng đến thềm điện Cần Chánh. Một viên Khâm thiên giám bưng hòm lịch vẽ rồng, trao cho viên Nội các tiếp nhận, rồi chuyển giao cho cung giám tiến vào trong cung. Một viên Lễ bộ, một viên Khâm thiên giám tới viện Tả đãi lậu, đưa lịch vẽ rồng đến cửa Tiên Thọ chuyển dâng. Một viên Hộ bộ, một viên Khâm thiên giám, đưa cái bàn vàng để quan lịch đến nhà Duyệt Thị chuyển dâng. Ngày hôm ấy, văn võ trăm quan đều đến viện Tả đãi lậu lĩnh quan lịch công của hạt mình, cấp phát cho các xã dân trong Kinh kỳ[8]. Những năm có gặp thiên tai địch họa hoặc quốc tang thì nhà Vua đều cho giảm một số nghi thức trong lễ Ban sóc. Bản tấu của Bộ Lễ ngày 22 tháng Mười một năm Thành Thái thứ 18 (1906), ghi chép: “Phụng xét ngày mồng 1 tháng Mười hai hàng năm có lễ Ban sóc, theo lệ có thiết đại triều tại lầu Ngọ Môn. Các hoàng thân, vương công, văn võ bá quan đều mặc triều phục làm lễ thụ sóc và đã có quy chế nghi lễ để tuân theo thực hiện. Nhưng năm nay do có quốc tang, vì vậy lễ Ban sóc mồng 1 tháng tới, việc thiết nghi lễ đại triều cùng đem lịch phượng bày đặt, các nghi lễ xin tuân theo như lệ năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), là năm có tang lớn Thuận Thiên Cao hoàng hậu để thực hiện[9].

Năm Minh Mệnh thứ 13 (1832) nhà Vua quy định cụ thể về các khúc nhạc tấu lên tương ứng với từng công đoạn trong ngày ban chính sóc, Khâm thiên giám làm lễ dâng lịch thì tấu bản nhạc “Nguyên bình”. Quan tuyên chỉ tuyên bố rằng lịch đã xong, ban cho trong ngoài rồi đoạn làm lễ tạ ơn, tấu bản nhạc “Hàm bình[10]. Năm Minh Mệnh thứ 18 (1837), quy định cụ thể về hình thức cũng như cách thức sử dụng, bảo quản “cái hộp kính dâng lịch Vua dùng cùng chỗ bày lịch, thì cái khăn trùm đều dùng đoạn lông sắc vàng, bốn góc tết cánh bạc. Đến kỳ tư cho phủ Nội vụ lấy của trong kho mà làm để kính dâng lịch, việc xong lại cất khăn trùm ấy vào kho[11]. Năm Tự Đức thứ hai (1849), nhà Vua quy định khi “kính dâng lịch Vua dùng, thì hộp đựng phải theo đúng thể thức. Về khăn phủ chỉ cứ theo lời bộ tư, đổi làm bằng tơ lông vàng, 4 góc đều có cánh bạc, đem về che phủ xong việc thì nộp vào kho[12]. Đối với “dâng lịch lên cung Từ Thọ thì hộp đựng và khăn phủ, làm riêng 1 bức bằng nhiễu hoa đỏ, dài 1 thước, vẫn để lại trong cung, không được ban ra như trước[13]. Từ những khâu nhỏ nhất trong quá trình dâng lịch, ban lịch cũng được triều Nguyễn quy định cụ thể, chi tiết và tiến hành theo đúng nghi thức quy định và tôn nghiêm. Điều đó càng thể hiện tầm quan trọng của công việc làm lịch, dâng lịch, ban lịch hàng năm của triều đình nhà Nguyễn.

Bản tấu của Bộ Lễ nghi Công tác ngày 16 tháng 11 năm Bảo Đại 13 (6.1.1939) ghi chép về nghi chú lễ Ban sóc

Nguồn: TTLTQG 1, Châu bản triều Nguyễn

 

Các Vua Nguyễn rất xem trọng Nghi lễ tiến hành dâng lịch, xem đây là một trong các lễ lớn trong năm. Bởi vậy, nhà Nguyễn xử lý rất nghiêm khắc các quan làm trái nghi lễ trong Đại lễ Ban sóc. Bản tấu của Bộ Lại ngày 15 tháng Hai năm Thành Thái thứ nhất (1889) ghi chép: “Ngày hôm qua có Đại lễ Ban sóc. Các viên đó sung coi việc nghi lễ thấy nghi trượng đã sắp xếp xong mà vẫn thấy có binh lính đứng, qua lại lẫn lộn. Chúng thần xét thấy ngày hôm đó có Đại lễ Ban sóc, việc thiết đặt triều nghi là việc quan trọng. Phàm những người tham dự phải tuân đúng nghi thức, kính cẩn thực hiện. Vậy mà lần đó cung phụng ngự lịch là giám phó Trần Đức Phương và các viên Quản suất trấn giữ đã không chuẩn bị kiểm tra trấn chỉnh trước, dẫn đến có sự sai nghi thức như vậy, tất cả đều khó chối tội. Về bọn Trần Đức Phương, Hiệp quản Đỗ Trực, Suất đội Trần Phụ, Nguyễn Đông đều xin chiếu theo luật thất nghi đánh 11 roi, chiếu theo tội công phạt mỗi tên 1 tháng bổng. Còn như quan Bộ Lễ và viên kiêm quản Khâm thiên giám là Tôn Thất Vịnh đã biết nhận lỗi, xin nên miễn nghị xử[14].

Những năm gần đây, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nghiên cứu, phục dựng và tái hiện lễ Ban sóc thông qua sân khấu hóa với hình thức và nghi tiết thuở xưa tại Ngọ Môn. Nhằm phát huy di sản vật thể và phi vật thể của triều Nguyễn. Nghi lễ phần nào giới thiệu nét đẹp tinh thần nhân văn của người xưa và là dịp để du khách và người dân Huế cùng trải nghiệm với di sản Cố đô Huế trong ngày đầu năm mới.

 

 

 

[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, tập 1, NXB Giáo dục, H. 2007, tr. 728.

[2] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.

[3] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 2, Nxb. Giáo dục, HN 2007, tr.177.

[4] Nội các triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ, tập 6, NXB Thuận Hóa, Huế. 1993, tr. 242.

[5] Nội các triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ, tập 15, NXB Thuận Hóa, Huế. 1993, tr. 246.

[6] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.

[7] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.

[8] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 5, Nxb. Giáo dục, HN 2007, tr.883.

[9] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.

[10] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 3, Nxb. Giáo dục, HN 2007, tr.296.

[11] Nội các triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ, tập 15, NXB Thuận Hóa, Huế. 1993, tr. 459.

[12] Nội các triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ, tập 15, NXB Thuận Hóa, Huế. 1993, tr. 469.

[13] Nội các triều Nguyễn, Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ, tập 15, NXB Thuận Hóa, Huế. 1993, tr. 469.

[14] TTLTQG I, Châu bản triều Nguyễn.

Thu Thủy